Translate

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Điều trị Cao Huyết Áp không rõ nguyên nhân


1- Gọi cao huyết áp không rõ nguyên nhân vì trừ những nguyên nhân đã biết, nhóm còn lại chả hiểu vì sao lại cao?

2- Nhóm đã biết nguyên nhân: chỉ chiếm 5%, có thể liệt kê sơ bộ như sau:
- U tủy thượng thận
- Hẹp eo động mạch chủ
- Bệnh tuyến giáp hay cận giáp
- Bệnh thận mạn tính
- Dùng thuốc ngừa thai
- ...
Các trường hợp cao huyếp áp biết nguyên nhân như trên, khi chữa bệnh gốc, huyết áp tự nhiên trở về bình thường.
vd: chữa bệnh tuyến giáp, hay ngừng dùng thuốc ngừa thai nếu đang dùng...

3- Huyết áp là áp suất của máu trong động mach. Huyết áp được biểu hiện 2 con số: số cao là áp suất tối đa (HATĐ) và số thấp là áp suất tối thiểu (HATT) trong lòng động mạch.

*** Huyết áp bình thường là huyết áp có số tối đa (HATĐ) không vượt 140 mmHg (= 14 cmHg) và số tối thiểu (HATT) không vượt quá 90 mmHg (= 9 cmHg).

4- Định nghĩa Cao huyết áp
*** Cao huyết áp xảy ra khi đo huyết áp có số tối đa (HATĐ) vượt 140 mmHg hay số tối thiểu (HATT) vượt 90 mmHg.
Trong định nghĩa cao huyết áp, bạn chú ý chữ 'hay'. Dùng chữ hay mà không dùng chữ 'và', nghĩa là chỉ cần 1 trong 2 yếu tố trên là đủ kết luận huyết áp cao.

Muốn biết có bệnh cao huyết áp hay không, phải đo huyết áp bằng máy.

- Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy đo huyết áp: Quấn bao vào tay, nhấn nút, đợi một tí và số huyết áp hiện lên màn hình: rất tiện lợi và chính xác. Máy đo huyết áp trở thành dụng cụ phổ thông cần có trong gia đình như TV, quạt máy! 

Và điều nầy cũng có nghĩa việc đo huyết áp không còn là công việc độc quyền của quý cô y tá!
- Máy đo huyết áp nên chọn loại lớn, đo ở trên khủy tay. Loại nầy có thể dùng pin tiểu AA khá thông dụng (và pin rẻ tiền).
- Dùng máy thời gian lâu, nên đem máy tới Trạm kiểm nghiệm máy để cân chỉnh.

5- Huyết áp tăng theo tuổi
Như đã nói ở phần 1: Hầu như tuyệt đại đa số (95%) trường hợp cao huyết áp đều không rõ nguyên nhân!
Người ta thường thống kê tùm lum các yếu tố, đọc thấy chóng mặt. Ta thử tham khảo:
Hút thuốc lá.
Béo phì hoặc dư cân.
Công việc đòi hỏi phải ngồi lâu.
Thiếu hoạt động thể lực.
Lượng muối ăn vào nhiều.
Thiếu hấp thu calci, kali, magiê.
Thiếu hụt viatmin D.
Uống rượu nhiều.
Căng thẳng.
Tuổi già.
Gia đình có người cao huyết áp.

Theo tôi, yếu tố đáng lưu ý là tuổi già. Tuổi càng cao, càng dễ cao huyết áp (có thể động mạch ngày càng cứng), hay có thể nói cao huyết áp là bệnh của người già.

Nói chung, huyết áp tăng dần theo tuổi. Có thể ước lượng huyết áp tối đa (HATĐ) của một người dựa theo tuổi như sau:
Huyết áp tối đa (ước chừng) = 100 + số tuổi

ví dụ: một người 50 tuổi, HATĐ ước chừng = 100 + 50 = 150 mmHg

Trở lại định nghĩa Cao huyết áp (phần 4), áp dụng vào biểu thức Huyết áp tăng theo tuổi, suy ra những ai trên 40 tuổi đều có thể bị Cao huyết áp không nhiều thì ít.

Nhắc lại: Muốn biết chính xác số đo huyết áp, ta phải dùng máy đo huyết áp.

6- Điều trị bệnh cao huyết áp
Chỉ có thầy thuốc (Bác sĩ) mới có quyền chỉ định dùng thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp.

Nhiều loại thuốc được dùng để trị bệnh cao huyết áp, chúng phân vào các nhóm:
- lợi tiểu
- ức chế thụ thể bêta
- ức chế thụ thể angiotensin II
- ức chế men chuyển dạng angiotensin
- chẹn kênh canxi
- giãn mạch trực tiếp. (cấp cứu)

Bài viết nầy nêu lên một loại thuốc có thể xem là phụ trị: Cao Bạch quả. (Đương nhiên ta không thể xem Cao Bạch quả là một loại thuốc hạ huyết áp.)

Trở lại phần 5- Huyết áp tăng theo tuổi; hậu quả của việc động mạch ngày càng xơ cứng. Việc nầy dẫn đến tuần hoàn ở các mô kém. Dấu hiệu ban đầu ở mô ngoại vi là mỏi và tê, mô não thì sút giảm trí nhớ...

Trong một số trường hợp điều trị cao huyết áp, việc dùng kèm Cao Bạch quả đã có tác dụng rất tốt: huyết áp nhanh chóng trở lại bình thường và ổn định trong thời gian dài, thậm chí cho phép dùng liều thuốc hạ huyết áp khá thấp.
Có những trường hợp khi huyết áp bệnh nhân ổn định (13/8), việc dùng Cao bạch quả đơn độc 2 viên/ngày (Ginkgo biloba đã được tiêu chuẩn hóa EGB) vẫn duy trì huyếp áp ổn định! Hiện tác giả đang theo dõi tiếp...

Có thể suy ra trong nhóm đa số cao huyết áp không rõ nguyên nhân, một nhóm nhỏ là do suy giảm tuần hoàn não. Cơ chế sinh bệnh chưa xác định vì ngoài sự hiểu biết của người viết.

Bài viết xem như nhật ký trị liệu của cá nhân.

Trương Phú 28/1/2013

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Tước vị phong kiến


Đọc sách ta hay gặp các tước vị như Công tước, Bá tước, Nam tước... Hệ thống tước vị ở phương Tây và Phương Đông có khác biệt. Bài viết chỉ sơ lược về hệ tước vị (Bạn đọc có thể gõ trên Google bổ sung) mà chuyên bàn luận các điều thú vị quanh các chức tước nầy.

1- Phương Tây:

Các tước vị phong cho người có công lao (không thuộc hoàng tộc) là: theo thứ tự cao thấp với Công tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước và cuối cùng Nam tước. Các tước nầy đời xưa có lãnh địa riêng, giờ thì thôi, chỉ còn danh xưng và hiếm dần.

Tước vị phong kiến đã mai một, do đó hiện tại Hoàng gia chỉ còn phong hai tước mới là Huân tước (Lord) và Hiệp sĩ (Knight).

Các tước vị thuộc hoàng tộc: Hoàng đế, Vua, Phó vương (Viceroy), Đại Công tước.

Nếu nước lớn (đế quốc) thì nhà vua xưng Hoàng đế (Emperor), nước nhỏ thì xưng Vương (King). Hiện giờ chả nước nào xưng là Đế quốc cả, toàn là Vương quốc.

Có nước duy nhất hiện nay (2013) mà người đứng đầu có tước vị Đại Công tước; do đó nước đó không xưng là Vương quốc mà khiêm tốn là Đại Công quốc, đấy là Đại Công quốc Luxembourg.

Người đứng đầu nước Nga xưa cũng chỉ có tước vị Đại Công tước, còn thua  cả tước Vương các nước châu Âu khác. Năm 1547 Đại công tước Moskva thấy quê quá bèn tự xưng là Sa hoàng, ngang cấp tước Vương!

Tước vị của Nữ Hoàng Elizabeth II là tước Nữ Vương (Queen) chứ không phải (Empress = Nữ Hoàng), mặc dù bà là nguyên thủ 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung.
Thái tử nước Anh thường kèm chức Công tước xứ Wales và một loạt tước vị đứng đầu các xứ nhỏ khác.

2- Phương Đông:

Hệ thống tước vị khá phức tạp, các tước vị cao cấp tương đương hệ thống phương tây. Đáng nhắc đến là Vương, Công.

a- Tước Vương:

Thời xưa ở nước Tàu, Vua chỉ xưng Vương là tối đa, Vua chư hầu giảm một cấp với tước Công.
vd: Trịnh Trang Công, Vua nước Trịnh, chư hầu Nhà Chu (Tàu).

Từ thời Vua Tần Thủy Hoàng trở đi lại xưng Đế, Vua chư hầu nâng cấp thành tước Vương.
vd Vua Tàu phong Vua nước Việt làm An Nam quốc vương.
(Tuy nhiên trong nước, Vua Việt Nam vẫn xưng Hoàng đế.)

*** Con của Đế, nếu được phong sẽ được ngay tước Vương:
vd Tuy Lý Vương con của Vua Minh Mạng.

*** Con của Đế, nếu không được phong:
- Con trai của Đế được gọi Hoàng tử (giảm 1 cấp, gần tước Vương chính thức)
- Con gái của Đế được gọi Công chúa (giảm 2 cấp, gần tước Công nhất đẳng = Quốc Công)

Thân Vương là tước vị cao cấp phong cho người thân ruột thịt kề cận với Hoàng đế. Trong nhóm nầy, nếu ai được phong với 1 chữ ghép thì lại càng oai, gọi là Nhất tự Vương, vd Hoài Vương.

Nói chung, trừ Quốc Vương và Quận Vương phong cho các lãnh chúa; tước Vương chỉ phong cho Hoàng tộc.

Tại Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Vua Lê là Hoàng đế, bá chủ hai cõi bắc nam đều tước Vương: chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Nguyễn Huệ lần đầu ra bắc dẹp Chúa Trịnh, được Vua Lê phong là Nguyên súy Dực chính phù vận Uy Quốc Công, Sau đó Nguyễn Nhạc ([tự xưng là]Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Qui Nhơn) phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản vùng đất Thuận Hóa trở ra đèo Hải Vân.

b- Tước Công:

Từ tước Công trở đi có thể phong cho mọi người có công lao tương ứng.

- Con trai của Vương, được gọi là Công tử (giảm 1 cấp, tước Công), ví dụ Công tử Doanh Chính con của Trang Tương Vương nước Tần. Thời gian sau, từ Công tử được dùng phổ biến, chỉ nhóm thanh niên con nhà phú quý.
- Con gái của Vương, được gọi là Quận chúa (giảm 2 cấp, gần như quận công), vd Quận chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương, Mẹ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (NGT tác giả Cung oán ngâm khúc).

Tước công hay nhắc đến ở Việt Nam chúng ta là Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Sau đó ông còn được phong lên tước Vương là Hưng Đạo đại Vương hay gọi ngắn là Hưng Đạo Vương. Nhiều con trai của Hưng Đạo Vương đều được phong Vương do công lao cùng cha chống quân Nguyên.

Tước Công nhỏ hơn là Quận Công, Hương Công và Công. (Hương là thôn làng).

Từ thời Trịnh - Nguyễn, hai tước Công và Hầu được phong rất nhiều, chưa kể các tước nhỏ hơn. Thậm chí cuối đời nhà Nguyễn, có thể dùng tiền mua tước vị thấp!

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

KHẢO SÁT ĐẲNG THỨC A² = B² + C² (Định lý Pythagore)


Lời nói đầu : Đẳng thức  a² =b ² + c² khá quen thuộc. Tuy nhiên khi đề cập đến các giá trị là số tự nhiên của đẳng thức, thông thường người ta chỉ quen với các số 3, 4, 5 hoặc 3k, 4k, 5k. Thật ra đẳng thức a² = b² + c² có vô số giá trị số tự nhiên. Bài khảo sát nầy nói đến vấn đề đó.

Bài Khảo sát:
Cho đẳng thức a² = b² + c²
đặt  t = a - b
hay a  = b + t
bình phương 2 vế
a² = (b + t)² = b² + t² + 2bt
So sánh đẳng thức thu được với đẳng thức gốc, ta có
b² + c² = b² + t² + 2bt
c² = t² + 2bt
hay
b = (c² - t²) / 2t       (1)

A- Khi cho t = 1 vào (1),  ta thu được
b = (c² - 1) / 2       (2)
ta thấy ngay, chỉ thay giá trị của c, ta thu được các giá trị của b và a tương ứng.

 Điều kiện để các giá trị là số tự nhiên:
     Khi t = số tự nhiên lẽ  thì c = số tự nhiên lẽ nhân với t
     Thực hành:
thế c = 3 vào (2), ta có b = 4   và a = 5;
thế c = 5 vào (2), ta có b =12 và a = 13… vv

B- Khi cho t = 2 vào (1), ta thu được
b = (c² - 4)/4        (3)

Điều kiện để các giá trị là số tự nhiên:
     Khi t = số tự nhiên chẵn thì  c = bội số của t
     Thực hành: thế c = 4 vào (3), ta có b = 3 và a = 5
                        thế c = 6 vào (3), ta có b = 8 và a =10… vv

C- Ta có thể cho giá trị t là một số tự nhiên bất kỳ ≠ 0 ta sẽ thu được các giá trị số tự nhiên của a, b, c thỏa đẳng thức a² = b² + c².                      
     Thực hành:
     thử cho giá trị t = 13 thế vào (1)  b = (c² - 13²) / 2 x 13
     khi thế c = 3t =39 thì b = 52 và a = 65… vv

D-Tổng quát hóa bài giải

Nhận xét trong cả 2 trường hợp A và B nêu trên (khi cho t là số tự nhiên lẽ hoặc chẵn), điều kiện của c bao giờ cũng là bội số của t.
ta viết 
c = kt
Thế c = kt vào (1),
ta có
b = [(kt)² - t²] / 2t
Đơn giản hóa, ta thu được
b = t (k² - 1) / 2

Ta phát biểu:

Khi chọn t  > 0 là một số tự nhiên bất kỳ thì các giá trị số tự nhiên của a, b và c trong đẳng thức a² = b² + c² được xác định như sau:
c  =  kt
a =  b + t
b = t (k² - 1) / 2
mà k cũng là số tự nhiên bất kỳ với điều kiện k  > 1 và k là số lẽ nếu t là số lẽ.

Thực hành t = 26
c = 2t = 52, b = 26(2² - 1) / 2 = 39, a = 39 + 26 = 65
c = 3t = 78, b = 26(3² - 1) / 2 = 104, a = 104 + 26 = 130…vv

(Bài nầy tôi viết từ năm 1998, xuất bản rãi rác. Trương Phú)

Tự tạo phần mềm đọc tiếng Anh trên máy tính.


Ngày nay, có rất nhiều công cụ đọc tiếng Anh mà tiêu biểu quen thuộc là TALKIT! của Microsoft hay CoolSpeech của ByteCool. Tuy nhiên việc download một phần mềm trên một link nào đó luôn ẩn chứa việc nhiễm virus. Bài viết nầy trình bày cách tự tạo một công cụ đọc tiếng Anh trên máy tính có hệ điều hành là Windows.

1- Bạn chạy phần mềm Notepad.
(có sẵn trên các máy tính cài Windows).

2- Bạn copy đoạn code sau đây (toàn bộ các chữ màu xanh):

<title>Ðoc tiêng Anh</title>

<SCRIPT LANGUAGE="VBScript">
    Sub DocTiengAnh ' truongphu
Set objVoice = CreateObject("SAPI.SpVoice")
objVoice.Speak BigText.Value
    End Sub
</SCRIPT>

<body>
    <textarea name="BigText" rows=15 cols=60></textarea><p>
    <input id=runbutton  type="button" value="Ðoc tiêng Anh" onClick="DocTiengAnh">
</body>

3- Dán vào Notepad. Xong nhấn vào Menu File, chọn Save As
Bảng Save As hiện ra.


- Phía trên Save in: Bạn chọn nút bên phải để tìm đến nơi lưu. Trong hình trên là Desktop.
- Bên dưới, ô thứ nhất File name: bạn gõ tên gì cũng được, nhưng bắt buộc kết thúc là .HTA
ví dụ trong hình là Đoc Tiêng Anh.HTA
- Bên dưới, ô giữa Save as type: bạn chọn nút bên phải để có kết quả là All Files
- Ô cuối Encoding, bỏ qua, hay chọn gì cũng được.
Nhấn nút Save là xong.

4- Sử dụng: Máy tính đương nhiên phải có loa, bật loa âm lượng vừa đủ.
- Chạy phần mềm vừa làm, ví dụ phần mềm vừa Save tên là Đoc Tiêng Anh, sẽ thấy giao diện đơn giản như sau:


- Gõ vào khung nội dung tiếng Anh, ví dụ "You are my sister" như trong hình.
- Nhấn nút Ðoc tiêng Anh bên dưới, Loa máy tính sẽ phát âm với giọng mặc định đàn ông.
- Ta có thể copy nội dung tiếng Anh đâu đó, dán vào khung cho nhanh.
(nhấn chuột phải vào khung chọn Paste.
Hoặc nhấn 2 phím Ctrl và V)

5- Bạn có thể nhanh chóng có file Đoc Tiêng Anh tại ĐÂY
http://www.mediafire.com/download.php?tma8s8yqwpvi4h6

Chúc các bạn có những giây phút thú vị và tiện lợi với phần mềm nho nhỏ nầy.

Gọi nhầm tên động vật vì đồng âm

1- Kỳ giông:
Bạn chú ý với phụ âm "gi" trong chữ giông. Phân biệt với kỳ nhông do phát âm gần giống.
Đa số mọi người đều liên tưởng ngay đến mấy loài thằn lằn cỡ lớn hay trên hàng rào nhà vườn mà hình ảnh như sau:
Thực ra ở hình trên, chúng tên là Kỳ nhông, động vật bò sát có vảy, sống trên cạn.
(Nói thêm: loài bò sát to nhất là rồng Komodo; đương nhiên sống trên cạn.)


Ngày 13/1/2011, ông Dương Văn Sơn (50 tuổi), ngụ đường Mạc Đĩnh Chi, khóm 5, phường 5, TP Cà Mau, trong lúc ngồi trên đường bất ngờ nhìn thấy một con kỳ nhông rất to chạy ngang qua đường. Thấy con kỳ nhông lạ, ông cùng một số người vây bắt. Con kỳ nhông có chiều dài khoảng 73cm, cân nặng gần 250g.

Kỳ Nhông
* Nghệ Tĩnh gọi là Nhông
* Miền Nam gọi là Dông
đương nhiên là loài bò sát, không phải Kỳ Giông

Dông ngon nhất ở Ninh thuận và bắc Bình thuận, giống nầy có màu đỏ, ở cồn cát, trong khi giống thông thường ở vườn có màu lục (hình đầu tiên)


Trở lại với Kỳ Giông mà ta muốn nói lại khác, còn gọi là Sa giông, mời xem hình:
Kỳ giông Tàu

Đây lại là loài động vật lưỡng cư có đuôi
Trên hình là loài kỳ giông lớn nhất: Kỳ giông khổng lồ của Trung Quốc, là loài lưỡng cư nặng nhất, nó có thể dài tới 1,8 m.
(Nói thêm: nhấn mạnh có đuôi vì loài lưỡng cư cóc ếch không có đuôi)

Kỳ giông bắc Mỹ

Thế là rõ ràng, kỳ giông khác với kỳ nhông. Chớ lẫn lộn.
(Nói thêm: một số người chưa biết đến kỳ giông, khi nghe từ “kỳ giông” thì bảo hoặc là nói ngọng, hoặc là phát âm sai do miền!, và khi đọc trên báo chí thì lại bảo là báo viết sai chính tả.)

2- Cá cóc:

Tuy là động vật lưỡng cư nhưng một số loài kỳ giông chuyên sống nhiều trên cạn, thành ra nhìn qua giống như loài bò sát, vậy nên có nơi gọi là Tắc kè nước!


Chú ý: Tắc kè nước là tên gọi cho Kỳ giông Tam Đảo (Việt Nam), hay dễ quen và dễ hiểu hơn là “Cá Cóc Tam Đảo”; gọi:
Cá vì chúng sống được trong nước, đuôi dẹp và rộng như cá
Cóc vì có 4 chân, di chuyển trên cạn
Cá cóc Tam Đảo

Vậy Kỳ Giông còn được gọi là Cá Cóc!
Và nói đến cá cóc, phải liên tưởng đến kỳ giông
Hình sau là cá cóc sần, mới phát hiện ở Phú Thọ (Việt Nam)

Còn ở Mỹ thì có:
Cá cóc Hoa Kỳ
Tóm lại, gọi Cá Cóc là ý muốn nói đến Kỳ giông


Thế nhưng ngang đây lại bắt đầu nhầm lẫn…

Ở miền Nam, từ “cá cóc” lại chỉ về một loài cá quý hiếm trên sông Tiền và sông Hậu thuộc họ cá chép. Món cá cóc kho nước dừa ăn với xoài sống bằm nhuyễn và món đầu cá cóc nấu canh chua có mặt trong một vài quán ăn ở TP Vĩnh Long đã vang danh khắp nơi…
Cá cóc Vĩnh Long
Có thể nhiều bạn hoài nghi, mời các bạn xem các link sau:

Về Vĩnh Long thưởng thức cá Cóc kho nước dừa

Cá cóc dần vắng bóng!

Cá cóc kho nước dừa

3- Cá Sấu:

Ta quen thuộc với loài lưỡng cư lớn nhất, bề ngoài y chang loài bò sát, thân dài với 4 chân và cái mõm dài đầy răng. Việt nam ta có nhiều...


Rõ ràng chẳng thấy yếu tố "cá" gì ở đây!
Loài THÚ "cá voi", gọi là cá xem còn có lý hơn vì hình thể giống hệt.
Thật ra, nó tên là Sấu (họ Crocodylidae)
mà xưa nay, ai cũng gọi (thêm) là 'cá sấu', thành ra quen mất rồi, biến thành tên chính thức Cá Sấu.


Cá Sấu thật sự phải là Cá,
yếu tố Sấu sẽ mô tả là nó giống như con Sấu
Mời các bạn xem hình Cá Sấu đích thực
OK chưa?, Nó: đuôi cá, mõm Sấu

Hình như chú cá nầy không hiếm ở VN, chúng được nuôi làm cảnh, thoát ra sông...


Đấy là TP Vinh (Nghệ An). link:
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/07/ca-la-mac-cau-o-ho-cong-vien/

Còn ở Khánh hòa:
http://dantri.com.vn/c20/s20-607906/khanh-hoa-bat-duoc-ca-la-than-vay-ran.htm


====
Bổ sung 8/3/2013

Phát hiện thêm một loài cá cóc ở Việt Nam


Báo Khoa học:


Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

(Cuộc thi) ảnh khảo cổ lừa bịp tinh vi

Là trò chơi với công nghệ PhotoShop, các ảnh khảo cổ được tạo ra khá tinh vi với nội dung: Có loài động vật dạng người khổng lồ đã tồn tại trên trái đất, được tìm thấy qua di chỉ các bộ xương.


Khung xương 10 mét được cho tìm thấy trong sa mạc ở Saudi Arabia

Các bức ảnh (giả = fake) ban đầu được đăng tải trên trang Worth 1000 đã gây thích thú và kinh ngạc cho "tính chân thật" của nó (tác giả: nick IronKite). Sau đó một phong trào ăn theo hưởng ứng đã đăng nhiều ảnh khảo cổ về giống người khổng lồ càng "chiến" hơn nữa. Tệ hơn, một số biên tập báo chí trong nước: hoặc dùng đề tài câu độc giả, hoặc thiếu trình độ kiến thức, cứ thấy "hình như thật" của báo chí nước ngoài là a lê, đăng ngay, còn gán ghép cho rằng giống người thuộc văn minh cổ!

Mời các bạn xem thêm vài hình đã công bố:
Hình được cho là ở Chile

Ba hình bên dưới được đăng lại khá nhiều trên mạng...
















Và hình ảnh sau đây:

bộ xương (người khổng lồ) với súng lục (khổng lồ) đã được khai quật bằng xe máy ủi! He he.


======
Xem Clip "Văn minh cổ và xương người khủng" tại ĐÂY


======

[Nói thêm: với từ khóa Worth 1000, (nhờ Google tìm), bạn đến trang web nầy để có những tấm hình giả y như thiệt]

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Giải toán cổ: Cầu phương hình tròn


Đề: Cho một hình tròn bán kính là R. Dùng thuớc kẻ và Compa dựng một hình vuông có diện tích tương đương.

Lời nói đầu:  - Diện tích hình tròn: Pi R2
                     - Cạnh hình vuông có diện tích tương đương: R căn Pi
                     - Bài giải sau đây dùng giá trị của Pi = 3,14  (Dùng 2 số lẽ)

Bài giải:

Hình tròn cho truớc tâm O, bán kính R.

1- Dựng hình vuông ngoại tiếp ABCD.
Từ L, trung điểm của cạnh AB và N, trung điểm của cạnh AD ta vẽ 2 đuờng kính LM và NP thẳng góc với nhau, chia hình vuông ABCD thành 4 hình vuông nhỏ.



2- Từ N, dùng compa vẽ 1 cung tròn bán kính là R, sẽ cắt cung NL tại điểm Q.
Nối PQ.
Giá trị của đoạn PQ = R căn 3  (1)
(tam giác vuông NQP có NQ = R, NP = 2R)




3- PQ cắt LM tại H. Từ H, kẻ một đuờng song song với NP,sẽ cắt cung LP tại I,Nối MI.
       MI sẽ có giá trị là R căn Pi, đây là cạnh hình vuông cần tìm.



4-Chứng minh:
Tam giác vuông LIM có LM = 2R, nếu MI = RcănPi thì LI = Rcăn(4-Pi) và MH = Pi.R/2.
Chứng minh đuợc MH = Pi.R/2 tức là chứng minh minh đuợc MI = RcănPi

Từ Q, hạ đuờng thẳng góc xuống NP tại K.



Tam giác vuông PKQ tính đuợc
          PQ = R căn 3         (1)
          KQ = (R căn 3)/2   (KQ là đường cao của tam giác NPQ với 3 cạnh đã biết)
          KP = 3R/2.
Suy ra OH = R/căn 3       (tỉ lệ thức 2 tam giác vuông đồng dạng POH và PKQ
với  căn 3 = 1,73
thì OH = 0,57R
MH = OH + OM = 0,57R + R = 1,57 R
Với Pi= 3,14 thì MH = Pi R/2.
Vậy MI= Rcăn Pi

Trương Phú


Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Nên gọi từ "Hán Việt" là từ "Việt Đường"


1- Trước giờ ta quen gọi các từ ngữ có nguồn gốc từ Tàu (cổ đại) là từ Hán - Việt.
Tàu là một nước gồm nhiều dân tộc hợp lại mà mỗi dân tộc lại có tiếng nói riêng, hoặc ít ra là phương ngữ riêng. 
May cho Tàu là thứ chữ tượng hình lại được các dân tộc trong nước chấp nhận làm quốc tự (tự là chữ viết chứ không là chùa). Tuy thế, dù thống nhất được chữ viết nhưng mỗi dân tộc trong nước Tàu lại phát âm một cách khác nhau. Khởi đầu thống nhất nước Tàu là Tần Thủy Hoàng lập ra nhà Tần; nhà Tần không những thống nhất đất nước còn thống nhất chữ viết, định phép tắc đo lường, cải cách bộ máy hành chánh... Rất nhiều luật lệ thống nhất đã ra đời bởi nhà Tần.
Nhà Hán kế tục nhà Tần; Tiếc rằng nhà Tần trị vì khá ngắn (cùng nhiều biện pháp cai trị hà khắc không được lòng dân) nên dân chúng sớm quên, bao công lao của nhà Tần giờ nhà Hán tiếp thu và phát huy, để rồi nhóm dân tộc được (nhà Tần) thống nhất lại được gọi là dân tộc Hán, và đương nhiên tiếng nói cũng gọi là tiếng Hán và chữ viết thống nhất của Tàu lẽ ra phải gọi là chữ Tần, giờ thành chữ Hán!

2- Thời kỳ Bắc thuộc, xứ Giao chỉ (Việt nam lúc đó là quận của Tàu) tiếp thu khá nhiều văn hóa từ Tàu trải qua các triều đại của Tàu: Tần (Triệu Đà chiếm Âu Lạc), Hán (Mã Viện đánh Hai bà Trưng), Tùy (đánh Lý Nam Đế - Vạn Xuân) và Đường. Trong thời kỳ bị đô hộ, chữ Hán được dân địa phương tiếp nhận vì đấy là văn minh, tiến bộ của loài người. Các từ Hán dần dần bổ sung cho ngôn ngữ dân bản xứ. Các từ ngữ của dân Việt chia 2 nhóm, nhóm ngôn ngữ đại chúng hay dùng gọi là Nôm (Việt Nam); và nhóm ngôn ngữ bác học du nhập gọi là Hán - Việt.
Tuy nhà Tống là triều đại cuối cùng đô hộ nước ta nhưng gần kề trước đó, Nhà Đường với thời gian trị vì khá dài đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Giao chỉ, mà trong đó về ngôn ngữ đáng nói nhất là các âm của từ Hán - Việt đều đọc theo cách phát âm của nhà Đường.

3- Nước Đại Cồ Việt ra đời (Đinh Bộ Lĩnh), dân tộc Việt chính thức tuyên bố độc lập. [Trước đó Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Ðằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc]. Giao lưu văn hóa giữa Tàu và Việt sút giảm nhanh chóng, tiếng Việt Nam (Nôm) dần dần phát triển chiếm ưu thế, bên cạnh đó, nhóm từ và cách phát âm Hán - Việt (từ thời đó) được bảo lưu và duy trì đến hiện nay.

4- Như đã nói ở phần đầu (mục 1), tuy nước Tàu thống nhất chữ viết nhưng cách đọc mỗi vùng không giống nhau, không những thế, theo thời gian cách phát âm chữ viết phổ biến trong nước Tàu cũng dần dà biến đổi tùy theo nhóm dân tộc chiếm quyền thống trị đất nước. Ngày nay tại Tàu, tiếng Quan Thoại được chọn làm cách phát âm phổ thông.

(ở Tàu còn bộ phận dân chúng phát âm theo tiếng Tiều (Phúc kiến), tiếng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây, còn gọi là Việt ngữ: Việt ở đây không phải là Việt nam mà là Bách Việt).

[Nói thêm ngoài đề: phía nam nước Tàu cổ có nhiều nhóm dân được xưng là tộc Bách Việt. Âu Việt (Âu Cơ) và Lạc Việt (Lạc Long Quân) gộp nhau thành nước Âu Lạc tại miền Bắc Việt Nam hiện giờ; các nhóm Bách Việt khác ở Quảng Đông, Quảng Tây của Tàu như Đông Việt, Nam Việt, Ư Việt, Mân Việt...
Cũng bởi thế nên có truyền tụng Vua Càn Long muốn gả Công chúa cho Vua Quang Trung, hồi môn là 2 tỉnh có dân Việt!]

Trở lại chuyện phát âm chữ Tàu: Ngoài tiếng Quan Thoại phổ thông, các vùng khác vẫn bảo lưu cách phát âm riêng: tiếng Tiều, tiếng Quảng, âm Hán -Triều, âm Hán - Nhật và ở nước ta với âm Hán - Việt.
Mà âm Hán - Việt (xem lại mục 2, 3) lại gần như bảo tồn nguyên vẹn cách phát âm từ thời nhà Đường, đây rõ ràng là di chỉ khảo cổ học sống về ngôn ngữ.

5- Nhà Đường cũng là đỉnh cao văn hóa phát triển, mà dễ nhớ nhất là thơ Đường. Học sinh miền Nam Việt nam trước năm 1975 trong môn Giảng văn đã khá quen thuộc thể thơ Đường: Đường - Tàu và Đường - Nôm!
(- Thơ Đường: loại thơ phổ biến dưới triều đại nhà Đường, có niêm luật nhất định gọi "thất ngôn bát cú";
- Thơ Đường - Tàu: Các bài thơ tiếng Tàu theo luật thơ Đường.
- Thơ Đường - Nôm: các bài thơ tiếng Việt theo luật thơ Đường.)
Hai câu mở đầu bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến được khá nhiều người nhớ: tiếng Nôm làm thơ Đường Luật.
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo..."
Khoảng năm 1965 tôi có đọc báo Phổ thông, Nguyễn Vỹ chủ biên (là tờ báo phổ biến kiến thức đóng sách như tờ Kiến thức ngày nay), một bài báo trong đó có trích câu:
"Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong"
[Đề Đô thành Nam trang - Thôi Hiệu]

(Mặt người không biết nơi nao
Hoa đào y cũ cười chào gió đông)
Đương nhiên với đứa bé 9 tuổi tôi lúc đó đành phải nhờ bố giảng nghĩa, đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc thơ Đường Tàu.

6- Thơ Đường (cổ) là đỉnh cao văn hóa của nhân loại: cách dùng từ, ý nghĩa, niêm vận, tứ thơ... Bao nhiêu bài thơ hay vẫn được lưu truyền từ thời đó cho đến nay, mà người dân Việt mỗi thời đọc lên còn rung cảm.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu)

Qua tâm hồn của Tản Đà, ta cảm nhận ý thơ qua thể lục bát thuần Việt như sau:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Tiếc rằng bài thơ trên không được dạy cho các em trong chương trình Ngữ văn lớp 12, thay bằng bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, cũng là nhà thơ lớn đời Đường.
= nghĩa: Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng; có lẽ do khổ thơ gọn, chỉ bốn câu "thất ngôn tứ tuyệt";

Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Dịch:
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Lục bát. Ngô Tất Tố)

7- Và, lại nhấn mạnh rằng, các bài thơ Đường (cổ) như trên, chỉ có người Việt mới hoàn toàn cảm nhận nét hay, đẹp của từng câu thơ, rung cảm với tình cảm của người xưa; vì một bài thơ Đường cần kết cấu âm tiết (bằng trắc) và niêm vận (trùng vần). Đối với dân Tàu hiện nay, phát âm đã khác xưa. Họ có thể làm thơ Đường theo âm vần hiện đại như bài Thu điếu, thế nhưng không thể đọc thông các bài thơ cổ Đường vì âm vận khác hoắc! Rung cảm với thơ cổ Đường chỉ có dân Việt! Lịch sử thật trớ trêu.

8- Bạn có để ý với một số nước, người Việt lại có cách gọi riêng, khác xa tên gốc của nước đó: Anh, Pháp, Úc... Đây là tên tiếng Việt đã quá quen thuộc với dân Việt mà chính nước được gọi cũng chả phàn nàn. Tuy thế, gốc gác các từ ấy lại từ bến Tàu!
Người Tàu do tiếp xúc phương Tây trước, tên một số nước phương Tây đã phiên âm thành chữ Hán, chúng ta qua sách báo Tàu, lại đọc theo âm Hán Việt riêng mình, thành ra là Anh Cát Lợi, Phú Lãng Sa, Úc Đại lợi. Các từ trên theo thời gian được tĩnh lược thành Anh, Pháp, Úc.

Nhưng tuy là phiên âm Tàu, người Tàu lại đọc cách khác! Bạn đã xem ti vi, diễn viên Tàu la to "xu phò", đấy là "Sư phụ", bài "xập xám" đấy là "Thập tam" = 13 lá...vv Do đấy, phải nói âm Hán Việt là tài sản riêng của người Việt.

9- Qua các mục minh họa trên, chúng ta thống nhất rằng âm từ Hán Việt là tài sản riêng của người Việt, đã được Việt hóa. Mà đã là Việt hóa, chúng ta nên chăng gọi âm từ Hán Việt theo cách khác...
- về cấu trúc từ ngữ: Hán Việt có Hán là danh từ phụ làm tính từ, Việt là danh từ chính. Hán Việt là các từ Việt gốc Hán. Nếu đã Việt hóa, phải gọi là từ Việt Hán.
- về nguồn gốc: từ "Hán" chỉ gốc từ Tàu, mà tại nước Tàu giờ cũng chả ai phát âm như thế. Cho nên ta nên chỉ rõ chính xác là âm này phát xuất từ thời nhà Đường.
Vậy hay chăng, các từ Hán Việt, ta nên gọi chúng là từ Việt Đường? là từ tiếng Việt, qua giao lưu văn hóa (chỉ) với nhà Đường có được, (hoàn toàn không liên quan gì với mấy chú Tàu hiện nay?)

========
Viết thêm:
 Trong bài nói nhiều về thơ Đường. Bạn có thể vào trang vd: vietfun để xem niêm luật thơ và thảo luận...

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Quốc hiệu Việt Nam


Bất kể lịch sử đã trải qua như thế nào, hiện tại Việt Nam là một nước độc lập có vị trí nhất định trên thế giới. Là người dân dù khác nhau chính kiến, chúng ta vẫn tự hào về tổ quốc của chúng ta, hai tiếng Việt Nam là thiêng liêng trong lòng mọi người.
Trong niềm hãnh diện đó, chúng ta minh định hai tiếng Việt Nam như sau:

1- Việt: dân tộc Việt có truyền thống đoàn kết, có ngôn ngữ riêng, có lãnh thổ riêng độc lập từ ngàn xưa.
Nhóm tộc Bách Việt gồm nhiều dân tộc anh em cư trú gần gũi. Do tương đồng về phong tục, gần gũi địa lý nên cùng nhau hợp nên một liên minh đơn giản ban đầu là Bách Việt (Trăm bộ tộc Việt). Dưới áp bức của phương bắc, hai tộc trong nhóm Bách Việt đã tự nguyện thống nhất thành một: Âu ViệtLạc Việt đã trở thành nước Âu Lạc với thủ lĩnh là Thục Phán. Chính nước Âu Lạc đã trở thành nước Việt Nam ngày nay.


Đền thờ An Dương Vương Thục Phán gần Hà Nội

[Nói thêm:
- Trước đó thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang thống nhất được các bộ lạc Lạc Việt, xưng là Hùng Vương với quốc hiệu Văn Lang, truyền được 18 đời; tuy nhiên niên đại không chính xác, xem như dã sử.
- Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân kết hợp Âu Cơ sinh đàn con, phân tán thành người Bách Việt, trong đó con trưởng lập nước Văn Lang (tộc Lạc Việt). Không phải ngẫu nhiên mà tổ tiên thuật chuyện gốc tích Lạc (LQ) kết hợp Âu (C) như thế.
Theo quan điểm của tôi, Lạc Long Quân và Âu Cơ đại biểu cho liên minh Âu Lạc (thời Thục Phán) hơn là thủy tổ của dân Bách Việt!
*** An Dương Vương Thục Phán xứng đáng được tôn vinh hơn các vua Hùng: Chống ngoại xâm (quân Tần), Thống nhất 2 bộ tộc, lập nên nước Âu Lạc được sử sách ghi nhận.***]


Sơ đồ Thành Cổ Loa do Thục Vương xây

2- Nam: là phương Nam, là tính từ bổ nghĩa cho danh từ Việt. Danh từ kép Việt Nam là nhóm người Việt ở phương nam so với các nhóm người Việt khác.
Đế quốc Tàu thường nói phương nam là so (vị trí địa lý) với chúng, đấy là quan điểm thực dân. Riêng chúng ta khẳng định Việt Nam là đất nước của người Việt phương nam so với các tộc Việt anh em khác trong nhóm tộc Bách Việt.

[Nói thêm:
Các nhóm Bách Việt khác, số nhỏ ở phương nam có lẽ nhập vào nước Âu Lạc, số lớn ở phương bắc bị đế quốc Tàu đồng hóa; tuy nhiên nhóm dân Việt phương bắc vẫn giữ bản sắc riêng: đó là tiếng Quảng được nói trong 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Tàu. Bạn đọc chú ý: 2 từ Quảng Đông và Quảng Tây có cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt!]

3- Ngữ pháp tiếng Việt quy định trong danh từ ghép, danh từ chính phải đi trước, danh từ phụ hay tính từ bổ nghĩa phải đi sau: 
Danh từ - Tính từ.
Ngữ pháp tiếng Việt như nói trên sẽ khác với đa số ngữ pháp trên thế giới: Khác ngữ pháp Tàu, khác ngữ pháp Anh...
Ví dụ: Nhà Trắng: Nhà (danh từ) Trắng (tính từ) của tiếng Việt so với Bạch Ốc: Bạch (tính từ) Ốc (danh từ) của Tàu, hay White House: White (tính từ) House (danh từ) của tiếng Anh.

Vì thế, hai tiếng Việt Nam là tiếng nói thuần ngữ pháp Việt.

[Nói thêm:
Trước năm 1975, Việt Nam bị chia thành 2 quốc gia, phía bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phía Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai quốc hiệu của 2 miền lúc đó đều viết đúng ngữ pháp tiếng Việt: Trong dãy danh từ ghép thành quốc hiệu, danh từ chính Việt Nam luôn luôn được nêu trước tiên.]

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến