Translate

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Bỉ sắc tư phong


Lạ gì bỉ sắc tư phong

Đấy là câu thứ 5 trong Truyện Kiều - Nguyễn Du. Câu nầy khá khó hiểu vì có 4 chữ Hán Việt (HV), mà 4 chữ nầy thuộc về điển tích.
Không những câu 5, câu 6 Truyện Kiều cũng được bàn nhiều (khi cho rằng má hồng không những chỉ đàn bà đẹp mà còn chỉ đàn ông giỏi!):
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
(câu 5, 6 Truyện Kiều - Nguyễn Du)

=> Muốn hiểu rõ các từ cổ "bỉ sắc tư phong", ta phải tìm thầy qua các trang mạng (Web). Rất nhiều trang bàn chuyện nầy, tôi chỉ lượt qua một số trang chính (hay ý nghĩa khác nhau):

Trích:
Theo GS. Nguyễn Thạch Giang thì có nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn, được cái nọ thì hỏng cái kia, không ai được hoàn toàn...

=> Chưa rõ nghĩa lắm, tại sao nhóm từ: "bỉ sắc tư phong" lại có nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn?

Trích:

* bỉ sắc tư phong
Cái kia kém thì cái này hơn, nghĩa là Được hơn điều này thì bị kém điều kia.

* bỉ sắc tư phong
Người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái.
(Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái)

"Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Nghĩa là: Lạ gì chuyện người đàn bà đẹp và phong thái khiến cho trời xanh cũng phải ghen ghét nên thường an bài cho số phận khổ đau.
Tham khảo Hồ Ngọc Đức, Dự án Từ điển tiếng Việt miễn phí

=> Ô hay nhỉ! Nghe rất lọt tai vì trong nhóm từ HV, các từ quen như sắc, phong đã được nhắc đến trong giải thích. Tuy nhiên từ "bỉ" nghĩa là người đàn bà, tôi chưa nghe bao giờ! Dùng Hán Việt tự điển để xem mặt chữ như thế nào:

Trích:
Tra riêng chữ "bỉ" ta có được:
1. kia, nọ
2. phía bên kia
3. đối phương
Không thấy nghĩa là người đàn bà. Tương tự chữ sắc thứ hai, tra từ :
dè sẻn, keo kiệt, bủn xỉn

=> Như vậy câu giảng: (Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái) không đáng tin lắm. Chúng ta tiếp tục gõ…

Trích:
   Lạ gì bỉ sắc tư phong,
   Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
   Bỉ: cái kia, sắc: ít, tư: cái ấy, phong: nhiều
   Bỉ sắc tư phong là điều kia kém thì điều này hơn, đã đẹp (má hồng) thì phải chịu khổ.

=> A! đến đây ý nghĩa bắt đầu rõ với cách giảng từng từ chính xác như trên. Nhưng tại sao "điều kia kém thì điều này hơn"?
Lại phải đi tìm chứng minh tiếp…

Trích:
"Bỉ sắc tư phong" ở đây có nghĩa là được cái kia ít, thì cái này nhiều, không cân nhau bao giờ.
Câu này muốn nói đã hơn tài thì phải kém mệnh.

Nguyễn Du đã lấy ý trong câu "Phong vu bỉ sắc vu thử", "phong vu tài sắc vu ngộ".
Ở đây tác giả dùng chữ "tư" thay vào chữ "thử" cho hợp bằng trắc.

Lấy tích từ:
"Thánh Thán bình: tạo hoá kỵ doanh, phong thử sắc bỉ, sở dĩ nhất sinh nhất phàn nhan sắc thụ thập phần chiết ma, phú nhất phần tài tình, tăng nhất phần nghiệt chướng",

có nghĩa là:
"Thánh Thán bàn rằng: ông tạo hoá ghét người được trọn vẹn đủ điều, người được điều nọ mất điều kia, cho nên sinh cho người ta được một phần nhan sắc thì lại bắt người chịu mười phần chiết ma, được một phần tài tình thì bắt chịu thêm một phần nghiệt chướng".


=> Giảng như trên là quá rõ ràng. Một vài trang lại muốn thay với từ "thử" thành "Bỉ sắc thử phong" để hợp điển tích "Phong vu bỉ sắc vu thử" hay "phong thử sắc bỉ", và viện dẫn vài dị bản cổ Truyện Kiều đã ghi là "thử". Theo tôi, cũng chẳng quan trọng lắm khi chúng ta đã hiểu rõ từng từ và ý nghĩa các điển tích, "Bỉ sắc tư phong" đã nghe quen tai và thanh bằng trắc phù hợp thì ta cứ giữ như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến