Translate

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Đồ họa các mốc Mặt trời qua thiên đỉnh trên lãnh thổ Việt Nam

(Nhấn vào để phóng to)

* Địa lý là một môt khoa học rất thú vị: nó bao gồm tri thức rất nhiều lãnh vực. Từ thời trung học đệ nhất cấp tôi đã yêu môn nầy.

* Hình trên là đồ họa tôi làm nên không đẹp lắm, chủ yếu đủ các thông tin cần thiết: Lãnh thổ đại lục Việt Nam trải dài từ điểm cực nam 8o30 đến điểm cực bắc 23o25 (cạnh Chí tuyến bắc).

* Mỗi vị trí trên đất nước Việt nam được Mặt trời chiếu thẳng đỉnh  đầu (12 giờ trưa) mỗi năm 2 lần. Trên Google Map, bạn nhấn chuột vào một vị trí, Google Map sẽ báo tọa độ theo số thập phân, số trước là vĩ độ. Tra vào bảng trong hình trên để biết các mốc Mặt trời qua thiên đỉnh.
Cũng có thể dóng ngang, từ các vị trí trên bản đồ đại lục Việt Nam bên trái, so với các mốc thời gian bên phải có thể đúng tương đối.

Ví dụ: Hà Nội dóng ngang, có mốc 13/6/2015 và 29/6/2015.
Khánh hòa với mốc 7/5/2015 và 5/8/2015.

* Bất tiện cho đồ họa trên là ngày viết theo dạng Âu Mỹ: tháng/ngày/năm. Mong bạn đọc lưu ý và thông cảm.

* Tuy ghi các mốc với năm 2015, ứng với các năm khác vẫn đúng ngày tháng (chỉ sửa năm), vì các mốc tính là Xuân phân (20/3), Hạ chí (21/6) và Thu phân (22/9) hầu như cố định qua các năm.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Hạt Fermion Weyl

Trích: https://dost-dongnai.gov.vn/Pages/noi-dung-tin-khcnnn.aspx?NewsID=4883&TopicID=8

Phát hiện hạt không khối lượng có thể tăng tốc triệt để các thiết bị điện tử  23-07-2015 
Một hạt kỳ lại được nêu lý thuyết cách đây hơn 85 năm cuối cùng đã được tìm thấy. Được gọi là hạt Fermion Weyl, nó là một hạt lạ nhưng ổn định, không có trọng lượng, có hành vi vừa vật chất vừa phản vật chất bên trong một tinh thể và được tuyên bố là có thể tạo ra các electron hoàn toàn không có khối lượng. Các nhà khoa học tin rằng hạt mới này có thể dẫn tới các thiết bị điện tử siêu nhanh và sự thâm nhập đáng kể vào các lĩnh vực mới điện toán lượng tử.


Các nhà khoa học vừa phát hiện ra hạt fermion Weyl (Ảnh: Đại học Princeton)

Có 2 loại hạt tạo nên vũ trụ và mọi thứ bên trong nó là hạt fermion và hạt boson. Nói một cách đơn giản,fermion là tất cả những hạt cấu thành nên vật chất còn boson là tất cả các hạt mang lực. Thông thường các hạt fermion như electron có thể va chạm với nhau, mất năng lượng và không 2 hạt fermion nào có cùng trạng thái ở cùng vị trí cùng lúc. Tuy nhiên, hạt fermion Weyl không trọng lượng không có hạn chế như vậy.

Hạt fermion Weyl lần được tiên được nêu ra vào năn 1929 bởi nhà vật lý và toán học Hermann Weyl, người đưa ra lý thuyết rằng các hạt fermion không khối lượng có thể mang điện tích có thể tồn tại. Không có khối lượng, Weyl tin rằng các electron tạo ra từ hạt fermion Weyl sẽ có khả năng di chuyển điện tích trong một mạch nhanh hơn nhiều so với electron thông thường. Thực tế, theo nghiên cứu mới nhất, dòng điện do các electron Weyl vận chuyển trong một môi trường thử nghiệm có thể đi tốt thiểu nhanh gấp đôi dòng điện được vận chuyển bởi các electron trong graphene và ít nhất nhanh hơn 1000 lần so với electron trong chất bán dẫn thông thường.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học Đại học Princeton dẫn đầu đã nghiên cứu mấy chục kiểu bố trí tinh thể trước khi dừng lại ở tinh thể tantalum arsenide bất đối xứng (một chất bán kim loại có các thuộc tính của cả chất dẫn lẫn chất cách điện) như một ứng viên chính trong việc săn tìm hạt lý thuyết này.

Các tinh thể tantalum arsenide quá khổ đầu tiên được đặt vào một chiếc kính hiển vi quang phổ hầm quét được làm lạnh đến gần 0 tuyệt đối để xác định xem liệu chúng có khớp với các thông số lý thuyết để chứa một hạt fermionn Weyl hay không. Sau đó, khi tinh thể đã vượt qua thử nghiệm, nhóm đưa vật liệu đến phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley của Mỹ ở California nơi các chùm photon năng lượng cao từ một máy gia tốc hạt được chiếu lên chúng. Thử nghiệm cuối cùng đã xác nhận sự hiện diện có thật của hạt fermion Weyl được tìm kiếm từ lâu.

Su-Yang Xu từ Đại học Princeton cho biết: “Bản chất của nghiên cứu và cách nó nảy sinh thực sự khác biệt và thú vị hơn hầu hết các công trình khác mà chúng tôi từng thực hiện trước đây. Thông thường các nhà lý thuyết cho chúng tôi biết một hợp chất nào đó có thể biểu hiện một số thuộc tính mới hoặc thú vị, sau đó các nhà thực nghiệm chúng tôi phát triển mẫu và tiến hành thí nghiệm để kiểm tra dự đoán. Trong trường hợp này, chúng tôi tự đưa ra dự đoán lý thuyết và sau đó thực hiện thử nghiệm. Điều này làm cho thành công cuối cùng thậm chí lý thú và thỏa mãn hơn từng có”.

Là một hạt quasi – tức là hạt tồn tại bên trong một chất rắn nhưng hoạt động như thể chúng là một hạt tương tác yếu trong không gian tự do – hạt Weyl không có trọng lượng và có mức độ di động cao. Lí do là vì khi spin vừa cùng hướng với chuyển động của nó (trong vật liệu gọi là thuận bên phải) vừa ngược hướng với hướng nó di chuyển (thuận bên trái) nên nó có thể đi tắt qua hoặc xung quanh chướng ngại vật cản trở các electron thông thường.

“Như thể chúng có hệ thống GPS riêng và tự điều hướng mà không tán xạ”, nhà vật lý học Đại học Princeton Zahid Hasan nói. “Chúng di chuyển và chỉ di chuyển theo một hướng vì chúng hoặc thuận bên trái hoặc bên phải và không bao giờ có điểm dừng vì chúng có thể chui qua. Chúng cũng là những electron rất nhanh có hành vi giống chùm sáng một hướng và có thể sử dụng cho các dạng điện toán lượng tử mới.

Weyl ban đầu cho rằng hạt fermion của ông là một phần của mô hình xen kẽ với thuyết tương đối đo Albert Einstein đề xuất. Và dù lý thuyết của Weyl thua kém Einstein nhưng ý tưởng của ông về hạt lý thuyết này vẫn tiếp tục trêu người các nhà vật lý nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, vì đơn giản là một hạt “lý thuyết”, thậm chí khi những ý niệm mơ hồ về hạt fermion Weyl được phát hiện trong nhiều thập kỷ nhưng chúng vẫn bị cho là nhầm lẫn với bằng chứng về hạt neutrino. Nhận ra được vấn đề sau đó, bằng chứng thực sự về các hạt fermion Weyl trong hạt neutrino năm 1998 đã thực sự được phát hiện có khối lượng nhỏ.

“Người ta hình dung rằng mặc dù thuyết của Weyl không thể áp dụng cho thuyết tương đối hay hại neutrino nhưng nó là một dạng cơ bản nhất của fermion và có tất cả các thuộc tính kỳ lạ và đẹp đẽ khác mà có thể có ích”, Hasan cho biết. “Sau hơn 80 năm, chúng tôi đã phát hiện rằng hạt fermionon này đã có ở đó và chờ đợi. Nó là khối xây dựng cơ bản nhất của tất cả các electron. Thật thú vị cuối cùng đã bắt nó phải lộ ra theo công thức lý thuyết 1929 của Weyl”.

L.H (Gizmag)

Bỉ sắc tư phong


Lạ gì bỉ sắc tư phong

Đấy là câu thứ 5 trong Truyện Kiều - Nguyễn Du. Câu nầy khá khó hiểu vì có 4 chữ Hán Việt (HV), mà 4 chữ nầy thuộc về điển tích.
Không những câu 5, câu 6 Truyện Kiều cũng được bàn nhiều (khi cho rằng má hồng không những chỉ đàn bà đẹp mà còn chỉ đàn ông giỏi!):
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
(câu 5, 6 Truyện Kiều - Nguyễn Du)

=> Muốn hiểu rõ các từ cổ "bỉ sắc tư phong", ta phải tìm thầy qua các trang mạng (Web). Rất nhiều trang bàn chuyện nầy, tôi chỉ lượt qua một số trang chính (hay ý nghĩa khác nhau):

Trích:
Theo GS. Nguyễn Thạch Giang thì có nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn, được cái nọ thì hỏng cái kia, không ai được hoàn toàn...

=> Chưa rõ nghĩa lắm, tại sao nhóm từ: "bỉ sắc tư phong" lại có nghĩa là cái kia kém thì cái này hơn?

Trích:

* bỉ sắc tư phong
Cái kia kém thì cái này hơn, nghĩa là Được hơn điều này thì bị kém điều kia.

* bỉ sắc tư phong
Người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái.
(Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái)

"Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Nghĩa là: Lạ gì chuyện người đàn bà đẹp và phong thái khiến cho trời xanh cũng phải ghen ghét nên thường an bài cho số phận khổ đau.
Tham khảo Hồ Ngọc Đức, Dự án Từ điển tiếng Việt miễn phí

=> Ô hay nhỉ! Nghe rất lọt tai vì trong nhóm từ HV, các từ quen như sắc, phong đã được nhắc đến trong giải thích. Tuy nhiên từ "bỉ" nghĩa là người đàn bà, tôi chưa nghe bao giờ! Dùng Hán Việt tự điển để xem mặt chữ như thế nào:

Trích:
Tra riêng chữ "bỉ" ta có được:
1. kia, nọ
2. phía bên kia
3. đối phương
Không thấy nghĩa là người đàn bà. Tương tự chữ sắc thứ hai, tra từ :
dè sẻn, keo kiệt, bủn xỉn

=> Như vậy câu giảng: (Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái) không đáng tin lắm. Chúng ta tiếp tục gõ…

Trích:
   Lạ gì bỉ sắc tư phong,
   Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
   Bỉ: cái kia, sắc: ít, tư: cái ấy, phong: nhiều
   Bỉ sắc tư phong là điều kia kém thì điều này hơn, đã đẹp (má hồng) thì phải chịu khổ.

=> A! đến đây ý nghĩa bắt đầu rõ với cách giảng từng từ chính xác như trên. Nhưng tại sao "điều kia kém thì điều này hơn"?
Lại phải đi tìm chứng minh tiếp…

Trích:
"Bỉ sắc tư phong" ở đây có nghĩa là được cái kia ít, thì cái này nhiều, không cân nhau bao giờ.
Câu này muốn nói đã hơn tài thì phải kém mệnh.

Nguyễn Du đã lấy ý trong câu "Phong vu bỉ sắc vu thử", "phong vu tài sắc vu ngộ".
Ở đây tác giả dùng chữ "tư" thay vào chữ "thử" cho hợp bằng trắc.

Lấy tích từ:
"Thánh Thán bình: tạo hoá kỵ doanh, phong thử sắc bỉ, sở dĩ nhất sinh nhất phàn nhan sắc thụ thập phần chiết ma, phú nhất phần tài tình, tăng nhất phần nghiệt chướng",

có nghĩa là:
"Thánh Thán bàn rằng: ông tạo hoá ghét người được trọn vẹn đủ điều, người được điều nọ mất điều kia, cho nên sinh cho người ta được một phần nhan sắc thì lại bắt người chịu mười phần chiết ma, được một phần tài tình thì bắt chịu thêm một phần nghiệt chướng".


=> Giảng như trên là quá rõ ràng. Một vài trang lại muốn thay với từ "thử" thành "Bỉ sắc thử phong" để hợp điển tích "Phong vu bỉ sắc vu thử" hay "phong thử sắc bỉ", và viện dẫn vài dị bản cổ Truyện Kiều đã ghi là "thử". Theo tôi, cũng chẳng quan trọng lắm khi chúng ta đã hiểu rõ từng từ và ý nghĩa các điển tích, "Bỉ sắc tư phong" đã nghe quen tai và thanh bằng trắc phù hợp thì ta cứ giữ như vậy!

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Lở, loét miệng

Là bệnh rất thường thấy trên địa cầu: Không phân biệt địa lý, chủng tộc, tuổi tác, giới tính, giàu nghèo…

-  Địa lý: Người dân nước nào cũng mắc phải; Xuất hiện quanh năm.
- Chủng tộc: Sắc dân nào cũng mắc phải.
- Tuổi tác: Bệnh xảy ra trên bé sơ sinh cho đến cụ già…
- Giới tính: Nam nữ bị bệnh nầy như nhau, người giàu ghèo cũng mắc bệnh.
Bệnh phổ biến đến mức gần như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời.


Loét miệng thuờng xảy ra ở mặt trong môi, mặt trong má hay bất kỳ chổ nào trong miệng: trên lợi răng, vòm họng, amydale hay lưỡi…


Bệnh lở miệng xuất hiện nhiều vết loét nhỏ nổi trong miệng, rất đau đớn mỗi khi phải ăn uống. Những vết loét ấy có bờ đỏ. Ðặc điểm căn bệnh là lành tính, chỉ kéo dài khoảng 2 tuần rồi tự lành, không để lại một vết sẹo nào cả.

Nguyên nhân bệnh Loét miệng thường do virus Herpes simplex. Điều nầy giải thích tất cả các điều mô tả bên trên, vì virus lây bệnh không chừa một ai! Cũng vì thế biểu hiện bệnh trên từng cá nhân tùy thuộc cơ địa từng người: Có người rất hiếm mắc bệnh nầy, và nếu mắc bệnh, sẽ chóng lành chỉ trong vài ba ngày (= phản ứng miễn dịch chống lại virus Herpes simplex rất tốt). Ngược lại, có những cá nhân quanh năm suốt tháng thường xuyên mắc phải, mỗi lần bệnh đôi khi kéo dài cả tháng! (= phản ứng miễn dịch chống lại virus Herpes simplex quá kém.)

Trong đoạn văn vừa rồi có nhắc đến từ "cơ địa". Đây là danh từ chuyên ngành y. Cơ địa là tính chất cơ thể của mỗi người, phản ứng lại với những tác động từ bên ngoài. Ví dụ tôi hay mắc bệnh loét miệng do virus Herpes simplex, nhưng tôi lại chưa bao giờ mắc bệnh loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori, nghĩa là cơ thể tôi vốn thế: chống lại virus Herpes simplex thì tệ, mà chống lại vi khuẩn H. pylori lại rất tốt!

Chữa trị:
Virus Herpes simplex ban đầu gây vết loét nhỏ. Vết loét mở rộng và kéo dài là do các vi khuẩn khác ở trong miệng góp phần.
Dùng kháng sinh (trị vi khuẩn) dạng kem bôi, trong kem bôi đó có phối hợp corticoid sẽ nhanh lành hơn.
Tôi tự chữa trên bản thân với Getri-sone cream [FOR TOPICAL USE ONLY – Thuốc chỉ dùng bôi ngoài da, thuốc (độc) bán theo đơn]
Getri-sone cream: Thành phần: Clotrimazole, Gentamicin sulfate, Betamathasone dipropionate.
Hàm lượng: Mỗi 1 g kem: Betamethasone dipropionate 0.64 mg, Clotrimazole 10 mg, Gentamicin sulfate 1 mg.
Kết quả: tốt ấn tượng, vết loét giảm đau nhiều và lành lặn trong vài ngày!
Lưu ý các chống chỉ định của thuốc. Không nên dùng trên phụ nữ có thai hay trẻ nhỏ.

Bài viết chỉ có tính chất trao đổi nghề nghiệp. Không quảng bá đại chúng. Tác giả không chịu trách nhiệm với những ai tự chữa bệnh.

Bs Trương Phú.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Thay đổi chức năng phím để thế phím laptop liệt

Tai nạn liệt phím laptop hay xảy ra thường do nước đổ lọt vào bàn phím. Tôi cũng thế: Dell/Inspiron liệt các phím B, N và Space (cùng vài phím ít dùng).

* Nếu nhiều phím bị hư, tốt nhất nên thay bàn phím laptop mới, hay bàn phím usb đi kèm.

* Trong lúc cần dùng, bạn có thể gọi bàn phím ảo để xài tạm: 
Ví dụ trên Win 7: 

Start \ All Programs \ Accessories \ Ease of Access \ On-screen Keyboard.




* Có bạn đề nghị dùng chức năng gõ tắt của Unikey.


Hình trên, góc phải Taskbar, biểu tượng có chữ V là Unikey đang chạy chế độ gõ tiếng Việt. Nhấn chuột phải vào đó, hiện ra menu như trên. Kiểm vào "Bật tính năng gõ tắt" rồi nhấn vào "Soạn bảng gõ tắt…" để điền các ký tự thay thế.
Chính xác thì việc nầy không dùng được. Ví dụ tôi muốn thay phím "n" bằng 2 ký tự liền nhau là "mm" nhưng không hiệu quả. "mm" chỉ biến thành "n" chỉ khi "mm" đứng độc lập giữa 2 space.

* Hay nhất là dùng phần mềm SharpKeys.
Phần mềm nhỏ, gọn, chỉ 72 KB. Và gần như chỉ dùng một lần!
Khi chạy SharpKeys lần đầu, bạn còn bỡ ngỡ, cứ nhấn nút Add ở bên trái.


Sau khi nhấn Add, bảng Add New Key Mapping hiện ra.
è Ký tự B, tôi muốn thay bằng phím Z
è Ký tự N, tôi muốn thay bằng phím J
è Ký tự Space, tôi muốn thay bằng phím Window
Để nhanh, tôi nhấn nút TypeKey bên trái (From Key)
Bảng Press a key hiện ra, tôi nhấn phím Z
Bên phải, tôi kéo thanh trượt dò tìm chữ B

Lập lại tương tự với N và Space.
Xong nhấn nút Write to Registry. Khởi động lại máy là xong!

======
Tải:
EXE: http://www.mediafire.com/download/noh52e8c51jdw55/SharpKeys.exe

ZIP: http://www.mediafire.com/download/fbz5jzgixazlz3c/sharpkeys2.zip

Ghi chú: Muốn phục hồi như cũ (để gắn bàn phím usb, hoặc thay bàn phím laptop), bạn chạy lại SharpKeys, nhấn nút Delete All, xong nhấn nút Write to Registry. Khởi động lại máy.

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến