1- Cụm từ quen miệng về chuyện nầy là "Trường sinh bất tử" = sống hoài không chết. Tuy nhiên thật khó khẳng định hai từ "bất tử" vì cho đến nay chưa thấy sinh vật nào trên trái đất đạt được bất tử. Có vô vàn yếu tố để có thể kết thúc cuộc sống sinh vật: Tai họa thiên nhiên hay do con người, chiến tranh giữa các loài và trong cùng loài, dịch bệnh... Chỉ có các đấng Thánh, Thần, Chúa, Phật mới bất tử!
Vậy thì "Trường sinh" đã là hay lắm rồi. Trường sinh ở đây có thể hiểu là kéo dài tuổi thọ. Giấc mơ Trường sinh là mong ước của con người được kéo dài tuổi thọ (thêm chút nữa).
2- Ham sống là bản năng của mọi sinh vật vì tồn tại của sinh vật là chỉ để sống!
Đương nhiên ở đây chúng ta không bàn về ý nghĩa của cuộc sống vì vấn đề nầy phức tạp vô cùng! Bạn có để ý đã ham sống sẽ đồng nghĩa với sợ chết, thế mà thành ngữ "Ham sống sợ chết" lại có nghĩa bóng là kẻ hèn nhát bị khinh bỉ!
Vì ham sống là bản năng nên giấc mơ trường sinh của con người là đúng đắn.
[Chỉ có con người do tư duy phát triển cao, (tự) tạo nhiều ràng buộc tinh thần như đạo đức, danh dự, trách nhiệm, tôn giáo... khiến một số trường hợp cá nhân lại tự nguyện chết. Báo chí còn nhắc đến cá heo cũng thế?...]
3- Nếu không kể đến các yếu tố gây chết từ bên ngoài, bản thân mỗi sinh vật đều có tuổi thọ nhất định. Tuổi thọ dài như các cây họ tùng bách có thể đạt vài ngàn năm, ngắn thì như con phù du (côn trùng) bay lượn vài tiếng. Chú ý rằng tuổi thọ là tuổi chết già, còn tuổi thọ trung bình là số thống kê từ cộng đồng.
(Tôm hùm chưa ai biết tuổi thọ, khám phá tế bào chúng không bao giờ già nên có thể "bất tử". Chúng là hậu duệ của Thần chăng vì nhìn chúng rất oai hùng.
Trong một thời gian dài trước đây, con người có tuổi thọ trung bình chừng 50 năm, vì thế phương đông những ai đạt tuổi 60 đã tổ chức mừng thọ. Thơ văn có câu: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" nghĩa là đời người hiếm đạt bảy mươi. Dù thế lúc nầy ông cha đã mong ước qua câu chúc "Bách niên giai lão" nghĩa là cùng sống đến già trăm tuổi, "Trăm năm hạnh phúc" hay "Trăm năm trong cõi người ta" (Kiều).
Khoa học Kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhất là trong lĩnh vực y học và kinh tế đã nâng dần tuổi thọ trung bình của con người lên cao. Tùy nước mà con số nầy dao động quanh 70 tuổi. Số lượng người vượt qua 100 tuổi không còn hiếm. Giấc mơ trường sinh đã thành hiện thực.
4- Thời cổ đại, tuổi thọ (trung bình) của con người càng tệ hơn, chỉ chừng 30. Trong vài ngàn năm qua tuổi thọ nâng dần lên 50. Chỉ gần trăm năm nay tuổi thọ con người nâng từ 50 lên 70 đã là một bước tiến dài. Và con số 70 cho tuổi thọ trung bình của thế giới đã là cực hạn (Âu Mỹ Nhật: 80, Việt Nam 72, châu Phi 50). So sánh tuổi thọ trung bình của các nước tiên tiến và Việt Nam (thu nhập bình quân chỉ bằng 1/40 đỉnh cao) thì số liệu cũng không cách biệt lắm.
Tuổi thọ trung bình giữa các nước hiện nay chỉ còn là vấn đề chăm sóc y tế: số liệu tuổi thọ kém hơn có nghĩa là dân chúng được chăm sóc y tế kém hơn. Nếu điều kiện tốt hơn, bản thân mỗi người cũng chỉ hy vọng sống đến 80 là hết đát! (expiration date)
[Sống thọ phải có nghĩa là sống còn minh mẫn, giao tiếp được, hoạt động được hay ít ra là tự săn sóc bản thân hằng ngày.]
5- Nhiều góc cạnh khoa học nhìn về tuổi già để hầu mong đột phá giới hạn: Thuyết di truyền, Thuyết gốc tự do (chất oxy hóa), Thuyết kích tố (hóc môn), Thuyết miễn dịch... Trong nhiều thuyết về tuổi già, thuyết di truyền nổi bật hơn cả. Thuyết nầy chứng minh tế bào ngừng phân chia sau khoảng 50 lần, mà tế bào hết khả năng phân chia thì con người cũng ngừng thọ quanh 80 tuổi.
[Các đầu nhiễm sắc thể có 1 đoạn cuối (tiếng tây là telomere); Khi tế bào phân chia, đoạn cuối nầy hụt đi một mẫu. Chia khoảng 50 lần thì đoạn cuối ngắn ngủn gây kết dính nhiễm sắc thể, hết chia! Bạn nào cơ thể có số lần tế bào chia ít hơn thì thăng sớm, nhiều hơn thì có thể đạt "bách niên giai lão".]
[Tế bào ung thư thực chất trước đó là 1 tế bào thường của cơ thể, (ghi số 1 là tất cả khối u do từ 1 tế bào mà ra); nhưng do yếu tố nào đó 1 tế bào thường nầy lại có đoạn cuối luôn luôn được bảo tồn, và bị kích hoạt phân chia không kiểm soát, thành ra chúng phân chia mãi mãi tạo ra một khối u đè ép và xâm lấn chung quanh. Hiện một số công trình nghiên cứu trị ung thư đi theo hướng nầy: làm sao phá vỡ sự bền vững đoạn cuối của tế bào ung thư.]
[Cơ thể Tôm hùm gồm toàn tế bào khi phân chia không hụt đoạn cuối, (phân chia có kiểm soát) thành ra theo lý thì tôm hùm là bất tử]
6- Thuyết kích tố (hóc môn) cho rằng các giai đoạn đời sống đều do kích tố điều hành. Già hóa là do các kích tố thiếu hụt như HGH (tăng trưởng), nhóm tính dục nam nữ, hoặc các kích tố khác như Melatonin, DHEA. Đã thực nghiệm việc dùng HGH trên người già cho kết quả tốt: tăng cơ, giảm mỡ, da căng...
Bên cạnh đó, các hóa chất sinh học khác cũng có tác dụng, vd hà thủ ô làm đen tóc. Ngày nay, người ta ghi nhận nhân sâm có các tác dụng sau: Bồi dưỡng cơ thể, làm tăng phát triển cơ thể, tăng khí lực, tăng khả năng lao động trí óc và tay chân, tăng trí nhớ...
[Trong khi các nhà Y học, Dược học thì đang tìm tòi các chất sinh học để trẻ hóa thì loài sứa turritopsis nutricula lại chơi trội hơn: Loài sứa lớp thủy tức này có thể quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển (Cải lão hoàn đồng).
Vòng đời của chúng lặp lại liên tục khiến loài sứa này được xác định là động vật bất tử duy nhất trên Trái Đất hiện nay.]
[Đến quý dân nhậu lớn tuổi: Ngoài những món ngon, lạ, hiếm để thưởng thức hương vị cuộc đời; món nhậu cũng nên chú trọng bổ theo cách nói "ăn gì bổ nấy". Quý vị đừng quên tôm hùm (tế bào bất tử), Sứa turritopsis nutricula? (cải lão hoàn đồng), đậu phụ, lòng đỏ trứng (tiền chất HGH), trứng vịt lộn (tế bào gốc). Tối về nhớ uống DHEA (tăng năng lực), Melatonin (ngủ). Hai thuốc sau có bán tự do. Hê! quảng cáo không công cho người ta]
7- Một niềm hy vọng gần đây cho giấc mơ trường sinh là tế bào gốc, là tổng hợp cho hai mục 5 và 6 ở trên: Tế bào gốc phân chia vô tư, không bị giới hạn số lần. Và vì nó là gốc, nó có thể biến hóa bất kỳ để sản xuất hoạt chất sinh học mà cơ thể thiếu, nó tự thay đổi để đảm trách các bộ phận cơ năng mà tuổi già thiếu hụt.
* Khi trứng hợp tinh trùng tạo nên trứng thụ tinh, đó là tế bào gốc PHÔI = toàn năng (Embryonic stem ES), từ đây chúng chia 2, 4 rồi 8. Tám tế bào gốc phôi đầu tiên nầy là toàn năng nghĩa là mỗi tế bào có thể tạo thành thai nhi riêng biệt. (Sinh đôi cùng trứng là do nhóm tế bào nầy bị tách rời)
(Ghi chú: có tài liệu cho rằng số lượng tế bào gốc phôi phải nhiều hơn, có lẽ đến 150)
* 8 tế bào gốc phôi nầy tiếp tục phân chia thành 16, 32... tạo thành một cục phôi thai, trong cục nầy có:
- Tế bào gốc mầm: (Embryonic germ cell-EG) tạo ra cơ quan sinh dục
- Tế bào gốc trưởng thành: (đa năng Adult stem cell AS) sẽ tạo ra các cơ quan khác.
Nhóm tế bào gốc trưởng thành còn chia theo nhiều nhánh do chúng có khả năng phát triển:
-> Tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells MSC) hay trung bì.
-> Tế bào gốc máu
-> Tế bào gốc tủy xương
-> ... vv
Rất may là nhóm tế bào gốc trưởng thành nầy vẫn còn sản suất (vì nó phân chia vô tư) và nằm trong nhiều mô khác nhau.
Nghiên cứu về tế bào gốc gần đây thu nhận nhiều thành tựu:
a- Nguồn: ban đầu lấy từ phôi (= phá hủy phôi), sau đó là tủy xương (đâm kim vào xương rất đau), rồi phát hiện có trong máu cuống rốn...
b- Chuyển đổi: Phân chia đầu tiên như Tế bào gốc trung mô, Tế bào gốc máu, Tế bào gốc thần kinh... gần như đi vào lịch sử vì kỹ thuật hiện nay đã cho phép các tế bào gốc trưởng thành biến hóa trở lại bất kỳ gốc nào, vd Tế bào gốc trung mô cũng có thể tạo xương, tạo máu.
Tái tạo tế bào gốc dành giải Nobel Y học 2012
Giải thưởng cho công trình chuyển tế bào đã biệt hóa trở lại thành tế bào gốc vạn năng (pluripotent stem cell). Với công trình nầy, nguồn tế bào gốc và sự phân chia các nhánh tế bào gốc đã không còn là vấn đề.
8- Hiện ưu tiên của ứng dụng tế bào gốc là chữa trị bệnh. (Bạn đọc có thể gõ trên Google để tìm tế bào gốc chữa bệnh với rất nhiều kết quả). Nhưng Lão khoa cũng là cũng là một ngành của Y học, cũng là đối tượng để tế bào gốc phục vụ. Trước mắt các chứng bệnh do lão hóa sẽ được các tế bào gốc phục hồi chức năng.
Với tế bào gốc, tương lai của trường sinh sẽ rộng mở. Bạn cứ tưởng tượng cơ thể bạn đã qua 50 lần phân chia, rệu rã... Thầy thuốc tương lai sẽ tiêm cho bạn vô số tế bào gốc nầy thì thế nào? tiêm vào não thì nhớ và suy nghĩ nhanh, tiêm cơ thì cơ nở, tiêm tim tim mạnh, tiêm gan gan tốt.
Các tế bào gốc nầy khi tiêm vào mô chuyên biệt sẽ biến hóa thành cùng loại và mang số lần phân chia là 1. Tổng hợp cơ thể bạn: đa số 50 lần và những nhóm 1 lần thì chắc chắn cơ thể bạn chưa đến 50 lần phân chia, Không những thế, nhóm mô mới toanh nầy hoạt động thật sung sức, sẽ tiết ra nhiều hoạt chất sinh học để cải tạo các tế bào già nua khác. Điều nầy có nghĩa là bạn sẽ còn cười tươi được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét