Translate

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Vec tơ tình yêu

Tình yêu có cường độ và phương hướng. Với 2 đặc điểm nầy, tình yêu có thể diễn tả bằng vec tơ. Vì thế bài viết nầy có tiêu đề là vec tơ tình yêu.

Về cường độ tình yêu: Tình yêu có cường độ từ âm sang dương. Mang dấu trừ là khó chịu, nặng hơn là ghét. Cực âm là căm thù muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Giữa âm và dương là zero, nghĩa là bàng quang như với người qua đường không cảm xúc. Dương thì mến, thích, yêu và yêu điên cuồng. Diễn tả như trên chỉ là khái niệm vì đến nay chưa định lượng được cường độ của tình yêu. Vì không ai biết rõ cường độ tình yêu mỗi người, do đó thường có so sánh phóng đại hết cỡ, đại loại như:
"Anh yêu em mãnh liệt như bão tố cuồng phong cho đến khi thiên hôn địa ám!"

Về phương hướng của tình yêu, đây là chủ đề bàn luận chính của bài viết.
Tổng quát, tình yêu có 2 hướng đối nghịch là hướng nội và hướng ngoại. Chúng ta bàn về tình yêu hướng ngoại trước.

A- Tình yêu hướng ngoại:


A1- Phương xuống (theo trực hệ. Trực hệ ở đây chỉ bàn luận tình yêu cùng huyết thống theo dạng ông bà - cha mẹ - con cái. Bài viết chú trọng dạng trực hệ nầy.)


Theo bản năng, cha mẹ bao giờ cũng dành nhiều tình yêu cho con cái. Có lúc người ta phân ra tình cha con (phụ tử) và tình mẹ con (mẫu tử) mà tình mẹ con được tôn dương. Chính nhờ bản năng tình mẹ con mà (đa số) các giống loài động vật bậc cao được  duy trì và phát triển.
Thành ngữ Việt nam có câu: "Nước mắt chảy xuôi", nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái.
Kết luận: Tình yêu phương xuống thuộc bản năng.
Định lý 1: Tình yêu con cái có cường độ mạnh nhất trong tất cả tình yêu hướng ngoại.

A2- Phương ngang (theo trực hệ)

Giai đoạn ấu niên và thiếu niên, trẻ nhỏ thường phát triển tình yêu với anh chị em cùng cha mẹ (hoặc cùng cha, cùng mẹ). Đây cũng là bản năng do việc gần gũi thân thiết. Tình yêu giữa anh chị em để đùm bọc nhau giúp cùng nhau phát triển.
Tuổi thanh niên trưởng thành, con người cũng như các loài động vật khác tự động rời khỏi mái ấm che chở của mẹ cha, để độc lập xây dựng một gia đình mới: tình yêu đực cái hay tình yêu gái trai phát triển. Tình yêu theo phương ngang nầy là tình yêu bản năng để duy trì nòi giống qua việc giao phối. Đương nhiên với con người, tình dục là cần thiết nhưng lại đặt sau nhiều vấn đề khác, tỉ như tâm hồn, sở thích, tình cảm, tiền bạc, địa vị...


Định lý 2: Tình yêu gái trai có cường độ mạnh nhất trong các loại tình yêu phương ngang.

Xưa tụi Tàu nhồi nhét dân Việt những đạo lý phản động khi cho rằng "anh (chị) em như tay chân, vợ chồng như quần áo (huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục)". Ý chúng bảo tình yêu máu mủ mới trọng, còn vợ chồng thì dễ kiếm như quần áo. Hãy nhớ rằng huynh đệ quý đấy, nhưng mỗi người dần dần tạo mỗi gia đình riêng. Còn vợ hay chồng chính là người cùng sống chung chúng ta đến đầu bạc răng long, và vợ hay chồng tuy khác huyết thông, nhưng lại chung sức tạo nên dòng dõi phát triển. Có vợ có chồng mới có con cái, vậy nên vợ hay chồng đương nhiên quý hơn xa anh chị em ruột!

A3- Phương lên (theo trực hệ)

Nhũ nhi mở mắt chỉ biết đói khóc cho đến khi có vú mẹ đút vào mồm. Vì thế trẻ nhỏ mến yêu bầu sữa trước tiên, và khi nhận được người có bầu sữa kỳ diệu ấy, tình cảm đầu tiên của nhũ nhi là tình cảm dành cho mẹ. Mẹ là người nuôi nấng, chăm sóc, vỗ về, an ủi nên đứa con thường dành tình cảm lớn nhất cho mẹ.
Với người cha, đầu tiên đứa trẻ nhận ra sự quen biết (do thường xuyên ở chung). Nhờ sự nâng niu săn sóc của người cha, đứa trẻ dần phát triển tình cảm cha con. Tuy thế, tình yêu trẻ dành cho mẹ luôn lớn hơn dành cho cha.
Tuổi thiếu niên, nhờ tiếp xúc xã hội, đứa trẻ có nhiều bận tâm hơn với học tập thầy cô, bạn bè nô đùa nên tình cảm với cha mẹ suy giảm phần nào.

Trưởng thành thì gái trai theo bản năng tìm đến nhau. Lúc nầy thì tình yêu phương ngang đặc biệt nầy hoàn toàn lấn lướt tình yêu phương lên của trẻ trước đây. Đến lúc em bé thế hệ mới ra đời, lại có thêm tình yêu phương xuống: Đứa trẻ dạo nào giờ đã trở thành cha mẹ, và tình yêu phương xuống kèm tình yêu phương ngang đã lấn áp tình yêu phương lên hồi xưa.

Định lý 3: Tình yêu cha mẹ sâu đậm nơi trẻ nhỏ. Lớn lên chỉ còn lòng kính trọng và săn sóc cha mẹ già. Tình yêu cha mẹ không thể sánh bằng tình vợ chồng và tình yêu con cái.

Đấy là thực tế, và cũng chẳng có gì trái ngược với đạo lý hiếu thuận. Nếu có ai đó bị trách bất hiếu, tất cả chỉ do thiếu săn sóc cha mẹ khi cha mẹ đã già nua.
Một số bậc cha mẹ thiếu ý thức, hoặc cảm thấy tình yêu của đứa con dành cho mình giảm sút, mà hướng về chồng hay vợ, bèn nổi máu ganh ghen! Có bậc cha mẹ lại xâm phạm thô bạo vào đời sống vợ chồng con mình, đến khi con mình trái ý lại bù lu lù loa kêu rằng bất hiếu, các bậc cha mẹ dạng nầy thiệt là bậy và thiếu văn hóa!

B- Tình yêu hướng nội:

Tình yêu hướng nội là yêu mình và vì mình. Đây cũng là dạng tình yêu xuất phát từ bản năng cầu sinh, phải tranh đua với các cá thể khác để tồn tại. Tất cả các cá thể động vật kể cả con người đều ít nhiều có tình yêu về mình nầy, nói tắt là yêu mình.

Xã hội loài người tiến hóa, thứ tình yêu mình nầy bị hạ thấp so các tình yêu hướng ngoại. Hướng ngoại ở đây còn bao gồm tình nhân loại, tình đồng chí, tình quê hương tổ quốc...vv. Vì thế, cả xã hội tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa đều đề cao tính hy sinh cho cộng đồng: "Mình vì mọi người".

Dạng yêu mình trong xã hội hiện đại cho phép dưới sự tranh đua. Các cá nhân có quyền nỗ lực tự bản thân để vươn lên. Tranh đua nhưng vẫn thắm tình hữu nghị như các cuộc tranh đua thể thao Olympic, hoặc tranh đua trong học tập nhưng vẫn giúp nhau tiến bộ. Nếu cá thể nào đó mang tâm tư yêu mình nhiều hơn, tranh đua sẽ biến thành ganh đua: Ở đây lại có mùi ghen tị, ganh ghét, và đương nhiên loại ganh đua sẽ bị bài xích...

Trong môi trường huyết thống trực hệ, tình yêu vì mình sẽ làm gia đình xáo trộn: Vợ chồng khinh thường nhau, anh chị em ganh tị nhau, cha mẹ bỏ mặc con cái, ông bà xa cách cháu chắt...
Rất may, yêu mình tuy vẫn tồn tại nhưng cường độ trong mỗi cá nhân không lớn.

Định lý 4: Tình yêu chính mình luôn luôn nhỏ hơn tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng hay tình yêu cha mẹ.
Nhờ tình yêu vì mình có cường độ nhỏ, bản thân có thể hy sinh vì con cái, hay hy sinh vì vợ chồng hoặc hy sinh vì cha mẹ, bởi cốt lõi tình yêu là hy sinh!

Kẻ yêu mình nhiều hơn (vị kỷ = chỉ vì mình) là kẻ ích kỷ (chỉ biết lợi cho bản thân mình). Với các cá nhân nầy, việc hy sinh lại là hy sinh người khác cho bản thân lợi!

Nêu ra thì dễ, nhưng tự xét lòng mình có thực hiện được hay không thì mới khó! Hãy đặt bài toán: Chỉ có 1 cơ hội sống duy nhất, bản thân mình có hy sinh, nhường phần cơ hội đó cho con, hoặc cho vợ (chồng), hoặc cho cha (mẹ) không? Đây là bài toán về nhân cách mà mỗi cá nhân đều phải tự hoàn thiện mình. Nhớ rằng nhân cách cũng phát triển theo thời gian, trừ những cá nhân cùng hung cực ác, luôn luôn ích kỷ, còn đa số mỗi người thì suy nghĩ đều có thể thay đổi, và đến một giờ phút nào đó trước lúc hy sinh vẫn mong muốn cho người thân của mình được tốt đẹp hơn.

Bài viết chỉ là suy nghĩ riêng tư của tác giả, nhưng kết quả dựa trên số đông. Nếu bạn đọc không đồng ý, có lẽ... bạn đọc thuộc nhóm cá biệt.

1 nhận xét:

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến