1- Tâm hồn:
Là cuộc sống nội tâm của mỗi cá nhân đang sống, gồm lý trí là khả năng nhận thức, và tình cảm.
Theo định nghĩa trên, rất nhiều động vật đều có tâm hồn! Chỉ vì con người tự cao cho mình là loài thượng đẳng nên giành độc quyền khi nói đến vấn đề tâm hồn.
Theo trí tuệ phát triển, tâm hồn cũng được vun đắp, nẩy nở. Đề cập chuyện tâm hồn của bé sơ sinh là chuyện buồn cười vì tâm hồn do sự giao tiếp và học hỏi mà có. Đa số các động vật bậc cao dùng hành động để biểu lộ tâm hồn mình: tình mẫu tử khi nuôi dưỡng, bảo vệ đàn con. Báo chí thỉnh thoảng đăng bài chú khỉ hay chú chó nằm mãi bên mộ chủ...
2- Linh hồn:
Trở lại vài trăm ngàn năm trước, thậm chí vài triệu năm trước; trên trái đất, cuộc sống vẫn tiếp diễn sôi động với các loài động thực vật, mà trong đó nhóm động vật với khả năng hành động để kiếm mồi và truyền giống đã tạo nên một bức tranh đấu tranh sinh tồn muôn màu muôn vẻ.
Và lúc ấy, chúng động vật cũng biết sống theo bầy đàn, cùng chiến đấu, bảo vệ lẫn nhau, thậm chí hy sinh cho nhau trong việc kiếm mồi và chống lại kẻ thù. Lúc ăn no rảnh rỗi, chúng tụ tập chơi đùa cùng nhau, ngoài việc giải trí có lẽ là hình thức huấn luyện săn mồi cho những cá thể nhỏ. Chúng biết học từ kinh nghiệm của các cá thể khác, biết xử lý tình huống và biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau... Nói tóm lại tâm hồn mọc tràn lan trong thế giới động vật. Tuy nhiên lúc nầy đề cập đến linh hồn của chúng cũng là chuyện buồn cười! Linh hồn là cái chi chi?
Khoảng 200.000 năm trước một nhánh người cổ (Homo erectus) tiến hóa thành người hiện đại (Homo sapiens), có lẽ lúc nầy ngôn ngữ sơ khai bắt đầu xuất hiện với những âm tiết đơn sơ kèm điệu bộ. (Không ai xác định ngôn ngữ sơ khai xuất hiện từ lúc nào, chỉ căn cứ vào di chỉ cấu trúc xương hàm để kết luận khả năng nói). Qua suy luận, ngôn ngữ là những ký hiệu âm thanh quy ước để giao tiếp được phát triển khi tập thể người cổ cùng nhau làm việc. Tuy thế thời thái cổ nầy chả có ai quan tâm về tâm hồn hay linh hồn!
Chỉ khoảng vạn năm trở lại, khi vốn từ trong mỗi nhóm bộ lạc nhiều hơn, chính ngôn ngữ phong phú đã giúp con người phát triển suy tư: không những suy nghĩ thực tại mà còn suy tưởng trừu tượng. Lo sợ trước sức mạnh thiên nhiên, tổ tiên đã nhân cách hóa các lực lượng thiên nhiên thành một vị tối cao: Thần! Tùm lum Thần như Thần bão, Thần sấm, Thần lửa... được cúng tế: Đa thần giáo ra đời.
Để truyền bá đức tin, cuộc sống của các vị thần được suy tưởng và mô tả: Các thần ngự ở trên cao! Nơi ấy là hư vô không thấy.
(Mỗi dân tộc đều có truyện thần thoại, mà nổi tiếng nhất là Thần thoại Hy lạp, La mã. Ngành Thiên văn Vũ trụ Âu tây dùng nhiều tên thần La mã).
Thần Zeus trong Thần thoại Hy Lạp
Và sung sướng nhất là con người được ở cùng các Thần, vinh quang phục vụ Thần. Mà thực tế con người còn sống thì không thể ở chung với các ngài, tối đa chỉ tự xưng là con cháu của Thần. Vậy muốn ở chung với các ngài, phải đợi khi con người chết đi: = Cuộc sống sau khi chết. Linh hồn ra đời!
Linh hồn, gắn liền với tôn giáo, được xem như Tinh thần độc lập và bất diệt của mỗi người. Linh hồn gắn liền với người sống và thoát ra thể xác khi người chết.
Sơ đồ hình thành linh hồn:
Ngôn ngữ phong phú (có khả năng tưởng tượng) => Lo sợ => thờ cúng Thần => Mong ước bất tử => Linh hồn
Vì Linh hồn được suy luận từ ngôn ngữ nên chỉ con người mới tự cho là loài duy nhất có linh hồn!
(Ông bà ta chơi trội hơn, phân cho mỗi người đến 3 hồn và bảy vía! Có lẽ học của Tàu)
Tóm lại, Linh hồn là sản phẩm của suy tưởng, nếu bạn tin là có. Và Linh hồn như một tiên đề, chả cần lý luận nếu bạn tin. Phúc cho ai không hiểu mà tin!
===
Giới thiệu sách:
Con người trở thành khổng lồ
Linh hồn (phần 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét