Translate

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Giải Nobel cho Việt Nam: Điều trị phục hồi Liệt nửa thân dưới

1-    Từ ngữ ngành Y:
-        Liệt nửa người: Không hoạt động tự chủ nửa người bên trái hay phải (kèm mất cảm giác). Thường do thương tổn bán cầu não (thần kinh trung ương) bên phải hay trái, đối ngược nửa người liệt.
-        Liệt nửa thân: Thường là không hoạt động tự chủ nửa thân dưới (kèm mất cảm giác). Nguyên do thương tổn ở tủy sống (thần kinh ngoại vi). Nếu vùng thương tổn khá cao, vd cột sống cổ, vùng liệt có thể là toàn thân và cả tứ chi. Nếu vùng tổn thương thấp, vd cột sống vùng ngực hay lưng, vùng liệt thường là nửa thân dưới kèm hai chân.

2-    So sánh Liệt nửa người và Liệt nửa thân:
Các tế bào thần kinh nằm chi chít hình thành lớp võ não (chất xám). Mỗi tế bào đảm trách một nhiệm vụ. Sau đó chúng truyền lệnh hay nhận cảm giác qua các bó dây thần kinh để đến da, cơ… khắp toàn thân.
-        Liệt nửa người trong giai đoạn đầu thường nguy hiểm vì bệnh nhân đang bị thương tổn ở não bộ, dễ tử vong. Nếu qua khỏi giai đoạn cấp, bệnh nhân được tập luyện tốt thì Liệt nửa người có thể phục hồi do vùng võ não cùng bên đảm nhiệm thêm. Bệnh nhân điển hình là nhà bác học Louis Pasteur: Phục hồi đi lại sau liệt, Khi LP chết, sọ bị mổ và thấy xơ nửa não!
(Hoặc ít ra liệt 1 chân 1 tay, bên còn lại vẫn có thể hoạt động.)
-        Liệt nửa thân dưới khó phục hồi do đứt đường thần kinh truyền từ não đến cơ. Người bệnh suốt đời nhờ người phục vụ.

3-    Điều trị Liệt nửa thân dưới:
Giai đoạn đầu thường do chấn thương cột sống. Phẫu thuật chỉ là lấy các mảnh xương vỡ tránh chèn ép phá tủy sống. Mở rộng vùng thương tổn, tránh chèn ép, và cố định cột sống.
Liệt nửa thân dưới sau đó chỉ được điều trị thụ động bằng xoa bóp, châm điện và vận động thụ động.
Cho đến nay chưa có phương pháp nào điều trị tổn thương tủy sống. Đa số bệnh nhân sống lây lất với liệt nửa thân. Một số rất ít có phản ứng tốt ở chân, tuy nhiên chỉ được xem là phép lạ! (vì quá hiếm và không rõ cơ chế tại sao phục hồi?)

Hướng mới cho điều trị Liệt nửa thân dưới: Ghép các tế bào gốc vào Tủy sống.
Bình luận của người viết bài: Chả hiểu ra làm sao, nhưng kết quả kỳ diệu!

Như phần 2 mô tả, thân tế bào thần kinh nằm tận trên võ não, ở tủy sống chỉ là các bó dây thần kinh truyền từ trên xuống. Các bó nầy hư nên liệt, và cả ngàn năm qua các đường truyền từ thần kinh trung ương nầy vẫn không phục hồi.
Thế mà nay, chỉ "dán" vài miếng tế bào… rồi bệnh lành, chả hiểu làm sao cả!

4-    Người thật việc thật:
-        Báo chí Việt Nam (chuyên đăng lại tin báo nước ngoài) mấy ngày qua ra rả thông báo một trường hợp bệnh nhân liệt 2 chân được phục hồi: Bệnh nhân Darek Fidyka được bác sĩ Pawel Tabakow cấy các tế bào thần kinh mũi vào tủy sống bệnh nhân
Giáo sư Geoffrey Raisman, bác sĩ Pawel Tabakow và bệnh nhân Darek Fidyka - Reuters


-        Tuy nhiên ngay tại Việt Nam, Bênh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cũng đã thực hiện tốt việc nầy: anh Đào Công T bị tai nạn giao thông, liệt từ cổ trở xuống, được BV Vinmec ghép tế bào gốc lấy từ mỡ bụng bệnh nhân, và kết quả kỳ diệu: bệnh nhân phục hồi, ngồi dậy, xúc cơm, chân co duỗi tốt…

Bệnh nhân T. chia tay với điều dưỡng Khoa Chấn thương chỉnh hình trước khi ra viện.

Nói thêm về BV Vinmec: Trên trang http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/giai-phap-tot-cho-benh-nhan-chan-thuong-tuy-song-20140525213950507.htm thì BV Vinmec lại coi đây là phẫu thuật bình thường trong khả năng của BV Vinmec. Bình thường đến mức… BV nầy thông báo giá điều trị cho trường hợp như trên là khoảng 200 triệu đồng. Thật tự tin!

Chúc mừng nền Y học Việt Nam và thế giới trong việc từ nay điều trị được liệt hai chân do chấn thương cột sống. Tôi nghĩ rằng một giải Nobel cho hướng điều trị Liệt hai chân nầy với ghép tế bào gốc là hoàn toàn xứng đáng: trước giờ chưa ai làm được.



-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Du lịch qua ảnh: Nhà thờ đổ

1-    Tang thương:

Chúng ta về bãi biển Xương Điền, xã Hải Lý, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định (theo chú thích của kienthuc.net.vn) để tham quan "Nhà thờ đổ".

"Nhà thờ đổ" là cách gọi quen miệng của dân địa phương, với nhà thờ hoang phế sát biển. Công trình này vốn là nhà thờ Trái Tim của giáo xứ Xương Điền, được xây dựng năm 1943 theo thiết kế của người Pháp.
Như trong hình, mặt tiền nhà thờ hướng ra biển, và hiện giờ cách mép nước không xa, chỉ vài chục mét. Kiến trúc mặt tiền còn khá nguyên vẹn với sảnh trước và chồng lên trên là tháp chuông. Kiến trúc nhà nguyện phía sau chỉ còn trơ một phần vách tường hai bên.
Chợt nhớ đến thuở xưa, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ ra sức khai khẩn đất hoang miền biển lập 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Đương nhiên ngài chỉ huy khai hoang đất bồi chứ không lấn biển, nhưng thế đã là công ơn lớn cho muôn dân. Thế nhưng nay, cả ngàn hộ dân phải rời bỏ nơi sinh sống vì biển xâm thực. Thật thế sự đổi thay, "thương hải biến vi tang điền"!

2-    Kiến trúc:
Nhà thờ được xây bằng gạch và vữa là xi măng. Không thấy đá cũng như bê tông.
Có câu "Xây nhà trên cát" với nghĩa bóng là công việc phù phiếm, không bền vững, thật đúng với cảnh nhà thờ hôm nay. Tuy nhiên với nghĩa đen, theo tôi thì thành ngữ nầy không đúng lắm: Chính trên nền đất pha cát ấy, nếu dưới sâu không có túi bùn, thì đấy là môi trường xây dựng rất tốt. Vì sao? Là nền đất pha cát chịu tải tốt, ít co dãn như các vùng đất sét, nên công trình nhỏ vài tầng sẽ ít lún, và nhà thờ trong hình là minh chứng.
Không biết lớp sâu nhất của móng có phải là đá hay không, nhưng phần móng trên đất vẫn được xây bằng gạch!


Sảnh trước với 3 cổng: một chính và hai phụ. Như đã nói, nhà thờ không dùng bê tông chịu lực, và các vòm cổng là vòm cuốn bằng gạch. Vòm cuốn không cong đều mà lại nhọn phía trên, việc nầy có lẽ sẽ có chút khó khăn cho thợ thi công thời ấy, nhưng chắc là đã có công thức..


Và hay hơn nữa, nóc tháp chuông cũng được sắp gạch theo kiểu vòm cuốn. Tôi biết nếu gạch có hình dạng hợp lý và việc sắp vòm cuốn hoàn hảo thì lực sẽ phân về chân vòm, nhưng nhìn trần vòm cuốn, thấy lơ lửng những viên gạch như sẵn sàng rời ra, da đầu cũng tê!

3-    Google map:
Trên Google map tôi chẳng thấy gì, có lẽ do trên cao nhìn xuống. Chỉ thấy có địa phương là (xã) Hải Lý. Theo bờ biển về hướng đông bắc chừng 6 km là bãi tắm Đông Hà, lại vài cây số nữa là bãi biển Quất Lâm. Đây cũng là địa phương khá nổi tiếng trên báo dạo nầy.


Nói chuyện ngoài lề: Từ bãi biển Quất Lâm cứ men theo đó mà đi chừng chục cây, trước khi đến Vườn Quốc gia Xuân Thủy phải qua 2 cồn, Cồn Lặc và Cồn Lu. Trong hình, chổ khoanh đỏ. Kể ra ông cha ta cũng một trời máu tiếu lâm.
Qua Vườn Quốc gia Xuân Thủy là Khu Du lịch sinh thái biển Cồn Vành. Cồn Vành? Với tính tình ông cha ta như thế, tôi e không phải vần V! 


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Kỹ thuật ứng dụng: Đệ tử Edison đoạt giải Nobel!

1-    Cuối thế kỷ 19, khoảng năm 1880 tại Mỹ, Thomas Edison thành công trong việc chế tạo bóng đèn điện sợi đốt, thắp sáng được nhiều giờ. Sau đó Edison nảy ra ý tưởng rút chân không bóng đèn, khiến tuổi thọ bóng đèn tăng lên hằng trăm giờ.

Với phát minh bóng đèn sợi đốt và được thương mại hóa, Edison đã giúp nhân loại có được ánh sáng rõ ràng và tiện lợi lúc đêm tối. Phải nói trong thế kỷ 20, việc thắp sáng vào ban đêm chủ yếu dựa vào bóng đèn sợi đốt nầy. Không những thế, bạn đừng quên chiếc TV hay màn hình máy tính trước đây to đùng: bề mặt màn hình thực chất là đít đèn sợi đốt!

"Genius is one percent inspiration, ninety-nine percent perspiration." - "Thiên tài là một phần trăm cảm hứng, chín mươi chín phần trăm mồ hôi."
– Thomas Alva Edison, 
Harper's Monthly (Tháng 9 năm 1932)

2-    Ánh sáng phát ra từ bóng đèn sợi đốt là ánh sáng màu vàng như ánh nắng mặt trời (đương nhiên cường độ yếu hơn). Cơ chế tạo ánh sáng của 2 bên là tương tự: Mặt Trời bị nung nóng phát ra ánh sáng thì ở bóng đèn Edison, dây kim loại cũng bị nung nóng phát ra ánh sáng. Ưu điểm của bóng đèn sợi đốt là ngoài ánh sáng trong dãi nhìn thấy, còn có tí ti ánh sáng tử ngoại: thứ nầy chiếu xạ lên da nhiều dễ gây ung thư, nhưng liều lượng ít thì giúp phản ứng tạo sinh tố D, có ích lợi cho những người làm việc văn phòng.
Tuy nhiên mặt hại của bóng đèn sợi đốt lại quá lớn: hiệu suất bóng đèn chỉ 6%: Điều nầy có nghĩa 94% lượng điện chạy vào bóng đèn toát ra nhiệt năng. Nếu dùng đèn sợi đốt làm phương tiện sưởi ấm thì hay hơn: Vừa được sưởi, vừa có ánh sáng, lại khá an toàn…

3-    Nửa sau thế kỷ 20 (cho đến nay), việc chiếu sáng dần được giao cho bóng đèn huỳnh quang dài thòng (quen gọi là bóng néon). Đây là biến thể của bóng đèn sợi đốt nhưng tiêu thụ điện năng ít hơn do khác cơ chế phát sáng.
Hai đầu bóng néon cũng có sợi đốt nóng, và giữa 2 đầu bóng sinh ra điện trường. Sợi tóc nung nóng phát ra electron tự do, dưới tác dụng điện trường xoay chiều, chúng phóng qua lại từ đầu nầy đến đầu kia. Trên đường đi, chúng cạ vào thành bóng có sơn chất huỳnh quang (fluorescence), đến lượt chất huỳnh quang nầy bị kích thích, phát ra ánh sáng trắng.
[Thay đổi cấu tạo chất huỳnh quang sẽ tạo đèn có các màu khác nhau. Tuy nhiên đèn huỳnh quang trắng là đèn phát sáng căn bản].

4-    Việc tiết kiệm điện đã tiến bước dài khi chuyển từ việc dùng bóng đèn sợi đốt sang bóng hùynh quang compact: Bạn còn nhớ dùng bóng tròn cỡ trái xoài với công suất thường thấy là 60w thắp sáng cho một phòng nhỏ, qua bóng néon dài 1.2m, chiếu sáng phòng nhỏ còn tốt hơn nhưng công suất chỉ khoảng 30w (20w cho bóng đèn, khoảng 10w cho tăng phô). Và đến nay, bóng đèn huỳnh quang compact cỡ 10w đảm nhiệm tốt việc chiếu sáng căn phòng nầy.

[Việt Nam đã quy định hoàn toàn loại bỏ việc thắp sáng do bóng đèn sợi đốt, và khuyên chuyển sang bóng compact.]

5-    Tuy bóng huỳnh quang compact tiện dụng như trên hình: nhỏ gọn, chả có phụ kiện bên ngoài như tăng phô, tắc te… nhưng chúng cũng chỉ mới thân thiện môi trường một phần = giảm tiêu hao điện năng. Mặt tiêu cực của nó là độc hại khi bóng vỡ: sẽ giải phóng ra chất huỳnh quang cùng hơi thủy ngân. Riêng chất hơi thủy ngân khá độc và khó phòng tránh, chúng dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng lên não bộ động vật.

6-    Phát minh ra đèn LED, (viết tắt của cụm từ Light Emitting Diode), là đi ốt phát quang đã có từ thế kỷ trước.
Dưới tác dụng của hiệu thế thấp, chừng 3 volt, các đi ốt quang nầy phát sáng. Tôi còn nhớ khoảng thập niên 80, các bóng đi ốt quang nhỏ tí được bán theo mớ cho thợ (sửa) điện tử. Dạo đó thợ điện tử thường tự chế âm ly để phát  băng cassette, trên võ gỗ âm ly được khoan và gắn đèn led búa xua, khi âm nhạc phát ra, các bóng đèn chớp nhá liên tục…
Bóng led thường thấy phát ra ánh sáng màu đỏ, màu lục và màu vàng như bóng sợi đốt. Màu lục (green chứ không phải xanh blue) nầy khá quen thuộc  trên các máy điện tử dân dụng: khi sáng, chúng có nghĩa đang có hoạt động. Nếu màu đỏ, chúng biểu thị máy đang trạng thái chờ (stand by). Bóng còn được nhúng trong dãi nhựa để tạo thành thanh, tổ hợp thành các ký tự số hay chữ.

7-    Cuối thế kỷ 20, bóng led xanh (blue, hay lam) ra đời. Các đèn led công suất mạnh được tạo ra nhưng chủ yếu là đơn sắc (đỏ, hoặc lục, hoặc tím…) chủ yếu dùng trong các hoạt động trang trí hơn là chiếu sáng.


Bên trái là huỳnh quang phát ánh sáng trắng, bên phải là tổ hợp led đỏ lục lam phát ánh sáng trắng

Với 3 màu căn bản đỏ, lục và lam, trên nguyên tắc có thể tạo ra ánh sáng trắng. Đây chỉ là nhiệm vụ thuần túy kỹ thuật: gia giảm các yếu tố màu khi tổ hợp. Và cuối cùng, đầu thế kỷ 21, đèn led trắng ra đời! = đèn tổ hợp.
-        Vì mới ra đời, giá thành còn đắt, đèn led trắng chủ yếu làm màn hình TV, vi tính.
-        Hiện nay đã có bóng led trắng thắp sáng, tuy giá còn đắt nhưng hy vọng tương lai sẽ rẻ: Hiện giá compact 5w là 35.000 vnd, mà led 4w là 130.000 vnd, gấp 4 lần.


Bóng led thắp sáng hoàn toàn thân thiện môi trường: Điện năng tiêu thụ ít, không chứa chất độc hại, tuổi thọ lại siêu bền, trung bình chừng 30.000 giờ thắp.

8-    Vì ý nghĩa to lớn trên, cho nên việc phát triển đi ốt quang hầu như là thuần túy kỹ thuật, lại được tôn vinh với giải Nobel!
Nhận định về phát minh đèn LED (điốt phát sáng), ban giám khảo nói đây là một phát minh mang tính cách mạng: “Bóng đèn dây tóc thắp sáng thế kỷ 20. Còn thế kỷ 21 sẽ được thắp sáng bằng đèn LED... Đèn LED mới chỉ ra đời cách đây 20 năm nhưng nó đã đóng góp tạo ra ánh sáng trắng làm lợi cho tất cả mọi người. Nhờ đèn LED mà giờ chúng ta đã có nguồn sáng thay thế hiệu quả hơn, lâu bền hơn cho nguồn ánh sáng truyền thống”.

Và như thế, 3 nhà khoa học Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura liên quan việc phát minh đi ốt quang đã được trao giải Nobel 2014. Các tân chủ nhân giải Nobel vật lý thậm chí còn tỏ ra ngạc nhiên khi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển lại tôn vinh một ứng dụng kỹ thuật dân dụng như thế!


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Cuộc đua làm chủ không gian

Phần I: Không gian tầm thấp

1-    An ninh của một nước thường thể hiện qua quyền khống chế lãnh địa, lãnh hãi và không phận của nước mình, hay nói đơn giản hơn là làm chủ vùng đất, vùng biển và vùng trời.
Trong 3 vùng nêu trên, vùng đất là đơn giản nhất: Lục quân phải canh giữ biên cương có các dấu mốc rõ ràng, đôi khi rắc rối do phải dò tìm các địa đạo xuyên biên giới.
Vùng biển phức tạp hơn vì rộng kèm thời tiết quấy nhiễu. Nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải giao cho Hải quân nổi trôi trên tàu chiến hoặc tàu ngầm. Còn bảo vệ Vùng trời đương nhiên do Không quân và Pháo phòng không. Độ cao của vùng trời được bảo vệ chừng 20km. Đây là độ cao tối đa mà máy bay kèm hỏa tiễn không đối không có thể vươn tới. Muốn đạt độ cao nầy trở lên, buộc phải dùng hỏa tiễn liên lục địa (ICBM).

2-    Vì thế cho nên khoảng không gian cách mặt đất chừng 50km trở lên gần như là vô chủ. Ở độ cao nầy khá an toàn vì dù radar đối phương khám phá cũng chẳng có thiết bị bay nào đe dọa. Và không lẽ đối phương lại bấm nút bắn ICBM hàng chục cho đến hàng trăm triệu đô cho một điểm do thám trên cao? Ấy là chưa kể các xáo trộn về chính trị và quân sự khi bấm nút ICBM mà không duyên cớ công bố. Thông thường để các quốc gia khác yên lòng, muốn bắn ICBM, dù là thử nghiệm, phải thông báo toàn thế giới trước đó một thời gian. Vì thế cho nên, nếu radar có thấy điểm do thám trên cao 50km cũng nghẹn mà ngơ!
ICBM Titan-2 của Mỹ khởi phóng

3-    May thay, lý thuyết là thế nhưng chẳng có thiết bị bay do thám nào đạt đến cao độ 50km: Không khí ở độ cao nầy khá loãng khiến máy bay (đốt nhiên liệu cùng không khí + cánh nâng) không hoạt động được. Khí cầu cũng tương tự lại chậm chạp khó điều khiển. Cuối cùng chỉ có ICBM đạt đến độ cao nầy, nhưng không lẽ lại dùng ICBM đắt tiền cho nhiệm vụ do thám mà thời gian chỉ tính bằng phút? Ấy là chưa kể đang hòa bình, có nước nào dám bắn ICBM sang đối phương?
Các nhà khoa học quân sự Mỹ có cách nghĩ khác: Bay không cao thì đổi bay nhanh: Nếu máy bay có vận tốc nhanh hơn hỏa tiễn đối phương là OK! Khi đó đối phương làm thế nào? Thế là sau khi vài chiếc máy bay do thám U-2 (bay cao đến 21 km) bị SAM-2 bắn rơi, Mỹ chuyển sang chế tạo máy bay do thám Blackbird SR-71: chúng bay cao đến 24 km, nhưng thường bay ở độ cao 10 km. Nếu radar trên máy bay phát hiện có tên lửa bắn theo, chúng rồ ga, tăng tốc đến Mach 3 bay mất, để tên lửa đối phương hít khói!
(Mach 3 là gấp 3 vận tốc âm thanh: Vtât = 344m/s = 1238 km/h)
Blackbird SR-71
Nghe nói sau đó Blackbird SR-71 ngang dọc do thám trên bầu trời Liên xô mà chẳng bị tai nạn nào. Chiến tranh Việt nam, Blackbird SR-71 cũng bay lẹt xẹt trên đầu chúng ta!
Hiện nay Mỹ đang chế tạo SR-72 với tốc độ Mach 6! Theo tôi, máy bay với tốc độ như thế là vô địch.

Phần II: Không gian tầm cao

4-    Hầu hết các quốc gia khác không đủ tiền cũng như kỹ thuật để nghiên cứu chế tạo máy bay đắt tiền như thế. Bởi vậy người ta chọn độ cao từ 400 km trở lên: Đây là độ cao mà các vệ tinh hoạt động theo quỹ đạo nhất định bay chung quanh Trái Đất.
Việt Nam mình nghèo, thời gian qua cũng gởi lên quỷ đạo quanh Trái Đất 5 chiếc: 2 chiếc là vệ tinh viễn thông (VNPT), thuộc nhóm địa tĩnh, bay ở độ cao 36.000 km (tính từ tâm TĐ). Hai vệ tinh nầy chuyên nhận tín hiệu viễn thông từ Việt Nam và phát lại trong vùng phủ sóng của chúng (ngoài ra còn cho các nước khác thuê kênh). 3 chiếc còn lại là vệ tinh tầm thấp chứng 400 km, chiếc của FPT vào quỹ đạo nhưng không liên lạc được. Hai chiếc khác đang hoạt động tốt.
Ưu điểm: rẻ tiền, Việt Nam cũng có 4 chiếc, vậy các nước giàu là bao nhiêu chiếc? Và toàn bộ thế giới là bao nhiêu chiếc? Phải nói là nhiều như muỗi bay quanh trái dưa hấu!
Khuyết điểm: Càng bay cao, hình chụp càng kém chính xác. Hơn nữa, vệ tinh tầm thấp bay nhanh quanh Trái Đất phải theo quỹ đạo riêng biệt (mà chiếu lên Trái Đất là hình sin). Vì thế việc khảo sát một vùng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, rồi chờ… đến chu kỳ kế tiếp vì vệ tinh đã ngoài khu vực khảo sát.
Các nước giàu khắc phục bằng cách gởi một đoàn vệ tinh: chiếc nọ nối chiếc kia nên hầu như vùng khảo sát được theo dõi liên tục. Đấy cũng là cách mà Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS) hoạt động với 24 chiếc vệ tinh thường xuyên hoạt động. Chiếc nào hết hạn thì phóng chiếc khác thế!

5-    Ở trên có nói là vệ tinh rẻ tiền, tuy thế mỗi chiếc kèm nhờ phóng cũng lên đến chục hay vài chục triệu đô. Mà sau thời gian ngắn hoạt động là bỏ (chừng vài năm). Nhiệm vụ lại cố định được thiết kế từ đầu.
Làm thế nào để thiết bị bay quanh quỹ đạo Trái đất nhưng lại thu hồi được, thiết bị bay đó phải lớn để dùng nhiều mục đích khác nhau. Câu đố nầy cả Liên xô (trước đây) và Mỹ theo đuổi. Nhiều phi thuyền dùng lại của 2 phía được dùng. Nhưng cho tới nay chỉ có nước Mỹ mạnh tiền cũng như công nghệ vẫn đang tiếp tục cuộc chơi!
Boeing X-37B
         
Bạn xem ảnh trên thấy Boeing X-37B cũng tựa như một máy bay nhỏ. Thế thì tha hồ mà chứa đồ. Hiện chúng vẫn là phi thuyền tự động, chưa có người điều khiển, nhưng rõ ràng với các chuyến bay thành công thì có người chỉ là chuyện nhỏ.
Boeing X-37B lên được quỹ đạo quanh Trái Đất nhờ tên lửa Atlas V. Sau đó chúng cứ bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất và làm việc gì thì có Trời mới biết! Chuyến đầu Boeing X-37B kéo dài đến 225 ngày, chuyến tiếp là 469 ngày và chuyến này là 670 ngày.

Tụi nầy khó nhất là khi đáp xuống mặt đất: Bay trên quỹ đạo đã nhanh (>7 km/s), động cơ phụ lái hướng chúi xuống Trái Đất. Vào lớp khí quyển, phần mũi sẽ nóng lên và sẽ đốt hết toàn bộ phi thuyền, vậy nên phải bung ra một tấm cản trước mũi. Ma sát vừa đốt nóng tấm cản vừa có tác dụng hãm tốc. Cách mặt đất vài chục cây số một hai dù lớn ở đuôi bung ra để có tốc độ tiếp đất an toàn. Lúc nầy các cánh nho nhỏ có nhiệm vụ nâng cho phi thuyền theo đà tiệm cận mặt đất.

Boeing X-37B được coi như đỉnh cao công nghệ không gian tầm thấp (quanh Trái Đất) hiện nay.


-------------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến