Translate

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Thanh minh cho "em" trong "Tôi đưa em sang sông"


Tôi đưa em sang sông



Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm,
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em.
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa.
Chẳng lẻ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi.

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần,
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim.
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen,
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là cánh chim đi khắp phương trời.
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ.

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân.
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa...


Bài hát hay, nghe đượm buồn cho chàng trẻ, góc trời phiêu bạt ôm mãi bóng hình người em thuở nào...
Cũng thầm than nhẹ sao em nỡ dứt tình để lên xe hoa.
Nhưng tâm sự của chàng trẻ có thật như thế không?

Hiểu từ ngữ của bài hát:
* mưa rơi âm thầm: âm thầm là nhè nhẹ, mưa kiểu mưa phùn hoặc nặng hơn chút ít, thường không có gió kèm. Nếu cần, có thể đi lại (không mặc áo mưa) dưới loại mưa nầy.
* thấm ướt chiếc áo: ướt từ từ do thấm dần, vài chỗ còn khô, khác với ướt đẫm.
* quay mặt: hướng mặt phương khác, thường dùng ý né tránh. Còn khi dùng nghĩa bóng là phản bội.
* sang ngang: đang (đi) thẳng bỗng rẽ ngang, ý không cùng đường (yêu) nữa, đa số đều hiểu là bỏ người yêu đi lấy chồng.

Bối cảnh nội dung:
Bài hát nói lên tâm sự của chàng trẻ, nhớ lại từ khi "Tôi đưa em sang sông", đó là một buổi chiều năm xưa có mưa nhè nhẹ, trên đường về thấy em ướt và một mình dưới mưa nên cùng đi.

* "Chẳng lẻ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi."

Rõ ràng đầu tiên hai người chưa quen, nhưng có biết; đại loại có thể hình dung hai người cùng thôn (chung một lối về), chàng (tuổi lớn hơn) biết cô em cùng thôn từ thời em còn bé tí nên chả để ý...
Một buổi chiều mưa phùn chàng vội về nhà, thấy cô em đi một mình, và ngỡ ngàng nhận ra em đã lớn, đã xinh nên anh chàng xáp vô.
Thế thì rõ mình đã ham hố, còn tự bào chữa "mà nỡ quay mặt bước đi". Bình thường nếu chỉ biết và không quen nhiều, có thể một câu chào em và đi tiếp... chả ai trách. Mà nếu lạnh tanh không chào hỏi thì cũng chỉ là "thẳng mặt bước đi" chứ làm sao lại dùng từ "quay mặt"? Phải quen nhau sâu đậm, bỗng nhiên né ra mới được dùng từ "quay mặt".

* "Tôi đưa em..."

Thì ra tình cờ trên đường về, anh chàng (đi nhanh hơn) nên kịp em, thấy em đẹp nên tán và xun xoe "nâng niu ân cần" để cùng nhau về (thôn), dzậy mà dám xưng là "đưa". Đưa hay đón chỉ dùng khi người trong cuộc hoạt động theo kế hoạch từ trước, và công việc thực hiện trọn tuyến; vd như "Ba đưa em ra phi trường" hay "Má đón cu Tí từ trường về".

* "Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa"

Đã biết tính chàng ở trên, ta khó thông cảm nổi niềm không mưa hay không nắng. Dù mưa hay nắng thì em vẫn đi về (có lẽ em học trung học), và cần quái gì chuyện "cần tôi đưa". Chuyện gặp chẳng qua tình cờ, và dù trời nắng thì anh chàng (gặp em) cũng dính chấu sa vào em. Huống hồ trời mưa nhẹ và em vẫn đi (một mình) cơ mà, vẫn đi cho dù tóc áo thấm ướt, đâu cần đợi ai đưa? Nếu "đưa" sao không có dù che cho em? 

* "bàn tay nâng niu ân cần,"

Nói ngay là bàn tay của em, có thể viết lại là "nâng niu bàn tay em ân cần"
Đương nhiên anh chàng muốn "nâng niu" thì chàng cũng dùng bàn tay mình. Nhưng bàn tay chàng giữa thanh thiên bạch nhật thì chàng nâng niu em cái gì khi chỉ mới quen? Vậy cho nên (bàn tay) chàng nâng niu bàn tay em ân cần.
Mà chuyện nầy vì sao có? = sang sông = xuống đò ngang, tấp vào bến thôn. Thực ra em bước xuống bến (bùn) cũng quen rồi, vì đi hoài mà, lấm bùn thì kiếm chỗ rửa một tí. Cũng ghi nhận anh chàng xử sự đúng: đưa tay cho em vịn khi em bước xuống bến. (xong rồi thả tay ra chứ). Tất cả chỉ có thế như là giao tế thông thường, thế nhưng cây si đã mọc rễ! tim chàng thình thich và tay run run khi lần đầu tiếp xúc tay em, và anh chàng nhớ mãi để rồi cách điệu rằng:

* "Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim

Đấy là cương! là pháo nổ!
- bến đò (thôn) thập niên 60, 70 TK trước, khi vào bến đất đố ai mà không lội nước? Nếu tránh lấm gót chân chỉ có cách là cõng. Tôi không tin việc 2 người mới quen mà cô em lại chịu cho chàng cõng (để chàng nâng niu đôi mông?)
- Và đã không cõng thì làm sao lo việc "gió buốt trái tim"? và "mưa rơi âm thầm" thì thế nào có gió? Nói chung, khi người ta yêu, cứ huyễn hoặc về mình...

Sau 8 câu đầu nhắc lại kỷ niệm gặp em, tự trách mình xui (?), Ta xem diễn biến câu chuyện.

* "Đời tôi là cánh chim đi khắp phương trời"

Đấy anh chàng nào có yêu gì cô em vừa quen khiến mình xúc động. Có thể vì công việc anh chàng lang bạt khắp nơi, và công việc khiến anh chàng quên cô em dạo nào, chả thư chả từ. Mà đâu phải quên cô em một hai ngày, một hai tuần... mà là nhiều năm

* "Rồi thời gian lặng lẽ trôi,"

Nhóm từ "thời gian lặng lẽ trôi" chỉ dùng để diễn tả một khoảng thời gian khá dài vài năm hay mươi năm. Cũng diễn tả thời gian dài, người ta còn dùng "thời gian trôi đi".
Nhóm sau là mô tả khách quan, thời gian cứ trôi đi, hết ngày rồi đến tháng, năm khác tiếp năm này...
Nhưng, nhóm trước lại là mô tả chủ quan với hai từ "lặng lẽ". Thời gian là đại lượng vô tri vô giác, chúng cứ trôi qua. Vì vô tri vô giác, bạn bảo thời gian lặng lẽ trôi cũng được (khách quan), nhưng thật ra trong ý tứ cảm xúc của bài nhạc (thơ), "lặng lẽ" ở đây mô tả anh chàng vô tâm (chủ quan), vì anh chàng quên bén em út dạo nào nên cứ lặng lẽ mặc cho thời gian trôi đi.

Còn phần em thì sao?
Một cô gái mới lớn, (vì ở cùng thôn, có nghe nói đến anh chàng xóm dưới, thầm ngưỡng mộ), lần đầu gặp nhau nói chuyện vui vẻ (vì chàng cố ý tán nên chìu), lại vịn tay anh khi xuống bến đò. Một em gái quê hồi đó thế là rung động, là ước mơ. Tôi thấy em gái rất dễ thương.

* "Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ."

Đừng bàn ước mơ của các cô em hiện đại 2013, và càng không dám nói đến các cô em sành sỏi mơ đến đại gia với dàn xe hàng tỷ. Gái quê TK trước đa số chỉ mơ được một tấm chồng tử tế, một mái nhà tranh cùng hai quả tim vàngchiều chiều hỏi chồng như ý thơ "Em hỏi anh đêm nay đi đâu? Anh nói rằng anh đi giăng câu"... Thế cho nên em, với ước mơ giản dị, đẹp và nhân văn như thế, em chỉ biết "như ngóng trông chờ..." Em quá tội nghiệp, thương em quá!

Và câu chuyện kết thúc cầu mong có hậu cho em, đương nhiên là buồn cho anh chàng vô tâm:

* "Hôm nao em sang ngang"

Đã vô tâm, anh chàng còn ích kỷ khi nói "em sang ngang". Tôi, người viết bài thấy khó chịu khi nghe giọng hờn trách ấy, hai người nào có hẹn hò gì nhau sau buổi chiều mưa gặp gỡ? Xuyên suốt bài tôi chưa thấy hình ảnh một tình yêu trai gái nào, có chăng là hình ảnh của cô em vẫn ước mơ và mong ngóng. Những lúc đó thì ai trách vì ai? ai buồn hơn ai?

Thế nên em lên xe hoa chứ em không sang ngang, tôi khẳng định như thế. Em xứng đáng có hạnh phúc mới hơn là "như ngóng trông chờ". Và xe hoa là của em tìm được (chồng); điều này chả liên quan đến việc "bằng xe hoa thay con thuyền" gì cả: con thuyền của bến đò cũng chả của anh, và kỷ niệm trên con thuyền thì anh cũng đã vứt vào giòng thời gian cho nó lặng lẽ trôi đi, hà cớ gì anh lại trách?

* "Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa..."
"người trong gió mưa" khiến ta liên tưởng một người phải chịu gian khổ cho ai đó. Mà thực ra là hai người cùng đi bộ dưới mưa phùn (để về thôn), chả có gió và cũng chẳng có ai hy sinh cho ai!
"quên cả" chỉ dùng khi nhấn mạnh rằng không thể nào quên. Gớm, anh chàng tự huyễn nhỉ.

Thôi đi anh ơi, cô em đương nhiên từ nay có lối về là về nhà (cùng chồng), cớ sao anh dùng từ "thay"? Lối cũ ấy đâu phải của anh, lối cũ ấy là nhà cha mẹ cô em ấy chứ. Cô em đối với anh (do anh không ngỏ lời) cũng như một người anh trai tốt, có lẽ cô em vẫn còn nhớ chiều nọ như là một kỷ niệm đẹp, thế thôi. Vậy cớ gì anh lại trách "quên cả người trong gió mưa..."?

===

Nhắc lại rằng bài hát hay, chuyện tình cảm bao giờ cũng dễ đi sâu vào lòng người, và dễ thông cảm cho những ai buồn than trách. Do anh chàng trách than cũng khá nhẹ nhàng, chưa đem lại hậu quả đáng tiếc nên tôi viết bài nầy để thanh minh cho cô em, rằng cả hai chẳng có gì, anh chàng ăn cưới về, hơi say và mũi lòng nói năng tùm lum, chuyện chỉ có thế. Bài hát hay ta cứ nghe, hy vọng bài viết không làm giảm tình cảm của quý vị với bài hát.
Trương Phú


2 nhận xét:

  1. Hai hôm nay sau khi bài viết xuất bản, tôi nhận được đồng tình từ nhiều bạn bè, tất cả đều cho rằng bài viết thú vị. Tuy nhiên vẫn có bạn chưa cùng quan điểm, cho rằng nhạc sĩ không viết chuyện hai người yêu nhau là ẩn dụ, tự người nghe hiểu, và có như thế lời bài hát mới hay!

    Để minh định quan điểm của mình, tôi xin phân tích tiếp:
    "... như ngóng trông chờ"
    Tác giả đã không viết "mong ngóng trông chờ", vì viết như thế là khẳng định hai người đã hò hẹn; đằng nầy chả có gì! thế nên cô em chỉ có "ước mơ", ước mơ gì? mong hoàng tử của lòng mình xuất hiện, và mong hòang tử đó là anh chàng kia. Vì chỉ ước mơ riêng mình nên cô em vẫn sống bình thường, chả phải cô em đợi chờ anh chàng, điều nầy anh chàng cũng biết, nên viết rằng: "như ngóng trông chờ"; hình như thôi à nha!

    Trả lờiXóa
  2. dung la may ong phan tich
    hoi tac gia thi biet tam trang va y tu cua nguoi ta lien
    may ong phan tich doi khi: tu hieu theo nghia cua minh roi phan tich guong ep, tim moi cach de chung minh quan diem cua minh la dung. Khoi phan tich, tu moi nguoi cam nhan, moi nguoi co cach cam nhan rieng, do chinh la nghe thuat. Khoi can anh phan tich theo y cua anh roi dua ra bat moi nguoi nghe, guong ep qua. Cu de ho tu cam nhan. Tham chi co the cam nhan khac y do cua tac gia cung khong sao, nghe thuat ma, ngay ca khi tam trang khac cung co the cam nhan khac nua.
    Cam on bai phan tich, doc cung vui vui nhung that su khong co gia tri van hoc gi ca
    Than.

    Trả lờiXóa

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến