Translate

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Lan man về Vương phi và Công nương



1- Khởi phát tiếng Việt vốn nghèo nàn từ ngữ. Qua ngàn năm bị Tàu đô hộ, các từ gốc Hán nhập và Việt hóa, phát âm theo chuẩn nhà Đường làm phong phú thêm tiếng Việt. Đến thời cận đại và hiện đại, các từ gốc phương tây lại du nhập vào để tiếng Việt ngày nay thêm giàu có. Tuy thế, việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt hiện tại vẫn còn nhiều bối rối do nhiều từ ngữ chưa tương thích, ví dụ ta nên gọi Vương phi Diana hay Công nương Diana (nước Anh)?


2- Khi bàn về các từ ngữ kép Hán Việt (mà tôi có đề nghị gọi là từ Việt Đường), ta lưu ý danh từ chính luôn luôn nằm phía sau (bên phải, khi viết từ trái qua); ví dụ từ kép Việt hóa, danh từ chính là hóa = hóa thành, danh từ Việt là phụ. Việt hóa là trở thành thuộc về dân tộc Việt.

Diana, Công nương xứ Wales

2a-  Vương phi, với danh từ chính là phi với nghĩa là vợ. (Bỏ qua việc từ phi vốn là cấp bậc tước của vợ vua Tàu như Hậu, Phi, Tần... Mỗi triều đại Tàu đặt tùm lum tước vợ lẽ của vua!)
Danh từ phụ là Vương với nghĩa là tước Vương. Vương phi nghĩa là vợ của người tước vương. Vậy (đàn ông) ai được phong Vương, người vợ mới được gọi là Vương phi!

Với Diana là vợ của Thái tử Charles: Thái tử Charles hiện chưa được phong vương! 
(Trích vi.wikipedia.org viết: "Charles, Thân vương xứ Wales" là không chính xác.)
Theo thông lệ Thái tử nước Anh chỉ được phong tước "Hoàng tử xứ Wales" (Prince of Wales), ngoài ra còn được phong Công tước (Duke) xứ Rothesay, Công tước xứ Cornwall...
Vậy ta không thể gọi là Vương phi Diana.

** Nói thêm ngoài lề: Tương tự danh từ kép Vương quốc: tức là nước có vua xưng vương, khác với Đế quốc là nước có vua xưng Đế, hay Công quốc là nước có vua xưng Công (tước).
Các từ nầy hiện nay dùng khá lộn xộn: Đế quốc giờ với nghĩa một nước lớn chuyên bắt nạt nước nhỏ _ mà thật sự như thế! Còn các Công quốc, chỉ có Công quốc Luxembourg thì vua là Đại Công tước, còn Công quốc Monaco, Liechtenstein thì vua là Hoàng tử (Prince), mà thực ra phải gọi là Thân vương quốc Monaco hay Liechtenstein, nên Prince trong trường hợp đứng đầu nước nầy có thể gọi là Hoàng Thân hay Thân vương. Thế nhưng các báo lại viết là quốc vương!
(Thân vương cũng là một tước cao cấp, cao hơn cả tước Vương, nên đừng tùy tiện dùng.)

** Lưu ý thêm: Vua xưng Đế, gọi là Hoàng đế, thêm chữ Hoàng. Gia tộc của Đế không gọi là Đế gia mà gọi là Hoàng gia, và vua xưng Vương, gia tộc của Vương gọi là Vương gia. Hiện giờ dùng từ Hoàng gia tùm lum, chung cho các gia tộc của vua, bất kể vua xưng Đế, Vương hay Công!
Còn Vương gia lại đang hiểu là một người có tước Vương!

Vợ của Đế, gọi là Hoàng hậu (vợ chính) hay Hoàng phi. Vợ của Vương là Vương hậu (vợ chính) hay Vương phi. Giờ Hoàng hậu dùng tràn lan thay cho cả Vương hậu, còn Hoàng phi lại né không dùng.

Và tương tự, con của Vương, gọi là Vương tử (nam) hay Vương nữ (nữ). Con của Đế gọi là Hoàng tử (nam) hay Hoàng nữ (nữ). Hoàng nữ thường được gọi theo tước mặc định là Công chúa. Tuy nhiên, giờ cứ con vua gọi là Hoàng tử hay Công chúa tuốt.

Cần lưu ý, Hoàng tử vừa là tên gọi con trai vua, vừa là tước. Trong khi Hoàng nữ chỉ là tên gọi con gái vua. Các tước Hoàng tử và Công chúa chỉ áp dụng trong Hoàng gia. Mắc lỗi nặng, Hoàng tử hay công chúa có thể bị phế truất thành dân thường. Trong nhiều Hoàng tử Tàu, một số được phong Vương.
Hoàng tức là từ để chỉ chung con dâu của vua, không nêu đích danh một ai.

Trở lại với Diana, với thân phận vợ Thái tử Charles (Hoàng tức), có thể gọi là Thái tử phi Diana!

2b- Công nương: Đa số các tước ở châu Âu, khi dịch, phải dùng các tước vị cổ của Tàu tương đương. Mà Tàu cổ thì không có tước Công nương!
Nương, danh từ chính, nghĩa gốc là nàng. Nương chỉ người phụ nữ cao quý: con vua Hùng gọi là Mị nương. Võ Tắc Thiên được ban chữ là Mị (đẹp) nên được gọi là Võ Mị nương.

Công đương niên là tước Công. Tuy từ Công nương không có trong hệ thống tước vị của Tàu, mà theo nghĩa Công nương có thể hiểu, người đàn bà cao quý ngang tước Công, địa vị theo ngữ nghĩa có lẽ chỉ thua Công chúa (cùng tước Công) một tí.

Thực ra Diana được gọi là Công nương từ lúc Diana cưới Thái tử Charles. Trước đấy Diana mới được phong tước Lady (Quý bà, tương đương huân tước [Lord]). Vì Thái tử Charles có tước "Hoàng tử xứ Wales" (Prince of Wales) nên Diana mặc nhiên có tước Princess of Wales. Nếu con gái vua nước Anh chuẩn bị nối ngôi, được phong Princess of Wales sẽ gọi là Công chúa xứ Wales. Ở đây, Diana là vợ "Hoàng tử xứ Wales" nên tước Princess of Wales được dịch rất hay là Công nương xứ Wales.

Tóm lại, Công nương là từ tên dịch của tước Princess nước Anh. Cả sau khi Diana ly hôn với Thái tử Charles, Hoàng gia Anh vẫn không hủy bỏ tước Princess of Wales của bà. Do đấy, gọi Vương phi Diana vừa không đúng ngữ nghĩa, vừa không đúng ngữ cảnh sau này. Mà gọi Công nương Diana thì hay và hợp lý vô cùng. Nếu tôn trọng người đã khuất, phải gọi là Cố Công nương Diana Frances Spences!
(dân chúng Anh gọi tắt là Diana Spencer, trong khi tên bà có chữ lót của tên mẹ: Frances Shand Kydd)

==> Đề nghị dùng từ "Công nương" nghe hay hơn, thay cho "Thái tử phi" nghe không được thuận tai, dù các học giả có trưng bằng chứng tiếng Hán về từ "Thái tử phi" nầy. Công nương, nghĩa là vợ Hoàng tử, là Hoàng tức, thế thôi.

----------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến