Translate

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Cách dùng từ "nguyên" và "cựu"


0- Nếu bạn thắc mắc khi nào dùng "nguyên" và khi nào dùng "cựu", nhờ Google tìm một cái, sẽ thấy vô số bàn luận về đề tài nầy mà tất cả không đi về đâu (hay đi lưng chừng). Tràn ngập trên báo chí cọng sản là từ "nguyên" gắn với chức vụ mà hiếm có từ "cựu". Viết một cách chủ quan như thế gây ra ngữ nghĩa khá buồn cười...

1- Hai từ "nguyên" và "cựu" có ý nghĩa giống nhau; chỉ một nhân vật đã từng đảm đương chức vụ (cao nhất) nào đó. Tuy nhiên cách dùng lại có chút phân biệt.
Nguyên: (=vốn là) mô tả (hoạt động) của nhân vật trước đây khi đang đương chức.
Cựu: (=đã cũ) mô tả (hoạt động) của nhân vật khi đã rời chức vụ.

2- Vì không phân biệt sự khác nhau giữa 2 từ, báo chí miền Nam trước năm 1975 dùng toàn chữ cựu, sau năm 1975, báo chí cọng sản dùng toàn chữ nguyên. Dùng riết rồi dần xem như 2 từ trên là đồng nghĩa?

3- Chúng ta thử thuật chuyện (quá khứ) về ông Võ văn Kiệt với 2 thời điểm: lúc đương chức thủ tướng ra lệnh xây đường dây cao áp Bắc - Nam, và lúc nghỉ hưu nói về hòa giải dân tộc.

* Nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt đã lệnh xây dựng đường lưới điện 500 KV Bắc - Nam với lời hứa: "Nếu đóng điện không thành công thì tôi xin từ chức".

* Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt đã công khai đặt vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc. Ông phát biểu: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả."

-> Câu trước: Công trình đường lưới điện 500 KV Bắc - Nam (đã) được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 5/4/1992. Bây giờ khi ông đã rời chức vụ (và đã đi xa), thuật lại chuyện của ông về thời điểm đó, ta dùng từ "nguyên", để chỉ rõ vốn khi ông đương chức, ông đã nói thế.

Ta KHÔNG THỂ viết là "Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt đã lệnh xây... với lời hứa..." vì cụm từ "cựu thủ tướng" chỉ mô tả hoạt động của ông sau khi rời chức vụ.

-> Câu sau: Trả lời phỏng vấn BBC năm 2001 (lúc đã rời chức), ta dùng từ "cựu", để chỉ rõ ông nói câu đó sau khi hết làm thủ tướng.

Ta KHÔNG THỂ viết là "Nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt đã công khai đặt vấn đề hòa hợp... Ông phát biểu..." vì cụm từ "nguyên thủ tướng" mô tả hoạt động của ông (trong quá khứ) vẫn còn đương chức, mà lúc đó ông chưa nói thế.

4- Nói thêm về từ "cố" = đã mất.
Nhấn mạnh rằng từ "cố" chỉ dùng khi nhân vật chết khi đương chức, tương đương "liệt sĩ".

Cụm từ "Cố Thủ tướng" cho đến nay tại Việt nam chưa thể dùng. Cấp bậc tương đương duy nhất nói đến là Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Chúng ta không dùng từ "Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt" dù lòng chúng ta rất kính trọng ông, bởi khi ông mất ông là cựu thủ tướng.

Cố Chủ tịch nước duy nhất là Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Riêng Bác Hồ thì không kèm chữ cố theo thông lệ, mà chỉ gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Bác Hồ được tôn xưng là "sống mãi", ta thấy câu: "Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!"
Đương nhiên viết Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng và trân trọng.

Tương tự, không thể (=khó) viết là "Cựu Đại tướng Võ Nguyên Giáp" mà là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" vì ông như là huyền thoại, mà đã như là huyền thoại thì không về hưu.

3 nhận xét:

  1. Nguyên và cựu nhìn chung là giống nhau, chỉ người đã từng giữ chức vụ nào đó trong quá khứ. Khác biệt cơ bản là ai đó đang đương chức bị cách chức thì sau đó ko thể gọi là nguyên mà chỉ là cựu. Cụ thể cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng vừa rồi bị cách chức trong quá khứ và đương nhiên sẽ ko được Đảng và nhà nước gọi là nguyên, nhưng dân dã vẫn gọi là cựu được.
    Tóm lại nguyên cách gọi của Đảng và nhà nước ta cho những người trong Đảng đã từng giữ chức vụ nào đó trong quá khứ, còn dân dã thì gọi là cựu. Nếu ông ấy bị cách chức thì Đảng và nhà nước khi nhắc đến tên ông ấy sẽ ko gọi nguyên nữa, nhưng dân dã vẫn gọi là cựu

    Trả lờiXóa

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến