Translate

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

 Tiến hóa của động vật nhìn từ răng.



1- Động vật đa bào đương nhiên tiến hóa từ động vật đơn bào (trong môi trường nước). Vậy nên thủy tổ động vật đa bào đã không có răng! Để sinh tồn, thủy tổ động vật đa bào dùng miệng bắt thức ăn và nuốt. Thức ăn ở đây là các động thực vật đơn bào hay đa bào có kích thước nhỏ hơn (miệng đớp). Sau đó việc bắt giữ thức ăn bằng miệng dần chuyển giao khi các chi phát triển, hoặc một bộ phận khác như xúc tu (mực), lưỡi (ếch)… Cóc là đại diện điển hình cho nhóm động vật lưỡng cư nguyên thủy nhìn từ răng: chúng thè lưỡi dài như chớp cuốn lấy côn trùng và nuốt. Chúng hoàn toàn không có bộ răng!


 2- Vậy thủy tổ động vật đều là động vật ăn thịt, hay ít ra là ăn tạp mà không phải ăn chay (thực vật). Và để sống, chúng chỉ việc nuốt và nuốt. Cá lớn nuốt cá bé là vì vậy.

Nuốt là động thái quan trọng trong sinh tồn. Phản xạ nuốt là phản xạ bản năng. Phần tiêu hóa sau đó sẽ do ống tiêu hóa phụ trách. Và đối với động vật ăn thịt, tiêu hóa thịt chỉ là chuyện vặt bởi cơ thể đã tổng hợp được thứ gì (thịt, gân, da…) thì cũng dễ dàng phân hủy thứ ấy.


3- Bộ răng xuất hiện: Trong quá trình đấu tranh sinh tồn, khi các loài động vật mỗi lúc càng lớn hơn, miệng khó thể bắt hay giữ con mồi. Răng xuất hiện giúp việc bắt con mồi thuận lợi hơn. Đương nhiên răng đầu tiên xuất hiện sẽ ở trước miệng, đó là các răng cửa phụ trách việc cắn giữ con mồi. Có răng cửa cứng, dẹp và rộng như một lưỡi dao, việc cắn, giữ và nuốt thuận lợi hơn.

Tiến hóa mỗi loài có thể khác nhau chút đỉnh, ví dụ cá voi và bò: ở cá voi, răng cửa biến thành tấm lược sừng to bản để giúp cá voi lọc thức ăn sau khi cá voi hút nước vào miệng. Nước phun ra qua kẽ lược, đống xác (rong, cá…) được cá voi nuốt vào. Ở bò, khi bò gặm cỏ hàm dưới có răng cửa ngoạm vào bụi cỏ, răng cửa tì vào hàm trên (có tấm sừng thế răng cửa) để giữ chặt, bò dùng sức nhổ bụi cỏ và nuốt.

Răng nanh xuất hiện sau đó với chức năng xé thịt nhờ nhọn và dài. Một số loài, răng nanh không tham gia quá trình tiêu hóa mà biến thành vũ khí tấn công (hay tự vệ): ngà voi, nanh heo rừng…

Khi thức ăn động vật khan hiếm, hoặc do tranh giành thức ăn quá hung bạo, một số động vật chuyển qua thức ăn thực vật bởi thực vật dễ kiếm hơn. Tuy lá, củ hay thân mềm dễ bị cắn nuốt nhưng thứ thực vật nầy lại không dễ tiêu! Răng hàm ra đời với chức năng nhai nát các thứ thực vật nầy, và bởi sinh muộn, vị trí chúng luôn ở tận trong cùng.

Tuy nói răng hàm để nhai, nhưng với động vật ăn thịt, ví dụ sấu với mỏm dài, răng hàm cũng chỉ tham gia việc cắn đứt để rồi nuốt chửng. Thịt chả cần nhai nát làm gì khi việc đấu tranh sinh tồn cần từng giây!

4- Răng hàm ở động vật nhai lại hay động vật ăn hỗn tạp: Chỉ ở các loài động vật nầy, răng hàm mới biểu lộ chức năng nhai của mình trọn vẹn với diện tích mặt răng rộng và phẳng. Các loại rễ củ hay thân giòn bị nhai nát vô tư. Cỏ lá cũng bị nhai biến thành hỗn hợp nhão. Loài bò, dê, huơu, nai… sau khi nuốt cỏ no bụng, lúc nghỉ ngơi sau đó chúng sẽ ợ hỗn hợp cỏ trong dạ dày ra để nhai lại cho nhuyễn hơn.

Vì sao thực vật lại khó tiêu thế? Bởi thực vật cơ bản là xen lu lô (cellulose). Chúng bọc chung quanh tế bào như một bức vách. Ở thân, lá hay rễ, càng nhiều xen lu lô sẽ càng cứng. Thân cây nhiều xen lu lô gọi là thân gỗ, ít gọi là thân thảo (cỏ). Nói chung, tất cả các loài động vật đều không tiêu hóa nổi thứ xen lu lô nầy!

Rau cỏ sau khi bị nhai nhão và nuốt, từ dạ dày xuống ruột non, các vi khuẩn có trong ống tiêu hóa sẽ tiết các chất phân hủy xen lu lô thành đường, tế bào vỡ ra phóng thích dịch nội bào. Lúc ấy mạnh ai nấy hút: động vật ăn cỏ hút chất bổ mà vi khuẩn cũng giành ăn. Đương nhiên việc tiêu hóa thực vật không dễ dàng thế: phần lớn thực vật chưa được tiêu hóa trôi dần xuống ruột già để ra ngoài nhường cho bọ hung.

Ta biết mọt chuyên đục khoét gỗ, thế nhưng mọt cũng như bọ hung, muốn tiêu được gỗ, cũng y chang bò, phải nhờ các vi khuẩn trong ống tiêu hóa của chúng phân giải xen lu lô, sau đó mọt hay bọ hung mới hưởng xái!

5- Răng ở người: Con người thuộc loại động vật ăn hỗn tạp: vừa thịt vừa rau quả. Tuy nhiên nhờ trí thông minh, cách xử sự con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn đã thoát lớp thú mà biến thành người: Người sẽ không dùng miệng và răng để tranh thức ăn với thú, mà dùng công cụ với gậy, dao, cung, súng… và sau đó là chăn nuôi, thả lưới để cung cấp thịt cá cho mình. Từ hái lượm, đào bới, người trồng trọt để tự cung cấp rau quả. Răng chỉ còn chức năng trong việc ăn và cười.

Không những thế, việc ăn nhờ trí thông minh đã nâng lên tầm cao tách biệt kiểu ăn của thú: Việc cắn xé thành miếng nhỏ được dao cắt, việc nhai lại nhờ máy xay vụn, chày giã nát… Sau tất cả, lửa nướng, nấu làm thức ăn phân rã, nhanh tiêu hơn. Vậy răng của con người giờ dùng vào việc gì, nếu không phải chỉ làm đẹp?

Không còn cắn, không còn xé, con người chỉ giữ việc nhai trong chuyện ăn. Bởi thế ngành Nha mới bày đặt sức nhai hay chỉ số nhai, chuyện nầy chỉ có ý nghĩa trong một hoàn cảnh cụ thể, ví dụ khám răng trong nghĩa vụ quân sự, hoàn cảnh thao trường hay chinh chiến ác liệt đảm bảo thể hình binh lính vẹn toàn tốt cho sức khỏe. Mà việc nhai ấy xét ra cũng ít tác dụng với một số người: Mất sức nhai, người ta vẫn nuốt để sống! Động tác nhai chẳng qua trì hoãn thời gian ăn, để vị giác phát huy giúp con người tận hưởng sự ngon bùi của miếng ăn mà thôi. Chỉ nuốt không nhai có vẻ khiếm nhã trong thế giới đầy sĩ diện.

6- Thức ăn và nhai: Không tính chuyện thưởng thức mỹ vị thì:

a- Tất cả các loại thực phẩm dưới dạng lỏng hay hồ, cháo đều không cần nhai.

Con người theo thói quen nuốt thức ăn nhão. Nếu bỏ qua chuyện nhão (kém văn minh) ta có thể nuốt không nhai:

b- Thịt, cá, trứng (protêin) được cắt nhỏ: không cần nhai.

c- Tinh bột đã nấu chín, bánh, cơm miếng nhỏ… không cần nhai.

d- Cần nhai kỹ khi ta ăn rau, quả vì loại thực vật nầy chứa nhiều xen lu lô, tiêu hóa chậm.

Sách báo hay khuyên ăn chậm, nhai kỹ nhiều lợi ích: Đa số là tào lao. Ngoài chuyện thưởng thức bữa ăn, các chuyện khác đều không được chứng minh bằng khoa học.

Trương Phú 10/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến