Translate

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Apollo 13 - chuyến bay tử thần rình rập


Trước đó, việc Apollo 11 đã đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng đã làm nức lòng nhân dân Mỹ và thế giới, rồi mấy tháng sau Apollo 12 lại thành công trong nhiệm vụ tương tự, khiến cả nước Mỹ như sống trong bầu không khí hân hoan kéo dài. Trong bầu không khí phấn khởi ấy vài tháng sau đó, Appollo 13 được phóng lên không gian vào lúc 13h 11/4/1970. Chỉ huy con tàu là Jim Lovell, người đã từng thực hiện ba chuyến bay vào vũ trụ, cùng bay với Fred Haise và Jack Swigert.



Sự cố nguy hiểm
Mọi chuyện vẫn suôn sẻ khi Apollo 13 vào quỹ đạo quanh Trái đất, rồi tên lửa Saturn V gia tốc lần cuối trước khi tách rời để quỹ đạo Apollo 13 dãn rộng ra hướng đến Mặt trăng. Từ đấy Apollo 13 gồm khoang điều khiển chính (CM hay Control Module) [có tên là Odyssey] kèm khoang dịch vụ (SM hay Service Module), cùng khoang đổ bộ Mặt trăng (LM hay Lunar Module) [có tên là Aquarius hay Bảo bình] lặng lẽ theo quán tính bay đến chị Hằng. Thời điểm 55 giờ 46 phút tính từ xuất phát, phi hành đoàn 3 người đã hoàn thành chương trình truyền hình. Chín phút sau đó, hay giờ thứ 56, hoặc 21 giờ ngày 13/4/1970, một tiếng nổ mạnh và làm rung chuyển cả tàu Apollo 13!

Liên lạc giữa tàu Apollo 13 với Trung tâm điều khiển chuyến bay ở Houston từ lúc ấy khẩn trương hơn. Phi hành đoàn nhanh chóng nhận ra trên các đồng hồ báo: bình oxy trên khoang dịch vụ  đi kèm khoang điều khiển chính bị nổ và đang thất thoát oxy ra không gian, Lệnh khẩn cấp từ Houston: Phi hành đoàn vào gấp khoang đổ bộ Mặt trăng, đóng kín cửa giữa 2 khoang. Lúc ấy Apollo 13 đã cách Trái đất 200.000 km và đang hướng đến Mặt trăng, xem như mới đi nửa đường đến Mặt trăng!

Nhiệm vụ đáp xuống Mặt trăng của Apollo 13 đương nhiên bị hủy bỏ. Houston rối rắm trong vận dụng các khả năng để cứu 3 phi hành gia trở lại Trái đất an toàn: Chuyện nầy có ghi công Frances Northcutt lúc ấy cô chỉ mới 25 tuổi, cùng với nhóm chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của NASA cô đã vạch nên phương án tối ưu cùng đường bay sắp tới của con tàu. Apollo phải bay tiếp đến Mặt trăng, lọt nhẹ vào quỹ đạo quanh Mặt trăng, sau khi quay nửa vòng, phi thuyền phải gia tốc để hướng về Trái đất. Tổng thời gian dự tính cần 90 giờ. [Khi Apollo 13 trở về an toàn, cô và cả nhóm được thưởng Huân chương Tổng thống và biệt danh của cô được đặt cho một miệng núi lửa trên mặt trăng, “Crater Poppy”, địa điểm phi thuyền Apollo 17, phi vụ có người thám hiểm mặt trăng cuối cùng, tiếp đất Chị Hằng.]

Cuộc sống khắc khổ trong khoang đổ bộ
Trên khoang đổ bộ có chứa oxy đủ cho 3 người thở trong 40 giờ, số oxy thiếu được tìm kiếm quanh quẩn: có mấy bình oxy cứu hộ trong khoang nhỏ cứu hộ khẩn cấp khi Saturn V khai hỏa, mấy bình để mang khi đi trên Mặt trăng…  hy vọng đủ dùng!
Năng lượng điện là vấn đề rất đáng quan tâm: Điện chỉ đủ dùng trong một ngày khi khoang đổ bộ đáp xuống Mặt trăng, vậy nên trừ liên lạc là điều cần thiết, phải tắt tất cả các máy còn lại, kể cả máy sưởi. Từ đó nhóm phi hành gia sống trong môi trường giá lạnh.
Nước và thức ăn khi 3 phi hành gia bò từ khoang điều khiển chính sang khoang đổ bộ có khều thêm một ít, nhưng tổng cọng lượng thức ăn và nước có cả trong khoang đổ bộ thiếu trầm trọng. Vậy là từ giờ phút đó, việc ăn phải tiết giảm đến mức tối đa, 4 ngày sắp tới ăn đói cũng có thể chịu được, nhưng thiếu nước mới ghê: mỗi ngày mỗi người uống chưa được 200 ml, nghĩa là chỉ 1 cốc mỗi ngày. Cả nhóm khát khô cổ cho đến khi được cứu. Trung bình mỗi người sụt 10 kg!
Hơi thở ra của nhóm làm tăng lượng CO2 trong khoang, nhóm lại phải chịu đựng thở khó nhọc vì các bình khử CO2 cũng có hạn. Sau đó nhóm phải cực nhọc câu các hộp khử từ khoang chính.

Điều chỉnh đường bay hướng về Trái đất
Đã hơn 10 tiếng trôi qua từ sau vụ nổ bình oxy, Apollo 13 càng lao nhanh về mặt trăng và sắp vào quỹ đạo của nó trong vài giờ tới. May mà nhiệm vụ tinh chỉnh đường bay để phi thuyền lọt vào quỹ đạo quanh Mặt  trăng được thực hiện từ giờ thứ 30. Nếu không có sự điều chỉnh nầy, thay vì Apollo 13 vào quỹ đạo quanh Mặt trăng, nó có thể đâm thẳng góc vào Mặt trăng và tan xác, hoặc nó có thể bay sượt ngang Mặt trăng, và phi thuyền vĩnh viễn quay quanh Trái đất với quỹ đạo elip rộng, mãi mãi bay trong không gian và cái chết của phi hành đoàn sẽ đến từ từ nhưng thảm khốc không kém!

Trung tâm dưới đất đã tính toán, đến phút đó khi Apollo 13 vòng qua phía bên kia Mặt trăng, tên lửa chỉ cần phun 5 phút là đủ gia tốc để Apollo 13 từ giã Mặt trăng trở lại Trái đất. Nhưng thực tế cần kiểm định, mà khoang đổ bộ được thiết kế không có nhiệm vụ nầy! Vậy nên thông qua kính viễn vọng trên khoang, Chỉ huy Jim Lovell được yêu cầu thấy Mặt trời mới đúng hướng của con tàu. May mắn, Jim Lovell đã xác nhận Mặt trời, tên lửa khai hỏa đúng thời điểm, và bây giờ từ giờ thứ 73, Apollo 13 trực chỉ Trái đất!

Và như vậy, phi hành đoàn vẫn tiếp tục cuộc sống quá khắc khổ trong 70 giờ của chặng đường còn lại, nhịn đói nhịn khác, lại thức trắng vì không thể ngủ được do quá lạnh. Cả 3 cùng nhau đối mặt, động viên nhau bên cạnh tiếng xì xì của liên lạc vô tuyến. Chính tiếng xì xì như là động lực nhắc nhở họ rằng đất mẹ vẫn cùng ở bên, hơn nữa ngày gần.

Tiếp đất thành công
Bốn giờ trước khi tiếp đất, các phi hành gia lại bò qua khoang điều khiển chính, vì khoang nầy có thiết kế tấm chắn nhiệt ở mũi tàu và dù dùng cho việc hạ cánh. Tái khởi động khoang điều khiển với nguồn điện tốt, cả ba sống nhờ oxy mang theo từ khoang đổ bộ. Khoang chính vứt bỏ khoang đổ bộ và lao nhanh vào tầng khí quyển trái đất, mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch: tấm chắn bị đốt nóng rồi dù kịp bung trên Thái Bình Dương gần Samoa.



Tuy nhiệm vụ của Apollo 13 thất bại, nhưng cả chuyến hành trình lại là sự thành công hơn mong đợi: Trong sự cố sống chết của Apollo 13, Trung tâm mặt đất đã tính toán chính xác phương án trở về, phi hành đoàn đã dũng cảm vượt qua gian nguy, chịu đựng khắc khổ quá mức để cuối cùng, phi hành đoàn đáp an toàn trên Mặt đất. Hành trình giải cứu Apollo 13 như một tấm gương sáng cho NASA (Cơ quan hàng không và không gian Mỹ) .
Apollo 13 đã lập kỉ lục phi thuyền có người lái đi xa Trái đất nhất: 400.171 km.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến