Triết học Phật giáo khởi nguyên là Triết học vô thần!
1- Người sáng lập:
Triết gia khai sáng tư tưởng Phật giáo là Tất-đạt-đa Cồ-đàm (tiếng Phạn, phiên âm Hán Việt), người mà sau nầy được tín đồ tôn xưng là Phật tổ. Sau khi Ngài giác ngộ ra chân lý dưới gốc Bồ đề (thập kỷ cuối thế kỷ thứ 6 TCN), Ngài đã thuyết giảng lại sự hiểu biết của mình cho đám đông theo Ngài (nhóm đệ tử đầu tiên). Mọi người tin theo tôn Ngài là Buddha (âm Hán Việt là Phật), mà Bud là nhận thức, dha là người. (Nếu không phiên âm là Phật, mà dịch sẽ là Thức giả, nghĩa là Đấng Hiểu biết). Ngài cũng được tôn xưng nhiều danh hiệu, trong đó phổ cập là Phật Thích Ca, có nghĩa là Đấng Hiểu biết của bộ tộc Thích Ca. Trong hơn 40 năm sau đó, Ngài đã đi khắp phía đông và bắc Ấn Độ để truyền bá triết lý mình hiểu. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn (Thoát khỏi vòng Luân Hồi, sinh tử), các đệ tử theo Ngài đã họp hình thành Tăng đoàn đầu tiên để truyền bá tư tưởng của Ngài. Chính tổ chức Tăng đoàn nầy ngày càng phát triển mạnh kèm theo số đông dân chúng tin theo, mặc nhiên một tôn giáo mới ra đời: Phật giáo.
2- Triết học Phật giáo:
Nội dung chân lý mà Phật tổ giác ngộ có 3 khái niệm quan trọng:
a- Luật Nhân Quả: Chi phối mọi hoạt động của sinh vật. Đã gọi là luật tất sẽ khách quan, nhưng có ý nghĩa về đạo đức hơn: Tất cả các hành động của sinh vật (Nhân) sẽ xảy ra sau đó hậu quả (Quả). Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, hoặc Ác lai Ác báo.
b- Luật Luân Hồi: Các giới sinh vật sau khi chết sẽ được đầu thai theo Luật Nhân Quả. Luân Hồi đã có từ Ấn giáo (Bà la môn).
c- Thoát ra vòng Luân Hồi sinh tử trên, con người sẽ được giải thoát. Muốn thoát khỏi vòng Luân Hồi, ta phải nhận thức đúng Luật Nhân Quả: Không tạo Nhân thì không nhận Quả, hay ít ra Nhân tốt thì gặt Quả tốt. Hành động tạo ra Nhân do Dục là lòng ham muốn mọi thứ. Vậy nên hành động cụ thể của tín đồ là diệt Dục! Để diệt Dục, ta phải Từ bi và Trí tuệ.
3- Đặc điểm của triết học Phật giáo:
Phật giáo (nguyên thủy) chỉ truyền bá triết lý như trên, để mọi người chiêm nghiệm trong tri thức, giác ngộ được Nhân Quả và Luân Hồi. Chỉ có hiểu biết và nhận thức sâu sắc mới chi phối hành động diệt Dục trong đời sống. Vậy đây là một triết học thuần lý hay Duy Tâm.
Phật giáo (nguyên thủy) không có Đấng Toàn năng như các tôn giáo khác. Ngay Đức Phật cũng chỉ là Đấng Hiểu biết (hay Đấng giải thoát), và do đó ai cũng có thể thành Phật. Vậy đây là triết học vô thần!
4- Phát triển của Triết học Phật giáo:
Các lời giảng của Đức Phật được nhóm học trò đầu tiên ghi lại, gọi là Kinh. Có rất nhiều bộ Kinh nói về Triết học Phật giáo, nói về biện pháp tu hành... Tuy thế, cũng ít người hiểu biết toàn bộ. Thậm chí có người chỉ lý giải sâu sắc vài bộ Kinh Phật đã có thể lập nên một phái nhánh trong Phật giáo (Vd Tịnh Độ tông với Phật A-di-đà làm giáo chủ! mà ở Việt Nam tin theo nhiều, Vd: Đám tang, hay nghe câu tụng niệm: "Nam mô A di đà Phật"...)
Nhiều tông phái trong Phật giáo sinh ra (Tôn giáo nào cũng thế) các tính chất sẽ khác đi ít nhiều so nguyên thủy. Đặc biệt, từ triết học vô thần ban đầu, Phật giáo đã biến thành hữu thần để thỏa mãn lòng mong muốn, cầu xin của tín đồ. Phật giáo truyền qua Trung Quốc càng sinh ra nhiều vị thần như thần Diêm Vương trông coi vòng Luân Hồi, Phật nữ cũng có, là Quán Thế Âm Bồ tát chuyên cứu khổ cứu nạn... Nhiều thần hơn, xin xem Tây Du ký.
Một triết học lớn sâu sắc cùng nhiều chi tiết rối ren đến khó hiểu như Phật giáo, không thể tóm gọn trong một bài viết nên bạn đọc cũng như các bậc thức giả thông cảm nha. Xem như bài viết là phổ cập tri thức!
Phu Truong. Nhân mùa Phật Đản vừa qua... 2021, lại nữa khi đọc tin tức, bà con mạng hay than hay rủa chữ Nghiệp chướng nhiều quá!