Bâng khuâng giữa chốn rừng hoa
Đào hồng vẫn đấy người xưa nhạt nhòa
Thơ Phú Trương
Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Đó là cảm xúc hôm nay khi tôi đọc lại câu:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
[Thơ Thôi Hộ - Không rõ năm
sinh-tử. Sống thời nhà Đường khoảng 760-810]
(dịch sát nghĩa – Phú Trương)
Mặt người chẳng biết nơi nao
Hoa đào như cũ cười chào gió đông
Chắc hẵn đôi lúc bạn cũng có cảm xúc bâng khuâng như thế,
trước cảnh cũ vẫn còn đấy mà người xưa giờ ở nơi nao, biết bao kỷ niệm tràn về
để bạn đắm chìm trong hồi ức, và khi chợt tỉnh, một thoáng bâng khuâng tiếc
nhớ…
(Cụ) Nguyễn Du cũng thế, khi viết đến tâm sự của Kim Trọng
về chốn cũ tìm Thúy Kiều, cảnh xưa xơ xác mà người cũ vắng bóng, Nguyễn Du đã
lấy tâm sự của Thôi Hộ để diễn tả lúc đó:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Truyện Kiều, câu 2747 và
2748)
Bạn thơ của chúng ta với
bút hiệu Nam Tran đã viết trong chuyện thơ của mình:
Năm nay trở lại chốn này đây
Cảnh cũ người xưa vắng dấu giầy
Hoa Đào còn đó hồng khoe sắc
Đợi gió Đông về cười cợt say.
(Chuyện tình Đào hoa nữ)
Trong thể thất ngôn (thơ
câu 7 chữ), Nam Tran lại thành công đưa chúng ta về cảm xúc bâng khuâng như
thế. Tuy còn vài từ cần bàn thảo (ngay sau) nhưng lời thơ của Nam Tran cũng man
mác buồn tiếc nhớ…
Nhân Tết đến, nhìn cánh đào hồng khoe thắm (trong tranh) tôi chợt miên man. Nghĩ lại người xưa, Thôi Hộ sống cách hơn ngàn năm còn cảm xúc tuyệt diệu như thế, hóa ra cảm xúc, tình cảm là thứ dễ thăng hoa nhất và cũng đáng trân trọng nhất.
Và nhắc lại rằng chuyện tình Thôi Hộ đẹp như câu chuyện cổ tích:
(Trích http://vi.wikipedia.org/wiki/Đề_Đô_Thành_Nam_trang http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81_%C4%90%C3%B4_th%C3%A0nh_Nam_trang)
Một lần nhân tiết Thanh minh,
chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên
trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát
sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong,
chàng ra đi.
Năm sau, cũng trong tiết Thanh
minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không
thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng.
Lâu sau nữa, khi trở lại, chợt
nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải
là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn
uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con
gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống
than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng.
Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất
hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại.
Gởi bạn Nam Tran
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc nhân Tết
Nguyên Đán xuân Ất Mùi 2015
Vài ý kiến về đoạn thơ cuối
[-
chốn này đây: này và đây cùng nghĩa nên như lập lại, có thể viết chốn xưa nầy.
- vắng
dấu giầy: Đi trong vườn đào mà in cả dấu giầy thì người nặng quá không? Thơ cũ
nếu cảm xúc cũng chỉ nhắc dấu xe hay dấu ngựa…
Dấu xưa xe ngựa hồn
thu thảo
- Hoa
đào, gió đông không phải danh từ riêng, không cần viết hoa
- Đợi
gió đông về: Tại sao phải đợi? Đã nhân cách hóa hoa đào cười gió đông thì cứ
viết Trong gió đông về…
- cười
cợt say: (hoa) cười là ok, (hoa) cười cợt cũng được nhưng (hoa) cười cợt say
thì đi hơi quá: (hoa nhậu xỉn) rồi cười cợt với khách hén?]
Riêng hình minh họa thiếu ghi chú: cô gái đẹp dưới vườn đào
là ai mà sao hớp hồn người ta thế?