Translate

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Mừng Xuân 2014


Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014
Chúc bạn đọc xa gần, thân hữu cùng gia quyến năm mới nhiều hạnh phúc, công việc thuận lợi.

Trương Phú

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Thư giãn cuối tuần: Tiểu học làm văn


1- Tả chú thương binh.
Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.

2- Hãy cho biết cảm nhận của bạn về nhà thơ Tú Xương qua bài "Thương vợ."Tú Xương là một nhà thơ thương vợ nên có nhiều con. Đồng thời ông cũng là một người thông minh, khôn khéo biết nhường cho vợ những việc nặng nhọc mặc dù ông thi hoài mà không đậu.

3- Tả cảnh trường em trước giờ học.
Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú.

4- Giải thích câu thành ngữ "Anh em như thể tay chân."
Anh em như thể tay chân nghĩa là khi "chân" đau thì "tay" băng bó cho "chân;" còn nếu "tay" đau, thì "chân " đưa "tay" đi bệnh viện.

5- Tả bà ngoại em.
Nhà em có nuôi một bà ngoại, mỗi sáng thức dậy bà thường lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?"

6- Em hãy điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống: “… đi đôi với hành.”
Thịt đi đôi với hành.

7- Em hãy thay lời Âu Cơ kể lại câu chuyện Lạc Long Quân.Lạc Long Quân hiện lên và nói với tôi rằng: “Ta và nàng đến đây hết tình, ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên bờ.” Nói xong rồi Lạc Long Quân nhảy tùm xuống biển lặn mất.

8- Tả một chiếc xe mô-tô.
Gần nhà em có một chú tên Khánh nhà chú có một chiếc xe môtô. Hằng ngày chú thường xách xe ra đi chợ. Mỗi lần bước lên xe chú hụ ga thật lớn. Bởi thế mỗi lần chú hụ ga là mẹ em bảo: “Thằng trời đánh.”

9- Tả cảnh đêm đông của gia đình em.
Đêm đông, gia đình em quây quần ấm cúng bên bếp lửa hồng. Bố em ngồi đọc báo, mẹ em ngồi đan len, chúng em thì ngồi học bài, còn ông nội bà nội em thì ngồi nói chuyện ở bàn ăn mà ngọn đèn dầu chiếu hình lên trên tường trông giống như hai con khỉ già vậy.

10- Em hãy đặt câu với từ “thông thái.”
Bạn Thông thái rau giúp mẹ.

11- Đặt câu có cụm từ nối tiếp “Vả lại.”
Tối hôm qua em và chị gái em cãi nhau. Chị vả em một cái, em vả lại chị một cái.

12- Tả lớp học của em.
Trường em thật là đẹp, các phòng học thật là xinh. Cô giáo giảng bài thật nhiệt tình và say sưa, miệng cô cứ líu lo như chú chim suốt cả ngày. Trong cái nắng oi ả của mùa hè tiếng ve kêu của những chú ve sầu và tiếng cô giáo quát bạn Nam làm cho em bị thức giấc và cảm thấy khó chịu.

 

13-Tả buổi tối ở gia đình em.
Buổi tối, gia đình em sau khi ăn cơm xong thường quây quần bên nhau. Bố em ngồi xem thời sự, mẹ em ngồi khâu quần áo. Em ngồi học bài. Bỗng nhiên mẹ em giật mình và hỏi bố em: “Anh ơi, tháng này lĩnh lương chưa?”

14- Tả công viên.
Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.

15- Tả con đường tới trường.
Con đường đến trường thân yêu của em, em đi mỗi ngày. Đường rất xa khi em đi bộ nhưng lại rất gần khi mẹ chở em bằng xe Honda.

16- Đặt câu với vần “iêu.”Mẹ em thích tiêu tiền.

17- Đặt câu có từ “tập thể.”
Sáng nào em cũng tập thể dục.

18- Tả cơn mưa rào.
Chiều qua, trời đang nắng chang chang bỗng nhiên sân nhà em đổ cơn mưa rào. Tiếng mưa rơi bập bùng phập phồng nên bố em hát: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Em đi lấy chồng để khổ cho anh”.

19- Hãy đặt câu có từ “đỡ đần.”
Vì em chăm học nên em đỡ đần.

20- Hãy tả một người bạn thân của em.
Em có cô bạn tên là Hương. Bạn có mái tóc đen nhánh. Đôi mắt to, cái bụng của bạn trắng hếu.

21- Em hãy tả bà của mình.
Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi phẩy quạt nhưng ruồi không bay khỏi miệng, mồm luôn dạy cháu phải sạch nhưng bà lại lấy khăn lau bàn để lau ly uống nước.



22- Tả con trâu.
Quê em nhà nhà làm nông nghiệp nên gia đình ai cũng có một con trâu. Chú trâu nhà em rất khỏe mạnh và chăm chỉ. Ngày ngày chú theo bố em ra đồng để cày ruộng. Thân hình chú vạm vỡ, 2 chiếc ngà dương lên oai hùng. Chân chú rất to và đen hơn chân bố em nhiều.

23- Tả một buổi đi chơi mà em tham gia.Chủ nhật vừa qua cả nhà em được tổ chức đi Vũng Tàu. Mọi người dậy từ rất sớm để tập họp lên xe. Đi được một quãng đường mọi người trên xe đều ngủ chỉ trừ bác tài là còn thức vì bác đã uống thuốc chống ngủ.

24- Tả bác công nhân.
Tay bác toàn dầu mỡ, trán thì lấm tấm mồ hôi, tai bác như hai cái mộc nhĩ. Thỉnh thoảng bác hay ra bờ rào vườn rau nhà em đi vệ sinh.

25- Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

26- Đặt câu hỏi với vần “ôm, ốp.”
Mẹ em tát em đôm đốp.

27- Tả cái cặp đi học.
Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp. Hàng ngày em đeo nó đến trường. Cái cặp đựng được nhiều sách vở. Nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ vậy!

28- Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội. Ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?

29- Tả cảnh sân trường trong giờ ra chơi.
Trống đánh tùng... tùng... các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chửi

30- Tả con gà trống.
Nhà em có một con gà trống. Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o ầm ĩ. Gáy xong 1 hồi dài nó lấy 2 cánh vỗ phành phạch vào mông đít. Tức mình, em ném nó què chân. 

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Toàn cảnh Thám hiểm Vũ trụ

1- Mời các bạn xem hình toàn cảnh (2014)

[Ghi chú: "Toàn cảnh" là chuyên cho nước Mỹ vì lấy từ tài liệu Mỹ. Thiếu các phi thuyền của các quốc gia khác. Thiếu nhất là các phi thuyền của Nga, một nước có nền công nghiệp vũ trụ mạnh không kém Mỹ, do tôi không biết tiếng Nga!]

(Hình 1)

2- Ta tập trung chú ý góc trên phải hình 1 trên, với ảnh cắt ra Hình 2 như sau:

(Hình 2)

- Khối tròn vàng là Mặt Trời, quay quanh nó với 4 quỹ đạo hành tinh (QĐ) từ trong ra ngoài là QĐ Sao Thủy, QĐ Sao Kim, QĐ Trái đất và QĐ Sao Hỏa.
Các quỹ đạo hành tinh khác như Sao Mộc, Sao Thổ... sẽ đề cập sau.

-  Vành chấm trắng là vành đai tiểu hành tinh, nằm giữa quỹ đạo Sao Hoả và quỹ đạo Sao Mộc. [Nói thêm: Nhiều nhà Khoa học tin rằng bọn tiểu hành tinh nầy tan rã từ một hành tinh nhỏ hơn Trái Đất nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc trước đây. Do đấy vành đai tiểu hành tinh hiện chiếm quỹ đạo quanh mặt trời ở cự ly thích hợp để khoảng cách các quỹ đạo hành tinh là 1,5 lần.
Bọn tiểu hành tinh nầy nằm gần Sao Mộc có trọng trường rất lớn nên quỹ đạo khá nhiễu loạn, một phần bị Sao Mộc hút vào các điểm Lagrange L4 và L5 của Sao Mộc, một phần bay tứ tung qua các quỹ đạo các hành tinh khác. Sao Hỏa, Trái Đất thường bị tụi nầy bay xẹt qua, thậm chí lao vào.]

3- Tại Sao Thủy (Mercury): Bạn thấy có phi thuyền Messenger. Chắc nó còn hoạt động hơn 1 năm là hết nhiệm vụ.

4- Sao Kim (Venus): Venus Express đang hoạt động tại đó, đời sống hơn 1 năm nữa.
Trên QĐ Sao Kim ta còn thấy chiếc Akatsuki, phi thuyền nầy đang quay quanh Mặt Trời chờ thời gian tiếp cận Sao Kim.

5- Trái đất (Earth): Trở lại hình 1 lớn đầu tiên, góc trên trái là hình phóng đại vị trí trái đất. Hình 3 cắt như sau:

(Hình 3)

Không kể Trạm vũ trụ ISS, các vệ tinh quân sự, vệ tinh khí tượng, vệ tinh liên lạc bay ở tần thấp từ 300 đến 500km, các vệ tinh địa tinh viễn thông bay ở tầm 36000km; trên hình còn một loạt các vệ tinh với các nhiệm vụ khác nhau.
- SDO: Quan sát năng lượng Mặt Trời (là vệ tinh địa tĩnh).

Liên quan với Mặt Trăng (Moon):
- Artemis: Quan sát Mặt Trăng
- Ladee: Chuẩn bị đâm vào Mặt Trăng tháng 3/2014.
- Hằng Nga 3 và Yutu: Quan sát Mặt Trăng.
- Trung Quốc với Thỏ Ngọc bò trên Mặt Trăng.

Liên quan với Mặt Trời (Sun):
- thấy có L1 = điểm Lagrange (giếng trọng lực: nơi lực hấp dẫn giữa 2 thiên thể triệt tiêu). Đây là vị trí cố định của 2 thiên thể là Mặt Trời và trái đất. Tại ví trí nầy cách trái đất 1/10 và cách Mặt Trời 9/10 của 150 triệu km. Điểm L1 có 2 phi thuyền SOHO và ACE.
- Liên quan điểm Lagrange: Điểm L4 và L5 có Stereo A và Stereo B. Xem hình lớn.
- Điểm L2 thì có 2 phi thuyền châu Âu: hai kính viễn vọng không gian mang tên Herschel và Planck.
[Riêng L3 không dùng vì nằm bên kia Mặt Trời tính từ trái đất: Khoảng 300 triệu km; phần cách quá xa, lại bị Mặt Trời che khuất khó liên lạc với trái đất.]

6- Sao Hỏa (Mars): Đang có mặt trên đất Sao Hỏa: Robot Spirit (2004) ngừng hoạt động, song sinh với Spirit là Opportunity còn hoạt động cầm chừng đến hôm nay (Pin nguyên tử tốt thật!). Mới nhất là Curiosity (2012) đang hoạt động tốt, truyền nhiều hình ảnh giá trị.
Odyssey và Mars Express thì quá cũ (12 năm) nhưng vẫn bay quanh Sao Hỏa và cho những ảnh đẹp. Tương tự với MRO mới hơn.

Cách đây 2 tháng tôi có viết bài trên blog nầy mô tả Ấn Độ phóng phi thuyền lên Sao Hỏa. Hiện phi thuyền đó đang bay vào QĐ mặt trời, chèn vào QĐ sao Hỏa phải đến tháng 11/2014.

7- Trở lại Hình 1 lớn, Hình 2 cắt ra là hình phóng đại nhóm QĐ hành tinh gần mặt trời từ bên dưới Hình 1.
Bên dưới Hình 1 mô tả 4 QĐ hành tinh xa mặt trời, được cắt thành Hình 4 như sau:

(Hình 4)

Sao Mộc (Jupiter): Là hành tinh khí và là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, màu tròn trắng xám ở hình 4. Quanh quẩn trong QĐ hành tinh nầy có phi thuyền Rosetta, nó không nghiên cứu Sao Mộc mà lại chuẩn bị lọt vào quỹ đạo một Sao Chổi (8/2014) rồi hạ cánh trên sao Chổi đó (11/2014).

8- Sao Thổ (Saturn): Tại đây có phi thuyền Cassini, chuyên chụp ảnh Sao Thổ và vệ tinh của nó là TiTan.

9- Bên cạnh đó còn có các phi thuyền Juno , Dawn, và New Horizons hướng đến QĐ ngoài cùng: ghé thăm các hành tinh lùn Ceres , Pluto, và Charon mà khoảng cách quanh Pluto (Diêm Vương).

10- Ở hình 1 có chiếc ICE, bay lang thang cách 30 năm! Khoảng tháng 8/2014 sẽ xẹt qua Trái đất. Người ta hy vọng có thể lấy quyền kiểm soát nó lại.

11- cách QĐ ngoài cùng có nhiều chấm trắng là rìa hệ Mặt Trời, hay đám mây Oort, nơi nầy xuất phát tụi Sao Chổi, bay hướng về Mặt Trời rồi dạt ra theo quỹ đạo hình parabol (lập lại) hay hyperbol (một lần).

Dạt xa bên phải là phi thuyền Voyager 2; Pioneer 11 và Voyager 1. Tụi nầy đã ra khỏi hệ Mặt Trời và hướng vô tận (nhưng vẫn trong dãi Ngân hà). Chúng có nhiệm vụ chào hỏi nền văn minh khác = nếu có, và có khả năng bắt giữ cùng giải mã...
[Pin nguyên tử trên các phi thuyền nầy chắc sắp cạn, nên việc liên lạc chúng hiện giờ trở đi càng lúc càng khó khăn: cự ly quá xa, pin yếu...]

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Nhớ ngày thứ trong năm 2014


*** Trên thế giới phổ biến cách nhớ ngày thứ trong năm, gọi là Doomsday: là ngày cuối tháng 2, nhuận (29) hay không (28).
Đó là tính các mốc trong các tháng khác trùng với Doomsday.

Năm 2014, Doomsday là ngày 28/2/2014: Thứ Sáu.
Các ngày còn lại trong tháng 2 ta chịu khó tính nhẩm:
- Cùng Thứ Sáu sẽ cách bội của tuần: cách 7, 14, 21, 28.
Vậy 3 ngày còn lại trong tháng 2 là Thứ sáu: 21/2, 14/2, 7/2
(ghi chú: 0/2 tức 31/1).

- các ngày thứ khác dễ đếm phải không?

*** Bạn đã có mốc thứ của tháng 2, các tháng chẵn với ngày sau đều trùng ngày thứ với Doomsday = là Thứ Sáu: 4/4, 6/6, 8/8, 10/10, 12/12.
ví dụ ngày 8/8/2014 chắc chắn là Thứ Sáu.

*** Thế còn tháng lẽ? Tháng lẽ phân biệt tháng 30 ngày (trên tháng 8) và tháng 31 ngày (dưới tháng 8).

- Tháng lẽ 30 ngày: tháng 9 và 11. Nhớ trừ 4
Mốc Ngày 9/9 - 4 là 5/9/2014 là Thứ Sáu.
Mốc Ngày 11/11 - 4 là 7/11/2014 là Thứ Sáu.

- Tháng lẽ 31 ngày: tháng 3, 5, 7. Nhớ cọng 4
Mốc ngày 3/3 + 4 là 7/3/2014 là Thứ Sáu
Mốc ngày 5/5 + 4 là 9/5/2014 là Thứ Sáu
Mốc ngày 7/7 + 4 là 11/7/2014 là Thứ Sáu

- Riêng tháng 1: thường không nhuận gọi là một không (10), năm có nhuận gọi là một một (11)
Mốc tháng 1 năm 2014 không nhuận là ngày (một không) 10/1/2014 = Thứ Sáu
(Ví dụ năm 2016: nhuận, Doomsday là Thứ Hai 29/2/2016. Vậy tháng 1/2016 có ngày (một một) 11/1/2016 là Thứ Hai)

Đấy là tất cả quy tắc Doomsday giúp tính nhẩm ngày thứ trong năm.

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến