Translate

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Thư gởi con trai


Khác với lá thư mấy năm trước ba má gởi con để khuyến khích và động viên khi con học ở ĐH, giờ đây con đã lớn, đã làm việc tự nuôi mình, có đời sống riêng và lối suy nghĩ riêng nên lá thư nầy của Ba má gởi con chỉ là trao đổi những suy nghĩ về cuộc sống. Đương nhiên Ba Má hy vọng con đọc kỹ và nghiền ngẫm vì đó là những kinh nghiệm cuộc đời của Ba Má, mà đã là kinh nghiệm thông thường đều có trả giá, lúc rẻ lúc đắt, lúc ngọt bùi lúc cay đắng, và Ba Má hy vọng con hiểu được để đường đi cuộc đời bớt những gian truân.

1- Tình yêu trai gái là tất nhiên.


Trai gái lớn lên sẽ tìm đến nhau, đó là luật của muôn nơi và muôn đời. Có tình yêu trai gái, (gọi tắt là tình yêu) giống loài mới truyền thừa mãi mãi. Và quan trọng nhất, với thời gian hai người sống chung lâu dài, chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc sống hai người hạnh phúc và bền vững.
Để có tình yêu, tất yếu cần các điều kiện sau:

1a- Sự chọn lựa: Tình yêu là tình cảm thăng hoa mà trong đó hai người đều cảm thấy hòa hợp. Hòa hợp gồm nhiều mặt như quan niệm sống, lối sống, tính tình, tình dục... nói chung là rất nhiều. Nhấn mạnh lại rằng việc hòa hợp giữa hai người sẽ gồm rất nhiều vấn đề, rất nhiều khía cạnh cần xem xét. Bởi thế không phải một người bất kỳ đều có thể hợp với mình. Và để tìm một người hòa hợp cùng mình nhiều khía cạnh, đòi hỏi ta phải tìm, hay nói rõ ra, ta phải chọn lựa giữa nhiều ứng viên!
Người ta có nói về "Tình yêu sét đánh", gặp là yêu. Những chuyện như thế thông thường là sách báo và cường điệu. Có thể người ta bị cuốn hút về mặt nào đó: nhan sắc, xử sự hay thậm chí giọng nói, ánh mắt... Các điều trên chỉ cảm xúc nhất thời, mà dân mạng hay dùng từ "say nắng", nghĩa là thích thú và muốn gần gũi một đối tượng nào đó. Chắc chắn không hiếm nhiều người bị sét đánh hay say nắng sau đó tỉnh mộng, muốn tránh xa, có chăng chỉ còn chút quyến luyến như một kỷ niệm đẹp.
Gút 1a- Tình cảm với một đối tượng, nếu không có sự so sánh hòa hợp với nhiều đối tượng khác, tình cảm đó là tình cảm phiến diện, không sâu sắc, thậm chí dễ tan vỡ.

1b- Sự gần gũi: Tình cảm phát sinh phải giữa hai đối tượng gần gũi nhau. Nếu không ở cùng nhà làm sao có tình mẹ con, cha con, tình anh chị em? Nếu không ở cùng xóm làm sao có đứa bạn cùng thả diều? Nếu không học cùng lớp sao gọi là bạn học? Trong những bạn học, chỉ những người thường xuyên tiếp xúc mới gọi là bạn thân...
Như vậy cơ sở của tình yêu là sự gần gũi. con có nghe câu đúc kết tán gái không: "Đẹp trai không bằng chai mặt" mà trong đó chai mặt ngoài việc kiên trì (lỳ) là bao gồm sự tiếp xúc gần gũi. Hoặc câu "Nhất cự ly, nhì cường độ" nêu bật ý nghĩa then chốt của sự gần gũi.
Việc gần gũi, bên cạnh chuyện bồi dưỡng tình cảm, cùng chia sẽ ngọt bùi đắng cay, thì gần gũi là điều kiện cần để hiểu rõ đối tượng. Và thời gian gần gũi bên nhau nhiều ta mới có cơ sở để kết luận đối tượng có hòa hợp với ta nhiều hay không.
Quen nhau qua thư từ thì chỉ là cảm xúc cần lưu ý, quá lắm là bạn bè. Rất khó để nói rằng qua thư đã phát sinh tình yêu! Rất nhiều người lầm lẫn điều nầy khi lần đầu hò hẹn. Vì là tình cảm gái trai lần đầu tiên phát sinh nên đa số đều rung động, đều choáng ngợp chân trời mới mà mình vừa khám phá. Nâng niu thậm chí tôn thờ đối tượng, tất cả những gì thuộc về đối tượng đều là nhất mà quên đi sự tỉnh táo khi đánh giá một người. Trạng thái đó gọi là yêu điên cuồng!
Gút lại 1b- Tình yêu phát triển trên sự gần gũi là tình yêu bền chặt

1c- Sự hy sinh: Bên cạnh việc hòa hợp nhiều mặt, tình yêu là sự lo lắng cho nhau, chăm sóc cùng nhau, lấy nỗi đau đối tượng làm nỗi đau của mình. Tác phẩm "Anh phải sống" của Nhất Linh kể về người vợ buông tay níu chồng, chìm vào dòng lũ để chồng còn sức tàn bơi vào bờ hầu nuôi con thơ nói lên điều đó: yêu là chấp nhận hy sinh thậm chí cả tính mạng mình. Phim Titanic con cũng coi rồi: anh chàng run rẩy buông tay chìm trong nước biển lạnh cóng mong cô nàng trên phao được sống sót.
Để có việc an ủi, săn sóc, thậm chí hy sinh trong tình yêu, đòi hỏi hai người phải sống gần gũi nhau. Đương nhiên việc hy sinh có thể từ những việc rất nhỏ: ví dụ, anh sẽ từ bỏ đam mê game, và chăm làm để kiếm nhiều tiền hầu sống tốt cùng em, hoặc em sẽ phơi nắng bán hàng để mong chung ta có thu nhập khá hơn... Chính những việc hy sinh nầy tác động vào tâm tình chúng ta nhiều hơn, sâu sắc hơn để làm cho tình yêu thêm bền chặt.
Chỉ cần không dám hy sinh một chuyện nhỏ cho nhau, tình yêu đó là tình yêu vị kỷ = vì mình, tình yêu ích kỷ = chỉ lợi mình. Thứ tình cảm nầy không bao giờ bền chặt.
Gút lại 1c- Sự hy sinh làm cho tình yêu thêm sâu sắc.

1d- Ở đây ba không nói nhiều về hòa hợp tình dục, nhưng tình dục là một phần của tình yêu và hôn nhân. Thường rất nhiều trên báo, đọc thấy khá ngớ ngẩn: cưới rồi mới biết đối tượng là đồng tính luyến ái. Chưa kể nhóm người có nhu cầu tình dục quá cao hay quá thấp; các điều trên dễ làm hôn nhân đổ vỡ. Có thể hiểu mức độ hòa hợp tình dục chỉ có cách gần gũi, và thử mới biết!
1d- Hòa hợp tình dục là điều quan trọng với tình yêu và hôn nhân.

2- Hôn nhân

Đỉnh cao của tình yêu là hôn nhân, là sự sống chung dưới pháp luật chứng nhận. Hôn nhân là cơ sở để một gia đình mới hình thành và duy trì thế hệ nối tiếp. Để đảm bảo hôn nhân hạnh phúc cần phải có điều kiện...

2a- Quyết định đại sự: Hôn nhân là chuyện sống chung cả đời nên cần phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định. Người ta hay nói hôn nhân là "Chung thân đại sự" là vì vậy. Ai ai cũng mong muốn hôn nhân bền vững nhưng rõ ràng không phải tất cả đều được như ý: vẫn có cặp đôi ly hôn do khiếm khuyết hòa hợp bộc lộ rõ sau thời gian vợ chồng. Trường hợp nầy, việc ly hôn là cần thiết nhưng sẽ gây đau đớn cho nhiều người: vợ, chồng, con cái và cả bà con hai bên...
Để có quyết định đại sự, phải chứng minh được cả hai đều có tình yêu với nhau sâu sắc, có như thế cả hai mới cùng nhau vượt qua gian khó. Nếu tình yêu sâu sắc chỉ một trong hai người, hôn nhân là bi kịch, thậm chí tan vỡ.
Gút lại 2a- Tiến đến hôn nhân chỉ khi cả hai cùng yêu nhau sâu đậm, và sẵn sàng hy sinh chịu khó cùng nhau.

2b- Tài chánh: Trừ những ai sống lụi, bất kể chuyện gì xẩy ra, bất kể ngày mai ra sao. Đa số mọi người đều biết rằng việc hôn nhân cần tài chánh khá lớn...
* Tổ chức cưới: Dù là nông thôn, tiệc cưới cũng cần khoảng 50 triệu đồng. Thành phố thì hơn xa con số nầy. Khá nhiều cặp tổ chức cưới, do vung tay quá trán, đến nỗi suốt 3, 4 năm sau cưới vẫn lo làm trả nợ.
* Chi tiêu gia đình: Khác với độc thân có thể sống với chi phí thấp nhất, chi tiêu gia đình thường cao hơn nhiều do các nhu cầu của gia đình mới. Vì thế cần phải xem xét nghiêm túc tiền lương của cả 2 làm được. Nói cách khác, chỉ khi tiền lương cả 2 người có thể nuôi được 3 đến 4 người, hôn nhân mới tạm đảm bảo về mặt tài chánh. Nói là tạm vì nhu cầu là vô cùng theo thời gian.
Gút lại 2b- Chi phí cho hôn nhân thường cao hơn nhiều so dự trù.

2c- Hạch toán gia đình:
Vì chi phí cho nhu cầu gia đình khá cao, chưa kể nhu cầu mỗi bản thân; trong khi tiền lương là hữu hạn, thậm chí phải nói đa số là thấp; Sự chi tiêu của gia đình và của mỗi bản thân đều phải lên kế hoạch, dự trù trước.
* Ý tưởng vay mượn nhằm bù đắp thiếu hụt chi tiêu cần phải loại bỏ ngay từ đầu. Nếu một trong hai người có ý tưởng nầy, gia đình thời gian sau chắc chắn sẽ lâm vào vỡ nợ thê thảm.
* Đương nhiên là người vợ giữ tài chánh và toàn quyền quyết định trong chi tiêu hằng ngày với định mức dựa trên đồng lương. Các chi tiêu lớn buộc cả hai người cùng lên kế hoạch. Hạn chế tối đa các chi tiêu lớn đột xuất.
* Trong đồng lương còm cõi, ngoài chi tiêu ăn uống và các nhu cầu thiết yếu khác, phải tiết kiệm tích lũy hằng tháng một phần nhất định cho ốm đau, cưới hỏi, tang lễ...
Gút lại 2c- Chi tiêu mọi việc trong gia đình cần phải hạch toán theo lương.

3- Thực tế:
Trở lại với việc con đang yêu, với Ba Má xem, đó là chuyện bình thường. Nhưng Ba Má yêu cầu con tỉnh táo để phân tích hiện thực của mình: Là tình yêu như các điều kiện trên chăng? Hay ở mức độ nào? là tình cảm quyến luyến mà thôi chăng...
Ngoài ra, con cũng cần tìm hiểu thêm các đối tượng khác, vì rõ ràng với nhiều người quen biết hơn, việc quyết định tình cảm càng thêm đúng hơn.
Đương nhiên Ba khuyến khích con tìm hiểu, thì người quen của con cũng có quyền tìm hiểu thêm... điều nầy không có gì lạ và không có gì ràng buộc cả. Tuy thế Ba vẫn nêu lên vì ngại rằng người quen của con nếu một mai không còn quen con nữa, điều nầy sẽ gây sốc cho con . Việc nầy Ba đã từng!
Còn kế hoạch học tập noại ngữ của con thì Ba Má luôn luôn ủng hộ. Con học thêm được điều gì thì công việc tương lai có khả năng thuận lợi hơn. Tuy nhiên Ba lưu ý, khi lập một kế hoạch và thực thi chúng, phải luôn luôn ngờ việc kế hoạch thất bại. Có như thế ta mới chủ động trong cuộc sống, Hơn là việc chăm bẵm theo kế hoạch, đến khi không như ý lại thất vọng chán chường.
Ba má mong sao con mỗi lúc mỗi trưởng thành, suy nghĩ mọi điều chín chắn trước khi quyết định một việc gì trọng đại, và nếu có điều gì phân vân, hãy tham khảo ý kiến Ba Má. Chúc con công tác thuận lợi, sớm tăng lương và nhiều sức khỏe.
30/3/2014


Ba Má.

----------

Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Mùa xuân tính từ thời điểm nào?

1- Câu hỏi: Mùa xuân từ thời gian nào đến thời gian nào sẽ làm rất nhiều người bối rối. Thói quen đơn giản cứ cho rằng theo dương lịch mà tính, cứ tháng 1, 2, 3 là mùa xuân, và cứ tiếp theo mỗi 3 tháng sẽ là hạ, thu rồi đông. Kết thúc tháng 12 là trong mùa đông với ngày Chúa giáng sinh 25/12 tuyết rơi lạnh lẽo, nghe cũng bùi tai...

Nhưng đã qua tháng 1, thời tiết có nơi còn lạnh cóng. vậy sao gọi mùa xuân? Vậy nên lại có người đề nghị lấy âm lịch mà tính. Cứ từ tết ta (Nguyên đán) mà đếm như trên, tháng 1, 2, 3 là mùa xuân, 3 tháng kế là hạ cho đến thu, đông. Sự điều chỉnh nầy về tổng thể cũng khá hợp lý về mùa màng, nhưng cũng có vẻ không ổn: Tết Nguyên đán chiếu theo dương lịch thì trồi sụt thất thường, lại nữa đến năm nhuận lại thành 13 tháng, không lẽ có mùa nào đó lại kéo dài đến 4 tháng âm?


2- Các mùa tạo ra do sự di chuyển của Trái đất trên quỹ đạo quanh Mặt trời. Ứng với mỗi vị trí Trái đất trên quỹ đạo, sẽ nhận tia sáng từ Mặt trời rọi đến theo các góc khác nhau. Chính ánh nắng chiếu theo góc khác nhau đến các vị trí trên Trái đất, nghĩa là lượng nhiệt đem đến từng địa phương khác nhau sẽ tạo thời tiết khác nhau trên Trái đất.


a- Xét một vị trí trên Trái đất, thời tiết lần lượt thay đổi tuần hoàn theo Trái đất di chuyển trên quỹ đạo. Tập hợp mảng thời tiết tương đối giống nhau tạo nên mùa với xuân, hạ, thu và đông. Vì mùa căn cứ trên sự di chuyển của Trái đất trên quỹ đạo, rõ ràng tính các mốc mùa phải dựa hoàn toàn vào dương lịch.
[Dương lịch tính ngày tháng theo chuyển động Trái đất quanh Mặt trời. Âm lịch tính ngày tháng dựa trên chuyển động Mặt trăng quanh Trái đất].

b- Xét trên một kinh tuyến bất kỳ (kinh tuyến là đường nối 2 cực Trái đất), các vĩ độ khác nhau sẽ có thời tiết khác nhau do khác góc chiếu rọi của Mặt trời (vì Trái đất tròn). Hơn nữa, trục Trái đất tự quay lại nghiêng (23o 27') so mặt phẳng quỹ đạo Trái đất, hậu quả là thường có một nửa Trái đất phía bắc, hoặc phía nam nhận nhiều ánh nắng hơn phía kia vào ban ngày. Từ đó sinh ra mùa đối nghịch giữa 2 nửa bán cầu bắc, nam.

Vậy mùa còn căn cứ trên vĩ độ của địa phương. Tổng thể chia thành các đới khí hậu: Xích đới là khu vực quanh xích đạo (chừng +-5o), ở đây quanh năm nóng ấm hay quanh năm là mùa xuân hạ. Nhiệt đới kề xích đới cho đến chí tuyến (23o 27') thời tiết hai mùa mưa nắng, lạnh không đáng kể. Ôn đới từ chí tuyến 23o 27' đến vòng cực 66o 33' có 4 mùa rõ rệt. Hàn đới trong vòng cực quanh năm lạnh giá, một năm chỉ có 1 ngày: ban ngày dài 6 tháng thấy Mặt trời luẩn quẩn xa xa, và ban đêm 6 tháng...

3- Trên phân tích ở mục 2, ta kết luận mốc các mùa dựa trên dương lịch, và tùy vĩ độ mà tính. Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới nên dùng lịch mùa cho đới nầy. Cần lưu ý phía bắc có vĩ độ gần chí tuyến bắc nên nói chung khí hậu bắc Việt nam có thể có 4 mùa rõ rệt. Còn phương nam, gần sát xích đới, lại bao quanh bởi biển cả nên nam Việt Nam quanh năm nóng ấm. Có câu hát gì đấy: "Anh ở trong nầy không thấy mùa đông" là vì vậy.

a- Cần nhấn mạnh ngày Tết (1/1) chỉ là bắt đầu cho lịch năm mới, dương lịch hay âm lịch, mà không liên quan gì đến mốc các mùa trong năm.
Các vùng văn hóa khác nhau sẽ dùng lịch khác nhau và đương nhiên có Tết khác nhau. Ta đã quen Tết tây, Tết ta. Phía nam có Tết của người Khmer (Chol Chnam Thmay) khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Tết Lào (Bunpimay) dịp rằm tháng tư âm lịch (lễ Phật đản)...

b- Các mốc mùa ở đây theo dương lịch ở bán cầu bắc. Với bán cầu nam sẽ ngược 6 tháng: hạ thành đông và xuân thành thu.

- Mùa xuân nhiệt đới bắt đầu từ đầu tháng 2. Mùa xuân ôn đới đến chậm hơn 1 tháng rưỡi: giữa tháng 3.
Để cố định mốc, người ta chọn các vị trí ý nghĩa của Trái đất trên quỹ đạo, (hay vị trí biểu kiến của Mặt trời trên Hoàng đạo). Các mốc ngày sau có thể xê dịch 1 ngày, sớm hay muộn.

- Mùa xuân nhiệt đới từ ngày Lập xuân 4/2. Mùa xuân ôn đới từ ngày Xuân phân 21/3.
- Mùa hạ nhiệt đới từ ngày Lập hạ 6/5. Mùa hạ ôn đới từ ngày Hạ chí 21/6.
- Mùa thu nhiệt đới từ ngày Lập thu 7/8. Mùa thu ôn đới từ ngày Thu phân 23/9.
- Mùa đông nhiệt đới từ ngày Lập đông 7/11. Mùa đông ôn đới từ ngày Đông chí 22/12.

[Xuân phân: giữa xuân của nhiệt đới, Hạ chí: giữa hè, Thu phân: giữa thu, Đông chí: giữa đông].


Hình trên: Xích đới màu hồng, quanh năm nóng ấm. Nhiệt đới và ôn đới bắc bán cầu vào các mùa cách nhau tháng rưỡi. Hàn đới lạnh quanh năm có 6 tháng tối và 6 tháng sáng liên tục.

4- Bên lề:
- Các tên ngày như Xuân phân, Đông chí... dùng ở trên, nghe rõ là từ lịch Tàu, hay từ âm lịch. Nhưng thực ra các mốc nầy hoàn toàn là các mốc cố định của dương lịch. Âm lịch phải tính theo dương lịch nên giờ đây chúng gọi là âm-dương lịch.
- Khâm thiên giám Tàu đưa các mốc như Lập xuân, Lập hạ... để áp dụng cho đế quốc Tàu. Thực ra đế quốc Tàu nằm ở ôn đới, các mùa phải muộn hơn, thành ra các mốc trên lại thích hợp cho Việt Nam thuộc nhiệt đới.
- Trong các ngày mốc trên, đi vào âm nhạc là ngày Lập đông:
"Trời lập đông chưa anh, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi..." Bài Mùa đông của anh.
- Lịch sử cận đại Việt Nam: Ngày QĐND 22/12 hằng năm là ngày Đông chí.
- Ngày 4/2 Lập xuân (3/2 ĐCSVN)


----------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Sóng hấp dẫn. Phát hiện vĩ đại đầu thế kỷ 21

1- Bạn có nhớ câu chuyện bên lề về Newton với trái táo rụng? Tại sao trái táo chín lìa cành rơi xuống đất? Hóa ra là do Trái đất hút nó về mình, và suy rộng ra, mọi vật đều hút lẫn nhau: Mặt trời hút Trái đất và Trái đất cũng hút Mặt trời, Trái đất hút Mặt trăng và Mặt trăng cũng hút Trái đất, Anh hút Em và Em cũng hút Anh... Gọi chung là vạn vật hấp dẫn.

2- Sự việc trên quá cụ thể, thậm chí Newton đã tính ra lực hấp dẫn giữa hai vật: Lực hấp dẫn tỉ lệ thuận với khối lượng hai vật và tỉ lệ nghịch với khoảng cách tâm hai vật.
F = GMm/r2
Trong đó G là hằng số hấp dẫn, Mm là tích khối lượng hai vật và r là khoảng cách.
Lực hấp dẫn khá yếu, nên chỉ thấy được khi tích Mm khá lớn, nghĩa là với vật có khối lượng rất lớn như thiên thể, còn như đối tượng Anh và Em, tuy có sức hút tự nhiên nhưng không đáng kể. (Trường hợp đặc biệt thì Lực tình cảm đột biến thành Cuốn hút).

3- Tuy làm toán rành mạch như thế, nhưng sức hút (lực hấp dẫn) là cái gì thì ai cũng chào thua, chẳng ai rõ cơ chế tại sao hai vật lại hút nhau! Tôi nói câu nầy trong thời điểm nầy (2014) vẫn có giá trị, mặc cho nhiều lý thuyết vật lý hiện đại cố giải thích cơ chế, vì các lý thuyết về hấp dẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào!

4- Thời Newton xây dựng công thức trên (cơ học cổ điển) cách đây đã 300 năm. Ông quan niêm quanh các vật đều có Trường hấp dẫn, Trường hấp dẫn nầy (môi trường tương tác hấp dẫn) là cái gì đấy có tác dụng tức thời.
Cơ học hiện đại cũng công nhận Trường hấp dẫn. Nhưng đã là Trường thì phải có hạt để tương tác mới tạo ra Trường, cũng như Trường điện từ phải có hạt điện tử tương tác. Vậy Trường hấp dẫn phải có hạt hấp dẫn (hạt Graviton) để tương tác. Nhưng hạt Graviton cho đến nay (2014) vẫn chưa tìm được!
[Năm trước thế giới đã tìm ra hạt Higgs phụ trách tương tác khối lượng, chả biết hạt khối lượng nầy có liên quan đến tương tác hấp dẫn không, vì công thức hấp dẫn phụ thuộc chủ yếu đến khối lượng.]

5- Chưa tìm được thì kệ nó, ta vẫn xem nó hiện diện để hợp logic. Newton chưa biết cơ chế hấp dẫn vẫn xây dựng được công thức tính lực hấp dẫn cơ mà!
Các hạt tương tác trong Trường thông thường có hai đặc tính sóng và hạt. Và cơ học hiện ,đại quan niệm rằng sóng phải có vận tốc; Cứ cho sóng hấp dẫn nầy có vận tốc cao nhất, bằng vận tốc ánh sáng, thì khi sóng hấp dẫn tương tác trong không gian vũ trụ cũng cần có thời gian, thậm chí là thời gian rất lớn. Đây là quan niệm khác với Newton khi cho rằng tương tác hấp dẫn là tức thời.

6- Lý luận chặt chẽ như thế, nhưng cho đến nay chả ai biết sóng hấp dẫn là cái gì, chưa ai đo đếm nó, hoặc ít ra cảm nhận nó. Từ vài chục năm trước, các nhà khoa học trên thế giới bắt tay xây dựng ăng ten hấp dẫn: Đấy là những khối kim loại rất lớn hàng trăm tấn, trên thân mang đầy cảm biến. Nếu có sóng hấp dẫn tương tác, khối kim loại sẽ biến đổi. Tiếc rằng các cảm biến rất nhạy chả thu được tín hiệu gì...
Để khuếch đại ăng ten, người ta dùng 2 thanh kim loại lớn gắn chặt vào đất và cách nhau rất ra, xem như Trái đất cũng là khối kim loại nối liền 2 thanh kim loại ăng ten trên. Kết quả vẫn chả thấy gì!

7- Cần lưu ý, vd trong Trường ánh sáng, ta ghi nhận được ánh sáng vì các hạt photon tương tác tạo nên các phản ứng: trong mắt là phản ứng hoá học, trong đi ốt quang là phản ứng điện, hoặc như Trường điện từ sẽ ghi nhận các phản ứng tín hiệu điện. Mà ở đây, Trường hấp dẫn, với hạt giả thiết Graviton chưa biết, thì dù cho Trường hấp dẫn tồn tại sờ sờ trước mắt đấy, chả ai phủ nhận, nhưng biết ghi nhận gì đây khi hạt Graviton chả biết tương tác ra sao...
Vì thế, khi xây dựng ăng ten hấp dẫn, người ta không hy vọng ghi nhận trường hấp dẫn hiện hữu, mà chỉ chăm bẵm các sóng hấp dẫn sinh ra do một biến đổi thình lình về khối lượng siêu lớn, ví dụ các vụ nổ sao, hy vọng chúng sẽ phát ra sóng hấp dẫn có mức thay đổi có thể ghi nhận được...

8- Trong những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin về Sóng hấp dẫn sau vụ nổ Big-Bang. Bạn thấy đấy, vốn việc dò tìm sóng hấp dẫn đi vào bế tắc thì đùng một cái, đã tìm ra dấu vết sóng hấp dẫn, hỏi sao thế giới không mừng? Ta điểm qua các báo...
Trích báo Tuổi Trẻ:
Hôm 17-3 công bố gây chấn động giới khoa học thế giới: Phát hiện về sóng hấp dẫn của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ).
Các nhà thiên văn học Mỹ tuyên bố đã phát hiện sóng hấp dẫn ngay sau vụ nổ Big Bang. Khám phá này được coi là chấn động khi vén dần bức màn về sự khai sinh của vũ trụ.

Hệ thống kính thiên văn BICEP 2 tại Nam cực - Ảnh: National Geographic
Ngay khi thông tin về sóng hấp dẫn B-mode được phòng thí nghiệm BICEP2 công bố hôm 17-3, giáo sư Đàm Thanh Sơn, nhà vật lý nổi tiếng của VN và là người đang dạy tại ĐH Chicago (Mỹ), đã hào hứng viết trên blog “đây có thể là phát hiện vật lý lớn nhất trong hàng chục năm nay!”. Ông gọi phát hiện là “điều mong ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong!”.
Trích Thư viện Vật lý:
Báp VietQ
9-Tóm tắt
a- Bạn chú ý: Trong khi đa số các báo giật tít là tìm ra sóng hấp dẫn, ở mục 8 tôi viết chữ nghiêng và màu đỏ là dấu vết sóng hấp dẫn.
b- Ở mục 7, tôi có viết, người ta hy vọng tìm thấy sóng hấp dẫn sau một biến đổi thình lình về khối lượng siêu lớn. Mà thay đổi khối lượng lớn nhất là vụ nổ hình thành vũ trụ cách đây 14 tỷ năm. Đương nhiên sóng hấp dẫn lúc đó giờ đã biến mất.


c- Tàn dư vụ nổ hiện vẫn còn ghi nhận, các sóng vô tuyến với bước sóng vài ly đến vài phân hiện diện đều mọi hướng trong vũ trụ. Còn gọi là Bức xạ nền vũ trụ hay Bức xạ tàn dư vũ trụ. Bức xạ nầy được thu qua máy vô tuyến từ năm 1964 (Mỹ. Hai người phát hiện đều được giải Nobel). Năm 1989 vệ tinh COBE (Mỹ) chụp ảnh toàn bộ bức xạ phông nền vũ trụ nầy.

d- Bức xạ tàn dư vũ trụ nói trên, tuy bước sóng khác, nhưng chúng cũng có tính chất như ánh sáng (Bức xạ điện từ), đó là sự phân cực ánh sáng khi qua các môi trường khác nhau.
Mà bức xạ tàn dư vũ trụ, nếu tương tác với sóng hấp dẫn thời đó, người ta tính ra bức xạ nầy phải phân cực theo kiểu B-mode. Kiểu B - mode nầy là gì thì tôi chưa đọc lại, chúng ta cứ biết thế thôi.
e- Nhóm khoa học gia Mỹ (trong đó có người gốc Việt) ở Nam cực đã khảo sát bức xạ tàn dư vũ trụ, và nhận ra có phân cực B-mode!
Kết luận: Đấy là dấu vết sóng hấp dẫn, là một phát hiện to lớn, mà có người đánh giá ý nghĩa còn lớn hơn việc tìm hạt Higgs!
Khoa học mãi mãi tiến bộ!

----------
Xem trực tiếp toàn bộ blog Chuyện Linh Tinh

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Cách dịch nguyên một trang web nhờ Google.

1- Bài viết mặc định dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt với trang Google. Các bạn có thể dùng địa chỉ sẵn sau đây:
translate.google.com.vn/#en/vi/

Đương nhiên ta cũng có thể dùng các ngôn ngữ khác, trên trang Google cho phép chọn lựa, và ứng mỗi chọn lựa, địa chỉ sẽ thay đổi. Ví dụ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt:
translate.google.com.vn/#fr/vi/

Với trang nầy cho phép ta dịch một đoạn văn: Copy nội dung cần dịch và Paste vào khung.
Nội dung dịch khá thô, cần tham khảo bản chính để nắm rõ hơn.
Chỉ thích hợp cho người biết tiếng nước ngoài với một trình độ nhất định.

2- Để có thể dịch cả trang web giữ nguyên cấu trúc, bạn có thể làm thô sơ như sau. Ví dụ trang Huffington Post với URL là www.huffingtonpost.com
Với Chrome (trình duyệt web của Google), hoặc trên cửa sổ tìm kiếm của Google, bạn gõ hay dán từ huffingtonpost.
(không có http:// hoặc không www. và cũng không có đuôi sau như .com)

Kết quả tìm kiếm sẽ hiện một loạt trang web có liên quan với từ huffingtonpost. Dưới mỗi địa chỉ tìm được, bạn cú ý dòng "Dich trang này". Bạn hãy tìm trang web thích hợp, ở đây là www.huffingtonpost.com và nhấn vào dòng "Dịch trang này" kèm theo.

3- Khi cả trang web được dịch hiện lên, bạn chú ý thanh địa chỉ: Như ở trên, sẽ có địa chỉ là:
http://translate.google.com.vn/translate?hl=vi&sl=en&u=http://www.huffingtonpost.com/

Vậy thì lệnh nhờ Google dịch nguyên trang web tiếng Anh sang tiếng Việt, câu lệnh gồm 2 phần, phần đầu là lệnh dịch Anh-Việt, phần sau là địa chỉ web được dịch.
Phần sau sẽ là &u=http://www.huffingtonpost.com/
nghĩa là "và địa chỉ trang là http://www.huffingtonpost.com/"
Để đơn giản và dễ nhớ, ta xem phần sau bắt đầu từ http://
và phần đầu là dãy chữ phía trước:

http://translate.google.com.vn/translate?hl=vi&sl=en&u=

Từ đây, muốn dịch nguyên trang web nào, ta chỉ việc nối thêm địa chỉ trang web ấy vào phần đầu của lệnh trên.
Ví dụ trang http://www.nature.com/
(Có đầy đủ http://www ở trước)
Ta nối thành:
http://translate.google.com.vn/translate?hl=vi&sl=en&u=http://www.nature.com/

Bạn copy dán vào thanh địa chỉ của trình duyệt web và truy cập, nội dung nguyên trang web được Google dịch hiện ra...


Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Vec tơ tình yêu

Tình yêu có cường độ và phương hướng. Với 2 đặc điểm nầy, tình yêu có thể diễn tả bằng vec tơ. Vì thế bài viết nầy có tiêu đề là vec tơ tình yêu.

Về cường độ tình yêu: Tình yêu có cường độ từ âm sang dương. Mang dấu trừ là khó chịu, nặng hơn là ghét. Cực âm là căm thù muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Giữa âm và dương là zero, nghĩa là bàng quang như với người qua đường không cảm xúc. Dương thì mến, thích, yêu và yêu điên cuồng. Diễn tả như trên chỉ là khái niệm vì đến nay chưa định lượng được cường độ của tình yêu. Vì không ai biết rõ cường độ tình yêu mỗi người, do đó thường có so sánh phóng đại hết cỡ, đại loại như:
"Anh yêu em mãnh liệt như bão tố cuồng phong cho đến khi thiên hôn địa ám!"

Về phương hướng của tình yêu, đây là chủ đề bàn luận chính của bài viết.
Tổng quát, tình yêu có 2 hướng đối nghịch là hướng nội và hướng ngoại. Chúng ta bàn về tình yêu hướng ngoại trước.

A- Tình yêu hướng ngoại:


A1- Phương xuống (theo trực hệ. Trực hệ ở đây chỉ bàn luận tình yêu cùng huyết thống theo dạng ông bà - cha mẹ - con cái. Bài viết chú trọng dạng trực hệ nầy.)


Theo bản năng, cha mẹ bao giờ cũng dành nhiều tình yêu cho con cái. Có lúc người ta phân ra tình cha con (phụ tử) và tình mẹ con (mẫu tử) mà tình mẹ con được tôn dương. Chính nhờ bản năng tình mẹ con mà (đa số) các giống loài động vật bậc cao được  duy trì và phát triển.
Thành ngữ Việt nam có câu: "Nước mắt chảy xuôi", nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái.
Kết luận: Tình yêu phương xuống thuộc bản năng.
Định lý 1: Tình yêu con cái có cường độ mạnh nhất trong tất cả tình yêu hướng ngoại.

A2- Phương ngang (theo trực hệ)

Giai đoạn ấu niên và thiếu niên, trẻ nhỏ thường phát triển tình yêu với anh chị em cùng cha mẹ (hoặc cùng cha, cùng mẹ). Đây cũng là bản năng do việc gần gũi thân thiết. Tình yêu giữa anh chị em để đùm bọc nhau giúp cùng nhau phát triển.
Tuổi thanh niên trưởng thành, con người cũng như các loài động vật khác tự động rời khỏi mái ấm che chở của mẹ cha, để độc lập xây dựng một gia đình mới: tình yêu đực cái hay tình yêu gái trai phát triển. Tình yêu theo phương ngang nầy là tình yêu bản năng để duy trì nòi giống qua việc giao phối. Đương nhiên với con người, tình dục là cần thiết nhưng lại đặt sau nhiều vấn đề khác, tỉ như tâm hồn, sở thích, tình cảm, tiền bạc, địa vị...


Định lý 2: Tình yêu gái trai có cường độ mạnh nhất trong các loại tình yêu phương ngang.

Xưa tụi Tàu nhồi nhét dân Việt những đạo lý phản động khi cho rằng "anh (chị) em như tay chân, vợ chồng như quần áo (huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục)". Ý chúng bảo tình yêu máu mủ mới trọng, còn vợ chồng thì dễ kiếm như quần áo. Hãy nhớ rằng huynh đệ quý đấy, nhưng mỗi người dần dần tạo mỗi gia đình riêng. Còn vợ hay chồng chính là người cùng sống chung chúng ta đến đầu bạc răng long, và vợ hay chồng tuy khác huyết thông, nhưng lại chung sức tạo nên dòng dõi phát triển. Có vợ có chồng mới có con cái, vậy nên vợ hay chồng đương nhiên quý hơn xa anh chị em ruột!

A3- Phương lên (theo trực hệ)

Nhũ nhi mở mắt chỉ biết đói khóc cho đến khi có vú mẹ đút vào mồm. Vì thế trẻ nhỏ mến yêu bầu sữa trước tiên, và khi nhận được người có bầu sữa kỳ diệu ấy, tình cảm đầu tiên của nhũ nhi là tình cảm dành cho mẹ. Mẹ là người nuôi nấng, chăm sóc, vỗ về, an ủi nên đứa con thường dành tình cảm lớn nhất cho mẹ.
Với người cha, đầu tiên đứa trẻ nhận ra sự quen biết (do thường xuyên ở chung). Nhờ sự nâng niu săn sóc của người cha, đứa trẻ dần phát triển tình cảm cha con. Tuy thế, tình yêu trẻ dành cho mẹ luôn lớn hơn dành cho cha.
Tuổi thiếu niên, nhờ tiếp xúc xã hội, đứa trẻ có nhiều bận tâm hơn với học tập thầy cô, bạn bè nô đùa nên tình cảm với cha mẹ suy giảm phần nào.

Trưởng thành thì gái trai theo bản năng tìm đến nhau. Lúc nầy thì tình yêu phương ngang đặc biệt nầy hoàn toàn lấn lướt tình yêu phương lên của trẻ trước đây. Đến lúc em bé thế hệ mới ra đời, lại có thêm tình yêu phương xuống: Đứa trẻ dạo nào giờ đã trở thành cha mẹ, và tình yêu phương xuống kèm tình yêu phương ngang đã lấn áp tình yêu phương lên hồi xưa.

Định lý 3: Tình yêu cha mẹ sâu đậm nơi trẻ nhỏ. Lớn lên chỉ còn lòng kính trọng và săn sóc cha mẹ già. Tình yêu cha mẹ không thể sánh bằng tình vợ chồng và tình yêu con cái.

Đấy là thực tế, và cũng chẳng có gì trái ngược với đạo lý hiếu thuận. Nếu có ai đó bị trách bất hiếu, tất cả chỉ do thiếu săn sóc cha mẹ khi cha mẹ đã già nua.
Một số bậc cha mẹ thiếu ý thức, hoặc cảm thấy tình yêu của đứa con dành cho mình giảm sút, mà hướng về chồng hay vợ, bèn nổi máu ganh ghen! Có bậc cha mẹ lại xâm phạm thô bạo vào đời sống vợ chồng con mình, đến khi con mình trái ý lại bù lu lù loa kêu rằng bất hiếu, các bậc cha mẹ dạng nầy thiệt là bậy và thiếu văn hóa!

B- Tình yêu hướng nội:

Tình yêu hướng nội là yêu mình và vì mình. Đây cũng là dạng tình yêu xuất phát từ bản năng cầu sinh, phải tranh đua với các cá thể khác để tồn tại. Tất cả các cá thể động vật kể cả con người đều ít nhiều có tình yêu về mình nầy, nói tắt là yêu mình.

Xã hội loài người tiến hóa, thứ tình yêu mình nầy bị hạ thấp so các tình yêu hướng ngoại. Hướng ngoại ở đây còn bao gồm tình nhân loại, tình đồng chí, tình quê hương tổ quốc...vv. Vì thế, cả xã hội tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa đều đề cao tính hy sinh cho cộng đồng: "Mình vì mọi người".

Dạng yêu mình trong xã hội hiện đại cho phép dưới sự tranh đua. Các cá nhân có quyền nỗ lực tự bản thân để vươn lên. Tranh đua nhưng vẫn thắm tình hữu nghị như các cuộc tranh đua thể thao Olympic, hoặc tranh đua trong học tập nhưng vẫn giúp nhau tiến bộ. Nếu cá thể nào đó mang tâm tư yêu mình nhiều hơn, tranh đua sẽ biến thành ganh đua: Ở đây lại có mùi ghen tị, ganh ghét, và đương nhiên loại ganh đua sẽ bị bài xích...

Trong môi trường huyết thống trực hệ, tình yêu vì mình sẽ làm gia đình xáo trộn: Vợ chồng khinh thường nhau, anh chị em ganh tị nhau, cha mẹ bỏ mặc con cái, ông bà xa cách cháu chắt...
Rất may, yêu mình tuy vẫn tồn tại nhưng cường độ trong mỗi cá nhân không lớn.

Định lý 4: Tình yêu chính mình luôn luôn nhỏ hơn tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng hay tình yêu cha mẹ.
Nhờ tình yêu vì mình có cường độ nhỏ, bản thân có thể hy sinh vì con cái, hay hy sinh vì vợ chồng hoặc hy sinh vì cha mẹ, bởi cốt lõi tình yêu là hy sinh!

Kẻ yêu mình nhiều hơn (vị kỷ = chỉ vì mình) là kẻ ích kỷ (chỉ biết lợi cho bản thân mình). Với các cá nhân nầy, việc hy sinh lại là hy sinh người khác cho bản thân lợi!

Nêu ra thì dễ, nhưng tự xét lòng mình có thực hiện được hay không thì mới khó! Hãy đặt bài toán: Chỉ có 1 cơ hội sống duy nhất, bản thân mình có hy sinh, nhường phần cơ hội đó cho con, hoặc cho vợ (chồng), hoặc cho cha (mẹ) không? Đây là bài toán về nhân cách mà mỗi cá nhân đều phải tự hoàn thiện mình. Nhớ rằng nhân cách cũng phát triển theo thời gian, trừ những cá nhân cùng hung cực ác, luôn luôn ích kỷ, còn đa số mỗi người thì suy nghĩ đều có thể thay đổi, và đến một giờ phút nào đó trước lúc hy sinh vẫn mong muốn cho người thân của mình được tốt đẹp hơn.

Bài viết chỉ là suy nghĩ riêng tư của tác giả, nhưng kết quả dựa trên số đông. Nếu bạn đọc không đồng ý, có lẽ... bạn đọc thuộc nhóm cá biệt.

Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến