Translate

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Apollo 13 - chuyến bay tử thần rình rập


Trước đó, việc Apollo 11 đã đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng đã làm nức lòng nhân dân Mỹ và thế giới, rồi mấy tháng sau Apollo 12 lại thành công trong nhiệm vụ tương tự, khiến cả nước Mỹ như sống trong bầu không khí hân hoan kéo dài. Trong bầu không khí phấn khởi ấy vài tháng sau đó, Appollo 13 được phóng lên không gian vào lúc 13h 11/4/1970. Chỉ huy con tàu là Jim Lovell, người đã từng thực hiện ba chuyến bay vào vũ trụ, cùng bay với Fred Haise và Jack Swigert.



Sự cố nguy hiểm
Mọi chuyện vẫn suôn sẻ khi Apollo 13 vào quỹ đạo quanh Trái đất, rồi tên lửa Saturn V gia tốc lần cuối trước khi tách rời để quỹ đạo Apollo 13 dãn rộng ra hướng đến Mặt trăng. Từ đấy Apollo 13 gồm khoang điều khiển chính (CM hay Control Module) [có tên là Odyssey] kèm khoang dịch vụ (SM hay Service Module), cùng khoang đổ bộ Mặt trăng (LM hay Lunar Module) [có tên là Aquarius hay Bảo bình] lặng lẽ theo quán tính bay đến chị Hằng. Thời điểm 55 giờ 46 phút tính từ xuất phát, phi hành đoàn 3 người đã hoàn thành chương trình truyền hình. Chín phút sau đó, hay giờ thứ 56, hoặc 21 giờ ngày 13/4/1970, một tiếng nổ mạnh và làm rung chuyển cả tàu Apollo 13!

Liên lạc giữa tàu Apollo 13 với Trung tâm điều khiển chuyến bay ở Houston từ lúc ấy khẩn trương hơn. Phi hành đoàn nhanh chóng nhận ra trên các đồng hồ báo: bình oxy trên khoang dịch vụ  đi kèm khoang điều khiển chính bị nổ và đang thất thoát oxy ra không gian, Lệnh khẩn cấp từ Houston: Phi hành đoàn vào gấp khoang đổ bộ Mặt trăng, đóng kín cửa giữa 2 khoang. Lúc ấy Apollo 13 đã cách Trái đất 200.000 km và đang hướng đến Mặt trăng, xem như mới đi nửa đường đến Mặt trăng!

Nhiệm vụ đáp xuống Mặt trăng của Apollo 13 đương nhiên bị hủy bỏ. Houston rối rắm trong vận dụng các khả năng để cứu 3 phi hành gia trở lại Trái đất an toàn: Chuyện nầy có ghi công Frances Northcutt lúc ấy cô chỉ mới 25 tuổi, cùng với nhóm chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của NASA cô đã vạch nên phương án tối ưu cùng đường bay sắp tới của con tàu. Apollo phải bay tiếp đến Mặt trăng, lọt nhẹ vào quỹ đạo quanh Mặt trăng, sau khi quay nửa vòng, phi thuyền phải gia tốc để hướng về Trái đất. Tổng thời gian dự tính cần 90 giờ. [Khi Apollo 13 trở về an toàn, cô và cả nhóm được thưởng Huân chương Tổng thống và biệt danh của cô được đặt cho một miệng núi lửa trên mặt trăng, “Crater Poppy”, địa điểm phi thuyền Apollo 17, phi vụ có người thám hiểm mặt trăng cuối cùng, tiếp đất Chị Hằng.]

Cuộc sống khắc khổ trong khoang đổ bộ
Trên khoang đổ bộ có chứa oxy đủ cho 3 người thở trong 40 giờ, số oxy thiếu được tìm kiếm quanh quẩn: có mấy bình oxy cứu hộ trong khoang nhỏ cứu hộ khẩn cấp khi Saturn V khai hỏa, mấy bình để mang khi đi trên Mặt trăng…  hy vọng đủ dùng!
Năng lượng điện là vấn đề rất đáng quan tâm: Điện chỉ đủ dùng trong một ngày khi khoang đổ bộ đáp xuống Mặt trăng, vậy nên trừ liên lạc là điều cần thiết, phải tắt tất cả các máy còn lại, kể cả máy sưởi. Từ đó nhóm phi hành gia sống trong môi trường giá lạnh.
Nước và thức ăn khi 3 phi hành gia bò từ khoang điều khiển chính sang khoang đổ bộ có khều thêm một ít, nhưng tổng cọng lượng thức ăn và nước có cả trong khoang đổ bộ thiếu trầm trọng. Vậy là từ giờ phút đó, việc ăn phải tiết giảm đến mức tối đa, 4 ngày sắp tới ăn đói cũng có thể chịu được, nhưng thiếu nước mới ghê: mỗi ngày mỗi người uống chưa được 200 ml, nghĩa là chỉ 1 cốc mỗi ngày. Cả nhóm khát khô cổ cho đến khi được cứu. Trung bình mỗi người sụt 10 kg!
Hơi thở ra của nhóm làm tăng lượng CO2 trong khoang, nhóm lại phải chịu đựng thở khó nhọc vì các bình khử CO2 cũng có hạn. Sau đó nhóm phải cực nhọc câu các hộp khử từ khoang chính.

Điều chỉnh đường bay hướng về Trái đất
Đã hơn 10 tiếng trôi qua từ sau vụ nổ bình oxy, Apollo 13 càng lao nhanh về mặt trăng và sắp vào quỹ đạo của nó trong vài giờ tới. May mà nhiệm vụ tinh chỉnh đường bay để phi thuyền lọt vào quỹ đạo quanh Mặt  trăng được thực hiện từ giờ thứ 30. Nếu không có sự điều chỉnh nầy, thay vì Apollo 13 vào quỹ đạo quanh Mặt trăng, nó có thể đâm thẳng góc vào Mặt trăng và tan xác, hoặc nó có thể bay sượt ngang Mặt trăng, và phi thuyền vĩnh viễn quay quanh Trái đất với quỹ đạo elip rộng, mãi mãi bay trong không gian và cái chết của phi hành đoàn sẽ đến từ từ nhưng thảm khốc không kém!

Trung tâm dưới đất đã tính toán, đến phút đó khi Apollo 13 vòng qua phía bên kia Mặt trăng, tên lửa chỉ cần phun 5 phút là đủ gia tốc để Apollo 13 từ giã Mặt trăng trở lại Trái đất. Nhưng thực tế cần kiểm định, mà khoang đổ bộ được thiết kế không có nhiệm vụ nầy! Vậy nên thông qua kính viễn vọng trên khoang, Chỉ huy Jim Lovell được yêu cầu thấy Mặt trời mới đúng hướng của con tàu. May mắn, Jim Lovell đã xác nhận Mặt trời, tên lửa khai hỏa đúng thời điểm, và bây giờ từ giờ thứ 73, Apollo 13 trực chỉ Trái đất!

Và như vậy, phi hành đoàn vẫn tiếp tục cuộc sống quá khắc khổ trong 70 giờ của chặng đường còn lại, nhịn đói nhịn khác, lại thức trắng vì không thể ngủ được do quá lạnh. Cả 3 cùng nhau đối mặt, động viên nhau bên cạnh tiếng xì xì của liên lạc vô tuyến. Chính tiếng xì xì như là động lực nhắc nhở họ rằng đất mẹ vẫn cùng ở bên, hơn nữa ngày gần.

Tiếp đất thành công
Bốn giờ trước khi tiếp đất, các phi hành gia lại bò qua khoang điều khiển chính, vì khoang nầy có thiết kế tấm chắn nhiệt ở mũi tàu và dù dùng cho việc hạ cánh. Tái khởi động khoang điều khiển với nguồn điện tốt, cả ba sống nhờ oxy mang theo từ khoang đổ bộ. Khoang chính vứt bỏ khoang đổ bộ và lao nhanh vào tầng khí quyển trái đất, mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch: tấm chắn bị đốt nóng rồi dù kịp bung trên Thái Bình Dương gần Samoa.



Tuy nhiệm vụ của Apollo 13 thất bại, nhưng cả chuyến hành trình lại là sự thành công hơn mong đợi: Trong sự cố sống chết của Apollo 13, Trung tâm mặt đất đã tính toán chính xác phương án trở về, phi hành đoàn đã dũng cảm vượt qua gian nguy, chịu đựng khắc khổ quá mức để cuối cùng, phi hành đoàn đáp an toàn trên Mặt đất. Hành trình giải cứu Apollo 13 như một tấm gương sáng cho NASA (Cơ quan hàng không và không gian Mỹ) .
Apollo 13 đã lập kỉ lục phi thuyền có người lái đi xa Trái đất nhất: 400.171 km.


Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Chất béo no và chất béo trans – tác hại lên cơ thể


1- Chất béo là gì?
Trong đời sống hằng ngày, ta quen thuộc hai dạng chất béo là mỡ (động vật, thường đặc) và dầu (thực vật thường lỏng). Bất kể chất béo ở dưới dạng nào, khi ta ăn vào, chúng sẽ được phản ứng trong ruột non để trả về dạng axit béo thì cơ thể mới hấp thu được. Từ đây ta quen gọi chất béo là axit béo.

Về hóa học phân tử, axit béo là một chuỗi carbon gắn hydro, mà mút có gốc COOH. Axit béo đơn giản nhất là giấm! (CH3COOH).

2- Axit béo no hay axit béo không no là gì?
Axit béo no là axit béo mà chuỗi carbon nối với nhau bằng nối đơn. Điều nầy có nghĩa là hydro được gắn tối đa vào chuỗi. Vì thế axit béo no còn được gọi là axit béo bão hòa (Saturated fatty acid).
Ví dụ công thức hóa học của axit béo no có 6 carbon Caproic: CH3CH2CH2CH2CH2COOH
Viết gọn là: CH3(CH2)4COOH
Các axit béo no có chuỗi carbon càng ngắn, tác dụng trên cơ thể càng tốt, ít gây bệnh tật. Ngược lại nếu chuỗi carbon dài lại dễ sinh bệnh. Axit béo no chuỗi dài thường thấy trong mỡ động vật. Đặc biệt ở cá có axit béo Omega 3 và Omega 6 (chuỗi dài) lại tốt cho tim mạch (chất béo thiết yếu).
Ngược với axit no là axit không no, mà trong chuỗi carbon nối nhau có chứa 1 hay nhiều nối đôi. Điều nầy có nghĩa các axit không no có thể gắn thêm hydro, vì thế chúng còn được gọi là axit béo không bão hòa (Unsaturated fatty acid), thương ghi là (Mono - unsaturated fatty acid) = một nối đôi hay (poly - unsaturated fatty acid) = nhiều nối đôi.
Ví dụ công thức hóa học của axit béo Oleic là axit béo không no đơn (mono): CH3(CH2)7CH=CH(CH2)7COOH
Ví dụ công thức hóa học của axit béo Linoleic là axit béo không no đa (poly):
CH3(CH2)3(CH2CH=CH)2(CH2)7COOH

3- Axit béo trans là gì? (Trans fatty acid)
Nhìn các công thức hóa học của các axit béo ở mục trên, ta thấy chúng là một chuỗi thẳng, đấy là do ta viết các mối liên kết trên một dòng (hay 1 chiều không gian). Thực ra mỗi nguyên tử carbon có 4 mối liên kết chung quanh, mà trong không gian lập nên một hình tứ diện (3 chiều).

Ta dùng 2 từ cis hay trans (latinh) để miêu tả hướng của các nhóm chức trong một phân tử. cis nghĩa là các nhóm cùng phía, và trans là các nhóm khác phía. Ta xem 2 hình minh họa ví dụ sau:

       

   
cis-2-butene trans-2-butene

Vậy axit béo trans là axit béo có các nhóm chức khác phía. Hình minh họa sau của acid béo không no Oleic (cis) và đồng phân của nó (cùng công thức hóa học) là axit béo Elaidic (trans)


Trong hình trên, ở axit béo Oleic, 2 nguyên tử hydro nằm một bên ở vị trí nối đôi.
Còn axit béo Elaidic thì 2 nguyên tử hydro nằm đối diện ở vị trí nối đôi. Các mũi tên màu đỏ chỉ rõ.

4- Axit béo không no: lợi và hại.
Axit béo không no thường có nhiều trong các loại dầu thực vật và chúng ta thường nghĩ chúng không gây hại cho cơ thể (hơn là axit béo no). Hơn nữa một số chất béo thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được, phải nhờ ăn, thường là axit béo không no như linoleic, arachidonic, chúng là thành phần quan trọng của màng tế bào cơ thể, cần nhiều trong các tế bào thần kinh, tổng hợp các hoc môn…

Tuy nhiên nếu axit béo không no chứa nhiều nối đôi, rất dễ bị hư hỏng trong bảo quản do bị oxy hóa các nối đôi nầy. Trong cơ thể, nếu bị oxy hóa các nối đôi, lại gây ra các gốc tự do, là các phân tử gây ra rất nhiều bệnh tật trầm trọng!

5- Hydro hóa trong ngành công nghiệp dầu ăn:
Axit béo no, chỉ toàn nối đơn nên khó bị oxy hóa, dầu được bảo quản khó hư thối. Vì vậy người ta cố gắn thêm hydro vào axit béo không no (hydrogenated). Kết quả hydro hóa tạo ra hỗn hợp dầu mà dầu nầy được bảo quản khó hư hỏng hơn. Thực phẩm được chế biến với loại dầu nầy lại ăn ngon hơn, nhìn đẹp hơn và để lâu hơn. Tuy nhiên chúng lại chứa nhiều axit béo trans, vì thế axit béo trans còn được gọi là axit béo chuyển hóa (trong tự nhiên có rất ít). Trước đây người ta lầm tưởng, nghĩ là chúng được chế biến từ dầu không no nên khá an toàn, (như Mì tôm, gói khoai tây chiên… chứa nhiều axit béo trans). Nhưng ngày nay…

6- Hại của axit béo trans:
Chất béo di chuyển trong máu dưới 2 dạng hòa tan (gắn với lipoprotein) là HDL và LDL, mà LDL tăng cao dẫn đến xơ vữa thành mạch. Ngày nay người ta hiểu rõ rằng:
Axit béo no gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể động vật vì nó làm tăng lượng LDL.

Axit béo dạng trans làm tăng LDL lẫn làm giảm HDL nên tác hại trầm trọng hơn.

7- Vậy chúng ta nên ăn dầu mỡ gì?
Axit béo no gây hại cho cơ thể, axit béo không no đôi khi bị oxy hóa gây độc, axit béo trans lại tệ hơn. Vậy chúng ta nên dùng loại dầu mỡ nào?
Câu trả lời được nhiều chuyên gia dinh dưỡng tán đồng là nên dùng dầu có chuỗi carbon trung bình và ngắn, thường là axit béo no, hay axit béo không no đơn (mono). Với loại axit béo có chuỗi carbon ngắn hay trung bình nầy, thường để sinh năng lượng = bị đốt cháy hoàn toàn, còn tụi axit béo chuỗi carbon dài lại thường được tích trữ thành ngấn mỡ trên thân người!

Dầu dừa không tinh chế đáp ứng yêu cầu nêu trên. Các bài viết về dầu dừa luôn có chữ ABctb nghĩa của viết tắt là axit béo chuỗi trung bình. Chúng khó hư (vì no, không bị oxy hóa) và rất ít gây mỡ đọng do bị đốt cháy hoàn toàn. Nên loại bỏ hoàn toàn mỡ heo, bò, gà… (thịt thì ăn). Cá nên chừa xương. Giữa mỡ và dầu chai nên chọn chai dầu, giữa các chai dầu, nên chọn dầu rất nhạt màu, và đơn giản nhất, cứ mua dầu dừa nguyên chất (thủ công) về mà dùng!


Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Chết nhẹ nhàng khi xem TV.

Đây là câu chuyện được đăng tải trên nhiều trang web.

Vào thập niên 1960, bà Hedviga Golik sinh năm 1924, sống một mình trong căn nhà ở thành phố Zagreb (Nam Tư cũ), là một người lịch sự và yên tĩnh. Những người hàng xóm bỗng dưng không thấy sự xuất hiện của bà Hedviga đâu nữa, họ cứ nghĩ rằng bà đã chuyển đến một nơi khác gần nơi làm việc hơn để sinh sống. Hàng xóm đã có báo cáo với cảnh sát địa phương về sự vắng mặt của bà. Hàng xóm nhìn thấy bà Hedviga Golik lần cuối cùng vào năm 1966.

Hình đã biên tập của www.XALUAN.com, xem hình gốc, bạn có thể dùng link:

Cũng kể từ đó, căn nhà của bà Hedviag bỏ hoang. Năm 1970, có nhiều đơn từ gửi lên chính quyền địa phương yêu cầu kiểm tra ngôi nhà này nhưng không hiểu vì lý do gì, trong suốt gần 40 năm nó vẫn bị để hoang không một ai tới.
Cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, đất nước Nam Tư (cũ) đầy xáo trộn, Croatia tách khỏi Nam Tư vào năm 1991, lấy thành phố Zagreb làm thủ đô.

Mãi đến năm 2008, cảnh sát và nhân viên tư pháp tiếp cận ngôi nhà hoang để lập hồ sơ sở hữu căn nhà. Khi phá cửa và vào nhà, cảnh sát mô tả căn nhà như bị đóng băng thời gian, mọi vật vẫn nguyên vẹn từ xưa, ngoài lớp bụi phủ và mạng nhện giăng khắp.

Bà Hedviga Golik vẫn ngồi đó trên chiếc sofa, [đương nhiên mặt và thân hình đã mục rữa (hình của link) ] Lúc đấy (2008) có lẽ bà vẫn chăm chú xem TV (chiếc TV trắng đen trước mặt bà như trong hình). Bên cạnh vẫn còn chiếc ly trà bám cặn thời gian…

Bà Hedviga Golik đã ra đi nhẹ nhàng như thế, lặng yên không phiền đến ai trong một không gian tường hòa, không gian ấy đã lắng đọng trong suốt 42 năm bất chấp gió mưa và những thăng trầm của đất nước.

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến