Translate

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tốc độ, UFO và người ngoài hành tinh


1- Thành ngữ có câu "Nhanh như gió", nhưng gió trong bão cấp 10 chỉ mới 100 km/h (= km/giờ). Tốc độ nầy là tốc độ xe hơi ở đường cao tốc.
Tàu hỏa cao tốc có thể đạt đến 400 km/h. Máy bay dân dụng có thể bay 900 km/h. Tất cả các tốc độ thông thường nầy là tốc độ dưới âm thanh. Với phản lực Boeing, tốc độ trên 900 km/h có thể gọi là tốc độ cận âm.
Tàu cao tốc vận tốc 400 km/h

2- Tốc độ âm thanh trong không khí là khoảng 344 m/s (hay 1238 km/h). Nếu thấy chớp sáng lòe, ta thầm đếm theo nhịp giây, ví dụ đếm đến 3 thì nghe tiếng sấm điếc tai: 344 x 3 = 1.2 km = sét cách cây số; đếm đến 10 mới nghe sấm đì đùng = sét cách khoảng 3 cây số.

Thế kỷ trước, máy bay quân sự bắt đầu có tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh. Từ đấy tốc độ âm thanh được lấy làm đơn vị: Mach. Su-30 (Nga) có tốc độ là Mach 2 (2120 km/h, chính xác là Mach 1.7), F-35 (Mỹ) có Mach 1.65.
Máy bay Su - 30


3- Cuộc thi tốc độ vũ khí giữa Nga và Mỹ đang tiếp diễn với vũ khí siêu vượt âm. Siêu vượt âm, hay gọi tắt là Siêu âm là hơn tốc độ âm thanh gấp nhiều lần. Trong một cuộc thử nghiệm vào đầu tháng 5/2013, tên lửa X-51A Waverider của Mỹ đã đạt tốc độ Mach 5,1 và quá trình bay kéo dài 6 phút.
X-51A Waverider

Tổng giám đốc tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến lược” Boris Obnosov cho biết, Nga đã có tên lửa siêu vượt âm, nhưng hiện tại vũ khí này chưa hoàn thiện. Theo ông Boris Obnosov, tên lửa siêu vượt âm của Nga mới chỉ bay được vài giây. “Chúng tôi đã chế tạo được loại tên lửa đạt tốc độ Mach 4,5. Tuy nhiên điều chúng tôi muốn không phải là một tên lửa chỉ bay được trong một thời gian ngắn ở tốc độ này”.

Ghi chú: Mach 5 nghĩa là 1238 x 5 = 6190 km/h hay 1,72 km/s (km/giây) = Mỗi tích tắc đi được gần 2 cây số, nhanh thật!

4- Các tên lửa đạn đạo được phóng với vận tốc ban đầu lên đến 7 km/s = 25200 km/h. Tốc độ nầy nhanh khiếp, đến Mach 20! Với những tốc độ nhanh như thế, người ta gọi là tốc độ vũ trụ và thường dùng đơn vị km/s, không còn so sánh với tốc độ âm thanh nữa.
Để mang các phi thuyền lên quỹ đạo quanh trái đất, các tên lửa phải có tốc độ vũ trụ cấp 1 là 8 km/s (28440 km/h). Để đạt đến vận tốc lớn như thế, tên lửa phải thất lớn, cao với nhiều tầng. Tầng nào cháy hết nhiên liệu thì rời ra cho tổng thể nhẹ đi = vận tốc nhanh hơn.
Tên lửa 3 tầng Saturn 5 của Mỹ

Muốn thoát khỏi quỹ đạo quanh trái đất, buộc phải có tốc độ vũ trụ cấp 2 khoảng 11,2 km/s. (40000 km/h). Chỉ cần hướng đến mặt trăng là phải có tốc độ như thế. Lên sao Hỏa thì tốc độ đó là đương nhiên.

Bay ra khỏi mặt trời, cần tốc độ vũ trụ cấp 3 (TĐVT3) khoảng 16,6 km/s. (60000 km/h). Voyager 1 là phi thuyền có tốc độ như thế: 17 km/s! Nó được Mỹ phóng từ 5/9/1977, đến nay (2013) là 36 năm. Hiện đang ra khỏi Thái dương hệ và tiến vào khoảng không liên sao.

5- Nhiên liệu để tạo tốc độ từ mục 1 đến mục 4 là các chất hóa học qua phản ứng đốt cháy. Trên lý thuyết có thể dùng phản ứng hạt nhân để tạo năng lượng đẩy, tuy nhiên đến nay chưa hiện thực.

Và con người với tên lửa hóa học đang đi thăm các sao với tốc độ nhanh không tưởng: 17 km/s, nghĩa là Hà Nội - Sài gòn đường chim bay chừng 1140 km, với TĐVT3 chỉ mất 67 giây là đến!

Trong Thái dương hệ, ngoài trái đất, các hành tinh và vệ tinh khác đều được 2 cường quốc Nga và Mỹ phóng phi thuyền thăm dò sơ bộ, với kết quả là chả có nơi nào thích hợp cho sự sống sơ khai, sơ khai là cấp vi trùng chứ chưa bàn luận đến sinh vật bậc cao như cây cối, động vật...

Thế thì sự sống ngoài trái đất, nếu có, thì phải ở các hệ sao khác. Trên ý nghĩa đó, phi thuyền của Mỹ Voyager 1 bay đến sao khác như một sứ giả hòa bình tiên phong.

6- Ngôi sao khác gần mặt trời nhất là Proxima Centauri (V645 Centauri), cách chúng ta chỉ 4.24 năm ánh sáng.
Đơn vị thiên văn Năm ánh sáng là khoảng cách mà ánh sáng đi trong 1 năm. Tốc độ ánh sáng là 300000 km/s, Ta nhân với 3600 x 24 x 365 để có kết quả. Đó là 9.460.800.000.000 km [Đọc là chín phẩy tư ngàn tỷ km].

Tốc độ ánh sáng là vô địch. Không vật gì trừ ánh sáng có thể đạt tốc độ nầy. Chúng ta bàn các tốc độ thực tế hơn.

Với Voyager 1 có tốc độ 17 km/s, Ta làm phép quy tắc tam suất để xem thời gian... 4.24 x 300000 / 17 = 74823 năm! Đấy là mới tính từ ngôi sao gần nhất 4 năm ánh sáng. Dãi Ngân hà vài trăm ngàn năm ánh sáng. Các ngôi sao khác trong vũ trụ phân bố hàng tỷ năm ánh sáng!

7- Bà con trong nước cũng như ngoại quốc, cứ đồn ầm về đĩa bay hay UFO (Vật thể bay không xác định), rồi nghĩ đến người ngoài hành tinh... Nói chơi thì dễ, nhưng nếu tính tốc độ và khoảng cách như trên, nếu có người ngoài hành tinh lái đĩa bay từ tinh cầu xa xăm đến địa cầu, và nếu người ta văn minh hơn chúng ta = tốc độ đĩa bay nhanh hơn; chí ít cũng mất hơn ngàn năm cho hành trình! Vậy thì chuyện đó có thể có không?

Riêng tôi, nghe UFO, đĩa bay hay người ngoài hành tinh chỉ cười xòa. Xem như đấy là đức tin của người ta, miễn bàn.



-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Du Lịch qua Google Maps

Chủ đề nầy sẽ được viết đăng nối tiếp nhiều lần. Trước tiên tôi giới thiệu các hồ lớn trên thế giới.

I- Các Hồ lớn và đặc biệt trên thế giới
II- Ai cập với các Kim tự tháp và tượng Nhân Sư
(và tiếp tục...)

===
I- Các Hồ lớn và đặc biệt trên thế giới
1- Ngũ Đại Hồ (Great Lakes)
là năm hồ lớn nằm trên hay gần biên giới Hoa Kỳ – Canada. Đây là nhóm hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới, và hệ thống Ngũ Đại Hồ – sông Saint Lawrence là hệ thống nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Đôi khi năm hồ này được gọi biển nội địa.
Hồ Superior, hồ lớn và sâu nhất, lớn hơn Cộng hòa Séc
Hồ Michigan, hồ duy nhất toàn là của Hoa Kỳ, hồ lớn thứ ba theo thể tích
Hồ Huron, hồ lớn thứ hai theo diện tích
Hồ Erie, hồ nhỏ nhất theo thể tích và nông nhất
Hồ Ontario, hồ nhỏ nhất theo diện tích, thấp hơn các hồ kia



Trên Google Maps, bạn chuyển đến bắc Mỹ, giữa Canada và USA

2- Hồ sâu nhất: Hồ Baikal (LB Nga) có chiều sâu trung bình là 730m, nhưng nơi sâu nhất đến 1.620m, đạt kỷ lục về độ sâu của các hồ trên thế giới.
Vĩ độ 53.709714
Kinh độ 108.195591
Diện tích hồ Baikal là 31.500km2, đứng thứ 8 thế giới; nhưng vì độ sâu lớn, nên lượng chứa nước của hồ này đạt đến 23.000km3, tương đương với tổng lượng nước của 5 hồ lớn ở Bắc Mỹ, chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nước các hồ trên thế giới.
Hồ Baikal xứng đáng là kho nước ngọt lớn nhất thế giới. Có 336 con sông lớn nhỏ chảy vào hồ Baikal.

Trên Google Maps, Khởi điểm là Việt Nam, di chuyển lên phía bắc, qua Trung quốc, đến Mông cổ, Hồ Baikal hiện ra là vệt xanh dài.

Bạn có thể gõ chuỗi tọa độ vào Search của Google maps là:
53.709714, 108.195591

3- Hồ tròn nhất: Hồ Bosenri ở phía tây châu Phi, trong lãnh thổ nước Cộng hòa Ghana, tròn vành vạnh giống như vẽ bằng compa và có đường kính hơn 3km.
6.502946
-1.41435
Thường thường, các loại hồ miệng núi lửa, cũng có một số hình tròn bởi vì chúng do núi lửa phun ra mà thành. Nhưng quanh hồ Bosenri không hề có dấu vết núi lửa.
Người ta cho rằng từ thời nguyên thủy, khi trái đất chưa có sự bảo vệ của tầng khí quyển, có một sao băng rơi xuống trái đất tạo nên một hố thiên thạch không nhỏ hơn 3km, tốc độ rơi của thiên thạch rất lớn, trên 20km/giây, và chính điều đó đã tạo ra hồ Bosenri.

Trên Google Maps, tìm đến Châu Phi, nước Ghana:

Phóng to, chú ý đến địa điểm như hình:
Bạn sẽ thấy vùng đánh dấu hiện ra hồ tròn, ghi chú là Lake Bosomtwe như sau:

Bạn có thể gõ chuỗi tọa độ vào Search của Google maps là:
6.502946, -1.41435

4- Hồ rộng nhất: Hồ rộng nhất trên thế giới là “biển” Caspian, nằm giữa hai đại lục Âu-Á, phía Tây Nam và Nam của nó là dãy Caucasus và Elbrutz với những ngọn núi phủ tuyết vây quanh, ba phía còn lại là đồng bằng rộng lớn. Cái tên Caucasus là chỉ một bộ lạc cư trú ở miền đông Caucasus - người Caspi.
Người ta gọi Caspian là "biển", không những vì nó có một số đặc trưng của biển, như diện tích rộng, nước sâu, thường có sóng to gió lớn, động thực vật tương tự như biển... hơn nữa cũng do trước kia nó thực sự là một phần của biển.
Biển Caspian có hình chữ S, kéo dài 1.200km, chiều rộng trung bình 320km, tổng chiều dài của bờ biển là 7.000km, diện tích rộng đến 370.100 km2, bằng khoảng 51% tổng diện tích 5 hồ lớn ở Bắc Mỹ.
Sự thay đổi thất thường của mực nước biển Caspian thật hiếm thấy. Từ khi có sử sách ghi chép, biên độ lên xuống của mức nước có đến 16 lần. Nguyên nhân là do sự thay đổi của khí hậu, sự biến động của vỏ Trái đất và sự phá hoại của con người.
Do lượng nước bị thất thoát nên mỗi năm biển Caspian giảm khoảng 23,1km3, mặt nước hạ xuống 6-7cm. Các nhà nghiên cứu dự đoán, nếu không có biện pháp hạn chế, không bao lâu nữa, mực nước của “biển” Caspian sẽ thấp hơn hiện nay 2m, diện tích bị hẹp lại hàng vạn km2.

Trên Google Maps, tìm vị trí giữa Châu Âu, Chấu Á và Châu Phi


5- Hồ trên cao nhất: Trên dãy núi Andes ở Nam Mỹ có một cái hồ lớn nổi tiếng thế giới, gọi là hồ Jiticaca, nằm ở biên giới hai nước Peru và Bolivia.
-15.818681
-69.378104
Mặt hồ cao hơn mặt nước biển đến 3.812m, là hồ ở độ cao nhất thế giới; độ sâu trung bình của hồ này là 100m; tổng dung tích nước trong hồ khoảng 830km3, lớn gấp 10 lần hồ Thanh Hải to nhất ở Trung Quốc.
Nhiều hồ trên núi cao đều là hồ nước mặn, nhưng hồ Jiticaca là hồ nước ngọt. Hồ Jiticaca có nhiệt độ rất thấp, bởi vì nước hồ ở đây luôn luôn được tuyết tan ở trên núi cao xung quanh bổ sung.
Vùng hồ Jiticaca là một trong những cái nôi của nền văn hóa Inca nổi tiếng của người Indian cổ đại, đã lưu lại nhiều truyền thuyết thần thoại.

Trên Google Maps, tìm đến nam Mỹ, giữa 2 nước Peru và Bolivia.

Phóng đại, thấy hồ được ghi  là Lago Titicaca.

Bạn có thể gõ chuỗi tọa độ vào Search của Google maps là:
-15.818681, -69.378104

6- Hồ thấp nhất: Hồ ở độ thấp nhất thế giới là “biển Chết”, nằm thấp hơn mực nước biển 418m (năm 2005). Đây cũng là một trong những hồ có nồng độ muối cao nhất thế giới, được xếp vào loại "siêu mặn".
31.522361
35.486956

Trên Google Maps, tìm Vùng Trung Đông, nước Do Thái (Isarel)

Phóng đại, Biển Chết (Dead Sea) hiện ra:

Bạn có thể gõ chuỗi tọa độ vào Search của Google maps là:
31.522361, 35.486956
===

II- Ai cập với các Kim tự tháp và tượng Nhân Sư
Chúng ta đến Châu Phi, nước Ai cập

Trên hình, trong khối đỏ là nước Ai cập (Egypt). Cạnh bên trong khối tím là Trung Đông.
Phóng đại nước Ai cập, chú ý thủ đô Cairo ở phía bắc.
Khi đã thấy Cairo, chú ý khu vực tây nam Cairo. Trong hình dưới đánh dấu tròn đỏ.


Tiếp tục phóng đại với kết quả:


Khu lăng mộ Ai Cập cổ đại này bao gồm các kim tự tháp. Kim tự tháp Khufu trên cùng (cũng được gọi là Đại kim tự tháp hay Kim tự tháp Cheops, kim tự tháp hơi nhỏ hơn - Kim tự tháp Khafre ở giữa (hay Chephren) và kim tự tháp nhỏ nhất (dưới trái) - Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus), cùng với một số công trình vệ tinh nhỏ khác, được gọi là các kim tự tháp "nữ hoàng", các con đường và các thung lũng kim tự tháp (dưới phải), và đáng chú ý nhất cạnh đó là Đại Sphinx (tượng Nhân sư).

Cùng với các lăng mộ hoàng gia đó là các ngôi mộ của các quan chức cao cấp cũng như công trình và lăng mộ khác đời sau này (từ thời Vương triều mới trở về sau) và các đền đài bày tỏ sự sùng kính tới những người được chôn cất tại đó. Trong số ba kim tự tháp đó, chỉ kim tự tháp Khafre còn giữ được một phần lớp đá bóng ốp ngoài, ở trên đỉnh. Cần lưu ý rằng kim tự tháp này trông có vẻ lớn hơn kim tự tháp Khufu ở bên cạnh vì thế đất cao nơi nó được xây dựng, và góc nghiêng xây dựng lớn hơn – trên thực tế, nó nhỏ hơn cả về trọng lượng và khối lượng.

Giai đoạn xây dựng nhộn nhịp nhất ở đây diễn ra khoảng thế kỷ thứ 25 TCN. Kim tự tháp Khafre và tượng nhân sư. Những di tích cổ còn lại của khu lăng mộ Giza đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ thời cổ đại, khi các công trình thời Cổ vương quốc đó đã có hơn 2.000 năm tuổi. Nó đã trở nên nổi tiếng trong đại chúng từ thời Hy Lạp cổ đại khi Đại kim tự tháp được Antipater xứ Sidon liệt vào danh sách Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Ngày nay đây là Kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại. 

Các địa điểm cổ đại tại vùng Memphis gồm các địa điểm tại Giza, cùng với các địa điểm tại Saqqara, Dahshur, Abu Ruwaysh, và Abusir, được tuyên bố chung là một Địa điểm di sản Thế giới năm 1979.


Bạn có thể gõ chuỗi tọa độ vào Search của Google maps là:


29.975277, 31.1311111


-------------

Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Tinh trùng của nữ và Trứng của nam

Minh họa bài Tinh trùng nữ, trứng nam trên báo Thanh niên

1- Đây là thành tựu của nhà khoa học người Nhật: Katsuhiko Hayashi. Nội dung thành tựu là biến một tế bào bình thường (tế bào da 2n) trở thành tế bào trứng (n) và thụ tinh được.

Thí nghiệm trên chuột. Chưa làm trên người.

左から林准教授、斎藤教授

2- Cần ghi nhận là kỹ thuật của Katsuhiko Hayashi cho phép biến một tế bào bình thường (tế bào da 2n) trở thành tế bào trứng (n) hay tế bào tinh trùng (n).

 

Bình thường: Đàn ông tạo tinh trùng và đàn bà tạo trứng:

Còn ở đây, có thể tạo tinh trùng hay trứng từ tế bào bình thường của nam hay nữ:
3- Còn nhiều yếu tố tác động khiến chưa thể áp dụng trên người như luật pháp, đạo đức, tôn giáo...


Nếu được áp dụng thành công trên người, ta thử xét hệ quả:

A- Mọi người đều có thể có con, cả những người không có tinh trùng ở đàn ông, hay không có trứng ở đàn bà.

B- Các cặp đồng tính Nam-Nam hay Nữ-Nữ đều có thể có con với nhau!
Với cặp Nam-Nam thì sau khi trứng thụ tinh, cần mang thai hộ.

C- Một người (nam hay nữ) cũng có thể tự mình đẻ con giống mình do cùng lúc tạo ra tinh trùng và trứng. Theo tôi, chuyện nầy như là giao phối cận huyết!

D- Tế bào nữ có thể tạo ra tinh trùng hay trứng (cùng mang nhiễm sắc thể x), điều nầy không có gì bàn;
Nhưng tế bào nam có thể tạo ra tinh trùng (nhiễm sắc thể x hay y), hoặc tạo ra trứng. Lúc nầy trứng mang nhiễm sắc thể x (bình thường) và có khả năng trứng mang nhiễm sắc thể y?

Hãy tưởng tượng Trứng (y) kết hợp Tinh trùng (y) sẽ ra cá thể (yy). Đây là thể rối loạn gien hay là một thể SuperMan?

===

Gút lại: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà KHKT tiến như vũ bão. Mỗi ngày qua là một phát minh. Con người thật thông minh và thế giới nầy thật đáng sống (nếu có tiền!)


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Đứa con có một cha và hai mẹ

Có bạn đọc mail rằng bài


Câu chuyện khoa học: Kỹ thuật nhân bản và chuyện 1 ông 2 bà cùng thụ tinh.

đọc khó hiểu, nhờ tác giả giải thích thêm...

1- Thụ tinh của Chồng và Vợ.
(Riêng Vợ có mang bệnh do ADN trong ty thể)
Xem hình: 

1- Thụ tinh của Chồng và Hiến tặng trứng.
(Người hiến trứng không có bệnh do ADN trong ty thể)
[Theo điều luật mới họp của quốc hội VN: thụ tinh giữa Chồng và Hiến chỉ được thực hiện trong ống nghiệm; Cấm thụ tinh trực tiếp]

3- Hút nhân trứng Chồng-Vợ, bơm vào trứng không bệnh:


4- Cấy trứng mới không bệnh vào tử cung... chờ ngày sinh


-------------

Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Ngóng chồng. Hát nói

Dựa theo hướng dẫn của bạn Thoái Bút
http://thoaibut.blogspot.com/2013/08/ngong-chong.html



Ngóng chồng

Thu buồn tí tách hạt Ngâu
Cảnh xa mờ ảo ở đầu non kia
Vọng Phu mắt chảy đầm đìa
Hóa ra đá cũng sẽ chia nỗi lòng

Chàng ơi có biết
Bao canh dài, thiếp mỏi ngóng tin chàng
Kể từ buổi lặng tiễn chốn quan san
Mình thiếp vẫn đứng trông vời góc bể
Đường xa nhớ chàng qua hình nhạn
Biển rộng mong tín mỗi cánh chim
Lệ thu hờn, vẫn giấu kín trong tim
Thôi son phấn, hết trâm cài, manh đơn chiếu
Chốn viễn chinh, nơi kia, chàng có hiểu
Vẫn ngóng trông, mong mỏi bóng chàng về
Ngâu rơi lòng những tái tê

Trương Phú


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lich sử trái đất

Cao Nguyên (Theo National Geographic)



Trái đất là hành tinh được hình thành cách đây gần 4,6 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước.

I. Thời sơ khai (4.6 tỷ – 570 triệu năm)


Hình thành trái đất
Trái đất của chúng ta được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm trước, song song với quá trình hình thành Hệ mặt trời. Lúc này Hệ mặt trời chỉ là một đám mây bụi và khí rất lớn, quay tròn, gọi là Tinh vân Mặt trời, được sinh ra từ vụ nổ lớn cách đây khoảng 13,7 tỷ năm.



Những khối đá đầu tiên (cách đây 3,95 tỷ năm)
Cấu trúc đá già nhất trên trái đất chính là lớp vỏ đầu tiên của trái đất được tạo thành do nham thạch nóng chảy trào qua các khe nứt dưới đáy biển. Những cấu trúc đá được phát hiện ở phía tây Greenland cho biết chúng được hình thành từ cách đây khoảng 3,8 tỉ năm.



Nồng độ Oxy bắt đầu tăng (2,3 tỷ năm)
Một loại vi khuẩn đơn bào sống ở biển đã tạo ra oxy và làm cho không khí trên trái đất bắt đầu có thể hít thở được. Chúng hấp thu ánh sáng mặt trời và thông qua quá trình quang hợp để sản sinh ra oxy. Bắt đầu từ đó, tầng ozone dần hình thành, bảo vệ trái đất khỏi những tia tử ngoại gay gắt từ mặt trời.


II. Thời cổ đại (570 – 248 triệu năm)


a/ Kỷ Cambrian (570 – 500 triệu năm)


Động vật thân mềm có vỏ cứng xuất hiện. Những hóa thạch của loài này cho thấy chúng có mặt trên trái đất từ 545 triệu năm trước. Nguồn gốc và quá trình tiến hóa của của loài này – là tổ tiên của các loài trai, ốc, mực, bạch tuột – hiện vẫn chưa rõ.


Xuất hiện động vật có xương sống đầu tiên. Hóa thạch cổ nhất của động vật có xương sống - là những loài cá không có hàm - được phát hiện vào những năm 1990, cho thấy chúng có mặt trên hành tinh này 530 triệu năm trước.


b/ Kỷ ordovician (500- 435 triệu năm)
Những loài cá sụn đầu tiên – là tổ tiên của các loài cá mập - đã lượn lờ ở các đại dương cách đây khoảng 450 triệu năm. Gọi là cá sụn vì khung xương của chúng được cấu tạo hoàn toàn bằng sụn.

c/ Kỷ Silurian (435 – 410 triệu năm)


Động vật thuộc lớp nhện xuất hiện. Ngày nay chúng ta biết rằng các loài thuộc nhóm này – bao gồm nhện, bò cạp, bét – đều sống trên cạn; tuy nhiên, tổ tiên của chúng lại bắt đầu từ biển. Người ta cho rằng bọ cạp là loài cổ nhất trong nhóm này, có mặt cách đây khoảng 430 triệu năm. Và vào thời này, kích thước của chúng cũng rất lớn, người ta đã phát hiện hóa thạch của một loài bọ cạp biển dài đến 2,5m.



Cây cối bắt đầu đâm rễ trên mặt đất khoảng 430 triệu năm trước. Để chuyển từ môi trường nước lên sinh sống trên cạn, các loài thực vật cổ xưa đã phát triển một hệ thống mạch dẫn trong thân để dẫn nước và chất dinh dưỡng, ngoài ra chúng còn phát triển một bộ khung cứng giúp chúng có thể đứng thẳng trên mặt đất.

d/ Kỷ Devonian (410 – 360 triệu năm)

Động vật lưỡng cư bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước cách đây khoảng 370 triệu năm. Chúng là những động vật có xương sống đầu tiên bước đi trên mặt đất, tiến hóa từ 1 loài cá có khả năng hít thở không khí.

e/ Kỷ Carboniferous (360 – 290 triệu năm)

Các lục địa nhỏ xích lại gần nhau, tạo thành 1 đại lục địa duy nhất là Pangaea.


Các mỏ than đá dần hình thành từ những thân gỗ mục ở những khu rừng đầm lầy tươi tốt sum xuê tại các vùng duyên hải. Các mỏ than đá ngày nay được tìm thấy chủ yếu ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và một phần ở Châu Á.

Lớp bò sát bắt đầu xuất hiện. Những động vật cổ nhất thuộc lớp này có mặt cách đây khoảng 300 triệu năm.


f/ Kỷ Permian (290 – 248)

Động vật lớp bò sát phát triển thịnh vượng nhờ vào môi trường sống của đại lục địa lúc bấy giờ khá thân thiện và phù hợp với chúng. Thích nghi với khí hậu khô nóng, chúng phát triển cả về sống lượng lẫn kích thước.


Đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn chưa từng thấy trong lịch sử trái đất. Khoảng 95% sinh vật biển và 70% động vật sống trên cạn bị xóa sổ. Nguyên nhân chính là do khí hậu thay đổi đội ngột và liên tục, trái đất liên tục nóng lên rồi lại lạnh đột ngột làm cho hầu hết sinh vật không thể thích ứng kịp.


Từ hình thành cách đây khoảng 4,6 tỷ năm, Trái đất của chúng ta đã qua bao lần “vật đổi sao dời” với những bước tiến hóa quan trọng.

III. Trung Đại (248 – 63 triệu năm)

a/ Kỷ Triassic (248 – 205 triệu năm)

Những loài khủng long đầu tiên có mặt trên hành tinh khoảng 240 triệu năm về trước. Trong số chúng, có loài ăn cỏ có kích thước chỉ bằng một con kangaroo, có loài ăn thịt kích thước khoảng 1m, và cũng có những loài đáng sợ với chiều dài thân mình đến 6m.

Đại lục địa chia tách vào khoảng cuối kỷ Triassic. Châu Âu tách khỏi Châu Phi, Nam Mỹ rời khỏi Trung và Bắc Mỹ.

Thú nhỏ có lông thuộc lớp động vật có vú xuất hiện, tiếp nối sau sự suy tàn của tổ tiên chúng là các loài bò sát.


b/ Kỷ Jurassic (205 – 138 triệu năm)

Các loài khủng long thống trị mặt đất.


Những loài chim đầu tiên bắt đầu tung cánh khoảng 150 triệu năm trước. Các hóa thạch cho thấy chúng vẫn còn một số đặc điểm cấu tạo của loài bò sát như một cái đuôi xương, cánh có vuốt, và răng nhọn.

c/ Kỷ Cretaceous (138 – 63 triệu năm)

Những loài cây có hoa bắt đầu hiện diện cách đây khoảng 125 triệu năm. Có lẽ chúng đã manh mún xuất hiện trong kỷ Jurassic nhưng đến kỷ này mới bắt đầu nở rộ nhờ vào khí hậu ấm áp và ôn hòa.


Sự tuyệt diệt của loài khủng long xảy ra khoảng 65 triệu năm trước, vào cuối kỷ Cretaceous. Toàn bộ các loài khủng long không có cánh đã bị quét sạch. Vào đợt tuyệt chủng hàng loạt lần này, có khoảng 50% động thực vật trên hành tinh đã biến mất. Và một lần nữa, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.


IV. Đại tân sinh (bắt đầu từ cách đây 63 triệu năm)

a/ Kỷ Paleogene (63 – 24 triệu năm)

Động vật có vú thế chỗ khủng long, chúng nhanh chóng phân chia thành nhiều loài và phát triển cả về số lượng lẫn kích thước cơ thể.

Động vật linh trưởng xuất hiện khoảng 55 triệu năm trước. Chúng có kích thước nhỏ, thân mình phủ lông và có khả năng di chuyển linh hoạt trên các cành cây. Chúng cũng có bộ não khá lớn sơ với kích thước thân mình. 

b/ Kỷ Neogene (24 – 2 triệu năm)

Người cổ xuất hiện khoảng từ 6-8 triệu năm trước với bước đột phá là bắt đầu đi thẳng bằng 2 chân. Họ không còn sống trên cây nữa mà chỉ trèo cây để hái trái, tìm hang động để tránh thú dữ vào ban đêm.

c/ Kỷ Quarternary (2 triệu năm)

Băng giá bắt đầu len lỏi khắp các ngỏ ngách trên trái đất. Trong khoảng 1,8 triệu năm qua, trái đất đã liên tục bị các đợt băng giá bao phủ, và đợt cuối cùng kết thúc khoảng 10.000 năm về trước. Trong những đợt băng giá khắc nghiệt kéo dài này xuất hiện những loài thú có lông phủ rất dày, như loài voi mammoth.

Người hiện đại xuất hiện ở Châu Phi khoảng 190.000 năm trước. Những cuộc di dân đầu tiên ra khỏi Châu Phi bắt đầu khoảng 70.000 năm trước, người hiện đại dần xâm nhập đến các vùng đất xa xôi như Châu Úc và Nam Mỹ.


  • Cao Nguyên (Theo National Geographic)


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến