Translate

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Cận thị, viễn thị và lão thị

(Có dùng bài viết của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Vài tật khúc xạ
Hai tật khúc xạ Cận thị và Viễn thị là phổ biến, là tật mắc phải khi còn nhỏ.
Người mắc tật cận thị hay viễn thị từ nhỏ, tùy từng người theo sự phát triển của cơ thể (mắt) mà độ cận hay viễn tăng dần. Đến khoảng 18-25 tuổi thì cơ thể ổn định, độ cận hay viễn theo đó cũng ngừng tăng.
Riêng Lão thị lại là tật mắc phải khi về già, ai cũng bị ít nhiều kể cả người mắt rất tốt  thời trẻ.

Cận thị
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa. Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc.
Một thấu kính lõm phù hợp có thể giúp điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc.
Đối với mắt bị cận thị, hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt bình thường.


Viễn thị
Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ  mắt. Người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần dù cố điều tiết. Nguyên nhân của viễn thị là giác mạc dẹt quá hoặc trục trước - sau của cầu mắt ngắn quá khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc.
Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.

Viễn thị và việc khắc phục bằng thấu kính lồi

Lão thị
Lão thị xem bên ngoài như tật viễn thị, nghĩa là không nhìn rõ vật ở gần (nhưng thời trẻ nhìn bình thường). Nguyên nhân là do thủy tinh thể kém đàn hồi, không co dày lên để hội tụ đủ khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc.
Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.

Cấu tạo của mắt

Human Eye Section View: Mặt cắt mắt người

Cornea: Giác mạc
Aqueous Humor: Thủy dịch
Iris: Mống mắt
Ciliary Muscle: Cơ thể mi _
Ciliary Fibers: Bó sợi mi _ treo Thủy tinh thể
Crystaline Lens: Thủy tinh thể
Vitreous Humor: Dịch kính
Retina: Võng mạc
Fovea Centralis: Điểm vàng
Blind Spot: Điểm mù
Optic Nerve: Dây thần kinh thị giác

Sự khúc xạ ánh sáng

Mắt người bình thường là một hệ thống thấu kính có độ hội tụ tổng hợp, có thể xem như một thấu kính lồi tiêu cự sau F = 20 mm (tùy người để ảnh rơi trên võng mạc khi nhìn xa), công suất hội tụ  +58 đi-ốp.

Khi người nhìn vật ở xa:
-       Ánh sáng từ xa tới (quá 6 m) được xem là tia sáng song song. Khi người bình thường nhìn vật càng xa, thủy tinh thể dãn tự do, ảnh của vật hội tụ trên võng mạc.
-       Người có tật cận thị được xác định, ảnh của vật rơi trước võng mạc. Với tật cận thị, cơ thể không cách nào tự điều chỉnh! Vì thế người cận thị cần đeo kính phân kỳ thích hợp. Riêng người bình thường, mắt làm việc cự ly rất gần trong thời gian dài, có thể sau đó nhìn xa không rõ. Đây là cận thị thoáng qua do thủy tinh thể phồng quá mức chưa trở về bình thường = mỏi mắt; nghỉ ngơi (có thời gian cho thủy tinh thể dãn ra) mắt sẽ nhìn xa rõ lại.
-       Người viễn thị nhìn bình thường vật ở xa.

Khi người nhìn vật ở gần: dưới 6m, tia sáng biến thành tia phân kỳ, nếu thủy tinh thể vẫn dẹt, các tia sáng sẽ hội tụ sau võng mạc, hình ảnh sẽ mờ. Lúc nầy thủy tinh thể bắt đầu co lại tùy theo cự ly: Vật càng gần mắt, thủy tinh thể buộc phải co càng nhiều để tăng thêm độ hội tụ cho mắt. Tăng thêm không quá +12 đi-ốp.
=> Vậy điều tiết của mắt là (con ngươi thu nhỏ lại và) thủy tinh thể dày lên để tăng độ hội tụ giúp mắt nhìn rõ vật ở gần.

Người bình thường, cận thị hay viễn thị, mắt đều có khả năng điều tiết.
-       Với người viễn thị (hay lão thị) không đeo kính: điều tiết hết mức vẫn không nhìn rõ vật, buộc phải đeo kính hội tụ thích hợp.
-       Với người cận thị không đeo kính: trong cự ly gần nhất định, mắt chưa cần điều tiết vẫn thấy rõ do ảnh rơi đúng võng mạc. Sau cự ly gần nhất định ấy, càng gần thêm, mắt mới cần điều tiết.
-       Người cận thị đeo kính: mắt điều tiết thấy rõ vật như người bình thường.

Tuổi già kéo theo tật lão thị: thủy tinh thể co lại không nổi. Độ hội tụ thủy tinh thể (tăng thêm tối đa từ 12 đi-ốp) giảm xuống tùy người. Giảm càng nhiều thì khả năng nhìn gần càng kém. Cần đeo kính hội tụ thích hợp để bù độ giảm nầy.
-       Người cận thị về già thêm lão thị, gọi là cận-lão hay cận-viễn.
-       Có dư luận cho rằng lúc trẻ bị cận thị, về già ít hay không bị lão thị. Đây là lý luận hay quan sát không đúng. Như nói trên, tật lão thị là do thủy tinh thể kém khả năng co lại khi nhìn gần, không liên quan (bù trừ) gì với chuyện nhìn xa kém của cận thị. [Nếu cận thị rất nặng thời trẻ, cự ly không điều tiết chỉ còn vài mét thì khi về già ít bị lão thị, vì khả năng điều tiết có giảm vẫn đủ nhìn rõ vật cách vài tất]
-       Người viễn thị khi về già do giảm khả năng điều tiết, cần thay kính hội tụ tăng đi-ốp thích hợp.

Bàn luận thêm:
-       Người ta cho rằng quá trình lão hóa cơ thể xảy ra rất sớm; vì thế tật lão thị có thể xảy ra với mọi người từ lúc 8 tuổi. Chỉ vì sự giảm khả năng điều tiết rất nhỏ nên ít được để ý.
-       Bên cạnh việc giảm khả năng co lại, thủy tinh thể cũng giảm khả năng dãn khiến việc nhìn xa giảm đi (tùy người). Tuy nhiên sự giảm nầy quá bé nên ít được ghi nhận.
-       Có người nói trẻ sơ sinh nhìn gần rõ, dần dần mới phát triển nhìn xa. Trẻ sơ sinh cũng là con người nên các định luật vật lý trên vẫn áp dụng. Nhận định “khá xa” như trên có thể do liên quan nhận thức của trẻ sơ sinh: Đầu tiên chúng nhận ra mùi người mẹ, đến giọng nói rồi khuôn mặt mẹ; chỉ sau đó chúng mới nhận ra thêm các sự vật hay người khác xa hơn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến