Translate

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Thanh minh cho em trong bài "Chân quê": Hôm qua em đi tỉnh về...


Chân Quê
Thơ : Nguyễn Bính

Hôm qua em đi tỉnh về 

Đợi em ở mãi con đê đầu làng 
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi? 
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? 
Nào đâu cái áo tứ thân? 
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? 
Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa 
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh 
Hoa chanh nở giữa vườn chanh 
Thầy u mình với chúng mình chân quê 
Hôm qua em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Đây là bài thơ phổ nhạc, thơ của Nguyễn Bính, một văn sĩ nổi tiếng tiền chiến (Khoảng 1930 - 1945) với những vần điệu lục bát, chân chất mà tài tình. Nội dung bài thơ mang tiếc nuối về một thời quê êm ả.
Bây giờ, đã sang thế kỷ 21, xem như cách khung cảnh bài thơ đến gần trăm năm, chả biết anh nhạc sĩ nào lại cứ giữ hồn quê vương vấn, với mùi chuồng lợn và bãi phân trâu, đem bài thơ xưa rích đi phổ nhạc!

Chúng ta không phủ nhận giá trị của những hình ảnh quê hương, chúng ta trân trọng hoài niệm về buổi trưa làng êm ả, gió thổi xào xạc qua khóm tre quanh vườn. Nhưng hoài niệm và trân trọng là một thái độ, còn khư khư giữ lấy toàn bộ, không muốn thay đổi lại là một thái độ khác: loại cố chấp, thủ cựu, và nói trắng ra là ích kỷ!

"Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng"
Người yêu đi tỉnh chơi, chàng trai bồn chồn mong đợi, chàng ra tận con đê đầu làng đón người yêu. Chỉ hai câu mở đầu, ta đã thấy hai hình ảnh tương phản: Một bên là "tỉnh", chốn phồn hoa đô hội, nơi cuộc sống nhộn nhịp và xa hoa, và một bên là "làng" với hình ảnh con đê quanh dòng sông lững lờ, kèm cuộc sống lặng yên với vườn tược ruộng đồng, một đời lam lũ.

"Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo gài (cài) khuy bấm, em làm khổ tôi"
Thật là may, cô em nhà ta sớm tiếp thu cái mới; rõ ràng cô em thuộc týp người năng động, hoàn cảnh nào cũng có thể hòa nhập: ừ, lên tỉnh thì ta diện khăn nhung và quần lĩnh, khoác ngoài áo khuy bấm, quá lịch sự.
Thế nhưng sự việc đơn giản thế lại không vừa lòng người yêu, một anh nông dân hạn hẹp và ích kỷ, loại "quyết giữ gái làng", không muốn người yêu ăn diện (vì sợ mất?), loại người đàn ông chỉ biết xem phụ nữ để gây giống! vì thế cho nên anh ta xốn mắt, lại than vãn: "em làm khổ tôi", cô em ấy làm khổ anh điều gì? cô em chỉ việc đi chơi tỉnh một chuyến, vậy nhìn thấy cô em anh đã không mừng, vồ vập, lại còn than khổ? mà giữa hai người hình như chưa có hôn ước, mà ngay cả có hôn ước đi, lấy cớ gì anh phiền lòng cái áo choàng khuy bấm của em? Thiệt thứ đàn ông gì đâu...

"Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân(?)
Cái khăn mỏ quạ, cái quần lĩnh (nái) đen"
Đây là lý luận của anh chàng: Chàng ta (Nguyễn Bính chứ ai?) kể một lô rối rắm, nào áo tứ thân, nào yếm lụa sồi... những áo quần cũ mèm và có thể rách bươm xác xơ, những quần áo chỉ mặc trong hội "làng" vì mặc khác đi (hiện đại) lại bị những ánh mắt "làng" soi mói, dè bỉu... chỉ với hình ảnh thế (Nguyễn Bính) mới an lòng.

"Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa. 
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh."
Đấy, rốt cục lộ rõ mặt thật của anh nha: "em hãy giữ nguyên quê mùa, ... cho vừa lòng anh". Nghĩa là đối với anh chàng, "bọn đàn bà con gái" quanh năm cứ ở xó bếp là đủ, cứ quê mùa lam lũ thì hợp ý anh ta.

Hỡi anh chàng (cố văn sĩ Nguyễn Bính), tôi hỏi anh trước trào lưu "Tây hóa" dạo đầu thế kỷ 20, anh có cắt tóc ngắn không? anh có mặc âu phục không? Hóa ra anh, bọn đàn ông thì được, còn đàn bà thì lại không à? Đúng là suy nghĩ ích kỷ của thứ đàn ông gia trưởng, tàn tích thời phong kiến còn sót lại.

Hỡi cô em trong bài, Đừng có tiến thêm với anh chàng đó mà quay sang lựa chọn anh đây, anh sẵn sàng ủng hộ em mặc không phải khăn nhung quần lĩnh mà áo phông quần bò, bởi vì anh quan niệm rằng văn hóa mỗi thời mỗi khác, và con người, trai cũng như gái phải biết hòa nhập trào lưu mới, là sự tiến bộ của xã hội, là giải phóng phụ nữ ra khỏi chuyện bếp núc và sinh đẻ xoành xoạch. Bảo vệ văn hóa cũ là chắt lọc những nét hay của đời sống cũ để bảo tồn, chứ không phải khư khư giữ nguyên cuộc sống cũ không chịu thay đổi, đấy là lạc hậu, là phản động.

"Hoa chanh nở giữa vườn chanh 
Thầy u mình với chúng mình chân quê"
Thầy u mình với chúng mình chân quê thì suốt đời chúng mình là dân quê à? thứ lý luận không nghe được, sẽ làm cho cuộc sống trì trệ, bị vây hãm trong tầm nhìn lũy tre làng, tảng lờ hay giả đui gỉa điếc với cuộc sống thay đổi chung quanh. Và nhất là đừng lấy đó để gọi là giữ hồn quê: Vườn chanh sau góc biệt thự không có à? Cớ gì hoa chanh phải nở bên chuồng heo?

Cô em trong bài ơi, "Hương đồng gió nội" vẫn còn đó nếu ta biết giữ gìn và tôn tạo, Hương đồng gió nội lại hòa nhập với cuộc sống hiện đại như là một nét văn hóa mới. Chả có điều gì gọi là "bay đi ít nhiều", đấy chẳng qua là thái độ ghen tức, chướng mắt của lớp người thủ cựu. Ai thích nghe bài hát trên (hay bài thơ), và gượng ép cho rằng cố giữ truyền thống tốt đẹp của dân quê là ngụy biện. Hoài niệm là một chuyện: Nhớ hình ảnh khói lam chiều qua túp nhà tranh, thất là đẹp! Nhưng bảo cố giữ nhà tranh để ở và giữ gìn văn hóa dân tộc, đố anh nào dám vào ở trong túp lều nước mưa từ mái tranh rơi lộp bộp thành vũng trên nền đất nện? Và như thế, cô em hãy dứt khoát với anh chàng thủ cựu đó để đến với anh đây...

1 nhận xét:

  1. "Nói ra sợ mất lòng em", Phú Trương muốn tỏ ra hài hước nhưng nhạt và vô duyên quá !

    Trả lờiXóa

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến