Translate

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Bàn luận về xin và mời


1- Xin
Khẳng định đầu tiên xin là động từ, ước muốn đối tượng làm một hành động nào đó giúp mình...
Với định nghĩa trên, chúng ta có thể dẫn ra vô số ví dụ.
Xin giữ trật tự = Xin mọi người giữ trật tự.

Trong nghĩa của xin, bao hàm ước muốn đối tượng ban phát cho mình.
Xin ngài giúp tôi.

Nếu đối tượng có nhiều vật (danh từ), và ước muốn đối tượng ban cho mình một ít, Xin thường kèm từ Cho.
Xin bà cho con một đồng.
Xin cho tôi được một lần.
Xin mày (cho tao) chút máu.

Cho còn đi kèm động từ.
Xin quý khách vui lòng cho (tôi) xem vé.

Động từ xin còn biến thành tính từ trong ăn xin (ăn mày), sống nhờ bố thí.

2- Mời
Mời cũng mong muốn, yêu cầu người khác làm việc gì đó, nhưng biểu lộ một cách lịch sự, trân trọng.
Mời anh đến (nhà tôi) chơi.
Mời ông đi lối nầy.
Mời chị X phát biểu.

Trong khi Xin bao hàm ước muốn đối tượng ban phát, Mời thì ngược lại, bao hàm ý đưa cho người khác.
Mời cô ăn chén chè nầy.

Vì Xin và Mời đều có nghĩa mong người khác làm việc gì đó, nên nhiều địa phương đã dùng lẫn lộn 2 từ nầy, thông thường thấy ở miền Bắc.

Bạn có thể hiểu được ý các câu sau, nhưng tai sẽ nhức một chút:
Mời ngài giúp tôi.
Mời bà cho con một đồng.
Mời cho tôi được một lần.
Mời mày tí huyết.
Mời quý khách vui lòng cho xem vé.

hoặc:
Xin anh đến (nhà tôi) chơi.
Xin ông đi lối nầy.
Xin chị X phát biểu.
Xin cô ăn chén chè nầy.

3- Xin mời
Và tệ hơn cả là dùng liền 2 từ nầy: Xin mời.
Ra vẽ rất lịch sự; Nhưng thật không ra sao cả! Trong khi kho từ vốn đã có cho trường hợp nầy là Kính mời.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra 2 câu sau, câu nào là lịch sự và trân trọng hơn:
Xin mời quý vị đón xem.
Kính mời quý vị đón xem.

Và chú ý rằng đã xin thì không mời, và đã mời thì không xin!
Vì Xin và Mời có nghĩa cùng yêu cầu người khác, nhưng nghĩa hàm chứa trong đó lại ngược nhau. Do đó, không thể có từ Xin Mời được.

Từ mời vốn là từ lịch sự, nhưng điều kiện thể hiện tính lịch sự nầy là Mời phải đi kèm với túc từ.
Mời anh xơi miếng trầu nầy.

Một từ mời không đi kèm túc từ là một từ cộc lốc, bất nhã; Ví dụ:
- Tôi ngồi đây được không?
- Mời!

Bạn sẽ nghe êm tai hơn nếu:
- Tôi ngồi đây được không?
- Mời chị!

Xem TV, thấy anh chàng LVS dẫn chương trình VTV3 gì đó, cứ la toáng lên "Xin mời", thật không thông cảm được.
Nghiệt môt cái, TV là phương tiện tuyên truyền, trong 20 năm qua anh chàng nầy cứ la hét như thế, thành ra mọi người miền Nam cũng quen tai mất!

4- Xin cảm ơn
Do sống lâu rong vùng nặng cơ chế xin-cho, hắn ta còn la lên rằng "Xin Cảm ơn". Cảm ơn là từ biểu lộ lòng biết ơn của mình, thế thì xin quái gì nữa?

Các tự điển thường cho rằng từ xin đi trước biểu thị thái độ khiêm tốn, lễ phép.
Xin ông cứ tự nhiên
Tuy nhiên chưa chắc. Bạn sẽ thấy câu sau đây dùng đúng cách hơn, và đương nhiên rất lịch sự.
Mời ông cứ tự nhiên

Còn từ cảm ơn, nếu nhấn mạnh, ta sẽ dùng là:
Trân trọng cảm ơn.

Thay vì cảm ơn ta có thể dùng xin.
- Mời anh điếu thuốc. (tôi có thuốc lá và mời anh hút một điếu)
- Xin anh. (xin anh cho tôi điếu thuốc mà anh có = cảm ơn anh)

Tiếc rằng, bài thơ 'Còn chút gì để nhớ' vẫn như thế...
Thơ: VHĐ
...
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
...
5- Xin xỏ
Xin xỏ là nhờ cậy ai để được việc.
mà xin đã bao hàm ý nhờ vả, vậy xỏ là từ láy của xin.
Tuy nhiên đôi khi ông nhà báo giật tít mà trong đó xỏ lại là động từ!
Mẹ chồng mãn kinh, bố chồng 'xin xỏ' con dâu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến