Translate

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Tim nhân tạo - Artificial heart

Hình 1 : Tim nhân tạo AbioCor

Hình 2: Hình cắt dọc trái tim người
1- Nhĩ phải, 2- Thất phải, 3- Nhĩ trái, 4- Thất trái, 5- Van 3 lá, 6- Van Động mạch phổi, 7- Van 2 lá, 8- Van Động mạch chủ.

Suy tim thất trái, hoặc thất phải, hoặc cả 2 thất không bóp mạnh được để tống máu lên phổi hay ra khắp cơ thể.

Hình 3: Sơ đồ ghép tim nhân tạo

1- 2 đầu bơm của AbioCor nối Động mạch phổi   Động mạch chủ
(Động mạch chủ hình cung).
2- 2 thiết bị màu vàng được cấy vào dưới da: Pin dự phòng khẩn cấp và bộ điều khiển bơm AbioCor.
3- Bệnh nhân phải đeo ở lưng: Cục pin bự (màu tro) để chạy tim nhân tạo AbioCor thông qua hệ thống truyền năng lượng không dây (màu xanh). Hệ thống nầy lấy năng lượng từ cục pin bự đeo bên ngoài, bắn tia chuyển thành điện cho bộ điều khiển và sạc cho pin dự phòng. Bộ điều khiển tải điện đến tim nhân tạo AbioCor.


                                Hình 4- Ghép tim nhân tạo

Chỉ cắt bỏ tâm thất trái và phải, giữ lại 2 tâm nhĩ. Ghép nối tim nhân tạo với các động mạch, Khâu phần tim còn lại.


Hình 5- Chụp X-quang tim - phổi sau phẫu thuật ghép tim nhân tạo


Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Đặt mật khẩu


1- Mật khẩu là một chuỗi ký tự bất kỳ liền nhau (không dấu cách) do người dùng đặt ra để đăng nhập vào một bộ phận an ninh.

2- Ký tự mật khẩu:
- Mật khẩu 1 ký tự gõ đơn giản: trên bàm phím có 47 phím nhấn tạo ra ký tự.
  Độ khó sẽ là 1/47; nghĩa là người ta lần lượt gõ các phím ít hơn hoặc bằng (<=) 47 lần sẽ tìm ra mật khẩu.
- Mật khẩu 1 ký tự gõ có phím Shift: số phím tạo ra ký tự được nhân đôi: 47 x 2 = 94.
  Độ khó sẽ là 1/94.
=> Kết luận: Dùng thêm phím Shift giúp tăng gấp đôi độ khó.
[Từ đây về sau ta xem mật khẩu là các ký tự có thể có nhấn phím Shift. Để phép tính đơn giản, ta xem 94 là gần 100 và sẽ tính toán trên con số 100]

3- Độ dài mật khẩu: Mật khẩu càng dài càng tăng độ khó.
- Mật khẩu 2 ký tự:
  Với 1 ký tự đầu, ta có 100 lựa chọn, xác suất đúng là 1/100 cho một lần chọn.
  Ứng với mỗi ký tự đầu, với ký tự thứ hai ta lại có 100 lựa chọn.
  Vậy xác suất đúng 2 ký tự cho một lần chọn là 1/100 x 1/100 = 1/10000.
=> Kết luận: Độ khó mật khẩu tăng theo lũy thừa của 100. Số lũy thừa là độ dài mật khẩu.
  1/100 = (100)^-1 Đọc là 100 lũy thừa trừ một.
  1/10000 = (100)^-2 Đọc là 100 lũy thừa trừ hai.
  Giả sử bạn đặt mật khẩu với 8 ký tự. Độ khó sẽ là (100)^-8. Đây là con số rất nhỏ.

  Với các bạn quen toán, để tiện viết con số 0, ta rút gọn số 100 là 10^2 (mười lũy thừa 2).
  1/100 = 10^-2 (mười lũy thừa trừ 2).
  1/10000 = 10^-2.2 = 10^-4 (mười lũy thừa trừ 4).
  8 ký tự, độ khó là 10^-2.8 = 10^-16 (mười lũy thừa trừ 16); Nghĩa là 1/10.000.000.000.000.000. [có 16 số 0, Đọc là một phần mười triệu tỷ]

  *** Với máy tính thông thường ngày nay có CPU với xung nhịp vài GHz, nghĩa là vài tỷ lần tắt mở thực hiện phép tính logic trong 1 giây, tương đương vài chục triệu phép tính cọng trong 1 giây (vì còn nhớ kết quả cọng tích lũy). Ta cứ cho rộng rãi là 1 tỷ phép  tính/giây.
  Để giải 8 ký tự có độ khó trên, máy tính mất 10 triệu giây! = mất ý nghĩa giải mã.

  "Cẩn tắc vô ưu" = làm việc cẩn thận thì không lo sai sót; Bạn cứ gõ mật khẩu dài cỡ 17 ký tự, vd: thanhphohochiminh, độ khó sẽ là:
  10^-2.17 = 10^-34 = 1/10.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000. Đọc là một phần mười triệu tỷ tỷ tỷ! Với mật khẩu nầy, trừ khi bị lộ còn đừng mong giải mã!

4- Mật khẩu có ý nghĩa:
Ví dụ dãy mật khẩu 8 ký tự ngẫu nhiên: dI7#s>!H rất khó nhớ thường phải lưu lại. Do đó người dùng có thói quen chọn dãy mật khẩu có ý nghĩa, vd 12345678 hoặc là 22-06-81 (= ngày sinh) hoặc thanhhong (= tên). Tuy nhiên dạng mật khẩu có ý nghĩa dễ đoán.

Để dung hòa giữa dễ nhớ và khó đoán, ta dùng các cách sau:
- Có thể dùng chuỗi mật khẩu như 123456 hay qwerty... trong các diễn đàn không quan trọng, vd: để download truyện đọc.
- Chuỗi ngày sinh có thể dùng chữ đi kèm, vd 22saU-81.
- Các ký tự chữ có thể thay bằng các ký tự số tùy cá nhân đặt ra, vd t =7 o = 0 a = 4 ...vv; vd: 7h4nhh0ng
- Nếu bạn quen gõ tiếng Việt kiểu VNI, hãy tắt bộ gõ và gõ tiếng Việt như cũ, vd thanhhồng sẽ là thanHho62nG (kèm viết Hoa ký tự cuối chữ thay vì ký tự đầu)

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Xét nghiệm ADN – Huyết thống

ADN = Acid Deoxyribo Nucleic = là các chuỗi nằm trong tế bào mang thông tin di truyền.
Xét nghiệm ADN là phương pháp tìm huyết thống khá chính xác. Cần một mẫu tế bào của đối tượng xét nghiệm và một mẫu tế bào của đối tượng so sánh. Mẫu tế bào có thể là mẫu da, mẫu máu, mẩu tóc...
Kỹ thuật viên sẽ trích lấy nhiễm sắc thể (NST) từ mẫu tế bào; hoặc ADN của ty thể.
[Nhiễm sắc thể (NST) là một sợi ADN có chứa rất nhiều gen di truyền. Người có 46 NST hay 23 cặp NST. Gen là một đoạn ADN mang một chức năng nhất định trong quá trình truyền thông tin di truyền.]

A- Dùng nhiều Nhiễm sắc thể
1- Xét nghiệm ADN – Huyết thống Cha – Con

Một xét nghiệm ADN huyết thống Cha - Con được tiến hành dựa trên một số vùng của ADN (gọi là locus) đặc trưng của mỗi cá thể người.
-  Nếu tất cả các loci đều giống nhau thì chúng ta có kết quả là dương tính (mẫu có quan hệ huyết thống Cha - Con).
-  Nếu một số loci (thường phải > 2) không tương đồng thì chúng ta có kết quả âm tính (mẫu không có quan hệ huyết thống Cha-Con).

 Nếu càng nhiều loci được sử dụng thì độ tin cậy càng cao.
Thông thường chỉ cần 16 locus đã đạt độ chính xác là 99,9%. Càng tăng locus, độ chính xác tiến tới ngưỡng chính xác tuyệt đối. = Khảo sát trên rất nhiều NST.


Người mẹ và cha (trong hình 1) là cha mẹ sinh học của Christina. Billy và Katie có bố mẹ khác. Tại vị trí Locus 1, Christina nhận alen 10 từ mẹ của cô ấy và alen 15 từ cha của cô ấy. Tại các vị trí khác bạn có thể xác định được alen mà Christina nhận từ mẹ và alen cô ấy nhận từ cha?

B - Chuyên dùng Nhiễm sắc thể giới tính X hay Y

* Nhiễm sắc thể Y [chỉ trên giới nam (XY)]: truyền theo dòng nội (chỉ riêng phái NAM) từ thế hệ nầy sang thế hệ khác: ông cố - ông nội - cha - con trai - cháu trai...
* Nhiễm sắc thể X: trên giới nam (XY): của mẹ truyền cho; trên giới nữ (XX): một của cha truyền, một của mẹ truyền.
* ADN ty thể: chỉ do mẹ truyền cho cả con trai và con gái.

2 - Xét nghiệm Ông Bà và Cháu.
Bên cạnh xét nghiệm các NST khác, việc khảo sát NST X hay Y rất quan trọng.
2a- Ông nội và cháu trai: Phải có NST Y giống nhau truyền từ ông nội.
2b- Họ hàng phái nam dòng nội: Phải có NST Y giống nhau truyền từ ông tổ.
2c- Bà nội và cháu gái: Phải có 1 NST X giống nhau di truyền từ bà nội.

3- Xét nghiệm anh chị em ruột.
3a- Chị em gái khác mẹ: Phải có 1 NST X giống nhau di truyền từ cha.
3b- Chị em gái cùng mẹ cùng cha: Phải có 2 NST X giống nhau di truyền từ cha và mẹ. Để công việc tốt, nên có mẫu máu mẹ càng tăng chính xác.
3c- Anh em trai cùng mẹ cùng cha: Phải có NST Y giống nhau di truyền từ cha, và NST X giống nhau di truyền từ mẹ.

Ghi chú: Nếu có thêm các mẫu máu cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì... càng tăng chính xác!
Vd: 2 anh em trai cùng mẹ, nhưng một người lại con của chú; vì thế NST Y cùng giống, và NST X cùng giống. Cần thêm máu cha để khảo sát các NST khác!
Ghi chú: sinh đôi cùng trứng thì ADN của chúng hoàn toàn giống nhau không sai 1 ly; khác trứng là anh chị em cùng mẹ. Chưa kết luận cha.

C- Xét nghiệm ADN ty thể:
Thường xét nghiệm để tìm quan hệ họ hàng theo dòng ngoại (NỮ): Từ cụ tổ NỮ trở xuống, nam hay nữ đều có ADN ty thể giống nhau.

D- Phụ lục: Xét nghiệm nhóm máu.
Mặc dù phương pháp tính nhóm máu ABO của DDC có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha con nhưng đó không phải là một công cụ dự đoán thuyết (xét nghiệm adn mối quan hệ họ hàng) phục cho mục đích pháp lý và không được sử dụng như là bằng chứng tại tòa án.


Cách tính nhóm máu ABO có thể được sử dụng 1 trong 2 phương pháp sau:

Khả năng về nhóm máu ABO của người con khi biết được nhóm máu của cha mẹ (bảng phía trên)
Khả năng về nhóm máu ABO của người cha khi biết được nhóm máu của người mẹ và người con (bảng phía dưới)

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Toán số học lớp 3: Kỹ năng tư duy cưa thanh gỗ.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/153724/them-de-toan-va-dap-an-xon-xao-cong-dong-mang.html


(Nhấn vào để phóng to)

1- Chia hết thông thường:

"Có 7 viên kẹo, cho mỗi người 1 viên. Hỏi bao nhiêu người có kẹo?"

Đáp: Số người có kẹo là: 7 / 1 = 7 người.

"Thanh gỗ dài 7m, cứ cách 1m cưa đứt. Hỏi có mấy đoạn gỗ 1m?"

Đáp: Số đoạn gỗ 1m là: 7 / 1 = 7 đoạn.

2- Chia có trừ: (tính các mốc cách nhau ở giữa đoạn thẳng)

"Thanh gỗ dài 7m, cách 1m cưa đứt. Hỏi có mấy lần cưa?"

Đáp: Từ đầu thanh gỗ, cứ tới 1 m ta cưa 1 đứt lần; nhưng tới mút cuối ta lại không cưa vì đoạn gỗ 1m cuối đã hình thành ở lần cưa kề trước.
Vậy lẽ ra ta phải cưa số lần là: 7 / 1 = 7
Bớt được 1 lần ở đoạn cuối, số lần cưa cần thiết là: 7 - 1 = 6 lần.

3- Chia có cọng: (tính các mốc cách nhau kể cả 2 đầu đoạn thẳng)

"Cạnh vườn dài 7m, cách 1m ta cắm cắm 1 trụ để căng dây rào. Hỏi cần mấy trụ?"


Đáp: Từ đầu cạnh vườn, cứ tới 1m ta cắm 1 trụ cho tới cuối cạnh vườn; nhưng đầu cạnh vườn ta cũng phải cắm thêm 1 trụ.
Vậy lẽ ra ta phải cắm số trụ là: 7 / 1 = 7
Phải thêm 1 trụ ở đầu, số trụ cần thiết là: 7 + 1 = 8 trụ.

4- Chia không cọng không trừ! (tính các mốc cách nhau trên đường tròn)

[Đường tròn cho gọn, thật ra là đường khép kín.]

"Một vành xe khổng lồ có chu vi ngoài là 7m, cách 1m ta cưa đứt 1 lần. Hỏi có mấy lần cưa?"

"Một hố tròn nhỏ chu vi là 7m, cách 1m ta cắm 1 trụ để căng dây rào. Hỏi cần mấy trụ?"

Trong trường hợp đường khép kín nầy, không áp dụng chia có trừ hay chia có cọng [vì các mốc vừa là đầu vừa là giữa!].
Áp dụng như chia hết thông thường: 7 / 1 = 7

Các kiểu toán số học trên tôi nhớ đã học từ hồi lớp 3. Dạo tôi học, các bài toán trong sách không có việc thêm dấu sao * cho các bài toán khó.
Và các kiểu toán trên đều được thầy giảng cho cả lớp cùng bài tập về nhà như là học một kỹ năng tính toán cần thiết trong đời sống.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Nam giới là "phó bản" của nữ giới

1- Đọc tiêu đề trên, rất nhiều quý ông sẽ giận dỗi. Sao đàn ông ta, cường tráng như thế lại là "phó bản" của đàn bà vốn mảnh mai yếu đuối? Không chấp nhận được!
Xin quý ông hãy bình tĩnh, và đưa tay lên ngực mình mân mê... Đấy, 2 bên ngực là 2 vú nho nhỏ, tuy rằng bé xíu và chả có chức năng gì, nhưng rõ ràng chúng cũng có cấu trúc y chang vú phụ nữ. Đây không phải là bằng chứng rằng nam giới vốn tiến hóa từ nữ giới sao? Và 2 vú nho nhỏ của cánh đàn ông là di tích còn sót lại không tiêu hủy từ thời tổ tiên lớp động vật có vú!


Nói thêm rằng, với các cô em chuyển giới, vốn có vú nhỏ tí của đàn ông như thế, nhưng các em chuyển giới dùng nội tiết gì đó, từ bé tí bỗng trở nên to đùng và hấp dẫn làm sao!


2- Báo Kiến thức online đăng tin: Thật 100% ở VN:
Âm đạo bé gái bỗng... mọc dương vật

* Rõ ràng là biên tập viên của báo dùng từ nhầm; Âm đạo làm sao mọc thêm? Phải sửa lại là Âm hộ, tức là bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới. Lẽ ra bé gái bình thường, giờ bỗng nhiên ở bộ phận sinh dục nữ lại thò lò ra một cái nam, hoảng hồn đi chứ!

* Chuyện trên đang xảy ra ở một làng trên núi cao của đồng bào thiểu số (bản Kim Thạch, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Hiện ở đấy bà con rất xôn xao hay đồn thổi, kể cả chính quyền địa phương cũng bối rối trong việc xác định giới tính khi ghi vào giấy khai sinh. Đương nhiên chúng ta biết ngay em bé đã mang tật "lưỡng tính" trong người, và em bé cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, cùng làm các xét nghiệm cụ thể để xác định kiểu lưỡng tính gì, hầu đề ra biện pháp chữa trị thích hợp ngay từ đầu, nhằm tạo cho em bé trình trạng đơn tính (nam hay nữ) giúp em bé phát triển tâm sinh lý "bình thường".

[Lời nói thêm của tác giả: Từ mục 3 trở đi, tác giả chỉ có viết mà không có hình ảnh minh họa, mặc dù các hình minh họa có đầy rẫy trên mạng. Các từ dùng đôi khi có chút thô tục khiến ai đó nóng mặt. Độc giả thông cảm nhen.]
3- Dương vật của bé gái trên từ đâu lòi ra thế?
Rất đơn giản: từ âm vật phát triển.
Âm vật [hột le (từ tục) hay mòng đóc (từ tục)] là bộ phận của cơ quan sinh dục nữ. Chúng tương đương với dương vật ở nam; tuy nhiên ở nam, dương vật có thân dài thì ở nữ chúng cụt ngủn, chỉ còn lại một hột tương đương với đầu quy nam giới.
[Về cấu tạo, đương nhiên dương vật đã tiến hóa khác âm vật, cơ bản có 2 nòng thể hang (phụ trách cương) kẹp niệu đạo đi kèm]
[Về chức năng, đầu quy ở nam có nhiều cảm giác, nhưng ở âm vật ở nữ, cảm giác lại bớt đi, phân phối tùy người: hoặc nhóm ngoài âm vật + mép bé, hoặc ở trong trên bề mặt cổ tử cung].

Một số phụ nữ "bình thường" vẫn có âm vật phát triển dài thò ra! Tôi chỉ thấy nhiều ảnh qua tài liệu: độ dài khác nhau, nhưng không rõ chức năng sinh đẻ thế nào, nên 2 chữ bình thường trong dấu kép.
Và nếu em bé vùng cao nói trên, "dương vật" của em nếu không dài quá, xét nghiệm nhiễm sắc thể bình thường, có đủ các bộ phận sinh sục bên trong (âm đạo, tử cung, buồng trứng...) thì vẫn xem là giới nữ bình thường. Do đó nói em bé có tật lưỡng tính ở trên là vội vã!

4- Tôi đã nói qua 2 bộ phận là vú và dương vật. Giờ thì bìu! Và thứ khác...
Quý ông hãy cúi đầu xem lại mình: giữa 2 bìu có đường hàn, đậm nhạt tùy người.
Hai bìu của nam chính là 2 mép nhỏ của nữ. Đương nhiên sau đường hàn là âm đạo bị thoái hóa.

Ở nữ, có 2 buồng trứng nằm trong bụng. Nam cũng thế, 2 cục cũng nằm trong bụng, chức năng 2 cục của nam cũng giống nữ: tạo ra các giao tử. Giao tử ở nữ mỗi lần rụng 1 là trứng thì giao tử ở nam là hàng triệu, hàng chục triệu gọi là tinh trùng. Vì sự khác nhau nầy nên 2 cục của nam gọi là tinh hoàn (hòn dái, từ tục).

Tụi tinh trùng lại ưa mát! 37 độ C của thân nhiệt sẽ làm tinh trùng kém hoạt động, do đó trong thai kỳ, 2 tinh hoàn lọt ra khỏi bụng và nằm ở 2 bìu cho mát. Bé trai nào sinh ra thiếu 1 hay 2 hòn do tinh hoàn di chuyển chưa xong; khả năng sinh tinh trùng kém hẵn đi.
Riêng ở đàn ông: 2 lổ thủng do tinh hoàn chui ra từ bụng nhanh chóng khép cứng lại. Một số đàn ông khép không tốt vẫn còn kẽ hở, ruột cũng chui qua lổ nầy xuống bìu, tạo ra bệnh sa ruột, cần phẫu thuật đẩy lên là khâu kẽ hở nầy.

5- Tóm lại: Thể hình vạm vỡ hay mảnh mai là do tác dụng của các nội tiết tố. Mà nội tiết tố nam cũng do nội tiết tố nữ biến đổi mà thành (các nội tiết tố sinh dục cùng nhóm gốc hóa học). Vậy nên nam giới là "phó bản" của nữ giới, các bạn đồng ý không?

Tham Khảo: Phôi thai học hệ sinh dục
PGS TS Nguyễn thị Bình

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

World Cup 2014 Bảng Excel/2003 Lịch thi đấu 8 bảng cụ thể

Trên Blog nầy, do nôn nóng tôi đã load các trang mạng khác để có tin tức nhanh. Kết quả là 2 file Excel về World Cup 2014 chẳng hay ho gì, lại ra vẻ bảo mật nữa chứ!

Tức mình, tôi viết Excel cho World Cup 2014 nầy tặng cho các bạn:

1- Excel/2003, phiên bản nầy tiện cho các bạn dùng Windows XP và Office 2003. Đương nhiên các bạn dùng Windows 7 và Office từ 2007 trở lên vẫn mở nó dễ dàng!

2- Viết bằng tiếng Việt.
- Tôi có nhận thư của bạn với nick là tintinvip giới thiệu Excel World Cup, thấy vẫn là địa chỉ tôi load trước đây... Dù sao cũng cảm ơn bạn.
- Mục Thông báo của Google có nhắc rằng bạn lam loan "Đã chia sẻ một bài đăng" với bài Lịch thi đấu World Cup... Tôi có đọc và dùng nó làm tài liệu cho file Excel tôi viết. Cảm ơn bạn lam loan.
(các báo Thể thao VN thời điểm nầy chưa đăng!)

3- Bảng Excel hoàn toàn dùng công thức excel, không dùng macro hay phần mềm gì khác! Do đó có thể chạy trên một máy tính Windows bất kỳ có độ bảo mật cao = default = cấu hình định sẵn.

4- Giao diện như sau:
(Nhấn vào để phóng to)

Như trên hình, các bạn chỉ cần gõ kết quả vào các ô màu trắng, các ô màu khác có chứa công thức.

5- Bảng Excel nầy tôi đặt tên là Forever World Cup Excel, nghĩa là với các kỳ World Cup khác, nếu không thay đổi số 32 đội, bạn có thể nhập tên các đội ở kỳ khác vào...

6- Down Load: (Đã chỉnh một tí) 9/12/2013
https://www.mediafire.com/?3jy65zh3ceztwyt

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Hỗ trợ giải Sudoku, Phiên bản 2

Phiên bản 2 thêm các nút giúp giải quyết nhanh!


Tôi gõ bài sudoku trên với phần mềm mới như sau:
* Thêm nút "Test 1-9" để test nhanh, Bạn có thể test từng số khi nhấn từng nút số ở trên. Hình trên có nhấn 1 lần.
* Nút "Các ô kia?" là nút cũ "Các ô còn lại", chức năng như cũ.
* Nút Copy để copy tạm vào bộ nhớ, nhấn vào hộp trắng có tam giác đen nhỏ ở trên sẽ hiện số thứ tự mỗi lần copy.
* Hộp trắng vừa rồi là danh sách các lần lưu tạm. Nhấn vào nút tám giác, danh sách sẽ xổ xuống và bạn có thể chọn để phục hồi lúc thời đểm lưu.
* Nút Del để xóa nếu bạn lưu nhiều và không cần thiết.

2-    Ta nhấn nút Test 1-9 nhiều lần cho đến khi kết quả không thay đổi như hình:

Chúng ta có thể nhấn nút "các ô kia?" để suy luận trên các dãy số, hoặc nhanh hơn là nhấn từng nút số màu vàng ở trên để test từng số.
Khi nhấn nút số 2, có hình sau:

Nhóm 9 ô thứ 2 có 2 ô trắng có khả năng số 2 (bắt buộc có 1 số trong nhóm 9 ô), chúng cùng nằm trên đường ngang, do đó trên đường ngang nầy, ngoài chúng ra, không còn số nào là số 2!
Thế mà ở nhóm 9 ô đầu tiên lại có 1 ô trắng nằm cùng hàng. Ô nầy sẽ không là số 2. Vậy chắc chắn ô dưới nó là số 2.
Ta nhập số 2 vào vị trí kề trước số 5 và nhấn nút Test 1-9 nhiều lần...

3-    Nhấn lại nút số 2 vàng để test từng số ở trên, ta lại có hình:

Nhóm 9 ô nầy chỉ còn 2 ô là số 2, hoặc ô nầy, hoặc ô kia.
Nếu bạn suy luận thấy khá khó, hãy chấp nhận phép thử!
Thử, nghĩa là cho một ô nầy mang số 2 và chạy tiếp, nếu đúng thì ok, mà nếu sai thì chắc chắn ô kia là số 2, cũng ok tuốt!

Trước khi thử, xin nhấn vào nút Copy để lưu lại hiện trạng, lỡ có sai thì phục hồi.

4-    Ta nhập số 2 vào ô trắng đầu tiên, nhấn nút Test 1-9
Tôi nhấn nút đến 5 lần, thì xuất hiện thông báo đã giải sai:

Hãy nhấn nút OK để trở lại giao diện chính. Nhấn vào nút tam giác và chọn bản lưu cuối cùng bạn vừa lưu.
Giờ chỉ việc nhập ô kia là số 2 là điều chắc chắn...

5-   Sau khi nhập số 2 và nhấn nút Test 1-9 nhiều lần, ta tiếp tục phép thử.
Thử cũng có thể căn cứ vào nút "Các ô kia?". Hình có như sau

Ta chọn ngẫu nhiên ô chứa số 14 ở hàng dưới cùng. Ô nầy chỉ có 2 khả năng, hoặc số 1, hoặc số 4.
Hãy nhấn nút Copy để lưu, Nhấn nút "Giao diện chính" để trở về.
Nhập vào số 1 và test 1-9. Êm!

6-    Phần 4 và Phần 5 đã trình bày 2 cách thử. Thạo rồi nhen, bây giờ ta nhấn nút "Các ô kia" để tìm số tiếp...

Chọn thứ 2 có số 34, trở lại màn hình chính, lưu, nhập vào số 3.
Sai! Load bản lưu
Nhập số 4 chắc chắn. test 1-9.
Hên! Đã nhấn liên tiếp để giải toàn bộ:


 Báo Thanh niên thông báo thưởng nếu gởi bài giải sớm trước 7/12/2013. bạn nào ở Sài gòn thử xem...
Mà lần nầy chưa được, thử lần khác, lo gì.

Chúc các bạn sớm rinh giải của báo Thanh niên.
(Báo đố Sudoku nhiều ngày trong tuần)

DL:

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Phần mềm hỗ trợ chơi Sudoku

            Load file:


1-    Ghi mới, Load file và lưu file:

Khi mới chạy phần mềm, các ô đều trắng. Ta dùng chuột nhấn vào các ô để nhập số.
Mỗi lần nhấn chuột vào 1 ô, 1 bảng con có 9 số hiện ra bên cạnh. Ta chỉ việc nhấn vào số được chọn. Nếu nhập số sai, ta nhấn vào ô chữ del màu đỏ.

Sau khi nhập bài Sudoku xong, ta có thể chọn lưu với việc nhấn vào nút Save SudoKu. Các bảng hướng dẫn lưu file hiện ra như mọi phần mềm khác.

Cần lưu  ý rằng chúng ta có thể lưu file bất kỳ lúc nào, nhất là khi đang giải dang dở. Nên đặt tên file có kèm ngày tháng như RatKho5-12-13 để dễ tìm.

Ta cũng có thể load file bằng cách nhấn nút "Load Sudoku", bảng Load file hiện ra và chúng ta dẫn đến nơi cất file.

1-    Hỗ trợ Test (tìm) các số:
Đương nhiên bạn có quyền tự mình suy luận để giải bài sudoku.
Nhóm các nút ở góc trên phải hỗ trợ Test từng số được chọn.
Một con số trong ô bất kỳ nào đó (Ví dụ số 3 hình trên) thì:
            - Trên hàng ngang chứa ô đó không còn số đó (số 3).
            - Trên hàng dọc chứa ô đó không còn số đó (số 3).
            - Trong nhóm 9 ô chứa ô đó không còn số đó (số 3).
Với điều kiện như trên, nhóm nút hỗ trợ sẽ làm việc nhanh chóng cho ta thấy nhanh kết quả.
Khi ta nhấn một nút số hỗ trợ (vd số 1), phần mềm nhanh chóng tìm tất cả (các số 1) trên bảng Sudoku. Với vị trí mỗi số (1) tìm được, phần mềm bôi màu xanh nhạt theo hàng ngang, hàng dọc và nhóm ô chứa nó. Kết quả là lộ ra một số ô trắng có khả năng chứa số đó (số 1).

Nếu trong nhóm 9 ô, được bôi xanh nhạt hết 8 ô, đương nhiên ô còn lại chứa số đang tìm (số 1) và phần mềm tự động ghi vào (bôi đỏ).

Việc test từng số cần lập lại nhiều lần, qua tất cả 9 số, vì ứng mỗi lần tìm được, điều kiện làm việc sẽ mới và khả năng tìm ra lại cao hơn.

Với bài Sudoku dễ hay vừa, việc nhấn nhiều lần và lập lại các nút đủ sức giải quyết vấn đề!

[Hai nút màu cạnh đó, màu đỏ nhạt ghi lại số đang test, bạn cũng có thể nhấn vào nó để test lại số đó. Nút vàng nhạt có chữ X là xóa màu vàng nhạt trên các nút vừa test, mục đích giúp ta khỏi nhầm mất công]

Phần mềm thiết kế không cho chạy test trên liên tục, vì như vậy sẽ hết hứng thú giải Sudoku!

2-    Nút "các ô còn lại" hỗ trợ giải bài Sudoku khó:
Rất nhiều bài Sudoku khó đến nỗi, chạy nhiều vòng các nút hỗ trợ chỉ mới giải vài số!
Trong trường hợp nầy chúng ta đành phải tự giải (có thế mới thú vị).

3a- Suy luận các ô trống:
Hình trên: Cả 1 dãy ô dài bên trái có khả năng số 1. Riêng nhóm 9 ô đầu tiên, chắc chắn số 1 sẽ nằm trong 2 vị trí đó (khoanh tròn đỏ). Nếu như thế, chắc chắn 3 ô  trắng bên dưới sẽ không là số 1! Mà nhóm 9 ô bên dưới có 4 ô trắng, vậy ô trắng còn lại chắc chắn là số 1 (mũi tên chỉ).

Tương tự cho hình sau: chắc chắn với số 5:

3b- Dùng nút "các ô còn lại":

Khi nhấn nút "Các ô còn lại": các ô trắng sẽ xuất hiện nhiều số, đó là những số có khả năng của ô đó.
 Sau khi ta nhấn vào nút "Các ô còn lại", sẽ hiện ra như hình sau:

Hình trên, đa số các ô nhiều số, rất may, có 3 ô chỉ 1 con số. Đấy là chắc chắn!
Hãy nhớ vị trí và con số, để nhấn nút "Giao diện chính" trở về màn hình Play đầu tiên, và  ghi các số tìm được vào vị trí.

Hình sau đây, ta suy luận 2 ô bên trái (mũi tên xanh) không có số 5!

Hãy nhấn vào nút "Các ô còn lại"

Và dùng chuột cùng phím để xóa số 5 trong 2 ô đó (khoanh đỏ).

3c- Giả thiết cho 2 ô kề khả năng giống nhau:

Cũng hình trên, bạn nhìn thấy 2 ô trên phải kề nhau (trong cùng nhóm 9 ô), cùng mang khả năng 2 số: 3 và 9
Rõ ràng với 2 ô nầy: hoặc ô nầy số 3 thì ô kia số 9 và ngược lại. Xác suất đoán là ½.
            - Nên lưu lại bài giải ngang đây (nếu giải sai còn trở lại).
            - Trở về Giao diện chính và cho lần lượt 2 ô đó, số 3 và số 9. Tiếp tục giải.
Thông thường sự hoán đổi của 2 ô kề khả năng giống nhau là không ảnh hưởng bài toán. Hoặc chỉ có ½ khả năng là sai, trường hợp nầy bạn hoán đổi lại 2 số, tôi bảo đảm OK!

Chúc các bạn load file và vui với sudoku.
Nếu phần mềm trục trặc, bạn cứ phản ảnh ở đây(nhận xét) hoặc trang Phú+

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Phi thuyền Mars Orbiter vào quỹ đạo mặt trời, Ấn độ tiến một bước dài chinh phục không gian

1-    Quỹ đạo:
Ta thường hay nghe từ quỹ đạo. Quỹ đạo nghĩa là đường bay một vật thể (theo quy luật xác định), với viên đạn, gọi là đạn đạo. Với phi thuyền, quỹ đạo được hiểu là đường bay khép kín quanh trái đất (hay mặt trăng, mặt trời...)

[Chữ quỹ (Hán Việt) còn gặp trong quỹ tích (hay quỹ tích điểm) là các phép toán lớp 8(?) để mô tả tập hợp các điểm (thành đường) có tính chất nào đó.]

Quỹ đạo tuần hoàn mọi vật bay là một hình elip (ellipse). Khi điều kiện đặc biệt, quỹ đạo hình elip tiến đến hình tròn.
Để lọt vào quỹ đạo quanh trái đất, vận tốc phi thuyền phải đạt 7,9 km/giây. Đây là vận tốc vũ trụ cấp 1.
Các tên lửa đạn đạo có vận tốc chừng 5-7 km/giây (tùy tên lửa chiến thuật hay chiến lược), chúng cũng thoát ra bầu khí quyển, vận tốc giảm dần... rồi rơi trở lại trái đất với vận tốc tăng dần. Đạn đạo là một hình parabol có đỉnh ở trên.

2-    Quỹ đạo tầm thấp:

Quỹ đạo tầm thấp là quỹ đạo tròn.
Vận tốc quanh 7,9 km/giây sẽ đưa vệ tinh lọt vào quỹ đạo thấp, cách mặt biển chừng 400 km trở lên. Các vệ tinh do thám hay Trạm vũ trụ ở quỹ đạo nầy. Do còn không khí loãng, theo thời gian, vệ tinh sẽ giảm dần vận tốc = hạ thấp độ cao và cuối cùng sẽ lao vào bầu khí quyển dày bên dưới để đa số tự bốc cháy. Vì thế đời sống các vệ tinh nầy khá ngắn, chừng vài năm. Riêng Trạm vũ trụ, lâu lâu các phi thuyền tiếp tế phải đẩy giúp nó tăng độ cao trở lại.

3-    Quỹ đạo địa tĩnh:
Là quỹ đạo khá tròn, hoặc chấp nhận là qũy đạo tròn ở khoảng cách 35.786 km tính từ mặt biển trên mặt phẳng đường xích đạo.
Để đạt quỹ đạo nầy, sau khi vệ tinh vào quỹ đạo thấp, vệ tinh tiếp tục khai hỏa từng đợt nhỏ để tăng tốc từ từ làm quỹ đạo dãn rộng = tăng độ cao, nếu phụt mạnh có tốc độ tăng nhanh sẽ khiến quỹ đạo vệ tinh biến thành elip!
Quá trình tăng tốc = tăng độ cao của vệ tinh địa tĩnh là một quá trình tỉ mỉ là lâu = chừng nữa tháng!

Các vệ tinh bay trên quỹ đạo địa tĩnh, có vận tốc góc bằng vận tốc góc của trái đất tự quay, do đó nó luôn luôn cố định đối với một điểm trên mặt đất.

4-    Quỹ đạo tầm cao:
Tăng tốc mạnh trên 8 km sẽ có quỹ đạo elip rõ ràng.
Quá trình tăng tốc là cả nghệ thuật: Phóng mạnh từ mặt đất đòi hỏa tiễn rất lớn (vì gia tốc trọng trường lớn = 9,8 m/s^2), do đó chi phí cao, chưa kể vấn đề kỹ thuật có chế tạo hỏa tiễn như thế hay không.
Đa số các nước chọn lên được quỹ đạo tròn thấp, lúc nầy mới khai hỏa tăng tốc, sẽ đạt quỹ đạo tầm cao như ý.
Cần nhắc lại ở gần tiêu điểm trái đất, vệ tinh có vận tốc nhanh nhất khi bay qua trái đất. Càng bay xa, vận tốc giảm dần.

- Tăng tốc một lần = mạnh ở gần tiêu điểm trái đất, hình elip sẽ kéo dài
- Tăng tốc từng chút = yếu, nhiều lần ở tiêu điểm xa trái đất, elip dãn rộng khá tròn.

5-    Phi thuyền Mars Orbiter vào quỹ đạo mặt trời.
Để vào quỹ đạo mặt trời (thoát ly sức hút trái đất), tại mặt đất, phi thuyền cần đến tốc độ vũ trụ cấp 2 là 11,2 km/giây.
Chả có nước nào chế ra hỏa tiễn mạnh cỡ đó, hơn nữa là quá phí tiền. Đa số chọn tăng tốc trên quỹ đạo. Tốc độ thoát sức hút trái đất lúc đó giảm nhiều, chỉ cần xấp xỉ chừng [chưa chính xác] 9 km/giây.
Hình trên mô tả phi thuyền Mars Orbiter từng bước tăng tốc để có quỹ đạo elip với độ cao 192.918 km (elip ngoài cùng) . Sau đó phi thuyền nổ động cơ tăng tốc để đạt quỹ đạo mới (màu lục). [Chả biết ở vòng cuối, tốc độ Mars Orbiter lướt qua trái đất là bao nhiêu?]

Thông tin từ Ấn độ thì:

Vòng elip thứ 5 trong hình đã đạt độ cao 215.000 km (phóng ngày 5/11 đến lúc đó là 30/11 = 25 ngày bay quanh trái đất để lấy độ cao cần thiết).
Hỏa tiễn lúc đó khai hỏa trong 22 phút giúp vận tốc Mars Orbiter tăng thêm 648 m/giây. Phi thuyền lọt vào quỹ đạo mặt trời!

Nghe quỹ đạo mặt trời lạ tai, nhưng nhìn hình trên sẽ rõ: quỹ đạo màu lục là quỹ đạo quanh mặt trời, không như trước đó.
Và trên hình, Phi thuyền Mars Orbiter theo quỹ đạo mặt trời bay đến một điểm vô hình trong tương lai: 9/2014 (phía bên kia mặt trời nhìn từ trái đất) để gặp sao Hỏa vừa trờ đến. Lúc ấy cũng khó là làm sao Mars Orbiter bay khớp lọt vào quỹ đạo sao Hỏa!


Chuyện kể trên, đối Mỹ, Nga và EU thì êm rồi. Tàu và hình như Nhật đều chưa qua khâu trên: tăng tốc trên quỹ đạo cao để lọt vào quỹ đạo mặt trời!

Chúc mừng nhân dân Ấn độ, các nhà khoa học không gian Ấn độ!

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tự làm thuyền dã chiến rẻ tiền

1- Bạn cần thanh sắt phi 16 (đường kính 16 ly), dài 1m.
Đây là khung sắt chịu lực nén.
Hãy uốn thanh sắt theo hình bán nguyệt (mặt cắt ngang đáy thuyền). Hai đầu thanh sắt bẻ gập để tránh nguy hiểm.

 2- Bạn cũng cần một tấm vạt giường tre, dài 2 m trở lên, rộng 1,2 m (vạt giường đơn). Nếu không đủ bề ngang, có thể ghép thêm.


3- Bạn hãy buộc túm 2 đầu vạt giường thật chặt (Dày quá thì chặt bỏ bớt). Sau đó lấy thanh sắt bán nguyệt  nong vào giữa vạt giường để tạo hình chiếc thuyền.

4- Bạn dùng dây mềm để cố định các nan vạt giường dính với thanh sắt chịu lực. Vạt giường phía trên dư, hãy buộc túm theo chiều dọc thuyền thành 2 be thuyền dài để thêm vững chắc.

5- Công việc cuối cùng là kiếm một tấm nylon đi mưa, không thủng, bọc bên ngoài nan thuyền, nhớ làm thẩm mỹ.


Thuyền nầy có thể cho 1 người dùng kèm ít đồ vật. Không đảm bảo an toàn nếu tấm nylon bung hay thủng!

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Biểu đồ dự kiến vị trí sao chổi ISON trên bầu trời tháng 12/2013


- Trục ngang là hướng: 1/12/2013 nhìn về hướng đông nam, đến ngày 18/12/2013 sao chổi ISON trên bầu trới hướng chính đông.
- Trục đứng là góc ngẩng đầu: 1/12/2013 sát ngay đường chân trời, qua ngày 5/12/2013 sao chổi đã lên 10 độ cách đường chân trời. Lúc nầy có thể rất dễ nhìn vào lúc bình minh.

Con người cô đơn trong vũ trụ

1-    Rất nhiều ý tưởng, tiểu thuyết, giả thuyết khoa học hướng về người ngoài hành tinh có trí tuệ cao hơn loài người: các tiểu thuyết và giả thuyết khoa học nở rộ đến mức tạo nên dư luận rộng rãi về người ngoài trái đất, với nhiều chuyện tầm phào: nào du hành trên các đĩa bay, nào ghé thăm trái đất, để lại trên trái đất nhiều dấu ấn (tàn tích công trình), thậm chí giao phối với con người để lại hậu duệ…


2-    Đương nhiên về phương diện khoa học, ý tưởng hay giả thiết có người ngoài trái đất, trên một hành tinh xa xôi là phù hợp với logic: trên trái đất có con người, thì trong hàng tỷ hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ vẫn có thể có một giống sinh vật phát triển, mà nền văn minh thậm chí cao xa hơn văn minh loài người.

3-    Để tìm hiểu nguồn gốc con người nói riêng, và nguồn gốc sinh vật nói chung, trong mấy thế kỷ gần đây, rất nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đã dày công nghiên cứu: sơ bộ đã vẽ được nhánh tiến hóa của con người hiện đại, bên cạnh đó, đã dựng nên cây tiến hóa của sinh vật nói chung: Khởi phát từ những sinh vật dưới tế bào (Virus) đến các sinh vật đơn bào, đa bào thành 2 nhánh thực vật và động vật… (Xem các bài viết Lịch sử tiến hóa loài người, Lịch sử trái đất trên blog nầy)

4-    Các nhánh tiến hóa tương đối rõ ràng vì càng ngày càng có nhiều bằng chứng hóa thạch của Cổ Sinh vật học đóng góp. Nhưng phân đoạn tiến hóa khởi đầu ra sinh vật: từ một hỗn hợp chất hữu cơ trong nước biển (dưới tác dụng sấm sét, tự do tổ hợp), tạo ra acid deoxyribo nucleic (ADN), là gốc rễ của mọi sinh vật thì còn mù mờ, và quá chút nữa, từ ADN biến thành tế bào hoàn chỉnh là cả một đoạn đường dài mà các nhà khoa học cần chứng minh.

5-    Văn hóa chúng ta hấp thụ nói chung là văn hóa bắc bán cầu, (trong khi phương đông chịu văn hóa Tàu Quân-Sư-Phụ), thì phương tây chịu văn hóa của đạo Cơ đốc hay hay các đạo tương tự: Thượng đế sáng tạo nên tất cả! Thế cho nên một số nhà khoa học "không bền chí", hoặc lai căn (đạo thiên chúa), trước vấn đề hóc búa trên đã la to: Nguồn gốc sinh vật trên trái đất đến từ sao Hỏa qua thiên thạch, hoặc chung chung hơn, đến từ vũ trụ!

6-    Thưa các ngài khoa học giả hiệu, trừ khi có bằng chứng chính xác là như thế, xin các ngài khoan vội la to, vì luận điệu như thế chả khác gì các ngài ngầm gán cho Thượng đế tạo ra tất cả, mặc khác, về phương diện khoa học, rõ ràng cho thấy thái độ của các ngài là đầu hàng trước vấn đề khó, đẩy vấn đề sang một bên hay sang người khác: Vấn đề hình thành nên tế bào sinh vật cần phải dứt khoát được chứng minh trên trái đất; vì có đẩy vấn đề lên sao Hỏa hay hành tinh ngoài vũ trụ thì câu hỏi trên vẫn chưa được giải đáp!

7-    Cho dù khoa học còn chông gai (Khoa học của loài người còn khá trẻ so tuổi vũ trụ), tôi vẫn tin rằng diễn biến tạo nên sinh vật là một quá trình thuần lý-hóa. Trong vũ trụ, nơi nào có đủ điều kiện thì nơi ấy sẽ diễn ra quá trình lý-hóa-sinh [lý = vật lý, hóa = hóa học, sinh = sinh học]. Sinh vật có thể được tạo nên ngẫu nhiên dưới các điều kiện tất nhiên ở đâu đó trong vũ trụ, và cụ thể là trên trái đất nầy.

8-    [Cần nhắc lại, các điều kiện gọi là tất nhiên như trên thật ra rất khó và hiếm, như hành tinh không quá lớn hay quá nhỏ, cách xa ngôi sao trung tâm vừa phải để có nhiệt độ thích hợp, có nước, chất oxy hóa thích hợp tương tự oxy để cấp năng lượng cho sinh vật, đầy đủ hỗn hợp các chất hữu cơ khác, khí quyển và từ quyển ngăn được phóng xạ… Nói chung nếu liệt kê các điều kiện cần có thể lên đến hàng triệu! Và trái đất là may mắn trúng số trong tỉ lệ phần triệu hay phần tỷ ấy!]

9-    Trở lại đề bài là con người, có hay không cô đơn trong vũ trụ? Các nước Âu Mỹ đã có các chương trình thăm dò sự sống ngoài trái đất bằng các kính thiên văn vô tuyến, mà hiện thực cho ý tưởng hơn: Phi thuyền Voyager 1 (Mỹ), đang bay ra khỏi hệ mặt trời, lang thang giữa Ngân hà, mang thông điệp hòa bình từ Trái đất (chào hỏi người ngoài hành tinh). Như đã nói trên, sự sống có thể phát triển dưới điều kiện tất yếu, thì sự sống cũng có thể phát triển ở bậc rất cao vì tuổi vũ trụ đã gần 14 tỷ năm, trong khi trái đất chúng ta mới chỉ hơn 4 tỷ năm.

10-     Bạn có để ý ở mục 7 tôi đã dùng từ ngẫu nhiên? "ngẫu nhiên dưới các điều kiện tất nhiên", ý tôi muốn nói là, trong khi hội đủ các điều kiện cần thiết, sự việc có thể xảy ra và có thể không xảy ra, nghĩa là có xác suất không đến 1, tương tự như ta đổ súc sắc hay lắc bầu cua: Có thể ra con Bầu nhưng cũng có thể chẳng ra con Bầu trong mấy ván liên tiếp...

Và trên trái đất, điều nầy có nghĩa là, có thể con người xuất hiện hoặc không xuất hiện! Bạn cứ thử nghĩ lại xem khoảng vài triệu năm trước đây trên trái đất làm gì có con người? 100 triệu năm trước là thời kỳ Khủng long làm bá chủ trái đất.

Vượn-Người (Australopithecus afarensis) chỉ xuất hiện từ 4 đến 2 triệu năm trước, mãi đến 200.000 năm gần đây các nhánh người khá hiện đại (Neanderthal, Cro-Magnon...) mới dần xuất hiện rồi dần dần tuyệt chủng chỉ còn nhánh người hiện đại (Homo sapiens sapiens).

11- Trong 3 tỷ năm trái đất có sinh vật phát triển, các động vật bậc cao (có xương sống) cũng chỉ mới xuất hiện 500.000 năm lại đây, mà trong số đó, phát triển đến đỉnh cao con người là duy nhất và cũng chỉ mới gần đây. Các loài động vật thông minh khác như cá Heo, chó thì cũng mãi mãi (cho đến giờ) là loài vật. Điều nầy nói lên rằng trong điều kiện cụ thể, có thể phát triển ra sinh vật đơn bào là hay lắm rồi, còn sinh vật bậc cao, có trí tuệ có thể cải tạo thiên nhiên: Còn lâu!

12-  Tóm lại, con người có trí tuệ cao xuất hiện trên trái đất là một ngẫu nhiên kỳ diệu. Ngẫu nhiên đây là biến cố xảy ra trong phép toán thống kê, hoàn toàn không liên quan đến ý chí một ai đó. Và như thế, theo tôi, xác suất tìm được một sinh vật trong vũ trụ ngoài trái đất là có thể có nhưng khá hiếm, tỷ lệ phần triệu; và sinh vật (nếu tìm được) ấy có lẽ đang ở dạng đơn bào. Không nhất thiết cứ hơn vài tỷ năm là sẽ có sinh vật trí tuệ bậc cao, trong thế giới sinh vật không thể đơn giản như phép cọng. Thế cho nên đến nay, con người vẫn cô đơn trong vũ trụ!

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Kiến thức sơ bộ về Mảng Kiến Tạo

Bề mặt trái đất chúng ta gồm đất và nước. Đất liền gồm các khối lục địa lớn là châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (Bắc Mỹ và Nam Mỹ), châu Úc và châu Nam cực. Biển mênh mông gồm các đại dương là Thái Bình dương, Đại Tây dương, Ấn độ dương và Bắc băng dương.

Cả 2 nhóm lục địa và đại dương đều nằm trên các mảng đá lớn nổi trên dung nham; các mảng nầy gọi là Mảng Kiến Tạo. Mảng chứa đại lục gọi là Mảng đại lục, mảng kia gọi là Mảng đại dương. Gọi là kiến tạo vì chúng trôi trên dung nham, xô đẩy nhau tách rời nhau để tạo nên một bộ mặt mới cho trái đất: tạo ra lục địa mới, dãy núi mới hay hình thành biển mới…

Tập hợp Mảng kiến tạo hình thành Vỏ thạch quyển = lớp vỏ đá.

(Trên thạch quyển là Thủy quyển = lớp nước, ngoài cùng là Khí quyển = lớp khí. Có thể kể thêm Từ quyển là lớp từ trường vô hình bọc quanh.)


Cần lưu ý rằng Mảng lục địa không tương đồng với các châu lục: Mảng đại lục thường bao gồm đại lục, thềm đại lục và vùng biển sâu, do đó Mảng đại lục lớn hơn nhiều.

Thạch quyển chia thành 8 mảng kiến tạo lớn: mảng Á – Âu, mảng Phi, mảng bắc Mỹ, mảng nam Mỹ, mảng Úc, mảng Ấn, mảng Nam cực và mảng Thái bình dương.

Bạn thấy đây, mảng đại dương duy nhất là mảng Thái bình dương. (Đương nhiên mảng Thái bình dương nhỏ hơn diện tích của Thái bình dương).
Đại tây dương lớn như thế lại nằm hoàn toàn trên các mảng lục địa!

Bản đồ chi tiết các mảng kiến tạo thạch quyển trái đất và các vectơ di chuyển. Ảnh: USGS.

Trên hình, ngoài 8 mảng kiến tạo lớn, còn có các mảng nhỏ hơn như mảng Ả Rập, mảng Caribe, mảng Juan de Fuca, mảng Cocos, mảng Nazca, mảng Philippin và mảng Scotia.

Quanh biên giới các mảng, có ghi chú các vùng mà các mảng kiến tạo co kéo nhau (hướng mũi tên)
Minh họa:
- Góc phải với mảng Ấn (màu đỏ), hướng bắc chỉ rõ mảng Ấn đang va vào mảng Á-Âu, hậu quả nâng cao dãy Hymalaya; nhưng phía tây nam lại tách xa mảng Phi sẽ khiến cho Ấn độ dương rộng hơn.
- Giữa mảng Âu-Á và mảng bắc Mỹ lại đang tách ra, việc nầy sẽ khiến Đại Tây dương thêm rộng.


Alex Mustard, 36 tuổi, đã lặn sâu hơn 24 mét xuống khe nứt giữa hai mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Á - Âu gần Iceland. Khu vực nầy đầy rẫy các đứt gãy, thung lũng, núi lửa và suối nước nóng hình thành do các mảng kiến tạo dịch chuyển ra xa nhau khoảng 25,4mm mỗi năm.

Cần lưu ý rằng diện tích trái đất là hằng định, nơi nầy dãn rộng thì nơi khác phải co hẹp.
Các vùng biên của mảng kiến tạo là nơi xẩy ra nhiều biến động địa chất: năng lượng khổng lồ được giải phóng dễ gây ra động đất, núi lửa…

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến