Translate

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Bàn về chữ Hiếu


(nguồn hình: internet)

1- Hiếu được hiểu là gì?

Hiếu là một quan niệm đạo lý truyền từ Tàu, hàm nghĩa cung kính chăm sóc cha mẹ khi sống, chôn cất khi chết.
Vì là một quan niệm nên chúng phải, đã và sẽ thay đổi theo thời gian, không gian.
- Phải có nghĩa là quan niệm ấy không là bất di bất dịch mà biến đổi cho hợp thời.
- Đã có nghĩa là quan niệm ấy đã thay đổi.
- Sẽ có nghĩa là quan niệm còn thay đổi nữa.
- Không gian có nghĩa là quan niệm ấy mỗi nơi một khác.

2- Hiếu đã thay đổi như thế nào?

Việt nam chúng ta bị Tàu đô hộ ngàn năm, nên quan niệm hiếu đã bị nhồi sọ đến mức chả ai dám bàn, bàn đến không chừng mang tội bất hiếu!
Cụ đồ NĐC đã thốt lên:
"Trai thời trung hiếu làm đầu"
Trung ở đây là trung thành với vua (Nhà Nguyễn), và hiếu là hiếu với cha mẹ (ông bà).

Cụ NĐC vừa mất thì Bác Hồ ra đời, Bác chả xem câu trên là cái đinh gì cả! Cả cuộc đời bác phải bôn ba tìm đường cứu nước. Bác chẳng có trung với nhà Nguyễn, cũng chẳng có hiếu với cha mẹ: Nhà Nguyễn bị Bác lật đổ và Bác lại phải lo chăm sóc cho dân chúng cả nước vì bác đã quan niệm hiếu theo nghĩa khác và dặn dò lũ cháu:
"Trung với nước, hiếu với dân"
Hóa ra việc chăm sóc cha mẹ (nếu có thể) là việc mặc nhiên của mọi người, chả nên đáng để bàn luận.

[Quan niệm của Bác cũng lạc hậu rồi vì giờ chỉ còn khái niệm trung với đảng; còn bạn có thấy nơi nào dân được hiếu chưa?]

3- Hiếu (của Tàu) có đáng để thay đổi không?

Ví dụ tiêu biểu cho hiếu (của Tàu) là cuốn "Nhị thập tứ hiếu". Đây là cuốn sách mà những ai có học chút chút khoảng 50 năm trước đều biết, đọc nó lúc tâm hồn còn non nớt thì cảm động, lớn lên đọc lại lại thấy ngô nghê! Nào là ở trần cho muỗi hút máu, khóc chờ măng mọc, nằm trên băng chờ cá... Thế nhưng phản động và man rợ nhất là Quách Cự dám chôn con 3 tuổi dành cơm nuôi mẹ!

Thời nay, quốc gia nào cũng trân trọng ấu nhi, mọi nỗ lực đều nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ chúng vì chúng là tương lai của dân tộc, đất nước. Ấu nhi càng được bảo vệ và phát triển đồng nghĩa với trường tồn (tồn tại lâu dài). Bên Mỹ, tụi con nít là số 1 để bảo vệ và coi trọng.

Việt nam chúng ta cũng thế, ông bà đã phán câu: "Tre già măng mọc". Tre cứng rồi cũng lụi tàn nhường chỗ cho lũ măng nhú nhô lên, đời đời nối tiếp.

Mà Quách Cự (đại biểu cho suy nghĩ của Tàu xưa) vì nghĩ ngu xuẩn trong chữ hiếu dám chôn con để bớt miệng ăn. Một hành động mà ngay thành ngữ Tàu còn lên án: "Hổ dữ không ăn thịt con" (Hổ dữ chẳng cắn con); một hành động man rợ phi nhân: giết người mà tàn độc là giết cả con mình. Bên cạnh đó, ta còn thấy Quách Cự lộ ra tính ích kỹ: giết con để bảo toàn mình!

Đương nhiên đấy chỉ là câu chuyện hư cấu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt rất nhiều người khó lựa chọn vẹn toàn, do đó trên báo hay viết câu: "Bên tình bên hiếu"... Sở dĩ khó chọn lựa vì quan niệm đạo lý đang ở thời kỳ quá độ: vừa tiếp thu quan niệm hiện đại lại dùng dằng không vứt bỏ quan niệm cũ. 
Hãy rạch ròi để xử lý gia đình ba đời Quách Cự: Nhóc 3 tuổi phải là người chết sau cùng, mà người phải hy sinh đầu tiên chính là mẹ già để cho thế hệ sau chèo chống: Mẹ già, Quách Cự, Vợ, Con; đấy là thứ tự hy sinh trong hoàn cảnh khắc nghiệt! Hiếu trong chuyện nầy không đáng nhắc đến.

4- Nói chung quan niệm đạo lý của Tàu là thứ vứt đi.

Cụ đồ NĐC còn nói tiếp:
"Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình"
Hóa ra phụ nữ (có chồng) theo quan niệm xưa không cần hiếu với cha mẹ mình vì "xuất giá tòng phu" nghĩa là gả thì theo chồng, cha mẹ chồng mới là cha mẹ mình để giữ hiếu; còn cha mẹ ruột thì biến. Quý vị bạn đọc phụ nữ có đồng ý với quan niệm trên không?

Hiếu (của Tàu) do thời xưa nhiều đời ở cùng nhà (hiện vẫn thế), cọng thêm tính gia trưởng: quyền và lợi đều tập trung lên trên. Đạo lý hiếu ra đời để nhồi sọ lớp trẻ vĩnh viễn thần phục lớp già, tự thân đạo lý nầy thể hiện tính ích kỷ: hy sinh quyền lợi lớp trẻ để giành cho người già.

Để mang tính thuyết phục, đạo lý hiếu biện luận:
"Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Hóa ra kể công như trên thì hiếu chỉ là có vay - có trả, một giao dịch tầm thường: cha mẹ nuôi con lớn thì con có nghĩa vụ nuôi cha mẹ già, thế thôi!

5- Tình mẫu tử

Tình mẫu tử là một tình cảm cao thượng phát xuất từ bản năng. Tình mẫu tử thấy rõ trong hầu hết các loài có vú, hoặc rộng hơn là hầu hết các loài động vật có xương sống. Giống cái chịu mang thai, đẻ con, chăm sóc son để (đàn) con khôn lớn, thậm chí hy sinh tính mạng mình để bảo vệ (đàn) con.

Nói tình mẫu tử phát xuất từ bản năng vì rõ ràng tự thân giống cái khi sinh nở đã có tình mẫu tử nầy, và nhờ bản năng tình mẫu tử, việc duy trì giống loài được thực hiện.
Vậy tình mẫu tử là bản năng để duy trì và phát triển giống nòi.

Loài người cũng thế và hơn thế: không những người mẹ chăm sóc bảo vệ con mà người cha cũng góp phần trong đó; bên cạnh tình mẫu tử có thêm tình phụ tử, và cả 2 thứ tình nầy đều là bản năng: nuôi con khôn lớn, rồi sau đó mong có cháu bồng, nghĩa là mong (đám) con của mình cũng phát triển ra tình mẫu tử (phụ tử) để con cháu đầy đàn.

Như vậy tình mẫu tử (phụ tử) chỉ là bản năng của con người, mà đã là bản năng là thực hiện không suy nghĩ, không tính toán thiệt hơn. Nói theo cách văn vẻ thì cha mẹ nuôi con đấy là bổn phận và trách nhiệm, thế thôi.

Và (đàn) con khi lớn lên, việc trước tiên là tìm cách để phát triển lòng mẫu tử của chính mình, vì đây mới chính là bổn phận và trách nhiệm như đã nói trên: Phải thương đứa con của mình hơn là thương cha mẹ mình! Rất logic (lý luận), phải không?

Vì thế, tình mẫu tử (phụ tử) cao thượng hoàn toàn không phải là một thứ tình cảm để kể công, để mong bù lại, mà là thứ tình cảm truyền đời, để con cháu lớp sau tiếp tục thể hiện nhằm duy trì nòi giống.

6- Gút bài: Hiếu trong thời đại ngày nay?

Ngày nay, gia đình chỉ gồm vợ chồng già, hoặc vợ chồng trẻ và con nhỏ. Điều nầy có nghĩa là con lớn sẽ từ bỏ gia đình (cũ) để tạo dựng gia đình mới. Đây là chuyện của muôn nơi và muôn đời.

Chuyện chăm sóc lẫn nhau, trước tiên là công việc nội bộ của mỗi gia đình già hay gia đình trẻ. Là con người, chúng ta còn có tình cảm sâu đậm với cha mẹ, nghĩa là con cái lớn bên cạnh chăm sóc gia đình của chính mình, còn quan tâm thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, đấy là hiếu.

Khi nhiều thế hệ cùng tồn tại trong một ngôi nhà (thêm cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ), mọi nguồn lực cần ưu tiên cho thế hệ trẻ nhất phát triển. Dồn tất cả tiền bạc để mong cho cha mẹ sống thêm tí chút trong khi bỏ mặc đàn con là một hành động ngu xuẩn (ngu hiếu).

Nếu cha mẹ già nhiều con lớn đã lập gia đình, các con lớn (trai gái) cần cùng nhau thảo luận để đề ra cách chăm sóc cha mẹ già công bằng, hợp tình hợp lý nhất. Nhiều trường hợp đăng báo lũ con bất hiếu không chăm sóc cha mẹ do thiếu việc anh chị em thảo luận ở trên, lại một phần do đám con tị nạnh bởi một số cha mẹ trọng nam khinh nữ, trọng trưởng hay trọng út trong cách phân chia thừa kế, thế thì trách ai được?

Tự thân mỗi người đừng chăm bẳm việc con phải có hiếu với mình: đó là suy nghĩ ích kỹ. Chả thiếu gì chị em suy nghĩ: "Mong đẻ đứa con để sau già con nơi nương tựa!" Đấy là lối suy nghĩ chỉ vì mình, chỉ muốn con phục vụ mình.

Hãy tự sắp xếp để sau khi con cái tách lập gia đình xong, vợ chồng già vẫn còn vốn liếng hay việc làm để tự thân sống. Đừng vì quá yêu con mà cứ đeo bám con khi đã lớn, hoặc cho con cái tất cả những gì mình có để rồi sống nhờ và than trời đất nỗi con bất hiếu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến