Translate

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Nên gọi từ "Hán Việt" là từ "Việt Đường"


1- Trước giờ ta quen gọi các từ ngữ có nguồn gốc từ Tàu (cổ đại) là từ Hán - Việt.
Tàu là một nước gồm nhiều dân tộc hợp lại mà mỗi dân tộc lại có tiếng nói riêng, hoặc ít ra là phương ngữ riêng. 
May cho Tàu là thứ chữ tượng hình lại được các dân tộc trong nước chấp nhận làm quốc tự (tự là chữ viết chứ không là chùa). Tuy thế, dù thống nhất được chữ viết nhưng mỗi dân tộc trong nước Tàu lại phát âm một cách khác nhau. Khởi đầu thống nhất nước Tàu là Tần Thủy Hoàng lập ra nhà Tần; nhà Tần không những thống nhất đất nước còn thống nhất chữ viết, định phép tắc đo lường, cải cách bộ máy hành chánh... Rất nhiều luật lệ thống nhất đã ra đời bởi nhà Tần.
Nhà Hán kế tục nhà Tần; Tiếc rằng nhà Tần trị vì khá ngắn (cùng nhiều biện pháp cai trị hà khắc không được lòng dân) nên dân chúng sớm quên, bao công lao của nhà Tần giờ nhà Hán tiếp thu và phát huy, để rồi nhóm dân tộc được (nhà Tần) thống nhất lại được gọi là dân tộc Hán, và đương nhiên tiếng nói cũng gọi là tiếng Hán và chữ viết thống nhất của Tàu lẽ ra phải gọi là chữ Tần, giờ thành chữ Hán!

2- Thời kỳ Bắc thuộc, xứ Giao chỉ (Việt nam lúc đó là quận của Tàu) tiếp thu khá nhiều văn hóa từ Tàu trải qua các triều đại của Tàu: Tần (Triệu Đà chiếm Âu Lạc), Hán (Mã Viện đánh Hai bà Trưng), Tùy (đánh Lý Nam Đế - Vạn Xuân) và Đường. Trong thời kỳ bị đô hộ, chữ Hán được dân địa phương tiếp nhận vì đấy là văn minh, tiến bộ của loài người. Các từ Hán dần dần bổ sung cho ngôn ngữ dân bản xứ. Các từ ngữ của dân Việt chia 2 nhóm, nhóm ngôn ngữ đại chúng hay dùng gọi là Nôm (Việt Nam); và nhóm ngôn ngữ bác học du nhập gọi là Hán - Việt.
Tuy nhà Tống là triều đại cuối cùng đô hộ nước ta nhưng gần kề trước đó, Nhà Đường với thời gian trị vì khá dài đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Giao chỉ, mà trong đó về ngôn ngữ đáng nói nhất là các âm của từ Hán - Việt đều đọc theo cách phát âm của nhà Đường.

3- Nước Đại Cồ Việt ra đời (Đinh Bộ Lĩnh), dân tộc Việt chính thức tuyên bố độc lập. [Trước đó Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Ðằng năm 938, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc]. Giao lưu văn hóa giữa Tàu và Việt sút giảm nhanh chóng, tiếng Việt Nam (Nôm) dần dần phát triển chiếm ưu thế, bên cạnh đó, nhóm từ và cách phát âm Hán - Việt (từ thời đó) được bảo lưu và duy trì đến hiện nay.

4- Như đã nói ở phần đầu (mục 1), tuy nước Tàu thống nhất chữ viết nhưng cách đọc mỗi vùng không giống nhau, không những thế, theo thời gian cách phát âm chữ viết phổ biến trong nước Tàu cũng dần dà biến đổi tùy theo nhóm dân tộc chiếm quyền thống trị đất nước. Ngày nay tại Tàu, tiếng Quan Thoại được chọn làm cách phát âm phổ thông.

(ở Tàu còn bộ phận dân chúng phát âm theo tiếng Tiều (Phúc kiến), tiếng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây, còn gọi là Việt ngữ: Việt ở đây không phải là Việt nam mà là Bách Việt).

[Nói thêm ngoài đề: phía nam nước Tàu cổ có nhiều nhóm dân được xưng là tộc Bách Việt. Âu Việt (Âu Cơ) và Lạc Việt (Lạc Long Quân) gộp nhau thành nước Âu Lạc tại miền Bắc Việt Nam hiện giờ; các nhóm Bách Việt khác ở Quảng Đông, Quảng Tây của Tàu như Đông Việt, Nam Việt, Ư Việt, Mân Việt...
Cũng bởi thế nên có truyền tụng Vua Càn Long muốn gả Công chúa cho Vua Quang Trung, hồi môn là 2 tỉnh có dân Việt!]

Trở lại chuyện phát âm chữ Tàu: Ngoài tiếng Quan Thoại phổ thông, các vùng khác vẫn bảo lưu cách phát âm riêng: tiếng Tiều, tiếng Quảng, âm Hán -Triều, âm Hán - Nhật và ở nước ta với âm Hán - Việt.
Mà âm Hán - Việt (xem lại mục 2, 3) lại gần như bảo tồn nguyên vẹn cách phát âm từ thời nhà Đường, đây rõ ràng là di chỉ khảo cổ học sống về ngôn ngữ.

5- Nhà Đường cũng là đỉnh cao văn hóa phát triển, mà dễ nhớ nhất là thơ Đường. Học sinh miền Nam Việt nam trước năm 1975 trong môn Giảng văn đã khá quen thuộc thể thơ Đường: Đường - Tàu và Đường - Nôm!
(- Thơ Đường: loại thơ phổ biến dưới triều đại nhà Đường, có niêm luật nhất định gọi "thất ngôn bát cú";
- Thơ Đường - Tàu: Các bài thơ tiếng Tàu theo luật thơ Đường.
- Thơ Đường - Nôm: các bài thơ tiếng Việt theo luật thơ Đường.)
Hai câu mở đầu bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến được khá nhiều người nhớ: tiếng Nôm làm thơ Đường Luật.
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo..."
Khoảng năm 1965 tôi có đọc báo Phổ thông, Nguyễn Vỹ chủ biên (là tờ báo phổ biến kiến thức đóng sách như tờ Kiến thức ngày nay), một bài báo trong đó có trích câu:
"Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong"
[Đề Đô thành Nam trang - Thôi Hiệu]

(Mặt người không biết nơi nao
Hoa đào y cũ cười chào gió đông)
Đương nhiên với đứa bé 9 tuổi tôi lúc đó đành phải nhờ bố giảng nghĩa, đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc thơ Đường Tàu.

6- Thơ Đường (cổ) là đỉnh cao văn hóa của nhân loại: cách dùng từ, ý nghĩa, niêm vận, tứ thơ... Bao nhiêu bài thơ hay vẫn được lưu truyền từ thời đó cho đến nay, mà người dân Việt mỗi thời đọc lên còn rung cảm.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu)

Qua tâm hồn của Tản Đà, ta cảm nhận ý thơ qua thể lục bát thuần Việt như sau:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Tiếc rằng bài thơ trên không được dạy cho các em trong chương trình Ngữ văn lớp 12, thay bằng bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, cũng là nhà thơ lớn đời Đường.
= nghĩa: Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng; có lẽ do khổ thơ gọn, chỉ bốn câu "thất ngôn tứ tuyệt";

Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Dịch:
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Lục bát. Ngô Tất Tố)

7- Và, lại nhấn mạnh rằng, các bài thơ Đường (cổ) như trên, chỉ có người Việt mới hoàn toàn cảm nhận nét hay, đẹp của từng câu thơ, rung cảm với tình cảm của người xưa; vì một bài thơ Đường cần kết cấu âm tiết (bằng trắc) và niêm vận (trùng vần). Đối với dân Tàu hiện nay, phát âm đã khác xưa. Họ có thể làm thơ Đường theo âm vần hiện đại như bài Thu điếu, thế nhưng không thể đọc thông các bài thơ cổ Đường vì âm vận khác hoắc! Rung cảm với thơ cổ Đường chỉ có dân Việt! Lịch sử thật trớ trêu.

8- Bạn có để ý với một số nước, người Việt lại có cách gọi riêng, khác xa tên gốc của nước đó: Anh, Pháp, Úc... Đây là tên tiếng Việt đã quá quen thuộc với dân Việt mà chính nước được gọi cũng chả phàn nàn. Tuy thế, gốc gác các từ ấy lại từ bến Tàu!
Người Tàu do tiếp xúc phương Tây trước, tên một số nước phương Tây đã phiên âm thành chữ Hán, chúng ta qua sách báo Tàu, lại đọc theo âm Hán Việt riêng mình, thành ra là Anh Cát Lợi, Phú Lãng Sa, Úc Đại lợi. Các từ trên theo thời gian được tĩnh lược thành Anh, Pháp, Úc.

Nhưng tuy là phiên âm Tàu, người Tàu lại đọc cách khác! Bạn đã xem ti vi, diễn viên Tàu la to "xu phò", đấy là "Sư phụ", bài "xập xám" đấy là "Thập tam" = 13 lá...vv Do đấy, phải nói âm Hán Việt là tài sản riêng của người Việt.

9- Qua các mục minh họa trên, chúng ta thống nhất rằng âm từ Hán Việt là tài sản riêng của người Việt, đã được Việt hóa. Mà đã là Việt hóa, chúng ta nên chăng gọi âm từ Hán Việt theo cách khác...
- về cấu trúc từ ngữ: Hán Việt có Hán là danh từ phụ làm tính từ, Việt là danh từ chính. Hán Việt là các từ Việt gốc Hán. Nếu đã Việt hóa, phải gọi là từ Việt Hán.
- về nguồn gốc: từ "Hán" chỉ gốc từ Tàu, mà tại nước Tàu giờ cũng chả ai phát âm như thế. Cho nên ta nên chỉ rõ chính xác là âm này phát xuất từ thời nhà Đường.
Vậy hay chăng, các từ Hán Việt, ta nên gọi chúng là từ Việt Đường? là từ tiếng Việt, qua giao lưu văn hóa (chỉ) với nhà Đường có được, (hoàn toàn không liên quan gì với mấy chú Tàu hiện nay?)

========
Viết thêm:
 Trong bài nói nhiều về thơ Đường. Bạn có thể vào trang vd: vietfun để xem niêm luật thơ và thảo luận...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến