Translate

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Phiếm luận về máu mủ


Máu mủ là từ chỉ quan hệ huyết thống giữa nhiều người.

Máu thì dễ hiểu, nghĩa đen là chất lỏng màu đỏ trong cơ thể (= quý báu), nghĩa bóng chỉ về huyết thống, dòng tộc.
Thế còn mủ? Khó à nha. Không thể bảo rằng mủ ở đây là chất thải của thương tổn, mùi tanh tưởi cần loại bỏ. Vì với nghĩa đen như thế sẽ không được đi chung với từ máu cao quý.

Thành ngữ có nhắc đến: máu mủ ruột rà.
Từ ruột thì ok, ai cũng biết đoạn ống tiêu hóa, nghĩa bóng cũng chỉ huyết thống; như trong từ con ruột để phân biệt con nuôi, cháu ruột để nhấn mạnh tính trực hệ...

mà rà thì chả có ý nghĩa gì cả!
(có vùng, do phát âm nên ghi câu thành ngữ trên hóa ra "máu mủ ruột già", thế thì bó tay!. Ruột già là nơi chứa phân, ai lại đem dùng cho một câu thành ngữ có tính giáo dục truyền đời như thế?)

Do rà không có nghĩa gì, nên ta kết luận rà là từ láy của ruột trong từ kép "ruột rà".
(đương nhiên động từ rà có nghĩa, nhưng không liên quan gì ở đây)
Vậy cấu trúc thành ngữ trên sẽ là: danh từ - láy - danh từ - láy.
Suy ra mủ là từ láy của máu trong từ kép "máu mủ".

Song song với thành ngữ máu mủ ruột rà, ta cũng có câu máu mủ ruột thịt
Thịt là cơ vân, nghĩa bóng của thịt khi đi kèm với ruột trong ruột thịt sẽ nhấn mạnh tính huyết thống trực hệ.
Vì thịt là danh từ, nên cấu trúc thành ngữ trên phải là: danh từ - danh từ - danh từ - danh từ.
Vậy mủ ở đây là danh từ.

Ta còn bắt gặp câu: Con là máu, cháu là mủ.
Rõ ràng mủ phải là danh từ, không thể là từ láy! Vậy mủ ở đây là gì?

Nếu mủ là chất dơ, hóa ra câu trên được hiểu: con là quý mà cháu là quỷ ư? hoàn toàn không phải thế. Con là máu, cháu là mủ có ý nói đám con cháu đều cùng huyết thống cả.

Tiếng Việt vẫn có danh từ ghép "máu thịt" bên cạnh danh từ ghép "con cháu". Vậy các cụ tổ có quyền tổ hợp hai danh từ ghép trên để biến thành thành ngữ: con là máu, cháu là thịt. Vậy cơn cớ gì các cụ lại chỉ chọn truyền xuống Con là máu, cháu là mủ đây? ắt là có ý nghĩa thâm thúy.

Để hiểu rõ từ "máu mủ", buộc ta phải xem lại việc hình thành "máu mủ" ấy.
Từ chỗ hai vợ chồng hoàn toàn không có quan hệ huyết thống, (vì "vợ mình là con người ta!"), hai người làm chuyện vợ chồng và kết quả là người vợ mang thai, đẻ con.

Khi đứa con ra đời, mối quan hệ từ vợ - chồng không huyết thống biến thành cha - mẹ - con là mối quan hệ huyết thống. Đứa con là máu mủ của cha mẹ.
Mà từ lúc phôi thai, người vợ phải bụng mang dạ chửa để nuôi bào thai đến lúc đứa trẻ chào đời, rõ ràng đứa trẻ được máu người mẹ nuôi dưỡng và phát triển.
Máu phải thuộc mẹ thì quý vị sẽ rõ ra mủ phải thuộc cha!

Trên cơ sở lý luận đầy khoa học như thế, bạn đọc sẽ nhận thấy câu văn quen viết như kiểu sau đây là nhầm lẫn:
"Em mang trong người giọt máu của anh ấy".
Người ta không thể mang một giọt máu khác được vì dễ xẩy ra "sốc do khác nhóm máu", vậy mang giọt mủ thì hợp lý và khoa học hơn!

Kết luận, mủ trong máu mủ là một danh từ, chỉ một chất quý giá như máu và nghĩa đen cũng như nghĩa bóng đều có giá trị cao về mặt di truyền, huyết thống.

Trương Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến