Translate

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Bóng đè

1-    Giấc ngủ bình thường
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng ta sẽ đi ngủ buổi tối. Giấc ngủ tốt sẽ đem lại sự tỉnh táo và khỏe khoắn cho chúng ta vào sáng hôm sau.
Trong giấc ngủ, các cơ quan đều ngừng hoặc giảm hoạt động chức năng. Bắp cơ mềm, cơ thể không đáp ứng với hầu hết với các kích thích môi trường, chỉ còn giữ những hoạt động sinh lý cơ sở như hô hấp, tiêu hoá, bài tiết, tuần hoàn… ở mức thấp.
Giấc ngủ là hoạt động cần thiết của vỏ não để các tế bào vỏ não hồi phục các chức năng, loại bỏ các chất cặn bã trong quá trình hoạt động.

2-    Tế bào vỏ não trong giấc ngủ

Khi thức, chúng ta hoàn toàn tỉnh táo. Lúc nầy sóng điện não có tần số nhanh. Khi ngủ sâu, chúng ta mất các tri giác thông thường, sóng điện não lúc đó chậm, có tần số thấp.

3-    Hiểu rõ hơn về bản chất giấc ngủ
a-    Là một quá trình: Nghĩa là khi chúng ta ngủ, cần một thời gian để chúng ta ngủ sâu. (như hình trên, các giai đoạn ngủ)
Đương nhiên quá trình nầy nhanh chậm tùy người, tùy trạng thái cơ thể, tùy các tác nhân môi trường…
- Môi trường ồn ào, nóng lạnh thái quá sẽ khó ngủ
- Quá mệt mỏi và quá buồn ngủ sẽ ngủ sâu nhanh
- Tùy người ít lo nghĩ dễ ngủ hơn, dễ hưng phấn kích động khó ngủ hơn…
b-    Các tế bào vỏ não từ trạng thái hưng phấn khi thức, chuyển dần dần vào trạng thái ức chế. Trong quá trình nầy, tùy thuộc số lượng tế bào vỏ não rơi vào trạng thái ức chế mà ta có các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Ít  cho đế nhiều tế bào vỏ não trạng thái ức chế: từ buồn ngủ, thiu thỉu, lơ mơ, ngủ say…
c-     Trong lúc ngủ, hầu như khắp vỏ não ở trạng thái ức chế. Nhưng có những điểm của vỏ não vẫn còn trong trạng thái tương đối hưng phấn. Các điểm đó là những điểm hưng phấn mà quá trình ức chế ngủ không xoá được trên vỏ não.
d-    Khi thức giấc cũng là một quá trình nhanh chậm tùy người: đó là quá trình chuyển vỏ não từ trạng thái ức chế sang trạng thái hưng phấn. Khi toàn bộ các tế bào vỏ não (và dưới vỏ) chuyển sang trạng thái hưng phấn: Ta tỉnh hoàn toàn.
Hiểu rõ sự lan tỏa quá trình ức chế của vỏ não như trên, ta cắt nghĩa dễ dàng các hiện tượng xảy ra trong giấc ngủ như giấc mơ, bóng đè, nói mớ, mộng du… Các hiện tượng nầy liên quan sự hoạt động của các phần vỏ não vận động hay cảm giác.
Trước khi đi vào chi tiết từng hiện tượng, chúng ta cần lưu ý rằng các hiện tượng trong giấc ngủ chỉ xảy ra các giai đoạn: trước khi ngủ say và trước khi thức, đấy là thời gian mà các tế bào vỏ não đang trong quá trình chuyển trạng thái từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại.

4-    Giấc mơ: Các hình ảnh thu được trong ngày được lưu trữ ở thùy chẩm. (sau ót, là vùng thị giác)
Nếu các tế bào vỏ não vùng nầy bị ức chế hoàn toàn: ta chẳng thấy hình ảnh gì hết. Khi có vẫn còn nhiều điểm hưng phấn trong vùng nầy, ta sẽ thấy giấc mơ. Đa số giấc mơ phản ảnh kinh nghiệm sống trong ngày nhưng được trình chiếu hình ảnh một cách ngẫu nhiên, lẫn lộn, thiếu mạch lạc.
Giấc mơ trước ngủ say thường không được nhớ lại nếu không là ác mộng buộc ta thức giấc. Ta thường nhớ các giấc mơ trước khi tỉnh giấc và thường tiếc rẻ vì mộng đẹp lại bị ngắt do thức giấc vì lý do gì ấy.

5-    Nói mớ: Thường liên quan giấc mơ. Trong diễn tiến giấc mơ chúng ta có đối thoại, tình cờ một vùng vỏ não vận động (vùng nói) được hưng phấn, thế là ta nói mớ.

6-    Mộng du: Liên quan giấc mơ như nói mớ, nhưng ở đây li kì hơn: sự phối hợp giữa vận động và cảm giác một cách nhuần nhuyễn như người thức: đi lại, mắt mở, làm các việc tốt đẹp mà bản thân vẫn đang mơ.
Một số trường hợp hay gặp như đái dầm: bản thân mơ thấy chủ động đi tiểu đúng nơi chốn… và tiếu dầm, (người lớn) chỉ tỉnh giấc khi cảm giác nhiệt độ ở bên dưới khác biệt, (con nít thì ngủ sau luôn!)
Trường hợp mộng du cũng y thế: Mơ thấy mình chuẩn bị ra bếp cất tô thịt trên bàn vào tủ lạnh, thế là ngồi dậy mở mắt (vẫn đang mơ) và đi ra bếp (đang mơ vẫn đi lại bình thường) thực hiện việc trên, sau đó vào ngủ tiếp.
Giấc mơ, nói mớ là hiện tượng bình thường thì mộng du cũng y vậy. Tuy nhiên tính nguy hiểm khi thực hiện cộng việc trong vô thức rất dễ gây ra tai nạn cho bản thân hay người chung quanh, do đó ta hay xem mộng du là bệnh lý cần được quan tâm.

7-    Bóng đè: Khi vùng cảm giác, ý thức ở vỏ não và dưới vỏ hoàn toàn hưng phấn (tỉnh táo) nhưng toàn bộ vùng vận động vẫn chìm trong trạng thái ức chế, đó là hiện tượng bóng đè.
Hiện tượng bóng đè xuất hiện rất nhanh: chỉ vài giây, nhưng trong vài giây nầy ta cảm giác rất lâu vì đang sống trong tâm trạng hãi hùng: cảm giác có vật đè nặng mà không cử động được chân tay, toàn thân, ta càng cố vùng vẫy, la hét nhưng vô vọng…
Sau vài giây kịch tính đó, toàn bộ vỏ não và dưới vỏ nhanh chóng được kích thích thoát khỏi trạng thái ức chế: hết ngay bóng đè mà không một trợ giúp từ bên ngoài nào, tuy nhiên lúc nầy chúng ta đang thở hổn hển và lo sợ…

Và như tiêu đề bài viết nói chính là Bóng đè, bạn đã nắm rõ cơ chế bóng đè nên bạn cũng nên xem là hiện tượng bình thường, chả có gì phải sợ ma quái ở đây cả, cứ nằm yên và hiện tượng bóng đè sẽ hết nhanh thôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến