Translate

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Sự Học


Sự học là quá trình chuyển từ được dạy sang tự học. Ai chuyển chậm thì thua!


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Giấc mơ Trường Sinh


1- Cụm từ quen miệng về chuyện nầy là "Trường sinh bất tử" = sống hoài không chết. Tuy nhiên thật khó khẳng định hai từ "bất tử" vì cho đến nay chưa thấy sinh vật nào trên trái đất đạt được bất tử. Có vô vàn yếu tố để có thể kết thúc cuộc sống sinh vật: Tai họa thiên nhiên hay do con người, chiến tranh giữa các loài và trong cùng loài, dịch bệnh... Chỉ có các đấng Thánh, Thần, Chúa, Phật mới bất tử!

Vậy thì "Trường sinh" đã là hay lắm rồi. Trường sinh ở đây có thể hiểu là kéo dài tuổi thọ. Giấc mơ Trường sinh là mong ước của con người được kéo dài tuổi thọ (thêm chút nữa).

2- Ham sống là bản năng của mọi sinh vật vì tồn tại của sinh vật là chỉ để sống!
Đương nhiên ở đây chúng ta không bàn về ý nghĩa của cuộc sống vì vấn đề nầy phức tạp vô cùng! Bạn có để ý đã ham sống sẽ đồng nghĩa với sợ chết, thế mà thành ngữ "Ham sống sợ chết" lại có nghĩa bóng là kẻ hèn nhát bị khinh bỉ!
Vì ham sống là bản năng nên giấc mơ trường sinh của con người là đúng đắn.

[Chỉ có con người do tư duy phát triển cao, (tự) tạo nhiều ràng buộc tinh thần như đạo đức, danh dự, trách nhiệm, tôn giáo... khiến một số trường hợp cá nhân lại tự nguyện chết. Báo chí còn nhắc đến cá heo cũng thế?...]

3- Nếu không kể đến các yếu tố gây chết từ bên ngoài, bản thân mỗi sinh vật đều có tuổi thọ nhất định. Tuổi thọ dài như các cây họ tùng bách có thể đạt vài ngàn năm, ngắn thì như con phù du (côn trùng) bay lượn vài tiếng. Chú ý rằng tuổi thọ là tuổi chết già, còn tuổi thọ trung bình là số thống kê từ cộng đồng.

(Tôm hùm chưa ai biết tuổi thọ, khám phá tế bào chúng không bao giờ già nên có thể "bất tử". Chúng là hậu duệ của Thần chăng vì nhìn chúng rất oai hùng. 

Loài sứa turritopsis nutricula lại được chứng minh là bất tử vì có thể "cải lão hoàn đồng". Đây chắc chắn là đứa con của Tiên bởi chúng quá đẹp. Nói chung Tôm hùm và sứa đều nhậu êm. Lời tác giả)


Trong một thời gian dài trước đây, con người có tuổi thọ trung bình chừng 50 năm, vì thế phương đông những ai đạt tuổi 60 đã tổ chức mừng thọ. Thơ văn có câu: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" nghĩa là đời người hiếm đạt bảy mươi. Dù thế lúc nầy ông cha đã mong ước qua câu chúc "Bách niên giai lão" nghĩa là cùng sống đến già trăm tuổi, "Trăm năm hạnh phúc" hay "Trăm năm trong cõi người ta" (Kiều).

Khoa học Kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhất là trong lĩnh vực y học và kinh tế đã nâng dần tuổi thọ trung bình của con người lên cao. Tùy nước mà con số nầy dao động quanh 70 tuổi. Số lượng người vượt qua 100 tuổi không còn hiếm. Giấc mơ trường sinh đã thành hiện thực.

4- Thời cổ đại, tuổi thọ (trung bình) của con người càng tệ hơn, chỉ chừng 30. Trong vài ngàn năm qua tuổi thọ nâng dần lên 50. Chỉ gần trăm năm nay tuổi thọ con người nâng từ 50 lên 70 đã là một bước tiến dài. Và con số 70 cho tuổi thọ trung bình của thế giới đã là cực hạn (Âu Mỹ Nhật: 80, Việt Nam 72, châu Phi 50). So sánh tuổi thọ trung bình của các nước tiên tiến và Việt Nam (thu nhập bình quân chỉ bằng 1/40 đỉnh cao) thì số liệu cũng không cách biệt lắm.

Tuổi thọ trung bình giữa các nước hiện nay chỉ còn là vấn đề chăm sóc y tế: số liệu tuổi thọ kém hơn có nghĩa là dân chúng được chăm sóc y tế kém hơn. Nếu điều kiện tốt hơn, bản thân mỗi người cũng chỉ hy vọng sống đến 80 là hết đát! (expiration date)

[Sống thọ phải có nghĩa là sống còn minh mẫn, giao tiếp được, hoạt động được hay ít ra là tự săn sóc bản thân hằng ngày.]

5- Nhiều góc cạnh khoa học nhìn về tuổi già để hầu mong đột phá giới hạn: Thuyết di truyền, Thuyết gốc tự do (chất oxy hóa), Thuyết kích tố (hóc môn), Thuyết miễn dịch... Trong nhiều thuyết về tuổi già, thuyết di truyền nổi bật hơn cả. Thuyết nầy chứng minh tế bào ngừng phân chia sau khoảng 50 lần, mà tế bào hết khả năng phân chia thì con người cũng ngừng thọ quanh 80 tuổi.

[Các đầu nhiễm sắc thể có 1 đoạn cuối (tiếng tây là telomere); Khi tế bào phân chia, đoạn cuối nầy hụt đi một mẫu. Chia khoảng 50 lần thì đoạn cuối ngắn ngủn gây kết dính nhiễm sắc thể, hết chia! Bạn nào cơ thể có số lần tế bào chia ít hơn thì thăng sớm, nhiều hơn thì có thể đạt "bách niên giai lão".]

[Tế bào ung thư thực chất trước đó là 1 tế bào thường của cơ thể, (ghi số 1 là tất cả khối u do từ 1 tế bào mà ra); nhưng do yếu tố nào đó 1 tế bào thường nầy lại có đoạn cuối luôn luôn được bảo tồn, và bị kích hoạt phân chia không kiểm soát, thành ra chúng phân chia mãi mãi tạo ra một khối u đè ép và xâm lấn chung quanh. Hiện một số công trình nghiên cứu trị ung thư đi theo hướng nầy: làm sao phá vỡ sự bền vững đoạn cuối của tế bào ung thư.]

[Cơ thể Tôm hùm gồm toàn tế bào khi phân chia không hụt đoạn cuối, (phân chia có kiểm soát) thành ra theo lý thì tôm hùm là bất tử]

6- Thuyết kích tố (hóc môn) cho rằng các giai đoạn đời sống đều do kích tố điều hành. Già hóa là do các kích tố thiếu hụt như HGH (tăng trưởng), nhóm tính dục nam nữ, hoặc các kích tố khác như Melatonin, DHEA. Đã thực nghiệm việc dùng HGH trên người già cho kết quả tốt: tăng cơ, giảm mỡ, da căng...
Bên cạnh đó, các hóa chất sinh học khác cũng có tác dụng, vd hà thủ ô làm đen tóc. Ngày nay, người ta ghi nhận nhân sâm có các tác dụng sau: Bồi dưỡng cơ thể, làm tăng phát triển cơ thể, tăng khí lực, tăng khả năng lao động trí óc và tay chân, tăng trí nhớ...

[Trong khi các nhà Y học, Dược học thì đang tìm tòi các chất sinh học để trẻ hóa thì loài sứa turritopsis nutricula lại chơi trội hơn: Loài sứa lớp thủy tức này có thể quay ngược vòng đời của chúng từ thời kỳ trưởng thành trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và từ đó lại tiếp tục phát triển (Cải lão hoàn đồng). 
Vòng đời của chúng lặp lại liên tục khiến loài sứa này được xác định là động vật bất tử duy nhất trên Trái Đất hiện nay.]

[Đến quý dân nhậu lớn tuổi: Ngoài những món ngon, lạ, hiếm để thưởng thức hương vị cuộc đời; món nhậu cũng nên chú trọng bổ theo cách nói "ăn gì bổ nấy". Quý vị đừng quên tôm hùm (tế bào bất tử), Sứa turritopsis nutricula? (cải lão hoàn đồng), đậu phụ, lòng đỏ trứng (tiền chất HGH), trứng vịt lộn (tế bào gốc). Tối về nhớ uống DHEA (tăng năng lực), Melatonin (ngủ). Hai thuốc sau có bán tự do. Hê! quảng cáo không công cho người ta]

7- Một niềm hy vọng gần đây cho giấc mơ trường sinh là tế bào gốc, là tổng hợp cho hai mục 5 và 6 ở trên: Tế bào gốc phân chia vô tư, không bị giới hạn số lần. Và vì nó là gốc, nó có thể biến hóa bất kỳ để sản xuất hoạt chất sinh học mà cơ thể thiếu, nó tự thay đổi để đảm trách các bộ phận cơ năng mà tuổi già thiếu hụt.

* Khi trứng hợp tinh trùng tạo nên trứng thụ tinh, đó là tế bào gốc PHÔI = toàn năng (Embryonic stem ES), từ đây chúng chia 2, 4 rồi 8. Tám tế bào gốc phôi đầu tiên nầy là toàn năng nghĩa là mỗi tế bào có thể tạo thành thai nhi riêng biệt. (Sinh đôi cùng trứng là do nhóm tế bào nầy bị tách rời)
(Ghi chú: có tài liệu cho rằng số lượng tế bào gốc phôi phải nhiều hơn, có lẽ đến 150)

* 8 tế bào gốc phôi nầy tiếp tục phân chia thành 16, 32... tạo thành một cục phôi thai, trong cục nầy có:
- Tế bào gốc mầm: (Embryonic germ cell-EG) tạo ra cơ quan sinh dục
- Tế bào gốc trưởng thành: (đa năng Adult stem cell AS) sẽ tạo ra các cơ quan khác.

Nhóm tế bào gốc trưởng thành còn chia theo nhiều nhánh do chúng có khả năng phát triển:
-> Tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells MSC) hay trung bì.
-> Tế bào gốc máu
-> Tế bào gốc tủy xương
-> ... vv
Rất may là nhóm tế bào gốc trưởng thành nầy vẫn còn sản suất (vì nó phân chia vô tư) và nằm trong nhiều mô khác nhau.

Nghiên cứu về tế bào gốc gần đây thu nhận nhiều thành tựu:
a- Nguồn: ban đầu lấy từ phôi (= phá hủy phôi), sau đó là tủy xương (đâm kim vào xương rất đau), rồi phát hiện có trong máu cuống rốn...
b- Chuyển đổi: Phân chia đầu tiên như Tế bào gốc trung mô, Tế bào gốc máu, Tế bào gốc thần kinh... gần như đi vào lịch sử vì kỹ thuật hiện nay đã cho phép các tế bào gốc trưởng thành biến hóa trở lại bất kỳ gốc nào, vd Tế bào gốc trung mô cũng có thể tạo xương, tạo máu.

Tái tạo tế bào gốc dành giải Nobel Y học 2012

(John Gurdon (bên trái) và Shinya Yamanaka đã chứng minh cách thức tái lập trình các tế bào trở lại trạng thái phôi thai. Ảnh từ J. PLAYER/REX FEATURES; AFLO/REX FEATURES)

Giải thưởng cho công trình chuyển tế bào đã biệt hóa trở lại thành tế bào gốc vạn năng (pluripotent stem cell). Với công trình nầy, nguồn tế bào gốc và sự phân chia các nhánh tế bào gốc đã không còn là vấn đề.

8- Hiện ưu tiên của ứng dụng tế bào gốc là chữa trị bệnh. (Bạn đọc có thể gõ trên Google để tìm tế bào gốc chữa bệnh với rất nhiều kết quả). Nhưng Lão khoa cũng là cũng là một ngành của Y học, cũng là đối tượng để tế bào gốc phục vụ. Trước mắt các chứng bệnh do lão hóa sẽ được các tế bào gốc phục hồi chức năng.

Với tế bào gốc, tương lai của trường sinh sẽ rộng mở. Bạn cứ tưởng tượng cơ thể bạn đã qua 50 lần phân chia, rệu rã... Thầy thuốc tương lai sẽ tiêm cho bạn vô số tế bào gốc nầy thì thế nào? tiêm vào não thì nhớ và suy nghĩ nhanh, tiêm cơ thì cơ nở, tiêm tim tim mạnh, tiêm gan gan tốt.
Các tế bào gốc nầy khi tiêm vào mô chuyên biệt sẽ biến hóa thành cùng loại và mang số lần phân chia là 1. Tổng hợp cơ thể bạn: đa số 50 lần và những nhóm 1 lần thì chắc chắn cơ thể bạn chưa đến 50 lần phân chia, Không những thế, nhóm mô mới toanh nầy hoạt động thật sung sức, sẽ tiết ra nhiều hoạt chất sinh học để cải tạo các tế bào già nua khác. Điều nầy có nghĩa là bạn sẽ còn cười tươi được!

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Đổi ra năm Âm lịch Can-Chi


1- Tết âm lịch sắp đến rồi. Tôi có viết nhiều bài về năm âm lịch trên forum clbvb về cách chuyển đổi dương lịch - âm lịch, tuy nhiên trong cuộc sống tôi hầu như không quan tâm lắm đến thứ lịch xưa rích và lộn xộn nầy; thậm chí năm nay là năm con giáp gì, và sắp tới là con gì tôi cũng chả để ý đến!

Thế thì mình hời hợt quá, vậy nên tôi sẽ trình bày sau đây cách đổi nhanh ra năm âm lịch can-chi một cách tổng quát, trước tự mình ôn lại, sau giúp các bạn ai đó học thêm nghề để góp vui ba ngày tết.

2- Năm âm lịch thường chậm so le với năm dương lịch chừng hơn 1 tháng. Điều nầy có nghĩa tháng đầu năm mới dương lịch (và một số ngày đầu tháng 2 DL) vẫn là năm cũ âm lịch. Do đó cách đổi nhanh ra năm âm lịch can-chi nầy chỉ đúng với các tháng dương lịch còn lại. Đồng ý như thế nha.

3- Tên gọi năm âm lịch gồm 2 phần hợp thành là Can và Chi.
- Chi là tên gọi 12 con giáp, điều nầy bà con quá quen thuộc vì theo tục lệ, gắn với tuổi của mình; ví dụ tôi sinh năm có con giáp là khỉ.
Theo thứ tự quen thuộc, ta hay đọc là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Để thuận tiện tính toán sau nầy, những bạn đọc mới quen nên dùng chuỗi sau cũng được: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi.

Và năm nay 2012 là năm Thìn, năm của con rồng. Sang năm sẽ là năm Tỵ, năm của con rắn.
Gọi chính xác, năm 2012 là năm Nhâm Thìn và năm 2013 là năm Quý Tỵ

- Can gồm 10 tên gọi để ghép vào mỗi tên Chi. Quen thuộc theo thứ tự là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Để thuận tiện tính toán sau nầy, những bạn đọc mới quen nên dùng chuỗi sau cũng được: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ.

4- Chuyển đổi sang năm âm lịch, ta phải tìm tên Can và tên Chi của năm đó.
a- Tìm Can: vì Can có 10 tên gọi luân phiên thay đổi, trùng với hệ đếm thập phân nên mỗi tên Can sẽ tương ứng với  số đơn vị của năm (số đuôi).
Canh luôn trùng với số đuôi là 0, Tân là 1... cứ thế cho đến Kỷ là 9.
Năm 2013, số đuôi là 3, bạn đếm 1 ngón tay gọi là Tân (mới), xòe 2 ngón gọi là Nhâm, và xòe 3 ngón gọi là Quý.
(Đấy là lý do tôi đề nghị các bạn nhớ chuỗi Canh, Tân... như trên.)
Các năm khác, bạn cứ thế mà đếm...

b- Tìm Chi: Chi có 12 tên gọi nên khó hơn.
- Bạn chia số năm cho 12. Nếu chẵn (dư 0) là Thân, dư 1 là Dậu, dư 2 là Tuất... cứ thế cho đến dư 11 là Mùi.
(Đấy là lý do tôi đề nghị các bạn nhớ chuỗi Thân, Dậu... như trên.)
Năm 2013, chia cho 12 dư 9, Vậy đó là năm Tỵ, Ghép Can-Chi thành Quý Tỵ.

c- Mẹo Tìm Chi: Chia số năm cho 12 bắt buộc dùng giấy bút phức tạp. Bạn có thể kiểm tra với chia 3 và chia 4 (vì 3x4=12).
Chia 3: bạn cọng tổng các số trong năm, ví dụ năm 2013 => 2+0+1+3 = 6 chia 3 dư 0
Chia 4: bạn lấy 2 số sau để chia, ví dụ 2013 => 13 chia 4 dư 1
Ta gọi nối 2 số dư chia 3 và chia 4 là 01

Ngoài đời hay truyền miệng câu "khắc tuổi" là Thân, Dần, Tỵ, Hợi tứ hành xung. (Riêng tôi không tin câu nầy tí nào vì tôi tuổi Thân, vợ tôi tuổi Hợi và đứa con tuổi Tỵ, sống cùng nhau êm đẹp...)

Tôi đề nghị bạn nhớ câu tứ hành xung thành "Thân, Tỵ, Dần, Hợi"
Vì sao? vì Thân sẽ tương ứng số nối dư là 00, Tỵ là 01, Dần là 02 và Hợi là 03
năm 2013 có số nối dư là 01 tương ứng với năm Tỵ

Đương nhiên sẽ có 3 cụm như thế, 2 cụm còn lại là:
"Tý, Dậu, Ngọ, Mão" với Tý có số nối dư là 10, Dậu là 11, Ngọ là 12 và Mão là 13.
"Thìn, Sửu, Tuất, Mùi" với Thìn có số nối dư là 20, Sửu là 21, Tuất là 22 và Mùi là 23.

Ví dụ có người sinh năm 1985, Chia 3 dư 2; chia 4 dư 1. Số nối dư là 21 tương ứng năm Sửu. Số đuôi là 5 tương ứng Ất. Ghép là năm Ất Sửu.

(Mẹo trên tôi tính ra, bà con dùng thoải mái, không giữ độc quyền!)

5- Function Tìm năm âm lịch viết với VB6

Private Function NamÂmLich(ByVal year As Integer) As String
    Dim Can() As String, Chi() As String ' truongphu
    Can = Split("Canh,Tân,Nhâm,Qúy,Giáp,Ât,Bính,Ðinh,Mâu,Ky", ",")
    Chi = Split("Thân,Dâu,Tuât,Ho'i,Tý,Suu,Dân,Mao,Thìn,Ty,Ngo,Mùi", ",")
    NamÂmLich = Can(year Mod 10) & " " & Chi(year Mod 12)
End Function

Sử dụng: Không dùng cho năm trước Công nguyên
Gọi Function như sau:

MsgBox NamÂmLich(2013)

Với kết quả là Quý Ty

Bạn có thể dùng phần mềm để biết ngay:
Đổi ra năm Âm Lịch Can Chi
http://www.mediafire.com/download.php?816jfefmpdr99gg


Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Cách dùng từ "nguyên" và "cựu"


0- Nếu bạn thắc mắc khi nào dùng "nguyên" và khi nào dùng "cựu", nhờ Google tìm một cái, sẽ thấy vô số bàn luận về đề tài nầy mà tất cả không đi về đâu (hay đi lưng chừng). Tràn ngập trên báo chí cọng sản là từ "nguyên" gắn với chức vụ mà hiếm có từ "cựu". Viết một cách chủ quan như thế gây ra ngữ nghĩa khá buồn cười...

1- Hai từ "nguyên" và "cựu" có ý nghĩa giống nhau; chỉ một nhân vật đã từng đảm đương chức vụ (cao nhất) nào đó. Tuy nhiên cách dùng lại có chút phân biệt.
Nguyên: (=vốn là) mô tả (hoạt động) của nhân vật trước đây khi đang đương chức.
Cựu: (=đã cũ) mô tả (hoạt động) của nhân vật khi đã rời chức vụ.

2- Vì không phân biệt sự khác nhau giữa 2 từ, báo chí miền Nam trước năm 1975 dùng toàn chữ cựu, sau năm 1975, báo chí cọng sản dùng toàn chữ nguyên. Dùng riết rồi dần xem như 2 từ trên là đồng nghĩa?

3- Chúng ta thử thuật chuyện (quá khứ) về ông Võ văn Kiệt với 2 thời điểm: lúc đương chức thủ tướng ra lệnh xây đường dây cao áp Bắc - Nam, và lúc nghỉ hưu nói về hòa giải dân tộc.

* Nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt đã lệnh xây dựng đường lưới điện 500 KV Bắc - Nam với lời hứa: "Nếu đóng điện không thành công thì tôi xin từ chức".

* Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt đã công khai đặt vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc. Ông phát biểu: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả."

-> Câu trước: Công trình đường lưới điện 500 KV Bắc - Nam (đã) được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 5/4/1992. Bây giờ khi ông đã rời chức vụ (và đã đi xa), thuật lại chuyện của ông về thời điểm đó, ta dùng từ "nguyên", để chỉ rõ vốn khi ông đương chức, ông đã nói thế.

Ta KHÔNG THỂ viết là "Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt đã lệnh xây... với lời hứa..." vì cụm từ "cựu thủ tướng" chỉ mô tả hoạt động của ông sau khi rời chức vụ.

-> Câu sau: Trả lời phỏng vấn BBC năm 2001 (lúc đã rời chức), ta dùng từ "cựu", để chỉ rõ ông nói câu đó sau khi hết làm thủ tướng.

Ta KHÔNG THỂ viết là "Nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt đã công khai đặt vấn đề hòa hợp... Ông phát biểu..." vì cụm từ "nguyên thủ tướng" mô tả hoạt động của ông (trong quá khứ) vẫn còn đương chức, mà lúc đó ông chưa nói thế.

4- Nói thêm về từ "cố" = đã mất.
Nhấn mạnh rằng từ "cố" chỉ dùng khi nhân vật chết khi đương chức, tương đương "liệt sĩ".

Cụm từ "Cố Thủ tướng" cho đến nay tại Việt nam chưa thể dùng. Cấp bậc tương đương duy nhất nói đến là Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Chúng ta không dùng từ "Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt" dù lòng chúng ta rất kính trọng ông, bởi khi ông mất ông là cựu thủ tướng.

Cố Chủ tịch nước duy nhất là Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Riêng Bác Hồ thì không kèm chữ cố theo thông lệ, mà chỉ gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Bác Hồ được tôn xưng là "sống mãi", ta thấy câu: "Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!"
Đương nhiên viết Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng và trân trọng.

Tương tự, không thể (=khó) viết là "Cựu Đại tướng Võ Nguyên Giáp" mà là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" vì ông như là huyền thoại, mà đã như là huyền thoại thì không về hưu.

Đo bán kính trái đất vào ngày đông chí (hoặc ngày hạ chí)


1- Thí nghiệm cổ đại: (Đo chu vi trái đất)

Ảnh minh họa thực nghiệm Eratosthenes.


Eratosthenes là một học giả người Hy lạp (cổ đại), người quản lý thư viện nổi tiếng Alexandria. Thí nghiệm của ông là một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất và có ý nghĩa nhất của lịch sử nhân loại. Ở thành phố Syene vào ngày hạ chí (21/6) lúc giữa trưa bóng của mặt trời hiện ra ở giữa đáy một cái giếng sâu trong thành phố, mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu và không có bóng nắng xuất hiện ở một cây cọc cắm vuông góc với mặt đất.
Có được điều này do Syene nằm gần như trên đường chí tuyến bắc có vĩ độ 23,5 độ bắc chính bằng độ nghiêng của trục trái đất (vào ngày hạ chí Mặt trời chiếu thẳng góc với những nơi tại bắc chí tuyến vào giữa trưa thiên văn)

Cùng vào ngày hạ chí năm sau, ông đo bóng của một chiếc cọc đặt ở Alexandria và phát hiện ánh nắng mặt trời nghiêng khoảng 7,2 độ so với phương thẳng đứng.

Từ kết quả này Eratosthenes nhận thấy trái đất hình tròn và ông tính được chu vi của trái đất là 250.000 stadia, đơn vị đo khoảng cách thời đó. Đến nay, người ta chưa biết chính xác 1 stadion theo chuẩn Hy Lạp là bao nhiêu mét (hiện cho là 1 stadion bằng khoảng 185 m).

Nhưng giới khoa học đánh giá, phương pháp của ông hoàn hợp lý về mặt logic (người ta cho rằng kết quả của ông vào khoảng từ 39.690 km tới 46.620 km, trong khi con số thực tế vào khoảng 40.008 km). Nó cho thấy, Eratosthenes không những đã biết trái đất hình cầu, mà còn hiểu về chuyển động của nó quanh mặt trời.

(Đoạn trên là Trích: Hương Thu, báo VnExpress)

2- Cơ sở lý luận cho thí nghiệm trên:


* Góc bóng nắng giữa trưa θ ở Alexandria bằng góc ở tâm trái đất θ nhìn 2 vị trí Alexandria và Syene, mà tại Syene không bóng nắng: (Tia sáng mặt trời song song và 2 góc ở vị trí so le trong)
* Biết khoảng cách S giữa 2 vị trí, suy ra chu vi trái đất (góc 360 độ); thực hiện tính: S x (360/ θ)

Người Hy Lạp cổ đại chọn ngày hạ chí để thí nghiệm vì lúc ấy chưa biết chắc trái đất có hình cầu, và Syene nằm gần như trên đường chí tuyến bắc: vào ngày nầy thì mặt trời qua thiên đỉnh tại đây. (Như hình trên, yêu cầu tia sáng mặt trời phải trùng một cạnh của góc ở tâm)

3- Thí nghiệm ngày nay

a- Ngày đông chí vừa qua: 21/12/2012, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM tổ chức sự kiện Đo chu vi trái đất tại trường THPT Phú Nhuận, nhằm giúp các em học sinh tìm hiểu cách nhà khoa học Eratosthenes thời cổ đại dùng để đo chu vi trái đất. Đồng thời, các em sẽ có thêm kiến thức thực nghiệm địa lý, thiên văn và ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế. (Trích)

b- Thực ra quanh năm, ngày nào tia sáng mặt trời giữa trưa cũng chiếu thẳng đỉnh đầu vào đâu đó trên trái đất, mà vị trí đó nằm giữa 2 chí tuyến bắc, nam.
Và với Google Map, ta biết được vĩ độ của từng địa phương giữa 2 chí tuyến, thậm chí khoảng cách chim bay giữa chúng. Từ đó ta có thể thực hiện trên vào một ngày đẹp trời khác.

Chúng ta thử chọn 2 địa điểm trên nước ta nhờ Google Map: các số liệu có thể xê dịch một tí do chuột run!
* Phan Thiết:  10 độ 53' 55" bắc
* Pleiku: 13 độ 54' 50" bắc
* Khoảng cách chim bay PT-PL là 337 km

Chúng ta thử tính ngày mặt trời qua thiên đỉnh tại Phan thiết (lần 1) khoảng chừng giữa trưa ngày 3/5/2013; hoặc lần 2 khoảng 11/8/2013.
(ghi chú: tôi làm toán có lẽ xê dịch 1 ngày!)

-> Đương nhiên vào 2 ngày trên, giữa trưa, tại Phan thiết không có bóng nắng.
-> Lúc ấy, tại Pleiku, ta sẽ đo bóng nắng. Số liệu dự trù thu được là:
13 độ 54' 50" bắc - 10 độ 53' 55" bắc = 3 độ 01'
Chu vi trái đất sẽ là: 337 km x (360/3.01') = 40.216 km

(Để tìm bán kính, ta chia chu vi cho 2Pi)

4- Liên quan đến việc tìm bán kính của trái đất

Có bài toán đăng trên mạng như sau:

Một nhà vật lý học nghĩ ra được cách tự đo bán kính trái đất và ông ta tiến hành như sau:
Ngay buổi chiều hôm đó, ông ta mang một cái đồng hồ ra bờ biển. Ông ta nằm xuống bãi cát và bắt đầu ngắm mặt trời lặn. Đợi khi mặt trời vừa khuất thì ông ta bắt đầu cho đồng hồ chạy, đồng thời ông ta cũng đứng lên. Tất nhiên là khi đứng lên, ông ta lại thấy mặt trời lần nữa. Và khi mặt trời khuất khỏi tầm mắt lần nữa, ông ta lập tức dừng đồng hồ. Kết quả trên đồng hồ là 10.1 giây.
Biết rằng chiều cao đo từ bàn chân đến mắt của nhà khoa học này là 1.7 m, bạn hãy giúp ông ta tìm ra bán kính trái đất nhé!

Đây là biến thể của bài toán hình cấp trung học: tính tầm nhìn, đã biết bán kính R của trái đất với cạnh góc vuông R và cạnh huyền R+h để tìm cạnh góc vuông kia là tầm nhìn.

Bài toán trên lại tìm bán kính trái đất R, cho dữ liệu h (1,7) và góc ở tâm θ = (10,1/86400)
thế vào R = (R + h) cosθ
có thể tính ra R ≈ 6.302 km
Bài toán trên chỉ thuần logic, khó thực nghiệm một cách chính xác.

Bài viết trên hay không?


Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Ngày tận thế 21/12/2012


1- Dạo nầy bà con xôn xao nhiều về tin ngày tận thế 21/12/2012, đương nhiên nguồn gốc tin tận thế là ở nước ngoài dần lan truyền vào. Thật ra là do mấy cái đầu mê muội nghe gì cũng tin, hoặc một số cái đầu khác lợi dụng vì lý do nào đó, thêm mắm muối để mê hoặc những ai dại khờ. Đủ loại tin về phản ứng của mọi người đối với ngày tận thế: trốn vào núi, tích trữ lương thực... càng nhiều tin đăng báo (TV, Internet) lại càng khiến bà con xôn xao!

2- Gốc của lời đồn là lịch cổ người Maya: ngày 21/12/2012 là kết thúc vòng lịch. Chỉ thế thôi rồi bao nhiêu người suy diễn: kết thúc vòng lịch nghĩa là hết đếm lịch = diệt vong, và từ đó tin đồn tận thế lan truyền...

a- Phải nói người cổ Maya khá tinh tế, tìm ra được ngày Đông chí trong năm (cách đây hơn ngàn năm). Hiện giờ, một người dân bình thường ở một nước nào đó còn không biết các mốc quay của trái đất đối với mặt trời: Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí... Tuy nhiên, các mốc nầy thì các nhà làm lịch Âu châu (Công giáo) cũng đã tính ra được trước đó.

b- Trong một năm, bạn để ý sẽ thấy vị trí mặt trời mọc mỗi ngày một khác: Nói chung mặt trời mọc hướng đông, nhưng thật ra lúc mọc ở đông nam, lúc đông bắc; có nghĩa vị trí mặt trời mọc sẽ di chuyển tuần hoàn từ vị trí đông nam lên vị trí đông bắc rồi về lại đông nam. Ở vị trí cực đông bắc, đó là ngày Hạ chí (22/6) ở vị trí cực đông nam là ngày Đông chí (22/12) 

[Các ngày trên có thể xê dịch 1 ngày tùy năm]. Chính giữa  2 cực trên là ngày Xuân phân (21/3) và Thu phân (23/9).

c- Ngày 1/1 là ngày têt dương lịch hằng năm: khởi đầu cho năm mới, ngày nầy chả có ý nghĩa gì về phương diện thiên văn (mốc của trái đất so mặt trời). Giáo hội La mã xưa bày ra như thế thì ta cứ dùng tiếp. Nếu ngày mở đầu năm muốn có ý nghĩa, có lẽ nên chọn ngày Xuân phân là ngày đầu năm và đánh số 1/1. Nói như thế có nghĩa là tùy phong tục, văn hóa, tôn giáo của từng vùng mà dân địa phương chọn ngày đâu năm. Dân Lào (Bunpimay) hay Campuchia (Chôn Chơ nam thơ mây) sẽ ăn tết vào một ngày khác biệt. Và người Maya chọn ngày Đông chí là ngày cuối năm; sự lựa chọn nầy khá thông minh: năm mới sẽ bắt đầu hôm sau là lúc mặt trời mọc bắt đầu hướng lên phía bắc, lên tột đỉnh là ngày Hạ chí đồng nghĩa đúng giữa năm của người Maya.

d- Ngoài việc tính ngày trong năm, nhiều năm sẽ tạo ra các đơn vị riêng thuận tính toán như ngũ niên (5 năm) thập niên (10 năm) thế kỷ (100 năm), thiên niên kỷ (1000 năm)... Lịch âm (Tàu, Việt) có mốc quay một vòng can chi là 60 năm.
Và người Maya cổ xưa cũng có các mốc năm như thế. Đại loại là chu kỳ Baktun, chả biết gồm bao nhiêu năm. Ngày 21/12/2012 là ngày cuối năm và cũng là ngày kết thúc chu kỳ năm của người ta, hôm sau là năm mới và cũng là chu kỳ mớiđại loại cũng như ngày 31/12/2000 là ngày kết thúc thế kỷ 20, thiên thiên kỷ thứ 2, hôm sau là 1/1/2001 là ngày đầu năm, đầu thế kỷ 21, đầu thiên niên kỷ thứ 3
 [Ghi chú: các lễ nầy, người ta lại nôn nóng tổ chức trước 1 năm vào 1/1/2000].
 Vấn đề chỉ có thế, do mấy ông Tây nóng đầu, đọc ra là ngày 21/12/2012 là kết thúc lịch bèn la hoảng lên rằng Ngày tận thế đến rồi!

3- Điều kiện "Tận thế"
Để tận thế = hủy diệt trái đất, hủy diệt muôn loài cần một sức mạnh vô cùng to lớn.

a- Trừ những ai quá mức mê tín, cho rằng sức mạnh đó là Thần, là Thánh, là Chúa, là Phật hay nói chung là Thượng đế, là Đấng tối cao thì xin miễn bàn, vì lòng tin là không cần lý luận!

Năng lượng cần thiết để tạo nên Ngày Tận thế phải rất to lớn. Chúng ta thử điểm vài sức mạnh có thể gây cho chúng ta kinh sợ: Chúng gồm năng lượng trên trái đấtnăng lượng ngoài trái đất.

b- Núi lửa: Trừ thời trái đất nới tạo hình, vỏ còn mỏng hay nứt toát trên diện rộng khiến dung nham lan tràn. Ngày nay Núi lửa phun cũng tạo ra thảm cảnh nhưng mức độ chỉ ở cấp địa phương. Qua TV chúng ta cũng quen rồi.
c- Động đất: Cũng như trên, động đất sẽ gây thảm cảnh cấp địa phương.
d- Sóng thần: Cũng như trên, động đất sẽ gây thảm cảnh cấp địa phương.

e- Các loại bom phân hạch (nguyên tử) và hợp hạch (khinh khí).
Đây là nguồn năng lượng rất lớn có thể hủy diệt trái đất trong thời gian ngắn. Nguồn năng lượng nầy chủ yếu tập trung ở 2 quốc gia là Mỹ và Nga với ước chừng mỗi nước trên 5000 đầu đạn hạt nhân. Chúng ta nhớ rằng bom nguyên tử thời kỳ sơ khai, chỉ một trái đã xóa sạch 1 thành phố của Nhật. Các nước khác từ vài chục đến vài trăm trái bom NT như Anh, Pháp, Tàu, Ấn, Hồi, Do thái..


Đấu tranh cho hòa bình, không sử dụng vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân là mối ưu tư của toàn thể mọi người có lương tri. 
Điều này rõ ràng như ban ngày chỉ tiếc đa số (dân chúng) lại không quan tâm, xem như là nhiệm vụ cấp nhà nước, để "mấy ông" nhà nước lo toan!

f- Các cơn bão mặt trời: Gió mặt trời ở cấp độ bùng nổ sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống trái đất.
g- Thiên thạch, Tinh cầu va chạm trái đất. Hê! cái nầy gê rợn à nha...
Với trình độ KHKT ngày nay, không khó để tính các đường bay của các tiểu thiên cầu...
- Tinh cầu nhỏ = thiên thạch, nếu va chạm trái đất, đấy là thảm họa địa phương.
-  Tinh cầu lớn và rất lớn = thảm họa trái đất. Rất may, cho đến nay chưa thấy có tinh cầu mà quỹ đạo có thể lao vào trái đất vào ngày 21/12/2012.
Trình độ KHKT (khoa học kỹ thuật) của thời điểm 2012 dư sức tính ra bọn thiên thạch và các tiểu hành tinh "lảng vãng" đe dọa trái đất. Rất may, cho đén ngày 21/12/2012 chưa có tiểu hành tinh nào có thể đe dọa trái đất.

4- Gút lại: là sao?
a- Khẳng định đầu tiên: sau ngày 21/12/2012 là ngày 22/12/2012. Điều này có nghĩa là hết ngày này thì sang ngày khác. 

Chuyện của trái đất cứ tiếp tục như đã tiếp tục 4 tỉ năm qua.

b- Không có bằng chứng về khoa học để chứng minh  ngày 21/12/2012 là ngày tận thế!

[Tôi (56 tuổi), nghe tin đồn về "Tận thế" hơn vài lần, he he, sau đó cứ sống khỏe!
c- Gởi đến những ai nhiều tiền: nếu bài viết của tôi vẫn chưa thuyết phục, mà niềm tin quý vị là sắt son, Quý vị sẽ "Thăng thiên" theo hình thức nào đó. Vậy tài lực của quý vị còn trên ngân hàng sẽ hết giá trị đối với quý vị. Xin Quý vị gởi số tài dư của quý vị đến địa chỉ tài khoản của tôi, xem như là "cho nó trước khi tận thế", ban ơn huệ trước khi thăng!

Só tài khoản: 058 1000 543 799
Chủ tài khoản: Trương Phú
Ngân hàng: VietComBank, Chi nhánh Cam đức, Cam Lâm, Khánh hòa.

Hy vọng thay!

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

vài Giải thích về cách làm kim chi, dưa cải...


1- Tại sao kim chi hay dưa cải không được nấu chín nhưng mùi vị lại biến đổi?
- Khi ta làm kim chi hay dưa cải, thực ra là ta để vi khuẩn "ăn" dưa cải trước. Chúng vừa ăn vừa "ị" ra những chất hóa học, ngấm vào dưa làm ta ăn vào thấy ngon và thơm!

- Dân gian gọi đơn giản là "muối dưa", lũ vi khuẩn gọi là men.

2- Tại sao dưa có vị chua?
- Như nói trên, đấy là do chất tiết của vi khuẩn.

- Nhóm vi khuẩn nầy chuyên sản sinh các axít nên sản phẩm có vị chua, thấy trong các sản phẩm lên men thoáng khí như làm giấm, dưa cải, nem...

3- Tại sao có lúc làm dưa thơm, có lúc lại thối hỏng?
- Vi khuẩn có nhiều loại trong tự nhiên, và các sản phẩm tiết của chúng cũng khác nhau, đứa thì "ị" ra "thơm", đứa thì "ị" ra "thối" theo phân loại của mũi chúng ta.

- Tùy loại vi khuẩn nào phát triển ưu thế trong quá trình làm dưa, nếu chủng "tốt" dưa sẽ thơm, ngược lại dưa sẽ thối hỏng.

4- Vậy làm sao bảo đảm cho dưa "thơm"?
- Tay, dụng cụ khi làm dưa phải sạch.
- Loại bỏ các lá úng.
- Khi ta làm "muối dưa", ta phải "ướp" dưa với một lượng muối nhất định, lượng muối nầy thông thường sẽ ức chế lũ vi khuẩn "thối". Rất may là lũ vi khuẩn "thơm" lại sống được với muối mặn.

- Cấy giống men "tốt" vào: Kim chi ngon hay dưa cải ngon là nguồn men quý. Khi làm dưa mới, trộn vào vài lá dưa cũ nầy; Lưu ý dưa cải muối ở siêu thị có chất bảo quản ức chế Vi khuẩn...

5- Có người khuyên nên phơi cải cho héo trước khi làm?
- Phơi nắng, thực chất là loại bỏ một lượng nước trong bản thân dưa.
- Khi ta muối dưa, nếu nhiều muối, khả năng khó thối hỏng, bảo quản lâu... nhưng lại khó nuốt vì mặn chát;
Ngược lại, nếu muối rất nhạt, khả năng thối hỏng là rất cao!

- Vậy nên khi làm dưa, phải dùng nước muối nếm mặn một chút. Nếu dưa còn chứa nhiều nước, nước trong hủ dưa ngày càng nhạt đi vì muối vào dưa và nước từ dưa ra ngoài = có nghĩa là dễ hỏng. Do đó phơi dưa trước để loại bớt nước là tốt, vài ngày sau đó nước trong hủ dưa vẫn không nhạt, dưa vẫn được bảo quản tốt.

6- Chúng ta không phơi cải, bù lại ta cho nhiều muối hơn thì sao?
- Tốt quá! Tuy nhiên việc cho muối phải được xác định kỹ theo phân lượng, vì như đã nói, cho muối quá dưa sẽ mặn, mà ít muối lại dễ hư...

- Những nhà chuyên làm dưa bán đã nắm rõ liều lượng muối thêm vào. Mua bán dưa khối lượng lớn, người ta không thể phơi dưa được, chỉ cần rửa sạch, loại lá dập úng là muối dưa ngay. Bảo đảm dưa bán ra vẫn thơm, không mặn.

7- Có người lại ngâm cải vào nước muối trước vài tiếng, vớt ra rồi mới làm kim chi?
- Ngâm nước muối cũng là hình thức loại bỏ nước trong cây cải: muối đi vào cải và nước từ trong cải ra ngoài.
Như vậy điều trên tương đương phơi nắng; bản thân cải cũng ngấm phần nào muối.

- Tiến hành làm dưa sau đó: làm kim chi (ít hay không nước muối) hoặc làm dưa (ngâm trong nước muối) đều đảm bảo khó thối. Lưu ý coi chừng mặn.

8- Làm kim chi, có người cho gừng, có người khuyên không dùng?
- Kim chi không phải là một món ăn có cách làm duy nhất mà có rất nhiều cách làm ra nhiều khẩu vị khác nhau.

- Mùi gừng hay không tùy sở thích, khẩu vị.

9- Có người bảo thêm nước mắm dễ thối, có người khẳng định phải thêm "nước mắm Hàn quốc" mới đúng hương vị?
Thối hay Thơm đã nói ở trên, tùy vi khuẩn nào ưu thế. Bản thân nước mắm, nếu pha loãng để tự nhiên sẽ thối hỏng vì có nguồn đạm; tuy nhiên đưa nước mắm vào trong môi trường làm dưa sẽ không có tác dụng gì lớn về mặt Vi khuẩn.

Thêm nước mắm hay không thêm, tùy khẩu vị.

10- Tại sao phải xay trái lê thêm vào? đường? cà rốt? hẹ?...vv
- Quá trình làm dưa xảy ra cùng lúc 2 phản ứng chính là dưa hóachua hóa: dưa hóa ưu thế giai đoạn đầu làm dưa thơm và ngon, chua hóa ưu thế giai đoạn sau làm dưa chua lét.
- Dưa hóa có rất nhiều phản ứng, để đơn giản ta xem phản ứng chính của nó là đường biến thành rượu; nhờ rượu sinh ra sẽ hạn chế thối, sản phẩm có mùi thơm nồng.
- Cho trái cây xay hay thêm đường là làm cho Dưa hóa thuận lợi.

- Cho các chất có mùi vị khác nhau làm cho sản phẩm đặc trưng: ớt làm vị cay, hẹ, gừng mùi hăng...

11- Thế chua thì sao?
- Sản phẩm càng ngon càng dễ chua!
- Ngon, tức là nhiều "rượu", mà rượu lại biến thành giấm = chua hóa.
- Cho nhiều đường dễ chua vì đường-> rượu -> giấm.

- Tốt nhất, ăn hết ở giai đoạn ngon.

12- Bảo quản bớt chua?
- Vi khuẩn phát triển tốt trong khoảng 30 độ C
- giai đoạn đầu để dưa ở nhiệt độ trong phòng. Ở phía bắc nếu trời lạnh mà có nắng thì nên phơi nắng.
- Khoảng 2 ngày sau là dưa "chín". Lúc nầy cần hãm sự phát triển của vi khuẩn ngay: Đưa vào tủ lạnh ngăn dưới cùng, nhiệt độ khoảng 8 độ C; ở nhiêt độ nầy sản phẩm vẫn bị chua hóa nhưng rất chậm, nếu trong 3 ngày ăn hết là OK!

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Nghe Như Quỳnh hát



Tôi không thạo âm nhạc cho lắm, dạo gần đây nghe nhạc nhí nhố của bọn trẻ thêm chối tai, thỉnh thoảng mở nghe vài bài hát ngày xưa, với tôi, nghe nhạc chỉ là cảm xúc nhớ về một thời đã qua.

Các giọng hát trước năm 1975 nghe hoài cũng nhàm, chuyển qua nghe Paris by night những năm 1990, 2000 thấy sống động hơn; các giọng hát nữ (nầy) mỗi người một vẻ, nào Kiều Nga, Như Mai, nào Ngọc Lan... tất thảy đều ru hồn, mà trong đó tôi chú ý đến Như Quỳnh.

Trên vi.wikipedia.org đánh giá Như Quỳnh với giọng hát ngọt ngào, thanh thoát; đấy là cảm xúc tùy người, tùy tâm trạng. Nghe Như Quỳnh hát, tôi cảm thấy như có một tâm hồn nhỏ yếu run rẩy, hơi thở mong manh mong cho được bình an, hoặc một gợi nhớ mông lung nào đó, buồn nhè nhẹ dịu dàng lan tỏa vào lòng khiến tâm hồn ta chùng xuống, đắm mình trong quá khứ xa xưa...

Chìm trong xúc cảm như thế, những đoạn ngân rung của Như Quỳnh khiến tôi cảm thấy quanh đây tiếng khóc tỉ tê cho số phận hẩm hiu, giọng run xúc cảm như than như kể lể của một mảnh đời cô độc.

Các bài Như Quỳnh hát hầu hết đều là nhạc tình cảm, nghe như trải nỗi lòng của ai đó. Trong đêm khuya thanh vắng, với âm lượng vừa đủ, giọng hát Như Quỳnh bỗng hóa thân thành người yêu thì thầm trách nhẹ: "Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết mong chờ?", và cứ thế cả một quãng đời tình cảm thời trai trẻ trở lại với chúng ta hòa cùng cảm xúc tiếc nuối. Nhiều lúc nghe Như Quỳnh nỉ non bên tai, tôi dần tan vào ký ức và ngủ hồi nào không hay.

Tôi sẽ còn nghe Như Quỳnh hát...



Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Phân rã hạt nhân Uranium-235


1- Các thuật ngữ hóa học về hạt nhân nguyên tử

Nhân nguyên tử gồm loại hạt kết hợp là proton và neutron.
* Proton là một loại hạt trong nhân nguyên tử, chúng mang điện dương. Tổng số proton trong hạt nhân gọi là điện tích hạt nhân, ký hiệu là Z.
* Neutron là một loại hạt trong nhân nguyên tử, chúng không mang điện. Nguyên tử có thêm neutron nhiều thì càng nặng. Tổng số proton (Z) và neutron tạo nên khối lượng nguyên tử (số khối), ký hiệu là A.
* Ví dụ ta có 235U92, đó là thuộc nguyên tố Uranium vì cùng số proton Z = 92; tuy nhiên nguyên tử nầy chứa thêm 143 neutron nên số khối nguyên tử nầy là 235.
Vì nhóm Uranium luôn có Z=92, để phân biệt các nguyên tử trong cùng nguyên tố (đồng vị) ta viết chúng với dấu - như sau: U-235.
* Đồng vị là các dạng nguyên tử của cùng nguyên tố hóa học có cùng số proton trong hạt nhân nguyên tử nhưng có số khối khác nhau vì có chứa số neutron khác nhau.
* Đồng vị phóng xạ là các dạng nguyên tử của cùng nguyên tố hóa học có cùng số proton trong hạt nhân nguyên tử nhưng không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân (thường được gọi là các tia phóng xạ). Sự tự biến đổi như vậy của hạt nhân nguyên tử, thường được gọi là sự phân rã phóng xạ hay phân rã hạt nhân.
* Đồng vị bền (đồng vị ổn định) là đồng vị mà hạt nhân không có một biến đổi tự phát nào trong suốt thời gian tồn tại.
* Đồng vị phóng xạ bền là các nguyên tử phóng xạ có chu kỳ bán rã rất lâu (vài trăm triệu năm). Vì thời gian bán rã lâu như thế nên gần như hai thuật ngữ Đồng vị bền Đồng vị phóng xạ bền cùng nghĩa.

2- Nguyên tố Uranium cùng các đồng vị

Như nói trên, tất cả các nguyên tử có Z = 92 đều là nguyên tố Uranium.
Các tài liệu địa chất cho biết Urani tự nhiên tồn tại dưới dạng hỗn hợp ôxit urani U2O8 trong quặng pesơblin.
Quặng này là nguyên liệu xuất phát để điều chế kim loại nguyên chất hoặc các hợp chất khác.
Họ cũng xác định rằng lượng Urani có trong quả đất tương đối ít, hàm lượng trung bình trong đất đá chỉ chiếm khoảng ba phần triệu, gần như cùng hàm lượng của các nguyên tố hiếm hoi khác như Bo, Môlipđen, Ytecbi và Tali.
Kim loại Urani lại gồm hai thành phần đồng vị chủ yếu, U-238U-235. Đây là 2 đồng vị phóng xạ bền.
Trong đó, U-238 chiếm hàm lượng áp đảo với 99,3%. Còn đồng vị U-235 quá ít, chỉ chiếm 0,7% (tức 7 phần ngàn; Ghi chú: làm tròn số để đơn giản).
(Trong tự nhiên còn có đồng vị U-234, số lượng không đáng kể. Dãy đồng vị tự nhiên và nhân tạo thay đổi từ U-217 đến U-242).
3- Làm giàu Uranium
Đồng vị uranium-235 có vai trò quan trọng trong các lò phản ứng hạt nhân và vũ khí hạt nhân vì nó là đồng vị duy nhất ở dạng tự nhiên có khả năng bị phá vỡ bởi các nơtron nhiệt.

Trong thực tế, khó có thể tách được một lượng U-235 ròng tuyệt đối.
Chỉ có thể làm giàu đồng vị U-235 trong hỗn hợp kim loại Urani đến một tỉ lệ nhất định. Với độ giàu khoảng 5% (hay U-235 giàu 5%), kim loại hỗn hợp Uranium đã có thể dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân.
Nhưng để làm chất nổ cho bom nguyên tử thì U-235 phải chiếm trên 90% trong hỗn hợp kim loại Uranium.

* Quặng Uranium mới khai thác không nghèo không giàu (U-238 99,3% và U-235 0,7%). Nghèo hay giàu ở đây là tỉ lệ U-235/U-238.
* Khi Quặng được tinh chế đủ để chạy nhà máy điện hạt nhân, gọi là Uranium giàu. Đương nhiên phải xét mức độ giàu bao nhiêu.
* Các thanh nhiên liệu uranium khi cháy hết U-235, chỉ còn độ 0,1 - 0,2% thì gọi là Uranium nghèo (depleted uranium - DU). Tuy "nghèo" nhưng vẫn quý vì nó chính là U-238 gần nguyên chất!

Lò phản ứng hạt nhân Đà lạt do Mỹ giúp xây từ năm 1963, vận hành với các thanh nhiên liệu Uranium có độ giàu thấp (Low-enriched uranium - LEU), khoảng 18%. Năm 1975 Mỹ tháo ra và mang về nước. Thập niên 1980 Liên xô giúp phục hồi lò, vận hành với các thanh nhiên liệu chứa hàm lượng U235 là 36%, được gọi là uranium độ giàu cao (High-enriched uranium - HEU). Từ năm 2007, Lò Đà Lạt lại được Mỹ (mua của Nga) cung cấp các thanh nhiên liệu Uranium có độ giàu thấp <20%.

Như vậy, quá trình tăng thành phần U-235 trong kim loại hỗn hợp Uranium được gọi là công nghệ làm giàu Uranium.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để làm giàu Uranium như: Tách đồng vị điện từ (Electromagnetic Isotope Separation), Khuyếch tán nhiệt (Thermal Diffusion), Khuyến tán khí (Gaseous Diffusion), Khí động học (Aerodynamic Processes), tách đồng vị La-de (Laser Isotope Separation), Trao đổi iôn và hoá học (Chemical and Ion Exchange), Tách Plasma (Plasma Separation) và Khí ly tâm (Gas Centrifuge).

Phương pháp phổ biến để làm giàu Uranium hiện nay là phương pháp ly tâm (Iran hiện đang sử dụng phương pháp này).

Phương pháp ly tâm để tách đồng vị U-235 ra khỏi U-238 dựa trên sự khác nhau về lực ly tâm của các phân tử khí nhẹ và nặng hơn. Sự tách riêng bằng phương pháp ly tâm được thực hiện trong các xy lanh quay. Hổn hợp các phân tử các loại khác nhau khi đi vào các xy lanh quay được tách thành hai dòng. Những phân tử nặng hơn bị gạt ra vùng ngoại biên của máy ly tâm và chuyển động xuống dưới dọc theo thành ngoài, còn cũng những phân tử ấy nhưng nhẹ hơn thì bị đẩy vào phần trung tâm hướng lên trên dọc theo trục của máy ly tâm. Trong phương pháp này, U-238 và U-235 chỉ đạt được sự tách riêng hoàn toàn khi cho hỗn hợp khí đi qua máy liên tục hàng nghìn lần.

Muốn đạt độ giàu U-235 càng cao và thu được khối lượng nhiên liệu lớn, cần có nhiều máy ly tâm, hàng trăm, hàng nghìn và thậm chí hàng chục nghìn cỗ máy.
Rõ ràng, với hàng trăm máy siêu ly tâm đang làm việc hết công suất, Iran đã có công nghệ làm giàu Uran.

4- Sự phân rã nguyên tử Uranium-235

Trong phân rã nguyên tử, hạt nhân nguyên tử bị chia làm hai hoặc nhiều hạt nhỏ hơn và một số phần thừa (neutron, photon...). Quá trình này tỏa ra một lượng năng lượng đáng kể - đây chính là nguồn năng lượng hạt nhân mà chúng ta đang đề cập đến. Hiện phản ứng hạt nhân được sử dụng rộng rãi nhất là chuyển hóa từ đồng vị Uranium-235 lên Uranium-236 rồi phân tách thành các đồng vị Kr-92 và Ba-141 cùng 3 hạt neutron. Quá trình này tạo ra một lượng năng lượng vô cùng lớn. (A: 92 + 141 + 3 = 236. Trong sơ đồ nầy Z bảo tồn: 36 + 56 = 92).
[Kr = Krypton; Ba = Barium]

                                    

Bỏ qua giai đoạn trung gian Uranium-235 chuyển lên Uranium-236 (nhờ hấp thụ hạt neutron), phản ứng dây chuyền của phân rã nguyên tử Uranium-235 được mô tả như sau:

                                    

Sự phân rã U-235 có thể đi theo đường khác:

Ở mô hình nầy, U-235 hấp thụ 1 neutron (U-236) tự phân rã thành đồng vị Ce-140 và Rb-93 kèm 3 neutron (A: 140 + 93 + 3 = 236. Trong sơ đồ nầy Z không bảo tồn: 58 + 37).
[Ce = Cerium; Rb = Rubidium].

5- Chất thải hạt nhân

Theo thời gian, nhiên liệu hạt nhân biến thành nguyên tố nhẹ hơn và không thể gây nên phản ứng phân hạch. (Như 2 sơ đồ ở phần Phân rã nguyên tử Uranium-235, các nguyên tố nhẹ có thể là: Krypton, Barium, Cerium, Rubidium). Vì độ giàu U-235 trong thanh nhiên liệu thấp, sản phẩm không phân rã hạt nhân còn có nhiều U-238. Nếu không được tái chế hoặc làm giàu, chúng sẽ trở thành chất thải hạt nhân.

Chất thải hạt nhân nói chung là nguy hiểm vì tính phóng xạ cao. Đa số trường hợp đều chọn chôn vùi chất thải phóng xạ nầy.

Dùng nhiên liệu uranium có độ giàu cao (40 - 90%) có nhiều mặt lợi: Thời gian sử dụng lâu (đỡ ngừng lò thay thanh nhiên liệu) và giảm khối lượng chất thải. Tuy nhiên lại dễ chế biến các thanh nhiên liệu nầy thành bom nguyên tử.

U-238 còn trong chất thải hạt nhân có thể cẩn thận tách riêng (chi phí cao do ngừa phóng xạ). Người ta dùng U-238 thông thường tách từ quặng trước đó (làm giàu uranium). U-238 là kim loại siêu nặng, thường chế thành các đầu đạn để tăng tính xuyên thấu, hay các khung chịu lực.

Điều lưu ý rằng U-238 dù không tham gia trong phản ứng nhiên liệu nhiệt hạch, nhưng nó lại khởi đầu cho một phản ứng mới: biến thành Plutonium, mà một đồng vị Pu-239 cũng có tác dụng y chang U-235. Trong chất thải hạt nhân, Plutonium cũng "tình cờ" được tạo ra!
Quá trình xảy ra như sau: hạt nhân U-238 bắt một nơ trôn chậm và trở thành hạt nhân U-239. Gần như tức thời, hạt nhân mới này phát ra liên tiếp 2 hạt (bêta) để hoá thân thành một hạt nhân hoàn toàn mới, một đồng vị khác của nguyên tố Plutoni: Pu-239.

Thành phố Hiroshima bị thả bom U-235 thì thành phố Nagasaki bị thả bom Pu-239

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến