Translate

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Câu chuyện hóa học cuối năm

Về bài báo: Đức thành công chế tạo máy biến nước thành xăng dầu.


Loại máy có thể chuyển hóa nước sang nhiên liệu xăng dầu của Đức.
ảnh: Sunfire GmbH.

1-    Mới đọc tựa đề, cảm giác thật giật gân! Cái gì mà biến nước thành xăng? Với nước, một chất vô cơ hoàn toàn và hầu như ai ai cũng biết công thức hóa học của nó là H20, nghĩa là một phân tử nước gồm 2 nguyên tử Hydrogen và 1 nguyên tử Oxygen cấu thành. Trong khi xăng là (hỗn hợp các) chuỗi Carbon thấp, chỉ từ 5 đến 10 Carbon. (Chuỗi Carbon thấp dưới 5 ở dạng khí, vd Methane CH4, Ethane C2H6, Propane C3H8…) Công thức hóa học trung bình của chuỗi là C8H18. Công thức hóa học của nước và xăng hoàn toàn khác nhau về bản chất, vậy làm thế nào để biến nước thành xăng?

2-    Đọc tiếp bài báo, hiểu rõ tựa đề đúng là câu khách. Máy làm nhiệm vụ tổng hợp các chuỗi Carbon cùng Hydrogen, dựa trên phản ứng gọi là Kỹ thuật Chuyển hóa Fischer-Tropsch, trong đó Hydrogen thì lấy từ hơi nước! (hóa ra có liên quan tí ti đến nước, hèn gì mạnh miệng)
Phản ứng Fischer-Tropsch tạo thành chuỗi CnH(2n+2) thường được viết như sau:
(2n + 1)H2 + nCO CnH(2n+2) + nH2O      (1)         
Phản ứng sinh nhiệt, có chất xúc tác là Cobalt (hay sắt). Khi nhiệt độ tăng, phản ứng chậm lại nên thùng phản ứng (hình trên) cần nhiều đường dẫn nước làm nguội.
         
Nguyên liệu đầu vào trong phản ứng trên là khí Hydrogen H và khí MonoOxytCarbon CO. Trong kỹ thuật, lại lấy khí Methane CH4 và hơi nước H2O làm nguyên liệu đầu vào.
                     H2O + CH4 CO + 3H2                                     (2)
 Với phản ứng (2) hoàn toàn đủ cung cấp nguyên liệu cho phản ứng (1)
Người ta còn có một phản ứng tạo khí Hydrogen dự phòng theo chuỗi phản ứng (2):
                    H2O + CO H2 + CO2                                       (3)

3-    Hai mục trên là hết bài, bây giờ nói chuyện ngoài lề nhân nhắc đến khí methane CH4.
Vừa qua, các báo có loan tin tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện dấu vết của khí methane trên Sao Hỏa.

Trên Trái Đất, khí methane CH4 là sản phẩm phân hủy các chất từ xác sinh vật, còn gọi là khí hầm cầu hay BioGaz. Vì lý do đó, khi phát hiện khí methane CH4 ở đâu đó, người ta dễ tin rằng ở đó có sinh vật. Và bài báo: Phát hiện dấu vết chứng tỏ sự sống tồn tại trên Sao Hỏa trên trang http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-dau-vet-chung-to-su-song-ton-tai-tren-sao-hoa/297110.vnp là theo khuynh hướng nầy. 
Nhắc lại rằng theo khuynh hướng nầy còn có các thiên thạch Sao Hỏa được phân tích có dấu vết cấu trúc tế bào!

Ngược lại, các nhà khoa học khác lại cho rằng khí methane CH4 là sản phẩm tự nhiên như các phản ứng Fischer-Tropsch, chả có vi sinh vật gì ở đây cả!
Cũng như giả thuyết về nguồn gốc các mỏ dầu, đa phần nghiêng về trầm tích sinh học, nhưng vẫn có thuyết xem là cấu tạo địa chất.

Cần nhắc lại, khí methane CH4 trừ trên Trái Đất, trong hệ Mặt Trời rất khó tìm trong bầu khí quyển các hành tinh khác vì chúng dễ bị phân hủy bởi tia cực tím trong ánh sáng Mặt Trời. Vậy nên khí methane CH4 trên Sao Hỏa được xì ra, đấy là sản phẩm mới toanh…

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Sách hay: Thiết Kế Vĩ Đại

Thiết Kế Vĩ Đại
Tác giả:
Stephen Hawking
Leonard Mlodinow
Người dịch:
Trần Nghiêm

(Trích)
Chương 1: Bí ẩn của sự tồn tại
Mỗi người chúng ta tồn tại nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và trong thời gian đó chúng ta khám phá nhưng chỉ khám phá một phần nhỏ của toàn bộ vũ trụ. Nhưng con người vốn là giống loài hiếu kỳ. Chúng ta muốn biết và chúng ta đi tìm những câu trả lời. Sống trong thế giới rộng lớn đã phân chia thành thiện ác này, và săm soi vào bầu trời bát ngát phía trên đầu, con người luôn luôn nghi vấn biết bao nhiêu câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể tìm hiểu thế giới mà chúng ta tìm thấy bản thân mình trong đó? Vũ trụ hành xử như thế nào? Bản chất của thực tại là gì? Tất cả những cái này từ đâu mà có?  Vũ trụ có cần một đấng sáng tạo không?...

Trân trọng giới thiệu đến các bạn


Link Download:
1- http://thuvienvatly.com/download/13446

2- http://www.mediafire.com/download/b8yd99kvlql1dd3/Ban+Thiet+Ke+Vi+Dai.pdf

(Link 1 là link gốc, link 2 là link tôi upload dự phòng)


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh


Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Cách khác để bay vào quỹ đạo quanh Trái đất

1-    Để bay vào quỹ đạo quanh Trái Đất, buộc vật phải có vận tốc là 7,9 km/s. (Đổi ra giờ là 28.440 km/h). Để có vận tốc khủng khiếp như thế, trong hơn 50 năm qua, tất cả các nước phóng được vệ tinh đều chọn phóng nhờ một tên lửa thật lớn có nhiều tầng, tầng nầy cháy hết nhiên liệu sẽ rời ra nhằm giảm khối lượng đẩy, và tầng tên lửa khác khai hỏa đẩy tiếp…

2-    Việc phóng vệ tinh vào quỹ đạo như thế thì được rồi, nhưng tiếc là giá cả cho mỗi lần phóng đắt quá! Trung bình cho mỗi kg vào quỹ đạo phải tốn chừng 30.000 USD. Một vệ tinh nặng chừng 2 tấn (Vệ tinh địa tĩnh, có mang theo năng lượng để điều chỉnh quỹ đạo theo thời gian) chắc phải tốn cỡ 60 triệu đô để vào được quỹ đạo.
Nói thêm về tên lửa: Khi lệnh phóng thi hành: Bùm một cái, lửa khói xịt ra, tên lửa lừng lững bay lên, rồi mất hút. Qua vô tuyến, phòng chỉ huy theo dõi từng tầng tên lửa tách (lệnh nầy được lập trình sẵn trong tên lửa), và cuối cùng là thả vệ tinh vào quỹ đạo. Tên lửa sau đó xem như không có! (Biến thành rác vũ trụ, sẽ rơi xuống và cháy trong không trung.) Vậy có phí phạm không?

3-    Mong muốn giảm chi phí cho mỗi lần phóng vệ tinh là mong muốn chung của nhiều quốc gia hay tổ chức. Vì thế có rất nhiều dự án nhằm đưa vật thể vào quỹ đạo quanh Trái Đất với chi phí rẻ hơn.
Bạn hãy xem kỹ một lần phóng vệ tinh: (Tùy theo tên lửa, vd:) trong mươi giây đầu cho đến một phút, tầng 1 tên lửa cháy hết nhiên liệu chỉ đủ sức đưa toàn bộ tên lửa bay lên chậm chừng vài trăm mét cách mặt đất. Tầng 2 từ đó cháy khoảng 5 phút để đưa tên lửa đạt độ cao chừng 50 km, và các tầng tên lửa sau tiếp tục vận hành…
Và chúng ta cũng thấy rằng các tầng đầu của tên lửa (phía dưới) bao giờ cũng mập to hơn. Phải đốt cháy một khối lượng nhiên liệu khủng khiếp chỉ để đưa tên lửa lên độ cao vài chục km kèm gia tốc, rõ ràng như thế quá phí phạm.

4-    Trích 24h.com
Mỹ nghiên cứu dùng chiến đấu cơ phóng vệ tinh
Những vệ tinh nhỏ trong tương lai có thể được phóng lên quỹ đạo Trái đất từ bụng một chiếc máy bay chiến đấu.

Cơ quan nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của quân đội Mỹ đã trao cho tập đoàn Boeing hợp đồng trị giá 30,6 triệu USD để phát triển một phương tiện phóng vệ tinh dài 7,3m được gắn vào bụng máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle.

Khi máy bay chiến đấu F-15E đạt được độ cao 12.192m, nó sẽ tách phương tiện phóng khỏi bụng. Lúc này, các động cơ phản lực của phương tiện phóng được kích hoạt để đưa các vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Các quan chức của Boeing cho biết, hệ thống phóng này có thể giúp tiết kiệm khoảng 66% chi phí phóng những vệ tinh nhỏ (dưới 45 kg), nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Ảnh mô phỏng phương tiện phóng vệ tinh gắn dưới gầm chiến đấu cơ F-15E.

Hệ thống phóng từ máy bay chiến đấu không chỉ rẻ hơn hệ thống phóng sử dụng tên lửa đầy nhiều tầng, mà còn là cách đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất nhanh hơn.

“Chúng tôi phát triển một thiết kế tiết kiệm chi phí bằng cách đưa các động cơ lên phía trước thiết bị phóng”, giám đốc chương trình khám phá không gian của Boeing, ông Steve Johnston, cho biết. “Với thiết kế của chúng tôi, tầng thứ nhất và thứ hai sử dụng cùng một động cơ, giảm mức độ phức tạp và trọng lượng cho phương tiện phóng”.

DARPA cũng muốn giảm chi phí tiếp cận không gian cho những thiết bị nặng hơn. Dự án XS-1 của cơ quan này được triển khai nhằm mục đích phát triển một phương tiện có khả năng phóng các thiết bị nặng từ 1.361 đến 2.268 kg lên quỹ đạo Trái đất với chi phí ít hơn 5 triệu USD/chuyến.
Theo Huy Phong (Theo BI) (Khampha.vn)

5-    Châu Âu không dùng máy bay phản lực như Mỹ làm bệ phóng gia tốc ban đầu, mà mong muốn thiết kế một phi thuyền con thoi: lên xuống quỹ đạo và dùng lại. Phi thuyền nầy đương nhiên có động cơ tiên tiến (Sabre) cho phép hoạt động ở 2 chế độ…

- Phi thuyền dạng máy bay có cánh có tên là Skylon, để có thể nhờ lực cản không khí nâng phi thuyền lên độ cao 25 km. Giai đoạn bay từ sân bay lên độ cao 26 km và đạt vận tốc 5.600 km/h, lúc này động cơ đốt hydro với oxy của khí trời. Chỉ sau đó động cơ mới dùng oxy mang theo để tiếp tục bay đến quỹ đạo quanh Trái Đất ở độ cao 300 km.
Các ước lượng cho thấy việc đốt nhiên liệu với oxy của khí trời trong giai đoạn đầu sẽ nhường tải trọng lên đến vài chục tấn (thay vì mang theo các bình oxy lỏng). Vì thế, chi phí cho mổi kg vào quỹ đạo quanh Trái Đất sẽ giảm nhanh, chỉ còn 1.000 USD!

6-    Thực ra hiện tại phi thuyền Skylon với động cơ Sabre đang nghiên cứu và hoàn thiện, nhưng rất nhiều người tin tưởng vào nó. Cơ quan vũ trụ châu Âu đã tài trợ bước đầu cho dự án là 1 triệu Euro.
Ngoài ra, động cơ Sabre cũng có thể là cơ sở cho máy bay siêu âm hiện đại sau này, như các máy bay siêu âm Concord đã từng hiện diện.

-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Đồ họa Lịch theo quỹ đạo Trái Đất

(Nhấn vào hình để phóng to)

-        Nhìn qua, hình khá giống với mặt mèo máy Doremon!
-        Quy ước địa đồ: trên là hướng bắc, dưới = nam, phải = đông và trái = tây. Ở đây trong không gian vẫn thế: trên là hướng sao Bắc Cực, và Trái Đất hình tròn lục: nửa trên xem là bán cầu bắc.
-        Đây là lịch Trái Đất trên quỹ đạo quanh Mặt Trời với phân bố tiết, mùa tính theo bán cầu bắc. Nếu ở bán cầu nam, các tiết và mùa đôn thêm 6 tháng. Ví dụ ngày 21/3 bán cầu bắc là khởi đầu tiết Xuân Phân, bán cầu nam vào ngày 21/3 khởi đầu tiết Thu phân. Các ngày nêu trong hình, tùy theo năm (nhuận tây) có thể sai +1 ngày.
-        Tròn đỏ là Mặt Trời, Tròn lục là Trái Đất. Đường elip xanh nhạt là quỹ đạo Trái Đất. Các đường đen là chia quỹ đạo Trái Đất theo góc 15 độ. Các màu phía trong quỹ đạo: Xanh nhạt = mùa xuân, vàng = mùa hạ, xám nhạt = mùa thu và trắng = mùa đông.
-        Trái Đất quay theo hình elip một vòng là 365 ngày ứng với 360 độ. Vậy mỗi ngày, Trái đất di chuyển trên quỹ đạo 1 độ.
-        Mỗi phần 15 độ gọi là một Tiết. Trung bình là nửa tháng hay 15 ngày. Một mùa có 6 tiết.
-        Các mùa bắt đầu với từ Lập: Lập Xuân 4/2, Lập Hạ 6/5, Lập Thu 7/8 và Lập Đông 7/11. Âm nhạc có nhắc đến tiết Lập Đông với:
"Trời Lập Đông chưa em? Cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi…"
-        Giữa mùa: là Xuân, Hạ. Thu, Đông và Phân hay Chí. Ta có Xuân Phân và Thu Phân, Hạ Chí và Đông Chí. Phân là tia sáng Mặt Trời thẳng góc ở Xích Đạo. Chí là tia sáng Mặt Trời thẳng góc ở Chí tuyến.
-        Quỹ đạo Trái Đất là hình elip nên sẽ có điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất) vào ngày 3/1 (cuối tiết Đông Chí), và điểm viễn nhật (xa Mặt Trời nhất) vào ngày 4/7 (cuối tiết Hạ Chí). Vậy Tết tây (1/1) cũng có lý của nó: Khởi đầu (năm) được tính từ mốc cận nhật!
-        Mốc chính trên quỹ đạo Trái Đất: Xuân phân 21/3 ở vị trí 0 độ. Hạ chí 21/6 ở vị trí 90 độ. Thu phân 23/9 ở vị trí 180 độ và Đông chí 22/12 ở vị trí 270 độ. Các mốc khác tính theo mỗi tiết cách nhau 15 độ. Riêng các nước vĩ độ cao lại lấy các mốc nầy cho ngày khởi đầu mùa!
-        Mùa Hạ (bán cầu bắc) nóng bức, không phải do Trái Đất gần Mặt Trời nhất, mà do tia sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc vào Chí tuyến bắc. Lúc nầy Trái Đất xa Mặt Trời nhất.
-        Gần Mặt Trời, Trái Đất quay nhanh hơn. Vì thế từ ngày 21/3 đến ngày 23/9, Trái Đất di chuyển đến 186 ngày cho 180 độ. Còn từ 23/9 đến 21/3 thì Trái Đất chỉ di chuyển 179 ngày. Thời gian của 2 nửa elip nầy chênh nhau 7 ngày.

-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Quà Giáng sinh 2014 - Ván trượt bay Hendo Hoverboard

Thứ hai 24/11/2014 Có bài viết: Phát Sốt Khi Xem Tony Hawk Sử Dụng 'Ván Trượt Bay'

Nội dung bài báo như sau:


Ảnh: Thiên tài trượt ván Tony Hawk hé lộ ván trượt không chạm đất

Đích thân Tony Hawk đã thử nghiệm thiết bị này và đã có những lời nhận xét rất tích cực về nó. Hai đại diện cho sản phẩm độc đáo này - Tony Hawk và nam diễn viên Christopher Lloyd cho biết loại ‘ván bay’ này hứa hẹn là một sản phẩm cực đỉnh, giúp  mọi người bay được như Marty McFly. Các nhà phát triển cho biết bí mật làm cho chiếc ván này có thể bay lơ lửng là nhờ vào bốn động cơ ẩn phía trong Hendo Hoverboard. Chúng được làm từ siêu nam châm điện có khả năng sinh ra từ trường đủ mạnh tương tác lẫn nhau để nhấc bổng chiếc ván cũng như người đứng trên ván ra khỏi lực hút của từ trường trái đất. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, chiếc ván Hendo Hoverboard này chỉ mới có thể bay ở khoảng cách 1 inch so với mặt đất trong vòng 15 phút mà thôi. Các nhà phát triển vẫn đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa chiếc ván "thần kỳ" này.



2-    Chúng ta hay nghe "Tàu đệm từ trường", nghĩa là cả con tàu được từ trường cùng chiều giữa thanh ray và con tàu đẩy nhau, khiến các toa tàu lơ lửng cách ray vài phân, chỉ còn đầu máy bám vào ray chạy, nhờ thế vận tốc tăng lên 400 – 500 km/h (Tàu cao tốc đệm từ trường.)


Ở đây, ván trượt bay Hendo Hoverboard có lẽ cũng có cơ chế như thế. Bài viết ở phần 1 của trang anyarena.com mô tả như thế là hoàn toàn đầy đủ. Chúng ta khó hiểu hết các vấn đề khoa học và kỹ thuật trong một sản phẩm tựa như đơn giản như thế, dù cho chúng ta cố đọc các trang gốc, Ví dụ trang:

3-    Điều thú vị là một thành quả khoa học kỹ thuật cao cấp: Nệm từ trường, lại được ứng dụng cho một sản phẩm dân dụng, một sản phẩm giải trí, biến thành món quà Giáng sinh 2014 độc đáo: Ván trượt bay Hendo Hoverboard.
Thế là từ nay, các bạn trẻ (hay già) có thể thử nghiệm cảm giác lướt bay trên thiết bị Hendo Hoverboard, dù chỉ là cách mặt đất vài phân!
(Lưu ý rằng, nói là cách mặt đất, thực ra Ván trượt bay Hendo Hoverboard có lẽ phải hoạt động trên một mặt phẳng đặt biệt, ví dụ mặt phẳng sắt-từ, và nếu thế, thời gian sản phẩm Hendo Hoverboard ra công chúng có lẽ cũng cần thêm một thời gian…


4-    Bên cạnh điều thú vị ở trên là điều ngạc nhiên! Thú thật tôi rất ngỡ ngàng khi đọc và thấy qua ảnh, một thiết bị bé tí, chạy pin, lại nâng trọng lượng bản thân nó, còn thêm một anh chàng to khỏe, cũng phải cả trăm ký!
Tại trang kickstarter.com cho biết hiện tại có thể nâng 250 kg bay lên nửa inch (1 inch = 2,5 cm).
Vậy thì hiện tại chỉ là thử nghiệm trên một món đồ chơi, khi thành công (hoàn thiện) thì ứng dụng này (đệm từ) sẽ được đưa vào rất nhiều lãnh vực, mà quan trọng nhất là lãnh vực giao thông vận tải. Bạn cứ thử nghĩ, hàng hóa bỗng nhiên mất trọng lượng thì viễn cảnh vận chuyển phân phối hàng hóa sẽ như thế nào? Du lịch sẽ nhộn nhịp ra sao?...

5-    Công ty Hendo được thành lập bởi cặp Jill và Greg (đang ôm trong hình) và các thành viên khác.

Hiện sản phẩm đang hoàn thiện, dự trù có lẽ ra mắt sản phẩm phải đến cuối tháng 10/2015 (gần 1 năm nữa). Và như thế nên tựa đề bài viết nầy có lẽ hơi lố, gọi là chào mừng thành quả độc đáo. Độc giả quan tâm có thể ủng hộ đặt hàng trước, giá khoảng 10000 USD. Một sản phẩm bay có giá ban đầu như thế là dễ chịu.

-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh


Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Giáng sinh, những điều khác biệt

1-    Thời tiết:

Mùa giáng sinh phải vào mùa đông, tuyết bay nhiều như câu ca:
"Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…"
Điều nầy đúng cho đa số các nước ở bán cầu bắc, vĩ độ cao (trên 30 độ bắc)
Thế nhưng cũng ở bán cầu bắc, vĩ độ thấp như Việt Nam, chưa bao giờ thấy tuyết rơi! (trừ vùng núi phía bắc.)
Và ở bán cầu nam, ví dụ nước Úc thì thời tiết đương nhiên là nóng: vì 25/12 mỗi năm trong mùa hè mà.

2-    Ngày tháng:
Rõ ràng hầu hết mọi người đều biết lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 hằng năm…

Nhưng tại một số quốc gia mà giáo hội Thiên chúa là Chính thống giáo (Đông Âu) thì ngày 25/12 (lịch Julius của họ) sẽ là ngày 7/1 của năm mới (theo lịch Gregorius phổ thông hiện nay), nghĩa là tại các quốc gia nầy Noel được tổ chức sau nửa tháng!

Nguyên nhân: Chuyển từ lịch Julius sang lịch Gregorius. Hai hình trên: 10/1582 Giáo hoàng Gregorius XIII quyết định bỏ 10 ngày (sau ngày 4 là ngày 15.) Đến 1752, nước Anh mới dùng theo lịch nầy, lúc đó trong tháng 9 phải bỏ 11 ngày (sau ngày 2 là ngày 14.) Chênh các năm hiện tại đã là 13 ngày!

3-    Cây cối:
Giáng sinh với Victoria 's Secret

Cây thông được phương tây chọn trang trí, nhưng ở phương đông, cây sồi lại được chọn (Chính thống giáo.)

Người đàn ông đang bán những nhánh cây sồi, biểu tượng Giáng sinh của Cơ đốc chính thống, ở Belgrade, Serbia. Ảnh: Reuters.

5-    Tên gọi:
- Pháp Noël:
Theo danh từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
- Anh Christmas:
Theo tiếng Anh gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (phiên âm Việt là "Ki-tô" - nghĩa là Đấng được xức dầu) chính là tước vị của Giê-su. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là "Ngày lễ của Chúa Kitô", tức là ngày lễ Giáng sinh của Chúa Giê-su.
Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau.

6-    Ý nghĩa:
Tại Việt Nam, (trừ các giáo dân xem Giáng sinh là lễ trọng) Giáng sinh dần dần được coi như một ngày hội chung cho mọi người, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, phần lễ: cây thông Noël được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật…
Và phần hội chung cho mọi người nầy đương nhiên không thiếu ăn và uống! mà khoái nhất là uống mừng!


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Làm thế nào để thông minh?

1-    Mong muốn mình giỏi hơn là mong muốn có từ rất lâu của con người, kể từ khi con người phát triển ý thức, và nhất là tranh đua trong cộng đồng. Biện pháp biến ước mơ ấy thành hiện thực thông thường trông cậy vào thức ăn hay dược liệu quý hiếm. Thời buổi bây giờ hay nghe báo đài quảng cáo: "Các mẹ muốn con nhỏ thông minh, nên nuôi bằng sữa XYZ có nhiều DHA..."
Phân tử lập thể Docosahexaenoic acid (DHA)

2-    Hóa ra cung cấp đủ DHA cho bà bầu và nhũ nhi, tức là bảo đảm cho não bộ đứa trẻ phát triển tốt vì DHA là chất liệu quan trọng để tạo nên cấu trúc não. Cần chú ý rằng quảng cáo thường nói lố! Đứa trẻ thiếu DHA trong giai đoạn bào thai phát triển và giai đoạn chào đời sau đó, thì việc phát triển về trí tuệ, tâm thần có bị ảnh hưởng trì trệ (theo thống kê). Nhưng việc cung cấp đầy đủ DHA sẽ không làm trẻ thông minh thêm! Bởi vì thông minh chỉ được quyết định bởi di truyềntập luyện. Chế độ dinh dưỡng tốt chỉ có tác dụng hỗ trợ nhằm phát huy tối đa những tiềm năng di truyền sẵn có.

3-    Một chế độ dinh dưỡng tốt cho trí tuệ thông thường là chế độ ăn của giới trung lưu tại Việt Nam (2014). Tôi viết câu nầy phải được hiểu: Dù bạn nghèo nhưng bạn cần cù thì bạn vẫn thông minh như thường! (Lấy cần cù bù thông minh là lẽ đó, vì thông minh cũng một phần do rèn luyện, học tập.)

Nói là chế độ ăn của giới trung lưu, vì chế độ ăn phải bảo đảm đầy đủ đạm (thịt, trứng, cá, đậu). Mà ăn thịt (cá) cho no (= thịt nhiều cơm ít) thì phải tốn khá nhiều tiền đấy. Lương trung bình hai vợ chồng công nhân sẽ không kham nổi cho nhà 3 miệng ăn (chồng, vợ và con) theo chế độ dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên 2 vợ chồng nhịn miệng cho con nhỏ ăn thì cũng OK. Đến khi nó lớn (sức ăn nhiều) tính sau!

Người ta hay đề cập các vi chất cần thiết trong thực phẩm tốt cho trí tuệ là iod sắt. Chất béo không no là DHAARA (Arachidonic Acid). Iod cần cho tuyến giáp phát triển, thiếu thì gây bệnh đần. Sắt bổ máu, thiếu thì gây bệnh thiếu máu làm chậm phát triển trí tuệ. Còn DHA và ARA là các thành phần lipit chính của não (và các bộ phận thần kinh khác). Nhóm nầy thường có trong cá biển. Nói chung, nếu ăn đầy đủ đạm thường đầy đủ các vi chất.

4-    Cần lưu ý mục 2 và 3 nêu trên tuy nói nhiều về thức ăn cho trẻ nhỏ, nhưng với người lớn có chế độ ăn như vậy, ít nhiều đầu óc cũng mở ra, vì ăn như thế thì không bổ mắt cũng bổ óc, không bổ ngang cũng bổ dọc mà!
Ngoài chuyện thông minh do di truyền, ta không thay đổi được, sự thông minh như đã nêu, cũng đến từ học tập và rèn luyện, ngay cả môi trường sống cũng tác động đến trí thông minh của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
-        Môi trường sống: Trí tuệ trung bình một cá nhân trong thế giới chậm phát triển rõ ràng kém hơn trí tuệ trung bình một cá nhân ở thế giới phát triển. Dân tỉnh luôn kém nhạy hơn dân thành. Môi trường sống thực ra cũng là một dạng học tập mà thôi.
-        Rèn luyện: Tùy theo khả năng từng người, nên tiến hành các hoạt động nghề nghiệp, vì có thông minh hơn cũng nên dùng trong nghề. Công việc càng được diễn luyện đương nhiên sẽ được thực hành suôn sẽ, đấy là biểu hiện thông minh rõ nhất. Việc tập luyện sẽ ghi dấu ấn vào vỏ não, tạo nhiều liên kết. Thông minh chẳng qua là sự liên kết nhanh của vỏ não mà thôi.
Vỏ não và các vùng chức năng

5-    Con người tách khỏi lớp thú nhờ lao động. Chính việc vận động làm các vùng não tương ứng phát triển. Các vùng não luôn luôn có liên hệ và tác động lẫn nhau.
Với vận động và cảm giác, vỏ não gồm 2 nửa trái phải điều khiển thân đối diện phải trái. Vì thuận tay (phải hay trái) nên rõ ràng chỉ có một bên vùng vỏ não (trái hay phải) phát triển. Phần vỏ não còn lại kém phát triển chính là tiềm năng của mỗi cá thể.
Ví dụ: Người thuận tay phải (chiếm đa số) thì phần vận động của vỏ não trái phát triển, phần vận động của vỏ não phải kém phát triển hơn.

Khi chúng ta (vd: thuận tay phải) tập luyện tay trái được thành thạo, có nghĩa là bộ não ta thêm một vùng vỏ não được phát triển. Vỏ não phát triển nghĩa là nhiều liên kết tạo ra và phối hợp thuần thục. Điều nầy không chỉ nằm trong việc vận động mà còn kèm theo cảm giác, suy nghĩ… vì như đã nói, các vùng não luôn luôn tác động lẫn nhau. Ví dụ bạn xỏ kim bằng tay trái: đó không phải đơn giản là việc vận động đưa chỉ vào lỗ kim, mà phối hợp mắt nhìn, tay giữ thăng bằng khỏi run, óc suy nghĩ phán đoán góc xỏ chỉ…

Tập vận động tay chân không thuận như vậy sẽ làm tăng phản ứng vỏ não, và đấy chính là tiền đề của sự thông minh, hay nói cách khác, tập vận động thành thạo tay (chân) không thuận cũng làm tăng trí thông minh!

Nói dại mồm: Nếu ta thực hiện các công việc thường ngày bởi cả 2 tay, lỡ tai nạn hay bệnh tật bất ngờ liệt nửa người, ta vẫn sống tốt vì nửa người còn lại vẫn quen công việc thường ngày…

Tôi, thuận tay phải, khoảng 10 năm trở lại, một số công việc thường ngày đơn giản, đã giao tay trái đảm đương, chả biết hiệu quả gì không, nhưng vẫn thấy người trẻ, khỏe, nghĩ thông nhiều việc. Mà cho dù ít hiệu quả đi nữa, nó vẫn là lý luận khoa học để tôi tin hơn là ngu ngơ tin vào quảng cáo, hoặc ai đó mách lẻo, như bao chuyện: sừng tê, cao hổ… Ôi thật buồn cười và đáng thương!

-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Ngày mai Phi thuyền Rosetta đổ bộ Sao chổi!

1-    Đã 10 năm! Phi thuyền được phóng lên không trung ngày 2/3/2004, cách đây hơn 10 năm. Nhiệm vụ chính là tiếp cận và đổ bộ lên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.

(Tạm ghi là phi thuyền = spaceship, báo Âu Mỹ chỉ công nhận nó là robot thăm dò không gian = Spacecraft)
Khác với các phi thuyền khác, chỉ được hỏa tiễn đưa phi thuyền vào quỹ đạo quanh Trái Đất. Ở đây, phi thuyền Rosetta được hỏa tiễn Ariane 5G+ đẩy rất mạnh, mượn đà Trái Đất quay quanh Mặt Trời, Rosetta thoát ly sức hút Trái Đất và bay quanh Mặt Trời cùng quỹ đạo với Trái Đất.
Để theo hành tinh nào thì phi thuyền phải tiến vào quỹ đạo của hành tinh đó (quanh Mặt Trời). Vì thế, phi thuyền Rosetta phải vào cùng quỹ đạo sao chổi 67P (gọi tắt như thế). Mà quỹ đạo sao chổi đa số là xa xôi. May quá, quỹ đạo sao chổi 67P chỉ ngoài Mộc tinh một tí (trường hợp nầy đặc biệt, các quỹ đạo sao chổi khác thường xa hơn). Tuy  thế cũng xa ngợp trời rồi!

2-    4 lần mượn lực hút của Trái Đất và 1 lần của Sao Hỏa: Rosetta thực sự không đủ sức bay đến quỹ đạo Sao Hỏa chứ đừng nói tới Sao Mộc hay Sao Chổi 67P! Thế nên các kỹ sư của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) bắt đầu lái Rosetta "nhấp nhô" với Trái Đất, Cùng quay quanh Mặt Trời, Rosetta sẽ xẹt ngang Trái Đất. Nhờ những lần "hôn gió" nầy, tốc độ Rosetta dần tăng lên, hậu quả là quỹ đạo quanh Mặt Trời dãn rộng ra…
(Hình trên, các đường chấm trắng là quỹ đạo Rosetta quanh Mặt Trời, gần như giao thoa với quỹ đạo Trái Đất [Earth] quanh Mặt Trời. Sau mỗi lần sát Trái Đất, quỹ đạo Rosetta dãn ra…)

Sau 4 lần nhá Trái Đất, lúc nầy (2007) Rosetta đủ sức bắn tới Sao Hỏa. Đương nhiên lần gặp Sao Hỏa nầy cũng là lần mượn sức hút của Sao Hỏa lần cuối để có đủ tốc độ tiến tới Sao chổi 67P.

3-    Nhiệm vụ đầu: Quan sát tiểu hành tinh Lutetia
Sau khi cách xa Sao Hỏa và tiến tới quỹ đạo Sao Mộc, trên đường đi lúc này, Rosetta được giao nhiệm vụ phụ: quan sát tiểu hành tinh Lutetia nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Mặc dù Lutetia được phát hiện từ khoảng 150 năm trước, nhưng trong một thời gian dài, tiểu hành tinh này chỉ như một đốm sáng nhìn từ Trái Đất. Chỉ đến gần đây, các nhà khoa học mới có được cái nhìn dù chỉ mờ nhạt về Lutetia nhờ các đài quan sát độ phân giải cao trên mặt đất: đường kính 134km.
Ngày 10/7/2010 phi thuyền Rosetta đã bay ngang qua cách Lutetia 3.200km (=1900 dặm =quá gần hen!) và có khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ để chụp một số hình ảnh về tiểu hành tinh này bằng các camera công nghệ cao. Và đây là lần đầu tiên một tiểu hành tinh khá lớn, được chụp cận cảnh bởi phi thuyền.
Và nhắc thêm rằng, việc quan sát của Rosetta = chụp ảnh Lutetia và gởi về Trái Đất, lúc đó xảy ra cách Trái Đất 454 triệu km (gấp 3 lần Trái Đất – Mặt Trời, hay 280 triệu dặm với các bạn quen hệ đo Anh)

4-    Ngủ đông trong 3 năm và thức dậy. Để tiết kiệm năng lượng, trong thời gian Rosetta tiếp tục bay đến gặp mặt Sao chổi 67P dài dằng dặc, ngày 8/6/2011 Rosetta được lệnh tắt hầu hết các máy móc quan trắc, chỉ còn bộ phận liên lạc Trái Đất hoạt động cầm chừng. Sau 31 tháng bay giữa hư không, ngày 20/1/2014 Rosetta bị đánh thức.
Bạn xem hình: hầu như cả phòng điều khiển thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu đều vui mừng vì đánh thức Rosetta thành công. Ai mà biết sau 3 năm tắt máy, trong môi trường hư không lạnh ngắt chúng có "điếng" luôn không? Mà Rosetta không thức dậy, có nghĩa là mục đích chính cũng trôi vào hư vô!

5-    Nhiệm vụ chính: Tiếp cận và Robot Philae đổ bộ trên Sao chổi 67P
Jean-Jacques Dordain, Giám đốc Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA), nói: “Sau 10 năm, 5 tháng, 4 ngày đi về phía mục tiêu, năm vòng quanh Mặt trời, đi tới 6,4 tỉ cây số, chúng tôi vui mừng thông báo rốt cuộc đã có mặt.”
Esa đã công bố một tấm hình chụp cận cảnh sao chổi, có hình dáng giống “con vịt cao su”.
Các mốc của năm 2014: (vì đây mục gì cũng là đầu tiên!)
-        5/2014: Chụp hình đầu tiên về 67P
-        6/8/2014: Rosetta bắt đầu quay quanh 67P
-        Từ tháng 8 đến tháng 11/2014: Rosetta tiến gần Sao chổi (hạ độ cao quay quanh sao chổi) và kiểm tra các địa điểm dự định đổ bộ.
-        12/11/2014: Robot Philae đáp xuống Sao chổi 67P
-        Tháng 8/2015 Rosetta (theo 67P) tiến đến vị trí gần Mặt Trời nhất.
Hôm nay Thứ Hai, 10/11/2014, cách Robot Philae đáp xuống Sao chổi 2 ngày. Chúng ta háo hức trông chờ câu chuyện, và ngưỡng mộ những thành tựu khoa học to lớn mà con người tạo ra: Từ Trái đất, ra lệnh cho phi thuyền thả con Robot Philae rơi trên sao chổi 67P, mà tín hiệu từ Trái Đất truyền lên mất 24 phút!
Các thông số tham khảo: (tính cho hôm nay 10/11/2014)
-        Tốc độ Rosetta (hay 67P) là 40.884 mph; hay 65.796 km/h; hoặc tính ra giây là 18,28 km/s
-        Cách Mặt Trời: 279.430.999 miles hay  449.699.000 km
-        Cách Trái Đất: 315.701.653 miles hay 508.072.766 km

--------------------------------
Sáng nay, trên trang chính Google Search, biểu tượng Google cũng thay đổi để chào mừng Rosetta thả Philae xuống 67P!


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Thủy triều và âm lịch

1-    Dương lịch đã phục vụ việc theo dõi mùa màng, thời tiết trong năm rất tốt. Ấy chỉ vì thời tiết và mùa màng phụ thuộc góc ánh nắng Mặt Trời chiếu rọi một vùng trên Trái Đất, và Dương lịch phản ánh rõ góc chiếu nầy qua việc tính vị trí Trái Đất quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời.

Thế nhưng hiện tượng thủy triều: Mức nước biển lên xuống hằng ngày ở các vùng duyên hải lại không tính được rõ qua dương lịch! Và từ xa xưa, ông bà tổ tiên đã nhận thấy thủy triều tăng mạnh vào các dịp trăng đầu tháng hay trăng tròn. Hóa ra hiện tượng thủy triều trên Trái đất là do Mặt Trăng gây nên. Vì thế có thể nói, dùng âm lịch để theo dõi mức nước thủy triều là chính xác nhất!

2-    Trong một tháng âm lịch, khởi đầu với mức triều cường cao nhất, những ngày sau mức triều cường thấp dần đến ngày 7 hay 8 đạt đến thấp nhất. Sau đó mức triều cường cao dần cho đến ngày rằm là đạt đỉnh. Những ngày kế, mức triều cường hạ bớt cho đến mức thấp nhất vào ngày 22. Mức triều cường lại tăng dần cho đến đầu tháng sau hoàn thành một chu kỳ trăng.
Có thể nói đầu tháng và giữa tháng âm lịch thì triều cường có đỉnh cao nhất, thì khi triều cạn trong ngày, mức nước rút xuống cũng thấp nhất. Ngày 7 hoặc ngày 22 mức triều cường không cao bằng các ngày khác = đỉnh thấp nhất, thì mức nước rút không bao nhiêu.

3-     Mặt Trăng gây ra hiện tượng thủy triều.
Trên Trái Đất, lớp nước (Thủy quyễn) xao động trên lớp đá (Thạch quyễn). Lớp nước (trong các đại dương) bao tròn Trái Đất, do lực ly tâm của Trái Đất nên quanh xích đạo, thủy quyễn dày hơn một tí.
Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Mọi lúc, lực hấp dẫn từ Mặt Trăng hướng về Trái Đất. Do thủy quyễn dễ xao động nên trên các kinh tuyến đối diện Mặt Trăng, lớp nước được nâng cao lên từ 1-3m.
Hình sau, lấy từ Thuvienvatly.com

Trong hình: Vị trí các kinh tuyến đối diện Mặt Trăng, lớp nước được nâng cao, vị trí kinh tuyến đối diện (-1800) lớp nước cũng được nâng cao. Như vậy bất cứ lúc nào, lớp nước trên Trái Đất cũng được nâng cao chỉ tại 2 vị trí!

4-    Trái Đất tự xoay quanh trục nên các điểm trên Trái Đất lần lượt đi vào vùng mà lực hấp dẫn của Mặt Trăng tạo nên thủy triều nhô cao.
Đương nhiên như bạn thấy trong hình, chỉ cần sau 6 giờ, kinh tuyến sẽ từ đỉnh triều cao nhất, xoay tới triều thấp nhất.
Tùy từng địa phương trên Trái Đất mà có nơi chỉ chịu ngày 1 lần thủy triều lên – xuống, gọi là Nhật Triều, với chu kỳ là 24 giờ 52 phút. (52 phút bù là do Mặt Trăng di chuyển trong thời gian Trái đất tự xoay 24 giờ)
Những vùng duyên hải khác thì thủy triều lên xuống 2 lần, gọi là Bán Nhật Triều, một lần đối diện Mặt Trăng, lần tiếp ở phía bên kia Trái Đất (-1800)
Hình sau, lấy từ Thuvienvatly.com
Trái Đất quay quanh trục trong ngày lần lượt đưa một mốc kinh tuyến vào triều cường, rồi triều rút, có thể 1 hay 2 lần trong ngày.

5-    Ngày 1 âl và ngày rằm, Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất trên cùng đường thẳng. Lực tổng hợp là lớn nhất nên mức triều cường cao nhất, vài tiếng sau đó là mức triều rút xuống cạn nhất.
Hình sau, lấy từ Thuvienvatly.com

Vào ngày 8 hay 22 âl, Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng hợp thành tam giác vuông, hay Mặt trời vuông góc Mặt Trăng. Lực hút tổng hợp nhỏ nhất nên đỉnh triều cường thấp nhất, và mức triều rút vẫn còn cao nhất.

6-    Kết Luận: Giờ mới thấy lịch âm có tác dụng! Ngày Trăng mới và Ngày Trăng tròn có đỉnh triều cường cao nhất, mức triều rút xuống thấp nhất.
Đây là 2 ngày trong tháng trăng mà thủy triều chênh lệch nhất. Tương tự ngược lại: 2 ngày 8 và 22 thủy triều có mức chênh lệch ít nhất.

Cụ thể lúc nào triều cao nhất trong ngày, và mức cao là bao nhiêu, cả hai đều cần quan trắc qua nhiều lần mới đưa ra được dự báo khá chính xác. Giờ triều cao nhất có thể tính toán…

Thực ra nhắc lịch âm chỉ nhằm đùa vui, hiện tại tư liệu quan trắc và các công cụ tính toán đã giúp mọi người biết tận chi tiết.
Ví dụ minh họa: Trang câu cá:
Trong link có địa chỉ của Bermuda Islands là do tôi chọn nhanh giữa các link… [Tọa độ: 320 18' 22'' N và 640 51' 34'' W]

Trích:

 Nước lớn và nước ròng tại Ireland Island   hôm nay Sat,11/8/2014

Thứ bảy, 8 tháng mười một 2014, Mặt trời mọc tại Ireland Island lúc 6:43 am và lặn lúc 5:23 pm. Ngày bắt đầu khi Mặt Trăng đã xuất hiện trên bầu trời. Mặt Trăng sẽ lặn lúc 8:13 am tại 291º Tây Bắc. Sau đó, Mặt Trăng sẽ xuất hiện trở lại hướng Đông Bắc (69º) lúc 7:03 pm.
Trên biểu đồ mực nước triều, ta có thể quan sát thấy nước ròng đầu tiên lúc 2:52 am  nước ròng tiếp theo lúc 3:41 pm. Nước lớn đầu tiên lúc9:14 am  nước lớn tiếp theo lúc 9:36 pm.
Hệ số thủy triều là 91. Đây là một hệ số rất cao. Vì vậy đây là thời điểm xuất hiện những đợt thủy triều và những dòng hải lưu mạnh nhất trong năm. Các mực nước triều là -0,2 feet, 3,7 feet, -0,1 feet  2,9 feet. Ta có thể so sánh các mức này với mực nước lớn cao nhất ghi lại trong bảng thủy triều của Ireland Island là 4,2 feet và mực nước thấp nhất là -1,0 feet.
Pha Mặt Trăng là Trăng khuyết cuối tháng. Ta sẽ có 10 giờ và 40 phút Mặt Trời. Mặt Trời đạt đỉnh điểm lúc 12:03 pm và thời gian nhìn thấy Mặt Trăng là 13 giờ và 10 phút.


-------------

Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến