1- Bạn có
nhớ câu chuyện bên lề về Newton với trái táo rụng? Tại sao trái táo chín lìa
cành rơi xuống đất? Hóa ra là do Trái đất hút nó về mình, và suy rộng ra, mọi vật
đều hút lẫn nhau: Mặt trời hút Trái đất và Trái đất cũng hút Mặt trời, Trái đất
hút Mặt trăng và Mặt trăng cũng hút Trái đất, Anh hút Em và Em cũng hút Anh...
Gọi chung là vạn vật hấp dẫn.
2- Sự việc
trên quá cụ thể, thậm chí Newton đã tính ra lực hấp dẫn giữa hai vật: Lực hấp dẫn
tỉ lệ thuận với khối lượng hai vật và tỉ lệ nghịch với khoảng cách tâm hai vật.
F = GMm/r2
Trong đó G
là hằng số hấp dẫn, Mm là tích khối lượng hai vật và r là khoảng cách.
Lực hấp dẫn
khá yếu, nên chỉ thấy được khi tích Mm khá lớn, nghĩa là với vật có khối lượng
rất lớn như thiên thể, còn như đối tượng Anh và Em, tuy có sức hút tự nhiên
nhưng không đáng kể. (Trường hợp đặc biệt thì Lực tình cảm đột biến thành Cuốn
hút).
3- Tuy làm
toán rành mạch như thế, nhưng sức hút (lực hấp dẫn) là cái gì thì ai cũng chào
thua, chẳng ai rõ cơ chế tại sao hai vật lại hút nhau! Tôi nói câu nầy trong thời
điểm nầy (2014) vẫn có giá trị, mặc cho nhiều lý thuyết vật lý hiện đại cố giải
thích cơ chế, vì các lý thuyết về hấp dẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào!
4- Thời Newton
xây dựng công thức trên (cơ học cổ điển) cách đây đã 300 năm. Ông quan niêm
quanh các vật đều có Trường hấp dẫn, Trường hấp dẫn nầy (môi trường tương tác hấp
dẫn) là cái gì đấy có tác dụng tức thời.
Cơ học hiện
đại cũng công nhận Trường hấp dẫn. Nhưng đã là Trường thì phải có hạt để tương
tác mới tạo ra Trường, cũng như Trường điện từ phải có hạt điện tử tương tác. Vậy
Trường hấp dẫn phải có hạt hấp dẫn (hạt Graviton) để tương tác. Nhưng hạt Graviton cho đến nay (2014) vẫn chưa
tìm được!
[Năm trước
thế giới đã tìm ra hạt Higgs phụ trách tương tác khối lượng, chả biết hạt khối
lượng nầy có liên quan đến tương tác hấp dẫn không, vì công thức hấp dẫn phụ
thuộc chủ yếu đến khối lượng.]
5- Chưa tìm
được thì kệ nó, ta vẫn xem nó hiện diện để hợp logic. Newton chưa biết cơ chế hấp
dẫn vẫn xây dựng được công thức tính lực hấp dẫn cơ mà!
Các hạt
tương tác trong Trường thông thường có hai đặc tính sóng và hạt. Và cơ học hiện
,đại quan niệm rằng sóng phải có vận tốc; Cứ cho sóng hấp dẫn nầy có vận tốc
cao nhất, bằng vận tốc ánh sáng, thì khi sóng hấp dẫn tương tác trong không
gian vũ trụ cũng cần có thời gian, thậm chí là thời gian rất lớn. Đây là quan
niệm khác với Newton khi cho rằng tương tác hấp dẫn là tức thời.
6- Lý luận
chặt chẽ như thế, nhưng cho đến nay chả ai biết sóng hấp dẫn là cái gì, chưa ai
đo đếm nó, hoặc ít ra cảm nhận nó. Từ vài chục năm trước, các nhà khoa học trên
thế giới bắt tay xây dựng ăng ten hấp dẫn: Đấy là những khối kim loại rất lớn
hàng trăm tấn, trên thân mang đầy cảm biến. Nếu có sóng hấp dẫn tương tác, khối
kim loại sẽ biến đổi. Tiếc rằng các cảm biến rất nhạy chả thu được tín hiệu
gì...
Để khuếch đại
ăng ten, người ta dùng 2 thanh kim loại lớn gắn chặt vào đất và cách nhau rất
ra, xem như Trái đất cũng là khối kim loại nối liền 2 thanh kim loại ăng ten
trên. Kết quả vẫn chả thấy gì!
7- Cần lưu
ý, vd trong Trường ánh sáng, ta ghi nhận được ánh sáng vì các hạt photon tương
tác tạo nên các phản ứng: trong mắt là phản ứng hoá học, trong đi ốt quang là
phản ứng điện, hoặc như Trường điện từ sẽ ghi nhận các phản ứng tín hiệu điện.
Mà ở đây, Trường hấp dẫn, với hạt giả thiết Graviton chưa biết, thì dù cho Trường
hấp dẫn tồn tại sờ sờ trước mắt đấy, chả ai phủ nhận, nhưng biết ghi nhận gì
đây khi hạt Graviton chả biết tương tác ra sao...
Vì thế, khi
xây dựng ăng ten hấp dẫn, người ta không hy vọng ghi nhận trường hấp dẫn hiện hữu,
mà chỉ chăm bẵm các sóng hấp dẫn sinh ra do một biến đổi thình lình về khối lượng siêu lớn,
ví dụ các vụ nổ sao, hy vọng chúng sẽ phát ra sóng hấp dẫn có mức thay đổi có
thể ghi nhận được...
8- Trong những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa
tin về Sóng hấp dẫn sau vụ nổ Big-Bang. Bạn thấy đấy, vốn việc dò tìm sóng hấp
dẫn đi vào bế tắc thì đùng một cái, đã tìm ra dấu vết sóng hấp dẫn, hỏi sao thế
giới không mừng? Ta điểm qua các báo...
Trích báo
Tuổi Trẻ:
Hôm 17-3
công bố gây chấn động giới khoa học thế giới: Phát hiện về sóng hấp dẫn
của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ).
Các nhà thiên văn học Mỹ
tuyên bố đã phát hiện sóng hấp dẫn ngay sau vụ nổ Big Bang. Khám phá này được
coi là chấn động khi vén dần bức màn về sự khai sinh của vũ trụ.
Hệ thống kính thiên văn BICEP 2 tại Nam cực - Ảnh:
National Geographic
Ngay khi
thông tin về sóng hấp dẫn B-mode được phòng thí nghiệm BICEP2 công bố hôm 17-3,
giáo sư Đàm Thanh Sơn, nhà vật lý nổi tiếng của VN và là người đang dạy tại ĐH
Chicago (Mỹ), đã hào hứng viết trên blog “đây có thể là phát hiện vật lý lớn nhất
trong hàng chục năm nay!”. Ông gọi phát hiện là “điều mong ước bấy lâu nay đã
thỏa nỗi chờ mong!”.
Trích Thư
viện Vật lý:
Báp VietQ
9-Tóm tắt
a- Bạn chú
ý: Trong khi đa số các báo giật tít là tìm ra sóng hấp dẫn, ở mục 8 tôi viết chữ
nghiêng và màu đỏ là dấu vết sóng hấp dẫn.
b- Ở mục 7,
tôi có viết, người ta hy vọng tìm thấy sóng hấp dẫn sau một biến đổi thình lình
về khối lượng siêu lớn. Mà thay đổi khối lượng lớn nhất là vụ nổ hình thành vũ
trụ cách đây 14 tỷ năm. Đương nhiên sóng hấp dẫn lúc đó giờ đã biến mất.
c- Tàn dư vụ
nổ hiện vẫn còn ghi nhận, các sóng vô tuyến với bước sóng vài ly đến vài phân
hiện diện đều mọi hướng trong vũ trụ. Còn gọi là Bức xạ nền vũ trụ hay Bức xạ
tàn dư vũ trụ. Bức xạ nầy được thu qua máy vô tuyến từ năm 1964 (Mỹ. Hai người
phát hiện đều được giải Nobel). Năm 1989 vệ tinh COBE (Mỹ) chụp ảnh toàn bộ bức
xạ phông nền vũ trụ nầy.
d- Bức xạ
tàn dư vũ trụ nói trên, tuy bước sóng khác, nhưng chúng cũng có tính chất như
ánh sáng (Bức xạ điện từ), đó là sự phân cực ánh sáng khi qua các môi trường
khác nhau.
Mà bức xạ
tàn dư vũ trụ, nếu tương tác với sóng hấp dẫn thời đó, người ta tính ra bức xạ
nầy phải phân cực theo kiểu B-mode. Kiểu B - mode nầy là gì thì tôi chưa đọc lại,
chúng ta cứ biết thế thôi.
e- Nhóm
khoa học gia Mỹ (trong đó có người gốc Việt) ở Nam cực đã khảo sát bức xạ tàn
dư vũ trụ, và nhận ra có phân cực B-mode!
Kết luận: Đấy
là dấu vết sóng hấp dẫn, là một phát hiện to lớn, mà có người đánh giá ý nghĩa
còn lớn hơn việc tìm hạt Higgs!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét