Khác với lá
thư mấy năm trước ba má gởi con để khuyến khích và động viên khi con học ở ĐH, giờ đây con đã lớn, đã làm việc tự nuôi mình, có đời sống riêng và lối
suy nghĩ riêng nên lá thư nầy của Ba má gởi con chỉ là trao đổi những suy nghĩ về
cuộc sống. Đương nhiên Ba Má hy vọng con đọc kỹ và nghiền ngẫm vì đó là những
kinh nghiệm cuộc đời của Ba Má, mà đã là kinh nghiệm thông thường đều có trả
giá, lúc rẻ lúc đắt, lúc ngọt bùi lúc cay đắng, và Ba Má hy vọng con hiểu được
để đường đi cuộc đời bớt những gian truân.
Trai gái lớn
lên sẽ tìm đến nhau, đó là luật của muôn nơi và muôn đời. Có tình yêu trai gái,
(gọi tắt là tình yêu) giống loài mới truyền thừa mãi mãi. Và quan trọng nhất, với
thời gian hai người sống chung lâu dài, chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc sống
hai người hạnh phúc và bền vững.
Để có tình
yêu, tất yếu cần các điều kiện sau:
1a- Sự
chọn lựa: Tình yêu
là tình cảm thăng hoa mà trong đó hai người đều cảm thấy hòa hợp. Hòa hợp gồm
nhiều mặt như quan niệm sống, lối sống, tính tình, tình dục... nói chung là rất
nhiều. Nhấn mạnh lại rằng việc hòa hợp giữa hai người sẽ gồm rất nhiều vấn đề,
rất nhiều khía cạnh cần xem xét. Bởi thế không phải một người bất kỳ đều có thể
hợp với mình. Và để tìm một người hòa hợp cùng mình nhiều khía cạnh, đòi hỏi ta
phải tìm, hay nói rõ ra, ta phải chọn lựa giữa nhiều ứng viên!
Người ta có
nói về "Tình yêu sét đánh", gặp là yêu. Những chuyện như thế thông
thường là sách báo và cường điệu. Có thể người ta bị cuốn hút về mặt nào đó:
nhan sắc, xử sự hay thậm chí giọng nói, ánh mắt... Các điều trên chỉ cảm xúc nhất
thời, mà dân mạng hay dùng từ "say nắng", nghĩa là thích thú và muốn
gần gũi một đối tượng nào đó. Chắc chắn không hiếm nhiều người bị sét đánh hay
say nắng sau đó tỉnh mộng, muốn tránh xa, có chăng chỉ còn chút quyến luyến như
một kỷ niệm đẹp.
Gút 1a- Tình cảm với một đối tượng, nếu không
có sự so sánh hòa hợp với nhiều đối tượng khác, tình cảm đó là tình cảm phiến
diện, không sâu sắc, thậm chí dễ tan vỡ.
1b- Sự gần
gũi: Tình cảm phát
sinh phải giữa hai đối tượng gần gũi nhau. Nếu không ở cùng nhà làm sao có tình
mẹ con, cha con, tình anh chị em? Nếu không ở cùng xóm làm sao có đứa bạn cùng
thả diều? Nếu không học cùng lớp sao gọi là bạn học? Trong những bạn học, chỉ
những người thường xuyên tiếp xúc mới gọi là bạn thân...
Như vậy cơ
sở của tình yêu là sự gần gũi. con có nghe câu đúc kết tán gái không: "Đẹp
trai không bằng chai mặt" mà trong đó chai mặt ngoài việc kiên trì (lỳ) là
bao gồm sự tiếp xúc gần gũi. Hoặc câu "Nhất cự ly, nhì cường độ" nêu
bật ý nghĩa then chốt của sự gần gũi.
Việc gần
gũi, bên cạnh chuyện bồi dưỡng tình cảm, cùng chia sẽ ngọt bùi đắng cay, thì gần
gũi là điều kiện cần để hiểu rõ đối tượng. Và thời gian gần gũi bên nhau nhiều
ta mới có cơ sở để kết luận đối tượng có hòa hợp với ta nhiều hay không.
Quen nhau
qua thư từ thì chỉ là cảm xúc cần lưu ý, quá lắm là bạn bè. Rất khó để nói rằng
qua thư đã phát sinh tình yêu! Rất nhiều người lầm lẫn điều nầy khi lần đầu hò
hẹn. Vì là tình cảm gái trai lần đầu tiên phát sinh nên đa số đều rung động, đều
choáng ngợp chân trời mới mà mình vừa khám phá. Nâng niu thậm chí tôn thờ đối
tượng, tất cả những gì thuộc về đối tượng đều là nhất mà quên đi sự tỉnh táo
khi đánh giá một người. Trạng thái đó gọi là yêu điên cuồng!
Gút lại 1b- Tình yêu phát triển trên sự gần gũi
là tình yêu bền chặt
1c- Sự hy sinh: Bên cạnh việc hòa hợp nhiều mặt, tình yêu là
sự lo lắng cho nhau, chăm sóc cùng nhau, lấy nỗi đau đối tượng làm nỗi đau của
mình. Tác phẩm "Anh phải sống" của Nhất Linh kể về người vợ buông tay
níu chồng, chìm vào dòng lũ để chồng còn sức tàn bơi vào bờ hầu nuôi con thơ
nói lên điều đó: yêu là chấp nhận hy sinh thậm chí cả tính mạng mình. Phim
Titanic con cũng coi rồi: anh chàng run rẩy buông tay chìm trong nước biển lạnh
cóng mong cô nàng trên phao được sống sót.
Để có việc an ủi, săn sóc, thậm chí hy sinh
trong tình yêu, đòi hỏi hai người phải sống gần gũi nhau. Đương nhiên việc hy
sinh có thể từ những việc rất nhỏ: ví dụ, anh sẽ từ bỏ đam mê game, và chăm làm
để kiếm nhiều tiền hầu sống tốt cùng em, hoặc em sẽ phơi nắng bán hàng để mong
chung ta có thu nhập khá hơn... Chính những việc hy sinh nầy tác động vào tâm
tình chúng ta nhiều hơn, sâu sắc hơn để làm cho tình yêu thêm bền chặt.
Chỉ cần không dám hy sinh một chuyện nhỏ cho
nhau, tình yêu đó là tình yêu vị kỷ = vì mình, tình yêu ích kỷ = chỉ lợi mình.
Thứ tình cảm nầy không bao giờ bền chặt.
Gút lại 1c- Sự hy sinh
làm cho tình yêu thêm sâu sắc.
1d- Ở đây ba không nói nhiều về hòa hợp tình dục, nhưng tình dục là một phần của
tình yêu và hôn nhân. Thường rất nhiều trên báo, đọc thấy khá ngớ ngẩn: cưới rồi
mới biết đối tượng là đồng tính luyến ái. Chưa kể nhóm người có nhu cầu tình dục
quá cao hay quá thấp; các điều trên dễ làm hôn nhân đổ vỡ. Có thể hiểu mức độ
hòa hợp tình dục chỉ có cách gần gũi, và thử mới biết!
1d- Hòa hợp tình dục
là điều quan trọng với tình yêu và hôn nhân.
2- Hôn nhân
Đỉnh cao của tình yêu là hôn nhân, là sự sống
chung dưới pháp luật chứng nhận. Hôn nhân là cơ sở để một gia đình mới hình
thành và duy trì thế hệ nối tiếp. Để đảm bảo hôn nhân hạnh phúc cần phải có điều
kiện...
2a- Quyết định đại sự: Hôn nhân là chuyện sống chung cả đời
nên cần phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định. Người ta hay nói hôn nhân là
"Chung thân đại sự" là vì vậy. Ai ai cũng mong muốn hôn nhân bền vững
nhưng rõ ràng không phải tất cả đều được như ý: vẫn có cặp đôi ly hôn do khiếm
khuyết hòa hợp bộc lộ rõ sau thời gian vợ chồng. Trường hợp nầy, việc ly hôn là
cần thiết nhưng sẽ gây đau đớn cho nhiều người: vợ, chồng, con cái và cả bà con
hai bên...
Để có quyết định đại sự, phải chứng minh được cả
hai đều có tình yêu với nhau sâu sắc, có như thế cả hai mới cùng nhau vượt qua
gian khó. Nếu tình yêu sâu sắc chỉ một trong hai người, hôn nhân là bi kịch, thậm
chí tan vỡ.
Gút lại 2a- Tiến đến
hôn nhân chỉ khi cả hai cùng yêu nhau sâu đậm, và sẵn sàng hy sinh chịu khó
cùng nhau.
2b- Tài chánh: Trừ những ai sống lụi, bất kể chuyện gì xẩy
ra, bất kể ngày mai ra sao. Đa số mọi người đều biết rằng việc hôn nhân cần tài
chánh khá lớn...
* Tổ chức cưới: Dù là nông thôn, tiệc cưới cũng
cần khoảng 50 triệu đồng. Thành phố thì hơn xa con số nầy. Khá nhiều cặp tổ chức
cưới, do vung tay quá trán, đến nỗi suốt 3, 4 năm sau cưới vẫn lo làm trả nợ.
* Chi tiêu gia đình: Khác với độc thân có thể sống
với chi phí thấp nhất, chi tiêu gia đình thường cao hơn nhiều do các nhu cầu của
gia đình mới. Vì thế cần phải xem xét nghiêm túc tiền lương của cả 2 làm được.
Nói cách khác, chỉ khi tiền lương cả 2 người có thể nuôi được 3 đến 4 người,
hôn nhân mới tạm đảm bảo về mặt tài chánh. Nói là tạm vì nhu cầu là vô cùng
theo thời gian.
Gút lại 2b- Chi phí
cho hôn nhân thường cao hơn nhiều so dự trù.
2c- Hạch toán gia đình:
Vì chi phí cho nhu cầu gia đình khá cao, chưa kể
nhu cầu mỗi bản thân; trong khi tiền lương là hữu hạn, thậm chí phải nói đa số
là thấp; Sự chi tiêu của gia đình và của mỗi bản thân đều phải lên kế hoạch, dự
trù trước.
* Ý tưởng vay mượn nhằm bù đắp thiếu hụt chi
tiêu cần phải loại bỏ ngay từ đầu. Nếu một trong hai người có ý tưởng nầy, gia
đình thời gian sau chắc chắn sẽ lâm vào vỡ nợ thê thảm.
* Đương nhiên là người vợ giữ tài chánh và toàn
quyền quyết định trong chi tiêu hằng ngày với định mức dựa trên đồng lương. Các
chi tiêu lớn buộc cả hai người cùng lên kế hoạch. Hạn chế tối đa các chi tiêu lớn
đột xuất.
* Trong đồng lương còm cõi, ngoài chi tiêu ăn uống
và các nhu cầu thiết yếu khác, phải tiết kiệm tích lũy hằng tháng một phần nhất
định cho ốm đau, cưới hỏi, tang lễ...
Gút lại 2c- Chi tiêu mọi
việc trong gia đình cần phải hạch toán theo lương.
3- Thực tế:
Trở lại với việc con đang yêu, với Ba Má xem,
đó là chuyện bình thường. Nhưng Ba Má yêu cầu con tỉnh táo để phân tích hiện thực
của mình: Là tình yêu như các điều kiện trên chăng? Hay ở mức độ nào? là tình cảm
quyến luyến mà thôi chăng...
Ngoài ra, con cũng cần tìm hiểu thêm các đối tượng
khác, vì rõ ràng với nhiều người quen biết hơn, việc quyết định tình cảm càng
thêm đúng hơn.
Đương nhiên Ba khuyến khích con tìm hiểu, thì
người quen của con cũng có quyền tìm hiểu thêm... điều nầy không có gì lạ và
không có gì ràng buộc cả. Tuy thế Ba vẫn nêu lên vì ngại rằng người quen của con
nếu một mai không còn quen con nữa, điều nầy sẽ gây sốc cho con . Việc nầy Ba
đã từng!
Còn kế hoạch học tập noại ngữ của con thì Ba Má
luôn luôn ủng hộ. Con học thêm được điều gì thì công việc tương lai có khả năng
thuận lợi hơn. Tuy nhiên Ba lưu ý, khi lập một kế hoạch và thực thi chúng, phải
luôn luôn ngờ việc kế hoạch thất bại. Có như thế ta mới chủ động trong cuộc sống,
Hơn là việc chăm bẵm theo kế hoạch, đến khi không như ý lại thất vọng chán chường.
Ba má mong sao con mỗi lúc mỗi trưởng thành,
suy nghĩ mọi điều chín chắn trước khi quyết định một việc gì trọng đại, và nếu
có điều gì phân vân, hãy tham khảo ý kiến Ba Má. Chúc con công tác thuận lợi, sớm
tăng lương và nhiều sức khỏe.
30/3/2014
hay quá
Trả lờiXóahạt điều rang muối vietnuts