Translate

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Ngừa và giảm cận thị ở tuổi đang lớn

(Tôi viết bài nầy với tư cách là một bác sĩ, và trong bài viết, tôi sẽ phân tích rõ cơ chế xảy ra tật cận thị cùng các biện pháp ngừa hay giảm độ cận.)


1- Đa số cận thị là tật bẩm sinh. Tôi đã có bài viết về các tật khúc xạ trên blog nầy trước đây.
 
H- 1
Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá (tăng hội tụ), hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc. Xem hình H- 1 trên.
Một thấu kính lõm phù hợp có thể giúp điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc. Xem hình H- 1 dưới.

2- Nhưng người ta cũng ghi nhận nhiều trường hợp cận thị mắc phải, (không phải bẩm sinh), và có nơi như một “đại dịch”, ví dụ 96% thanh niên 20 tuổi ở Hàn quốc đều mắc tật cận thị.
So sánh số liệu năm 1955 (60 năm trước), tỉ lệ trên là 18%. Kết luận tật cận thị ở thanh niên Hàn quốc chịu ảnh hưởng môi trường.  
[Trích báo Thanh niên: Câu trả lời cho 'đại dịch cận thị': ánh nắng


Hóa ra bên cạnh các nguyên nhân khiến tật cận thị tăng như nhìn gần nhiều quá, nhìn thiếu ánh sáng… giờ có thêm mục nhìn thiếu ánh nắng? Có thật thế không?

3- Nguyên nhân thật sự của việc tăng nhiều người mang tật cận thị:
Bạn đã nghe từ ngữ “mắt điều tiết”. Tôi mô tả việc mắt điều tiết như sau:
- Khi ánh sáng mạnh quá, mí mắt khép lại (nheo mắt) để ngăn cản bớt tia sáng vào mắt, đồng thời con ngươi (đồng tử) cũng co hẹp lại.
- Và trong bóng đêm (thiếu ánh sáng), con ngươi lại mở lớn.

Hai mục nhỏ trên là nói về sự điều tiết của mắt dưới cường độ ánh sáng thay đổi, phụ trách bởi đồng tử. Hai mục trên không được chú ý nhiều.

-  Với mắt bình thường, nhìn trên 6m, mắt không điều tiết [Vì lý do nầy nên bảng đo mắt buộc treo ở vị trí cách mắt người được khảo sát 6m].
Khi nhìn gần (dưới 6 mét), tia sáng đến mắt xem như không còn song song nữa, mà tia sáng biến thành phân kỳ. Vì thế thủy tinh thể bắt đầu co lại để tăng độ hội tụ. Mắt điều tiết khi nhìn gần là thủy tinh thể co lại.
Càng nhìn gần, thủy tinh thể co càng nhiều.

Còn khi nhìn gần chuyển qua nhìn xa quá 6m, thủy tinh thể tự động dãn về mức không co. (mức không điều tiết).

            Vậy điều tiết của mắt là (con ngươi thu nhỏ lại và) thủy tinh thể dày lên để tăng độ hội tụ giúp mắt nhìn rõ vật ở gần.

Nếu nhìn gần trong thời gian dài, thủy tinh thể vì “quen” độ co lớn, chưa dãn về bình thường khi nhìn xa nên nhìn mờ. Đây là cận thị tạm thời hay cận thị thoáng qua, nghĩa là chỉ cần để mắt nghỉ ngơi thời gian ngắn (ví dụ ngủ) thì trở lại bình thường.

Tùy từng người (và tùy nơi tùy lúc) mà cận thị tạm thời nầy kéo dài hay ngắn (vài tháng, vài tuần, vài ngày hay vài giờ).

Trong giai đoạn nầy (thời gian ngắn nầy) lại đi đo mắt và đeo kính cận thị, tình trạng “cận thị tạm thời” có khả năng trở thành tật cận thị vĩnh viễn.
\

4- Ngừa và giảm mắc phải tật cận thị:
Trong mục nầy tôi sẽ nêu rõ từng vấn đề hay gặp và biện luận kỹ các cách ngừa.

a-     Khi nào là cận thị bẩm sinh? Xảy ra từ bé (3 - 5 tuổi) đã nhìn xa không rõ, đo mắt thường độ cận rất cao: trên 5 độ (và có thể kèm các tật bệnh về mắt khác).

b-     Cận thị là tật hay bệnh? Là tật, vì đấy là khiếm khuyết của cơ thể, nhưng vẫn không ảnh hưởng sức khỏe chung.

c-      Khi nào là cận thị mắc phải? Trẻ từ 10 tuổi trở lên mới nhìn xa không rõ, thường có thể là cận thị mắc phải. Độ cận đa số nhẹ nhàng: dưới 3 độ.

d-     Cận thị mắc phải là gì? Là tật nhìn xa không rõ bởi thủy tinh thể co tốt (nhìn gần rõ) mà dãn trở lại như cũ không tốt. Khởi đầu của tất cả tật cận thị mắc phải là tình trạng “cận thị tạm thời”, nghĩa là bị tật cận thị trong thời gian ngắn khi hoạt động trong phòng chật và thiếu ánh sáng.

e-     Tại sao làm việc lâu trong phòng chật và thiếu ánh sáng dễ mắc tật cận thị?

- Mắt nhìn trong phòng thiếu ánh sáng, con ngươi sẽ mở to hơn. Mà con ngươi càng mở to, nhìn càng nhòe không rõ! 

[Ví dụ khi ta nhìn vật không rõ, nên đưa mắt nhì qua bàn tay khum thành ống, mà phía cườm tay co thành lổ nhỏ, khi đó ta sẽ nhìn rõ hơn]. Khi đó, mắt buộc phải co thêm thủy tinh thể!

- Mắt làm việc trong phòng chật (tầm nhìn < 6m) đương nhiên phải điều tiết = co thủy tinh thể. Làm việc trên bàn, vd đọc sách, thì càng tệ vì cự ly nhìn giờ còn vài tất, thủy tinh thể lại co rút mạnh thêm.

- Làm việc lâu 5 - 10 giờ trong 2 điều kiện nêu trên, thủy tinh thể như quen độ co cực đại, thành ra khi nhìn vật quá 6 mét, thủy tinh thể nhất thời khó dãn trở lại hết mức, nghĩa là nhìn xa hơi nhòe, tật cận thị tạm thời xuất hiện.

f-      Ngừa tật cận thị giai đoạn sớm như thế nào?

- Trừ lúc ngủ, ngoài ra các phòng trong nhà đều tràn ngập ánh sáng khi làm việc. Điều nầy hiện nay quá dễ!

-  Làm việc trong phòng là chuyện đương nhiên, nên hạn chế đọc chữ nhỏ li ti (fontSize < 10). Tăng thời lượng tiếp xúc thiên nhiên (hay tầm nhìn xa). Ví dụ sau 1 – 2 làm việc với màn hình, nên đứng cạnh cửa sổ nhìn xa…

- Nếu xuất hiện nhìn xa không rõ, mà sau thời gian vài tuần tăng thời lượng nhìn tầm xa, thị lực vẫn kém, khi ấy chấp nhận đeo kính (theo máy đo),
Nghĩa là lúc đó chấp nhận có tật cận thị.

Ví dụ: Bé trai A 15 tuổi, thủy tinh thể (TTT) dãn và co tốt, độ co từ 0 – 10, dãn 0 là nhìn xa tốt, co 10 là nhìn rất gần tốt. Một thời gian sau do ham chơi game, bé A có TTT co 10 (nhìn rất gần tốt ) nhưng dãn 1 (nhìn xa kém). Lúc nầy, nếu cho bé A chăn bò, thời gian sau hy vọng bé A có TTT độ co từ 0 – 10 = nhìn xa lại phục hồi.

Nhưng cha mẹ bé A không đưa bé đi chăn bò, mà cho đeo kính cận thị dãn -1 …

g-     Giảm cận thị sau đó thế nào?
Chỉ khi nhìn xa (không rõ) mới đeo kính. Không đeo kính cận thường xuyên.

Trở lại bé trai A, TTT dãn 1 và co 10, đeo kính dãn -1. Bé trai A đã nhìn xa lại rõ (vì -1 bù với 1) thành mức 0 nhìn xa. Bé vẫn đeo kính thường xuyên và chơi game tiếp. Vì đeo kính -1, lại nhìn gần, TTT co 10 nhìn chưa nét (vì 10 -1 = 9) nên TTT phải ráng co thêm 1 thành 11.

Thời gian nửa năm sau, vì TTT co đến 11 nên dãn giờ lại thành 2, bé bắt đầu nhìn xa kém, hay cận thi bé A đã tăng độ!

Đa số mọi người một khi đeo kính cận thường đeo kính thường xuyên, vì cứ ngỡ nhìn gần (qua kính) vẫn rõ ràng, mà không biết khi nhìn gần, mắt phải hội tụ cao độ, lại đeo thêm kính phân kỳ, càng tăng gánh nặng cho mắt, bắt mắt tăng độ hội tụ. Mà thủy tinh thể càng co lâu thì dãn trở lại càng kém. Cho nên chính việc đeo kính cận thường xuyên là nguyên nhân việc tăng độ cận.

Ngừa tăng độ cận với việc: ánh sáng đầy đủ khi làm việc, (tốt nhất là nhìn màn hình!). Thường xuyên nhìn xa (tạo điều kiện thủy tinh thể dãn hết mức). Và quan trọng nhất, không đeo kính cận thường xuyên (khi nhìn gần).

Tham khảo: Cận thị, viễn thị và lão thị

BS Trương Phú 10/4/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến