Translate

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tự làm thuyền dã chiến rẻ tiền

1- Bạn cần thanh sắt phi 16 (đường kính 16 ly), dài 1m.
Đây là khung sắt chịu lực nén.
Hãy uốn thanh sắt theo hình bán nguyệt (mặt cắt ngang đáy thuyền). Hai đầu thanh sắt bẻ gập để tránh nguy hiểm.

 2- Bạn cũng cần một tấm vạt giường tre, dài 2 m trở lên, rộng 1,2 m (vạt giường đơn). Nếu không đủ bề ngang, có thể ghép thêm.


3- Bạn hãy buộc túm 2 đầu vạt giường thật chặt (Dày quá thì chặt bỏ bớt). Sau đó lấy thanh sắt bán nguyệt  nong vào giữa vạt giường để tạo hình chiếc thuyền.

4- Bạn dùng dây mềm để cố định các nan vạt giường dính với thanh sắt chịu lực. Vạt giường phía trên dư, hãy buộc túm theo chiều dọc thuyền thành 2 be thuyền dài để thêm vững chắc.

5- Công việc cuối cùng là kiếm một tấm nylon đi mưa, không thủng, bọc bên ngoài nan thuyền, nhớ làm thẩm mỹ.


Thuyền nầy có thể cho 1 người dùng kèm ít đồ vật. Không đảm bảo an toàn nếu tấm nylon bung hay thủng!

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Biểu đồ dự kiến vị trí sao chổi ISON trên bầu trời tháng 12/2013


- Trục ngang là hướng: 1/12/2013 nhìn về hướng đông nam, đến ngày 18/12/2013 sao chổi ISON trên bầu trới hướng chính đông.
- Trục đứng là góc ngẩng đầu: 1/12/2013 sát ngay đường chân trời, qua ngày 5/12/2013 sao chổi đã lên 10 độ cách đường chân trời. Lúc nầy có thể rất dễ nhìn vào lúc bình minh.

Con người cô đơn trong vũ trụ

1-    Rất nhiều ý tưởng, tiểu thuyết, giả thuyết khoa học hướng về người ngoài hành tinh có trí tuệ cao hơn loài người: các tiểu thuyết và giả thuyết khoa học nở rộ đến mức tạo nên dư luận rộng rãi về người ngoài trái đất, với nhiều chuyện tầm phào: nào du hành trên các đĩa bay, nào ghé thăm trái đất, để lại trên trái đất nhiều dấu ấn (tàn tích công trình), thậm chí giao phối với con người để lại hậu duệ…


2-    Đương nhiên về phương diện khoa học, ý tưởng hay giả thiết có người ngoài trái đất, trên một hành tinh xa xôi là phù hợp với logic: trên trái đất có con người, thì trong hàng tỷ hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ vẫn có thể có một giống sinh vật phát triển, mà nền văn minh thậm chí cao xa hơn văn minh loài người.

3-    Để tìm hiểu nguồn gốc con người nói riêng, và nguồn gốc sinh vật nói chung, trong mấy thế kỷ gần đây, rất nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã dày công nghiên cứu: sơ bộ đã vẽ được nhánh tiến hóa của con người hiện đại, bên cạnh đó, đã dựng nên cây tiến hóa của sinh vật nói chung: Khởi phát từ những sinh vật dưới tế bào (Virus) đến các sinh vật đơn bào, đa bào thành 2 nhánh thực vật và động vật… (Xem các bài viết Lịch sử tiến hóa loài người, Lịch sử trái đất trên blog nầy)

4-    Các nhánh tiến hóa tương đối rõ ràng vì càng ngày càng có nhiều bằng chứng hóa thạch của Cổ Sinh vật học đóng góp. Nhưng phân đoạn tiến hóa khởi đầu ra sinh vật: từ một hỗn hợp chất hữu cơ trong nước biển (dưới tác dụng sấm sét, tự do tổ hợp), tạo ra acid deoxyribo nucleic (ADN), là gốc rễ của mọi sinh vật thì còn mù mờ, và quá chút nữa, từ ADN biến thành tế bào hoàn chỉnh là cả một đoạn đường dài mà các nhà khoa học cần chứng minh.

5-    Văn hóa chúng ta hấp thụ nói chung là văn hóa bắc bán cầu, (trong khi phương đông chịu văn hóa Tàu Quân-Sư-Phụ), thì phương tây chịu văn hóa của đạo Cơ đốc hay hay các đạo tương tự: Thượng đế sáng tạo nên tất cả! Thế cho nên một số nhà khoa học "không bền chí", hoặc lai căn (đạo thiên chúa), trước vấn đề hóc búa trên đã la to: Nguồn gốc sinh vật trên trái đất đến từ sao Hỏa qua thiên thạch, hoặc chung chung hơn, đến từ vũ trụ!

6-    Thưa các ngài khoa học giả hiệu, trừ khi có bằng chứng chính xác là như thế, xin các ngài khoan vội la to, vì luận điệu như thế chả khác gì các ngài ngầm gán cho Thượng đế tạo ra tất cả, mặc khác, về phương diện khoa học, rõ ràng cho thấy thái độ của các ngài là đầu hàng trước vấn đề khó, đẩy vấn đề sang một bên hay sang người khác: Vấn đề hình thành nên tế bào sinh vật cần phải dứt khoát được chứng minh trên trái đất; vì có đẩy vấn đề lên sao Hỏa hay hành tinh ngoài vũ trụ thì câu hỏi trên vẫn chưa được giải đáp!

7-    Cho dù khoa học còn chông gai (Khoa học của loài người còn khá trẻ so tuổi vũ trụ), tôi vẫn tin rằng diễn biến tạo nên sinh vật là một quá trình thuần lý-hóa. Trong vũ trụ, nơi nào có đủ điều kiện thì nơi ấy sẽ diễn ra quá trình lý-hóa-sinh [lý = vật lý, hóa = hóa học, sinh = sinh học]. Sinh vật có thể được tạo nên ngẫu nhiên dưới các điều kiện tất nhiên ở đâu đó trong vũ trụ, và cụ thể là trên trái đất nầy.

8-    [Cần nhắc lại, các điều kiện gọi là tất nhiên như trên thật ra rất khó và hiếm, như hành tinh không quá lớn hay quá nhỏ, cách xa ngôi sao trung tâm vừa phải để có nhiệt độ thích hợp, có nước, chất oxy hóa thích hợp tương tự oxy để cấp năng lượng cho sinh vật, đầy đủ hỗn hợp các chất hữu cơ khác, khí quyển và từ quyển ngăn được phóng xạ… Nói chung nếu liệt kê các điều kiện cần có thể lên đến hàng triệu! Và trái đất là may mắn trúng số trong tỉ lệ phần triệu hay phần tỷ ấy!]

9-    Trở lại đề bài là con người, có hay không cô đơn trong vũ trụ? Các nước Âu Mỹ đã có các chương trình thăm dò sự sống ngoài trái đất bằng các kính thiên văn vô tuyến, mà hiện thực cho ý tưởng hơn: Phi thuyền Voyager 1 (Mỹ), đang bay ra khỏi hệ mặt trời, lang thang giữa Ngân hà, mang thông điệp hòa bình từ Trái đất (chào hỏi người ngoài hành tinh). Như đã nói trên, sự sống có thể phát triển dưới điều kiện tất yếu, thì sự sống cũng có thể phát triển ở bậc rất cao vì tuổi vũ trụ đã gần 14 tỷ năm, trong khi trái đất chúng ta mới chỉ hơn 4 tỷ năm.

10-     Bạn có để ý ở mục 7 tôi đã dùng từ ngẫu nhiên? "ngẫu nhiên dưới các điều kiện tất nhiên", ý tôi muốn nói là, trong khi hội đủ các điều kiện cần thiết, sự việc có thể xảy ra và có thể không xảy ra, nghĩa là có xác suất không đến 1, tương tự như ta đổ súc sắc hay lắc bầu cua: Có thể ra con Bầu nhưng cũng có thể chẳng ra con Bầu trong mấy ván liên tiếp...

Và trên trái đất, điều nầy có nghĩa là, có thể con người xuất hiện hoặc không xuất hiện! Bạn cứ thử nghĩ lại xem khoảng vài triệu năm trước đây trên trái đất làm gì có con người? 100 triệu năm trước là thời kỳ Khủng long làm bá chủ trái đất.

Vượn-Người (Australopithecus afarensis) chỉ xuất hiện từ 4 đến 2 triệu năm trước, mãi đến 200.000 năm gần đây các nhánh người khá hiện đại (Neanderthal, Cro-Magnon...) mới dần xuất hiện rồi dần dần tuyệt chủng chỉ còn nhánh người hiện đại (Homo sapiens sapiens).

11- Trong 3 tỷ năm trái đất có sinh vật phát triển, các động vật bậc cao (có xương sống) cũng chỉ mới xuất hiện 500.000 năm lại đây, mà trong số đó, phát triển đến đỉnh cao con người là duy nhất và cũng chỉ mới gần đây. Các loài động vật thông minh khác như cá Heo, chó thì cũng mãi mãi (cho đến giờ) là loài vật. Điều nầy nói lên rằng trong điều kiện cụ thể, có thể phát triển ra sinh vật đơn bào là hay lắm rồi, còn sinh vật bậc cao, có trí tuệ có thể cải tạo thiên nhiên: Còn lâu!

12-  Tóm lại, con người có trí tuệ cao xuất hiện trên trái đất là một ngẫu nhiên kỳ diệu. Ngẫu nhiên đây là biến cố xảy ra trong phép toán thống kê, hoàn toàn không liên quan đến ý chí một ai đó. Và như thế, theo tôi, xác suất tìm được một sinh vật trong vũ trụ ngoài trái đất là có thể có nhưng khá hiếm, tỷ lệ phần triệu; và sinh vật (nếu tìm được) ấy có lẽ đang ở dạng đơn bào. Không nhất thiết cứ hơn vài tỷ năm là sẽ có sinh vật trí tuệ bậc cao, trong thế giới sinh vật không thể đơn giản như phép cọng. Thế cho nên đến nay, con người vẫn cô đơn trong vũ trụ!

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Kiến thức sơ bộ về Mảng Kiến Tạo

Bề mặt trái đất chúng ta gồm đất và nước. Đất liền gồm các khối lục địa lớn là châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (Bắc Mỹ và Nam Mỹ), châu Úc và châu Nam cực. Biển mênh mông gồm các đại dương là Thái Bình dương, Đại Tây dương, Ấn độ dương và Bắc băng dương.

Cả 2 nhóm lục địa và đại dương đều nằm trên các mảng đá lớn nổi trên dung nham; các mảng nầy gọi là Mảng Kiến Tạo. Mảng chứa đại lục gọi là Mảng đại lục, mảng kia gọi là Mảng đại dương. Gọi là kiến tạo vì chúng trôi trên dung nham, xô đẩy nhau tách rời nhau để tạo nên một bộ mặt mới cho trái đất: tạo ra lục địa mới, dãy núi mới hay hình thành biển mới…

Tập hợp Mảng kiến tạo hình thành Vỏ thạch quyển = lớp vỏ đá.

(Trên thạch quyển là Thủy quyển = lớp nước, ngoài cùng là Khí quyển = lớp khí. Có thể kể thêm Từ quyển là lớp từ trường vô hình bọc quanh.)


Cần lưu ý rằng Mảng lục địa không tương đồng với các châu lục: Mảng đại lục thường bao gồm đại lục, thềm đại lục và vùng biển sâu, do đó Mảng đại lục lớn hơn nhiều.

Thạch quyển chia thành 8 mảng kiến tạo lớn: mảng Á – Âu, mảng Phi, mảng bắc Mỹ, mảng nam Mỹ, mảng Úc, mảng Ấn, mảng Nam cực và mảng Thái bình dương.

Bạn thấy đây, mảng đại dương duy nhất là mảng Thái bình dương. (Đương nhiên mảng Thái bình dương nhỏ hơn diện tích của Thái bình dương).
Đại tây dương lớn như thế lại nằm hoàn toàn trên các mảng lục địa!

Bản đồ chi tiết các mảng kiến tạo thạch quyển trái đất và các vectơ di chuyển. Ảnh: USGS.

Trên hình, ngoài 8 mảng kiến tạo lớn, còn có các mảng nhỏ hơn như mảng Ả Rập, mảng Caribe, mảng Juan de Fuca, mảng Cocos, mảng Nazca, mảng Philippin và mảng Scotia.

Quanh biên giới các mảng, có ghi chú các vùng mà các mảng kiến tạo co kéo nhau (hướng mũi tên)
Minh họa:
- Góc phải với mảng Ấn (màu đỏ), hướng bắc chỉ rõ mảng Ấn đang va vào mảng Á-Âu, hậu quả nâng cao dãy Hymalaya; nhưng phía tây nam lại tách xa mảng Phi sẽ khiến cho Ấn độ dương rộng hơn.
- Giữa mảng Âu-Á và mảng bắc Mỹ lại đang tách ra, việc nầy sẽ khiến Đại Tây dương thêm rộng.


Alex Mustard, 36 tuổi, đã lặn sâu hơn 24 mét xuống khe nứt giữa hai mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Á - Âu gần Iceland. Khu vực nầy đầy rẫy các đứt gãy, thung lũng, núi lửa và suối nước nóng hình thành do các mảng kiến tạo dịch chuyển ra xa nhau khoảng 25,4mm mỗi năm.

Cần lưu ý rằng diện tích trái đất là hằng định, nơi nầy dãn rộng thì nơi khác phải co hẹp.
Các vùng biên của mảng kiến tạo là nơi xẩy ra nhiều biến động địa chất: năng lượng khổng lồ được giải phóng dễ gây ra động đất, núi lửa…

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

tor-browser-2.2.39-1_vi

Đây là phần mềm duyệt web rất an toàn.
các bạn có thể tải tại:
http://www.mediafire.com/?7ye8eup29h6itxn

Sau khi tải file nén, ta bung ra vào một nơi, mở ra và nhấn chạy = không cài đặt.
Tor Browser khởi động hơi chậm.

Giao diện khi khởi động lần đầu:

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Thư giãn: DEADBEEF = Bò chết, giá trị bao nhiêu?


- Chả biết! có khi xẻ thịt bán ký, bò chết bệnh thì chôn hủy, chả có giá trị gì...

- Với những ai thạo hệ 16, có thể tính được, nhanh nhất là dùng phần mềm Calc.exe có sẵn trong máy, tính được giá trị bò chết là 3 tỷ 7 (3.735.928.559)



- Có nơi còn ghi rõ hơn: Bò chết thành thịt bò! 0XDEADBEEF


Động vật sống lâu cỡ nào?

Mời các bạn xem hình:

* Màu đỏ: động vật có vú
* Màu đen: loài chim
* Màu xanh: động vật có xương sống khác
* Màu vàng: Nhóm không xương sống
Còn tên cụ thể từng loài: nhìn hình biết ngay, quá dễ phải không?

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Quy mô của vũ trụ

Scale of the Universe!

Giới thiệu đến các bạn file Excel (2003): Scale of the Universe!.xls 
(Bạn có thể nhấn vào và download)

Khi chạy file excel trên, giao diện hiện ra như sau:


Bạn hãy nhấn vào nút Start và đợi một chút để phần mếm tải dữ liệu... (lâu mau tùy máy)


1- Như trên hình giới thiệu: dùng bánh xe trên chuột để khám phá to nhỏ: tận cùng nhỏ của vũ trụ là các hạt quart, mà tận cùng lớn của vũ trụ là kích thước vũ trụ...

Giữa 2 thái cực trên, các bạn sẽ thấy vô vàn điều thường nhật hiện ra, từ bé đến lớn.

2- Và mỗi lần tò mò về một hình, bạn cứ nhấn (click) vào hình đó: sẽ hiện ra bảng chi tiết bên cạnh để bạn tham khảo.


Đánh giá: Rất hay! Giới thiệu đến các bạn.

Link dự phòng:
http://www.mediafire.com/download/6lisdmja4v5o6l9/Scale_of_the_Universe!.xls

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Sao chổi ISON đang đến gần…

Bài viết “Sao Chổi ISON sẽ xuất hiện cuối năm nay!” trên blog nầy xuất bản từ đầu năm: 11/2/2013 đã tiên đoán sao chổi ISON là sao chổi rực rỡ nhất.

Trong thời gian từ đó đến nay, nhiều thông tin khác nhau về độ sáng của sao chổi ISON sẽ xuất hiện, đa số đều cho rằng sao chổi ISON sẽ không sáng như mong đợi = không sáng như trăng rằm! Tuy nhiên người ta vẫn kỳ vọng vào nó, hy vọng đến cuối tháng 11/2013 ISON sẽ tỏa sáng rực rỡ…

Bây giờ đã là 8/11/2013, nghĩa là chỉ còn 20 ngày là ISON đến mặt trời; thời gian nầy sao chổi ISON sẽ càng lúc càng sáng để có thể quan sát bằng mắt trần. Đây cũng là ý kiến thắc mắc của nhiều bạn, làm thế nào quan sát sao chổi ISON?

1-    Cho đến đầu tháng 11, sao chổi ISON vẫn chỉ có thể quan sát qua kính viễn vọng vì khoảng cách của nó đối mặt trời còn xa, tóc đuôi mọc ngắn nên khó quan sát bằng mắt thường. [Quan sát sao chổi bằng mắt thường là quan sát đám mây bụi khí bị thổi tung ra, gọi là tóc hay đuôi].


Hình nhìn qua kính thiên văn sáng ngày 8/10/2013: Quầng sáng màu lục quanh sao (màu sắc của khí) và đuôi dài màu trắng.

Nhân sao chổi ISON nhìn qua kính thiên văn theo thời gian, Hóa ra nhân sao chổi ISON hình cái chày:


2-    Cùng cự ly cách mặt trời, sao chổi trước khi ngang qua mặt trời và sau khi ngang qua sẽ tỏa sáng khác nhau: giai đoạn sau rõ hơn vì vừa mới bị mặt trời nung nóng.
3-    Từ khoảng ngày 11/11/2013 trở đi, nhiều dự đoán đều hy vọng thấy sao chổi ISON bằng mắt thường: Sao chổi ISON hy vọng đủ sáng rực.

Hình dự đoán nhìn thấy sao chổi ISON sáng 10/11/2013 (qua phần mềm). Đương nhiên vào ngày 10/11/2013 chưa hy vọng thấy rõ như thế!

4-    Đường đi của sao chổi ISON hướng về mặt trời, nhìn từ trái đất là ngược hướng mặt trời, nên nếu nhìn được sao chổi, phải nhìn lúc mặt trời chưa mọc.

Bài “Stellarium - Phần mềm quan sát bầu trời đêm” trên blog nầy xuất bản gần đây: 4/11/2013, giới thiệu phần mềm quá hay!

Thích thú nhất, trong phần mềm nầy, khi bạn chạy vào ngày 10/11/2013 sẽ hiện ra sao chổi ISON: hình chụp trên máy tính của tôi phần mềm Stellarium 0.12.4, mô phỏng nhìn về hướng đông tại cam ranh lúc 4:44 sáng ngày 11/11/2013. (nhấn vào để phóng to)


            Bạn chú ý C/2012 S1 (ISON) trong hình xuất hiện còn khá xa mặt trời, khi mặt trời nhô cao C/2012 S1 (ISON) sẽ biến mất (giả lập xem khi trời còn tối)
Với phần mềm nầy, các bạn có thể dự đoán vị trí sao chổi ISON trong những ngày tới để co thể săn lùng nó trong thực tế bằng mắt trần!

Chúc mọi người thành công, sẽ xem được sao chổi ISON sáng đẹp!

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Lãnh thổ nước Mỹ (United States of America) thực sự như thế nào?

Thông thường, nhắc đến nước Mỹ (USA) ta hay nghĩ đến vùng đất ở Bắc Mỹ, ngay "dưới" Canada trên bản đồ: Vùng lục địa ôn đới trải rộng từ bờ biển Thái Bình dương (North Pacific Ocean) sang bờ biển Đại Tây dương (North Atlantic Ocean), vùng lãnh thổ nầy như quốc hiệu là United States = Liên Bang, gồm 48 bang. Nếu nhớ thêm, ta có thể kể đến Alaska thuộc vùng hàn đới, cực tây bắc của bắc Mỹ, cách bởi Canada.

Có thể bạn đọc thông thái nhớ ngay bang thứ 50 là Hawaii, Bang đảo ở giữa Thái Bình Dương, thế thôi; còn chi tiết hơn thì thua...


Bản đồ chính thức của Mỹ: vùng lục địa, các nhóm đảo, EEZ và ECS như sau (nhấn vào để phóng to):


Ghi chú:

Exclusive Economic Zone (EEZ) vùng đặc quyền kinh tế, trên bản đồ là nét liền vàng.

Extended Continental Shelf (ECS) thềm lục địa mở rộng, trên bản đồ là nét chấm vàng, bao ngoài EEZ.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Stellarium - Phần mềm quan sát bầu trời đêm

Thành Viên SVIT




Bài viết sau đây là của bạn thailoipro9x
tại địa chỉ: http://sinhvienit.net/forum/stellarium-phan-mem-quan-sat-bau-troi-dem.249303.html

Đối với những người say mê thiên văn học thì Stellarium là một phần mềm ứng dụng khá quen thuộc. Đây là phần mềm nguồn mở với giao diện 3D rất bổ ích cho những người lần đầu tiên tìm hiểu lĩnh vực thiên văn học. Có nhiều phần mô phỏng các chòm sao trên bầu trời nhưng theo tôi thì Stellarium là phần mềm rất dễ sử dụng và được nhiều người ưa chuộng. Phần mềm này nổi bậc với giao diện đẹp, hình ảnh rõ và rất dễ sử dụng.

Trước tiên, các bạn tải phần mềm này tại trang chủ của Stellarium: http://stellarium.org
Sau khi tải về và giải nén, các bạn chạy chương trình và được giao diện như sau: ...


Để dễ dàng cho việc sử dụng phần mềm, bạn cần chọn ngôn ngữ tiếng Việt. Thật ra tên các chòm sao và 1 số thuật ngữ ở phần tiếng Việt chưa chính xác lắm. Nếu bạn sử dụng tiếng Anh tốt thì nên giữ nguyên tiếng Anh. Nhấn F2 để chọn ngôn ngữ. Ở phần Program Language (ngôn ngữ chương trình), bạn kéo thanh cuộn để chọn ngôn ngữ tiếng Việt ở gần cuối rồi nháy chuột vào ô Save current options default ở phần Default options. Đặc biệt hơn, bạn có thể chọn địa điểm quan sát bằng cách nhấn F6 rồi chọn địa danh


Bạn có thể ẩn/hiện đường nối các ngôi sao trong một chòm sao, ẩn/hiện hình ảnh các chòm sao, các hành tinh, ngôi sao, ẩn hiện tên các ngôi sao, chòm sao, hành tinh, tinh vân,… Để có thêm thông tin về các ngôi sao, bạn kích chuột vào các ngôi sao đó, thông tin sẽ hiện lên. Bạn di chuyển chuột để chọn vị trí, dùng con lăn để phóng to/thu nhỏ hình ảnh.


Với Stellarium, bạn không cần quan tâm đến thời tiết, mây, mưa. Chỉ cần ngồi trong nhà mở Stellarium lên là bạn có thể quan sát bầu trời dễ dàng. Bạn không cần đến kính thiên văn, không cần phải thức khuya, chờ đến đêm để ngắm sao.


Bạn có thể tìm hiểu, chụp ảnh lại các ngôi sao mà không cần các thiết bị phức tạp. Bạn có thể điều chỉnh lại thời gian tùy theo ý muốn. Chuyển động của các chòm sao được Stellarium miêu tả rất sinh động, chân thực. Bạn có thể chụp hình các ngôi sao trên Stellarium bằng tổ hợp phím [Ctrl] + S. Bạn up ảnh lên rồi cho mọi người cùng xem . Trên Stellarium có hình ảnh về các ngôi sao, hành tinh, ảnh các tinh vân cho bạn tha hồ ngắm nghía
Stellarium rất dễ sử dụng nên bạn chỉ cần mài mò một thời gian ngắn thì có thể sử dụng những chức năng cơ bản.


Với Stellarium, bạn sẽ dễ dàng làm quen với thiên văn học. Chúc bạn gặp niềm vui khi
sử dụng chương trình này.

=====
Sau đây là 2 hình chụp (qua máy tính trên phần mềm Stellarium) từ bờ biển Nha Trang, nhìn ra hướng đông lúc 14:21 4/11/2013.

1- Cảnh biển có nền trời sáng, hình sao theo chòm: (Nhấn vào để phóng to)

2- Cảnh biển với nền trời đen, vô số sao hiện rõ: (Nhấn vào để phóng to)

Trân trọng giới thiệu đến các bạn ưa thích thiên văn
Phiên bản mới nhất, dễ điều khiển tại: http://sourceforge.net/projects/stellarium/files/Stellarium-win32/0.12.4/stellarium-0.12.4-win32.exe/download

Tính số ngày Chủ Nhật


Như đề bài, Trong khoảng thời gian giữa 2 mốc khá dài, ta cần đếm bao nhiêu ngày chủ nhật. Đương nhiên không phải giở lịch tháng ra và ngồi đếm! Bài viết trình bày cách tính số ngày chủ nhật giữa 2 mốc.
Tương tự ngày chủ nhật, ta cũng có thể đếm các ngày thứ 7, thứ 6... vv giữa 2 mốc thời gian. Trừ các ngày lễ, tết không cố định (vd Âm lịch) và thay đổi theo từng quốc gia, việc tính các ngày thứ 7 và chủ nhật để biết số ngày làm việc trong khoảng thời gian cũ là bài toán hay được đặt ra ở các cơ quan, doanh nghiệp...

1- Dùng MS Excel: Hy vọng phần mềm Excel khá phổ biến và có cài sẵn trong mỗi máy tính. Bất kể phiên bản.
1a- Tính ngày Chủ nhật

* Giả sử 2 ô A1 và B1 là 2 ô ghi 2 mốc thời gian; A1 ghi thời gian trước, B1 ghi thời gian sau.
* Công thức tính ngày chủ nhật tại ô C1 là: INT((B1 - A1 - WEEKDAY(B1) + 8)/7)

* Trường hợp 2 ô A1 và B1 muốn ghi mốc nào trước sau gì cũng được, công thức tại ô C1 sẽ dài hơn vì phải đặt giả thiết:
= INT((IF(B1>A1,B1 - A1,A1-B1) - WEEKDAY(IF(B1>A1,B1,A1)) + 8)/7)

1b- Tính các ngày khác

* Công thức tính ngày Chủ nhật tại ô C1 sẽ viết khác một chút = INT((B1 - A1 - WEEKDAY(B1-1+1) + 8)/7)
Bạn chú ý có số -1, đó là ngày Chủ nhật. Trường hợp Thứ Hai phải thay bằng -2:
= INT((B1 - A1 - WEEKDAY(B1-2+1) + 8)/7)
Và tương tự: Thứ Ba thay bằng -3, ... cho đến Thứ 7 thay bằng -7
Tại ô C1, tính số ngày Thứ sáu sẽ là: = INT((B1 - A1 - WEEKDAY(B1-6+1) + 8)/7)

* 2 ô A1 và B1, muốn ghi thời gian không kể thứ tự, ô C1 phải dài hơn cho tìm ngày Chủ Nhật:
= INT((IF(B1>A1,B1 - A1,A1-B1) - WEEKDAY(IF(B1>A1,B1-1+1,A1-1+1)) + 8)/7)
và như đã trình bày ở trên, tìm Thứ gì thì thay bằng trừ số ấy, Vd:
Tìm số ngày Thứ Ba: C1 có công thức: = INT((IF(B1>A1,B1 - A1,A1-B1) - WEEKDAY(IF(B1>A1,B1-3+1,A1-3+1)) + 8)/7)
Tìm số ngày Thứ Bảy: C1 có công thức: = INT((IF(B1>A1,B1 - A1,A1-B1) - WEEKDAY(IF(B1>A1,B1-7+1,A1-7+1)) + 8)/7)

2- Code cho những bạn dùng VB6:

Function TinhSoNgayX(ByVal d1 As Date, ByVal d2 As Date, _
Optional ByVal X As Byte = 1) As Integer
' X=1 Chu nhât, X=2 Thu Hai, X=3 Thu Ba... X=7 Thu bay, code: truongphu.
    If d2 > d1 Then
        TinhSoNgayX = CInt((d2 - d1 - Weekday(d2 - X + 1) + 8) \ 7)
    Else
        TinhSoNgayX = CInt((d1 - d2 - Weekday(d1 - X + 1) + 8) \ 7)
    End If
End Function

' Su dung:
Private Sub Command1_Click()
    Dim Z$
    Z = "Sô ngày Thu Bay là: "
    MsgBox Z & TinhSoNgayX(#8/15/2013#, #11/23/2013#, 7)
    Z = "Sô ngày Chu Nhât là: "
    MsgBox Z & TinhSoNgayX(#8/15/2013#, #11/23/2013#)
    ' nêu tính ngày chu nhât thì chi cân ghi 2 môc
End Sub

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Nam cực 1961, Bác sĩ Sô viết phải tự cắt ruột thừa của mình

Bài báo từ link
http://www.theatlantic.com/technology/archive/2011/03/antarctica-1961-a-soviet-surgeon-has-to-remove-his-own-appendix/72445/
Người dịch: Trương Phú


Năm 1961, Rogozov đóng quân tại một căn cứ của Nga mới được xây dựng ở Nam Cực. 12 người đàn ông bên trong đã bị tách khỏi 
thế giới bên ngoài bởi mùa đông Nam cực tháng ba năm đó. Trong tháng Tư, Rogozov 27 tuổi cảm thấy bị bệnh nặng. Các triệu chứng là cổ điển: ông đã viêm ruột thừa cấp. "Ông biết rằng nếu ông muốn sống, ông phải phẫu thuật", Tạp chí Y học Anh kể lại. 

"Nhưng ông ta đang ở trong đêm dài Nam Cực, không thể vận chuyển trên băng, máy bay cũng không đặt ra vì bão tuyết.Và thêm một vấn đề: . . . Ông chỉ là bác sĩ cơ sở."

Không có câu hỏi đặt ra khi ông cần phẫu thuật. Sự đau đớn không thể chịu đựng và ông biết sẽ tồi tệ hơn. Ông ghi lại suy nghĩ của mình trong nhật ký:
Tôi không ngủ được đêm qua. Nó đau như ma quỷ! Một cơn bão tuyết xoáy qua tâm hồn tôi, gào hú như một trăm chó rừng. Vẫn không có triệu chứng vỡ ruột thừa xảy ra, nhưng một cảm giác áp bức treo trên tôi... Tôi phải nghĩ cách để tự mổ thân mình... Điều nầy gần như không thể... nhưng tôi cũng không thể khoanh tay bỏ cuộc.

Việc phẫu thuật chủ yếu nhờ cảm giác xung quanh, Rogozov làm việc một giờ 45 phút, cắt da thịt, tự mở bụng và loại bỏ ruột thừa. Những người đàn ông mà anh đã chọn làm trợ lý "bình tĩnh và tập trung" nhìn bác sĩ hoàn thành các đường mổ, nghỉ ngơi mỗi năm phút cho một vài giây khi ông chóng mặt và yếu. Ông nhớ lại cuộc phẫu thuật trong nhật ký:

Tôi đã làm việc mà không có găng tay. Thật khó nhìn thấy. Gương sẽ giúp, nhưng nó cũng gây khó khăn: nó cho hình ảnh ngược. Tôi làm việc chủ yếu bằng xúc giác. Chảy máu khá nhiều, nhưng tôi cố gắng làm việc chắc chắn. Mở phúc mạc, tôi mò mẫm gây thương tổn và phải khâu lại. Đột nhiên lóe lên trong tâm trí tôi: có nhiều vết thương ở đây và tôi đã không chú ý... Tôi yếu dần, đầu tôi bắt đầu quay. Mỗi 4-5 phút tôi nghỉ ngơi trong 20-25 giây. Cuối cùng, nó đây rồi ruột thừa chó má! Thật kinh dị tôi thấy ruột thâm đen, có lẽ chỉ ngày nữa là bục ra...
Tại thời điểm tồi tệ nhất lúc cắt bỏ ruột thừa: trái tim tôi chấn động và chậm lại cảm thấy được, bàn tay tôi như cao su. Vâng, tôi nghĩ rằng sẽ kết thúc tồi tệ. Và tất cả những gì còn lại là cắt bỏ ruột thừa... Và tôi nhận ra rằng, về cơ bản, tôi đã được cứu sống.

Hai tuần sau, ông trở lại làm nhiệm vụ thường lệ. Ông qua đời ở tuổi 66 tại St Petersburg vào năm 2000.

Cận thị, viễn thị và lão thị

(Có dùng bài viết của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Vài tật khúc xạ
Hai tật khúc xạ Cận thị và Viễn thị là phổ biến, là tật mắc phải khi còn nhỏ.
Người mắc tật cận thị hay viễn thị từ nhỏ, tùy từng người theo sự phát triển của cơ thể (mắt) mà độ cận hay viễn tăng dần. Đến khoảng 18-25 tuổi thì cơ thể ổn định, độ cận hay viễn theo đó cũng ngừng tăng.
Riêng Lão thị lại là tật mắc phải khi về già, ai cũng bị ít nhiều kể cả người mắt rất tốt  thời trẻ.

Cận thị
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa. Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc.
Một thấu kính lõm phù hợp có thể giúp điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc.
Đối với mắt bị cận thị, hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt bình thường.


Viễn thị
Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ  mắt. Người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần dù cố điều tiết. Nguyên nhân của viễn thị là giác mạc dẹt quá hoặc trục trước - sau của cầu mắt ngắn quá khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc.
Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.

Viễn thị và việc khắc phục bằng thấu kính lồi

Lão thị
Lão thị xem bên ngoài như tật viễn thị, nghĩa là không nhìn rõ vật ở gần (nhưng thời trẻ nhìn bình thường). Nguyên nhân là do thủy tinh thể kém đàn hồi, không co dày lên để hội tụ đủ khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc.
Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.

Cấu tạo của mắt

Human Eye Section View: Mặt cắt mắt người

Cornea: Giác mạc
Aqueous Humor: Thủy dịch
Iris: Mống mắt
Ciliary Muscle: Cơ thể mi _
Ciliary Fibers: Bó sợi mi _ treo Thủy tinh thể
Crystaline Lens: Thủy tinh thể
Vitreous Humor: Dịch kính
Retina: Võng mạc
Fovea Centralis: Điểm vàng
Blind Spot: Điểm mù
Optic Nerve: Dây thần kinh thị giác

Sự khúc xạ ánh sáng

Mắt người bình thường là một hệ thống thấu kính có độ hội tụ tổng hợp, có thể xem như một thấu kính lồi tiêu cự sau F = 20 mm (tùy người để ảnh rơi trên võng mạc khi nhìn xa), công suất hội tụ  +58 đi-ốp.

Khi người nhìn vật ở xa:
-       Ánh sáng từ xa tới (quá 6 m) được xem là tia sáng song song. Khi người bình thường nhìn vật càng xa, thủy tinh thể dãn tự do, ảnh của vật hội tụ trên võng mạc.
-       Người có tật cận thị được xác định, ảnh của vật rơi trước võng mạc. Với tật cận thị, cơ thể không cách nào tự điều chỉnh! Vì thế người cận thị cần đeo kính phân kỳ thích hợp. Riêng người bình thường, mắt làm việc cự ly rất gần trong thời gian dài, có thể sau đó nhìn xa không rõ. Đây là cận thị thoáng qua do thủy tinh thể phồng quá mức chưa trở về bình thường = mỏi mắt; nghỉ ngơi (có thời gian cho thủy tinh thể dãn ra) mắt sẽ nhìn xa rõ lại.
-       Người viễn thị nhìn bình thường vật ở xa.

Khi người nhìn vật ở gần: dưới 6m, tia sáng biến thành tia phân kỳ, nếu thủy tinh thể vẫn dẹt, các tia sáng sẽ hội tụ sau võng mạc, hình ảnh sẽ mờ. Lúc nầy thủy tinh thể bắt đầu co lại tùy theo cự ly: Vật càng gần mắt, thủy tinh thể buộc phải co càng nhiều để tăng thêm độ hội tụ cho mắt. Tăng thêm không quá +12 đi-ốp.
=> Vậy điều tiết của mắt là (con ngươi thu nhỏ lại và) thủy tinh thể dày lên để tăng độ hội tụ giúp mắt nhìn rõ vật ở gần.

Người bình thường, cận thị hay viễn thị, mắt đều có khả năng điều tiết.
-       Với người viễn thị (hay lão thị) không đeo kính: điều tiết hết mức vẫn không nhìn rõ vật, buộc phải đeo kính hội tụ thích hợp.
-       Với người cận thị không đeo kính: trong cự ly gần nhất định, mắt chưa cần điều tiết vẫn thấy rõ do ảnh rơi đúng võng mạc. Sau cự ly gần nhất định ấy, càng gần thêm, mắt mới cần điều tiết.
-       Người cận thị đeo kính: mắt điều tiết thấy rõ vật như người bình thường.

Tuổi già kéo theo tật lão thị: thủy tinh thể co lại không nổi. Độ hội tụ thủy tinh thể (tăng thêm tối đa từ 12 đi-ốp) giảm xuống tùy người. Giảm càng nhiều thì khả năng nhìn gần càng kém. Cần đeo kính hội tụ thích hợp để bù độ giảm nầy.
-       Người cận thị về già thêm lão thị, gọi là cận-lão hay cận-viễn.
-       Có dư luận cho rằng lúc trẻ bị cận thị, về già ít hay không bị lão thị. Đây là lý luận hay quan sát không đúng. Như nói trên, tật lão thị là do thủy tinh thể kém khả năng co lại khi nhìn gần, không liên quan (bù trừ) gì với chuyện nhìn xa kém của cận thị. [Nếu cận thị rất nặng thời trẻ, cự ly không điều tiết chỉ còn vài mét thì khi về già ít bị lão thị, vì khả năng điều tiết có giảm vẫn đủ nhìn rõ vật cách vài tất]
-       Người viễn thị khi về già do giảm khả năng điều tiết, cần thay kính hội tụ tăng đi-ốp thích hợp.

Bàn luận thêm:
-       Người ta cho rằng quá trình lão hóa cơ thể xảy ra rất sớm; vì thế tật lão thị có thể xảy ra với mọi người từ lúc 8 tuổi. Chỉ vì sự giảm khả năng điều tiết rất nhỏ nên ít được để ý.
-       Bên cạnh việc giảm khả năng co lại, thủy tinh thể cũng giảm khả năng dãn khiến việc nhìn xa giảm đi (tùy người). Tuy nhiên sự giảm nầy quá bé nên ít được ghi nhận.
-       Có người nói trẻ sơ sinh nhìn gần rõ, dần dần mới phát triển nhìn xa. Trẻ sơ sinh cũng là con người nên các định luật vật lý trên vẫn áp dụng. Nhận định “khá xa” như trên có thể do liên quan nhận thức của trẻ sơ sinh: Đầu tiên chúng nhận ra mùi người mẹ, đến giọng nói rồi khuôn mặt mẹ; chỉ sau đó chúng mới nhận ra thêm các sự vật hay người khác xa hơn…

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Chu kỳ đời sống ngôi sao


Stellar Nebula: Tinh vân

Tinh vân có thể là những đám bụi và khí tập hợp lại với nhau do hấp dẫn (khối lượng chưa đủ để tạo thành một ngôi sao hay một thiên thể lớn), hoặc cũng có thể là vật chất được phóng ra do sự kết thúc của một ngôi sao.
Các tinh vân thường tập trung thành những giải hẹp, dày từ vài chục đến vài trăm năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km).
Các chất khí trong tinh vân chủ yếu là hiđrô, còn bụi thì chủ yếu là các phân tử cácbon và các mảnh đá vụn. Sự tập trung mật độ vật chất không đồng đều giữa các tinh vân: một số có mật độ bụi khí rất dày đặc, số khác thì loãng hơn. Có tinh vân sáng chói hơn do phản chiếu ánh sáng của các ngôi sao gần đó: đó là tinh vân sáng. Bản thân một số chất khí trong tinh vân cũng bức xạ ánh sáng khi ở cạnh một ngôi sao có nhiệt độ cao. Khí nitơ và khí hiđrô bức xạ ánh sáng đỏ, còn khí ôxi bức xạ ánh sáng xanh. Phải nhìn vào kính thiên văn cực mạnh thì mới thấy hết sắc màu rực rỡ của các tinh vân này.

Average Star: Sao cỡ trung (như mặt trời)
Massive Star: Sao cỡ rất lớn
Nói chung, một ngôi sao càng lớn, cuộc sống càng ngắn, mặc dù tất cả nhưng ngôi sao lớn nhất sống trong hàng tỷ năm. Khi một ngôi sao đã tổng hợp tất cả các hydro trong lõi của nó, phản ứng hạt nhân chấm dứt. Do năng lượng cần thiết để chống đỡ biến mất vì phản ứng hạt nhân chấm dứt, nhân lõi bắt đầu sụp đổ vào chính nó và trở nên nóng hơn nhiều. Hydro vẫn còn có sẵn bên ngoài nhân lõi, vì vậy phản ứng tổng hợp hydro tiếp tục trong vỏ bao quanh lõi. Nhân lõi ngày càng nóng cũng đẩy các lớp bên ngoài của ngôi sao ra xa, làm cho chúng mở rộng và nguội đi, chuyển thành một ngôi sao khổng lồ đỏ.

Red Giant: Sao khổng lồ đỏ
Red Supergiant: Sao siêu khổng đỏ
Nếu ngôi sao đủ lớn, nhân lõi sụp đổ có thể trở nên đủ nóng để hỗ trợ phản ứng hạt nhân kỳ lạ hơn có thể tiêu thụ heli và sản xuất nhiều loại nguyên tố nặng hơn cho đến sắt. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ cung cấp trì hoãn tạm thời. Dần dần, hạt nhân cháy bên trong ngôi sao ngày càng trở nên không ổn định - đôi khi đốt cháy dữ dội, lúc khác lặng im. Các biến thể gây ra các ngôi sao co giãn theo nhịp và ném ra khỏi lớp bên ngoài của nó , lan rộng quanh nó một cái kén khí và bụi . Những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào kích thước của lõi.

Planetary Nebula: Hành tinh vân
Đám mây vật chất khổng lồ, chứa các nguyên tử có bậc Z cao (như cacbon, nitơ, oxy và canxi)

SuperNova: Siêu tân tinh
là một số loại vụ nổ của sao tạo nên các vật thể rất sáng chủ yếu gồm plasma bùng lên trong một thời gian ngắn, cấp sao biểu kiến tăng lên đột ngột hàng tỉ lần, rồi giảm dần trong vài tuần hay vài tháng. Năng lượng giải phóng rất lớn.

White Dwarf: Sao lùn trắng. Vài tỉ năm nữa mặt trời sẽ là Sao lùn trắng. (Các sao có khối lượng nhỏ hơn 1,44 mặt trời)
Phần bên ngoài sao sau khi bị đẩy ra thành Hành tin vân, Lõi còn lại là sao lùn trắng: lõi trơ chứa chủ yếu carbon và oxy, nhiệt độ giảm dần, thể tích co rút đặc lại: ví dụ khối lượng cỡ nửa mặt trời co thành kích cỡ trái đất.

Neutron Star: Sao neutron
Các sao có khối lượng từ 1,5 đến 2 lần mặt trời sẽ co rút biến thành sao neutron.
Trong khi có khối lượng từ 1,5 đến 2,1 lần khối lượng Mặt Trời, các sao neutron lại có bán kính tương ứng là từ 10 đến 20 kilômét (các sao neutron có bán kính nhỏ hơn thì có khối lượng lớn hơn) — nhỏ hơn Mặt Trời từ 30.000 đến 70.000 lần. Vì thế, các ngôi sao neutron có mật độ 8×1013 đến 2×1015 gam/cm³ (80 triệu tấn đến 2 tỉ tấn/cm³), tương đương với mật độ của một hạt nhân nguyên tử.

Mật độ lớn của ngôi sao neutron cũng làm cho nó có sức hút bề mặt từ 2×1011 đến 3×1012 (từ hai trăm tỉ đến ba nghìn tỉ) lần mạnh hơn sức hút của Trái Đất.
Có thể hình dung nếu ta đội một chiếc mũ trên đầu, ở hành tinh xanh của chúng ta nó chỉ nặng 500 g thì lên đó nó sẽ nặng một trăm triệu tấn! Trong khi đó cả con tàu Titanic và các hành khách trên đó chỉ nặng xấp xỉ một trăm nghìn tấn-nghĩa là chiếc mũ kia nặng bằng cả hàng nghìn con tàu. Chiếc mũ sẽ nhanh chóng đè bẹp chúng ta thành một lớp mỏng.
Một trong những cách đo lực hấp dẫn là tốc độ thoát, tốc độ cần thiết để một vật thể thoát khỏi trường hấp dẫn để bay vào khoảng không vô tận. Đối với một ngôi sao neutron, tốc độ thoát như vậy thường là 150.000 km/s (với Trái Đất giá trị này vào khoảng 11,2 km/s), khoảng ½ vận tốc ánh sáng. Trái lại, một vật thể rơi vào bề mặt của một ngôi sao neutron sẽ lao vào ngôi sao với tốc độ 150.000 km/s. Nói theo cách dễ hiểu hơn, nếu một người bình thường lao vào một ngôi sao neutron, anh ta sẽ va chạm với bề mặt sao neutron với một lượng năng lượng khoảng 200 megaton (gấp bốn lần năng lượng do Tsar Bomba, vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo sản sinh ra).
Gia tốc rơi tự do tại các ngôi sao này vào khoảng vài 1012m/s² hay trăm triệu km/s², nghĩa là chỉ cần khoảng một phần nghìn giây để tăng tốc lên 100.000km/s.

Black Hole: Hố đen
Kết cục của các sao có khối lượng gấp 3 lần mặt trời.

Lỗ đen hay hố đen là một vùng trong không-thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, bao gồm cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng tiên đoán một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không thời gian để trở thành lỗ đen. Xung quanh lỗ đen là một mặt xác định bởi phương trình toán học gọi là chân trời sự kiện, mà tại đó khi vật chất vượt qua nó sẽ không thể thoát ra ngoài lỗ đen được. Lỗ đen gọi là "đen" bởi vì nó hấp thụ mọi bức xạ và vật chất hút qua chân trời sự kiện, giống như một vật đen tuyệt đối trong nhiệt động lực học; nó cũng không phải là một loại "lỗ" hay "hố" nào mà là vùng không thời gian không để cho một thứ gì thoát ra. Lý thuyết trường lượng tử trong không thời gian cong tiên đoán tại chân trời sự kiện lỗ đen có phát ra bức xạ giống như vật đen có nhiệt độ nhất định phát ra bức xạ nhiệt. Nhiệt độ này tỉ lệ nghịch với khối lượng của lỗ đen, khiến cho rất khó quan sát được bức xạ này đối với các lỗ đen có khối lượng sao hay trung bình.

Giá vàng 3 tháng qua tại Việt Nam tách biệt thế giới

1- Để so sánh giá vàng Việt Nam và Thế giới, ta dùng công thức:
Giá 1 lượng SJC/VND = Giá 1 ounce troy 9999/USD x 1,2 x Giá USD/VND

Phép tính trên có ở bài:
Các phép tính về giá vàng tại Việt Nam và thế giới.

Công cụ xem giá đô, giá vàng Việt Nam và Thế giới:

2- Biểu đồ giá vàng trong năm

2a- Giá vàng thế giới: Nguồn kitco.com


2b- Giá vàng Việt Nam: Nguồn sjc.com.vn


3- Trong 7 tháng đầu năm, giá vàng thế giới và Việt Nam tụt nhanh.

=> Giá vàng thế giới từ trên 1700 USD/ot giảm đến mức thấp nhất là 1200USD/ot.
[Quy đổi ra lượng SJC: 43 triệu VND xuống 30,5 triệu VND]

=> Giá vàng SJC Việt Nam từ trên 46 triệu VND/lượng xuống 36 triệu VND/lượng.

Trong 7 tháng đầu năm nầy, biến thiên giá vàng Việt nam và thế giới song song: cùng nhau đi xuống và cách nhau chừng 3 triệu VND/lượng SJC. Đây cũng là thời gian ngân hàng Nhà nước tích cực bán vàng cho các ngân hàng thương mại để thanh toán các mối nợ vàng của dân trước đó. Giá vàng chênh giữa Việt Nam và thế giới được giải thích là do các ngân hàng gom vàng, nguồn cung vàng chỉ có ngân hàng nhà nước: cung không đủ cầu!

4- 3 tháng gần đây: Giá vàng Việt Nam tách biệt thế giới: gần như ổn định quanh mức trên 37 triệu VND/lượng.
Mời bạn đọc xem biểu đồ đầu tiên: Ngày 30/8/2013 giá vàng thế giới tăng cao trên 1400/ot, giá ngang với tháng 6/2013 (VN lúc đó là 40 triệu VND/lượng). Trong khi đó, biểu đồ sau, từ tháng 7 đến tháng 10 (được khoanh tròn), giá nhấp nhô quanh 37,5 triệu VND/lượng. Đỉnh cao nhất thời gian nầy cũng chỉ trên 38 triệu VND chút xíu!

Có lúc, các báo ghi nhận giá vàng chênh lệch giữa VN và thế giới còn 2,5 triệu VND. Thực ra điều nầy là giả tạo: Nếu giá chênh được rút ngắn thì đường biểu diễn giá vàng VN và thế giới phải song song. Ở đây đường biểu diễn giá vàng VN nhấp nhô quanh 37,5 triệu VND bất kể thế giới cao hay thấp; Chính vì điều nầy nên khi giá thế giới tăng cao, giá VN vẫn ổn (tăng không đáng kể) làm ta cảm giác giá vàng chênh được rút ngắn.

5- Nhận định: Mức giá vàng VN chênh với thế giới hiện từ 3,5 đến 4 triệu VND. Đây là giá vàng mà ngân hàng nhà nước cố duy trì qua các phiên đấu giá, và mặt khác cũng là giá của các nhóm thế lực tài chánh khác tạo ra: bởi trước đó “ôm” vàng giá quá cao (đầu năm 2013 còn trên 45 triệu, xem biểu đồ), nên cố duy trì giá vàng cao một thời gian mong bớt lỗ.

=> Có tiền bây giờ, mua vàng là thiệt!

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến