Translate

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Nút giao khác mức ở Hà Nội

      1-  Đất nước đang chuyển mình, đâu đâu cũng có công trình xây dựng, mà nổi bật nhất là xây dựng các tuyến giao thông trên cả nước: Mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng các tuyến cao tốc bắc – nam cùng các nhánh.
    Tôi có dịp lướt trên tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương năm ngoái (2014), cảm giác thoải mái: xe cứ bon bon với tốc độ trung bình 100 km/ giờ, chả quẹo trái quẹo phải gì, cứ thẳng hướng mà chạy trên đường một chiều… Cao tốc cho ta tiết kiệm thời gian di chuyển, mà quan trọng hơn, nhờ không có các nút giao thông cùng việc cấm các loại xe 2, 3 bánh nên độ an toàn rõ ràng được nâng cao hơn.
    Đương nhiên nối vào cao tốc là những đường dẫn, tại các ngõ vào ra nầy tốc độ xe phải chậm lại, và các lối rẽ (cùng mức) tại đó không được tính là nút giao của cao tốc. Trên đường cao tốc (SG-TL), có lúc là những đoạn cầu dài để vượt qua quốc lộ 1 hay tỉnh lộ khác bên dưới, đương nhiên những lúc ‘đường chồng đường’ như thế cũng không được xem là nút giao của cao tốc.


2-    Trong những ngày này (4/2015), báo chí lại giới thiệu Hà Nội đang xây đoạn nối dài quốc lộ 5. Trong các hình ảnh minh họa đi kèm, tôi nhìn ra nút giao thông khác mức thật hoành tráng như sau:

Tuyến đường 5 kéo dài có 3 nút giao là Xuân Canh, giao với quốc lộ 3 (Hải Bối, Đông Anh) và nút giao với đường Võ Nguyên Giáp ra cầu Nhật Tân, trong đó điểm nhấn là nút giao với đường Võ Nguyên Giáp.

- Nút giao là nơi từ tuyến đường nầy có thể sang tuyến đường khác.
- Nút giao khác mức là nút giao thông không cùng độ cao. Hình minh họa bên trên.
Nút giao thông khác mức chỉ xây dựng trên những tuyến đường lớn (nhiều làn đường) và cho phép tốc độ cao. Nút giao khác mức với các đường dẫn riêng cho phép lưu thông một chiều.
Cũng trong thời gian nầy, Đà nẵng khánh thành nút giao khác mức Ngã ba Huế. Tại đó đến 3 mức độ cao. Trên khắp cả nước cũng có nhiều nút giao thông khác mức, tùy theo cấu trúc tuyến giao (ngã ba, hay ngã tư, ngã năm…) mà nút giao khác mức có thiết kế các đường dẫn khác nhau. Nút giao hình bên trên (Đường 5 nối dài – Võ Nguyên Giáp. Hà nội) là một nút giao chuẩn hình hoa thị.

1-     Tôi học trung học cấp 2 dạo cuối thập kỷ 60 tại Huế. Môn học Anh văn với cuốn English For Today (từ 1 đến 6). Hình như ở cuốnHHình như ở cuốn 2 hay 3 gì đó, với bài Superhighway (siêu xa lộ) thì hình minh họa cũng có nút giao khác mức như trên. Lúc đó tôi (con nít) đương nhiên thán phục và tò mò về cách đổi tuyến (rẽ phải, trái, lùi) qua nút giao hình hoa thị ấy. Năm mươi năm sau, đất nước Việt Nam mới có các nút giao khác mức như ước mơ hồi nhỏ.

[Tôi không rõ các đường 5 kéo dài và Võ Nguyên Giáp tại nút giao khác mức ở hình trên có phương hướng thế nào.] Nên tạm gọi tuyến đường 5 theo trục tung, tuyến Võ Nguyên Giáp theo trục hoành. Từ trên cao nhìn xuống, đường 5 nằm trên và có 4 đường dẫn hình cung tròn cho phép lái xe rẽ trái (từ đường 5 kéo dài qua Võ Nguyên Giáp và ngược lại. Trên hình, thấy có 2 xe đang rẽ trái từ đường Võ Nguyên Giáp sang đường 5 kéo dài). Phía ngoài các đường dẫn hình cung tròn là các đường dẫn rẽ phải. Muốn quay ngược đầu, phải thực hiện hai lần rẽ trái.
Đường 5 kéo dài như hình trên có dãi phân cách 2 chiều khá rộng. Trên mỗi chiều thấy có 4 làn xe: 3 làn sát dãi phân cách cho xe cơ giới, làn ngoài rộng hơn cho xe thô sơ. (Nếu ở cao tốc, làn ngoài là làn dừng khẩn cấp).

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Kỹ thuật CRISPR: Kỹ thuật cắt dán gen

(Bài viết nầy tôi dẫn giải theo hiểu biết riêng, và trình bày gọn để bạn đọc phổ thông có thể hiểu vấn đề được. Bs Trương Phú)

1- Miễn dịch của vi khuẩn đối với virus.
Ta đã biết virus (siêu vi) chuyên tấn công các tế bào, vậy tế bào vi khuẩn cũng bị giết bởi virus. Tuy nhiên trong một quần thể vi khuẩn đang bị virus tấn công, chắc chắn sẽ có một hai vi khuẩn chống lại được virus nầy. Cơ chế vi khuẩn chống virus như sau:

a-    Trên DNA của vi khuẩn, có những đoạn gen giống hệt nhau và cách nhau bởi những khoảng trắng (spacer), gọi là CRISPR viết tắt từ tiếng Anh: "Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats" = "trình tự sắp xếp kiểu lặp đi lặp lại xen khoảng trống". Người ta nhận thấy rằng chuỗi CRISPR luôn đi kèm với một số bộ gen phân bố ở vị trí gần đó. Họ gọi những gen này là Cas gen, những gen có liên qua tới CRISPR và có khả năng mã hóa enzymes cắt DNA.

b- Khi một virus tấn công vi khuẩn, tế bào chủ sẽ tóm lấy một ít vật liệu di truyền của virus, vi khuẩn tự cắt chuỗi DNA của chính chúng và chèn đoạn mã di truyền vào các "khoảng trắng". Một khi vùng CRISPR đã được điền DNA của virus vào, nó sẽ trở thành một bộ sưu tập giúp vi khuẩn sẽ nhận dạng virus trong những lần "gặp gỡ" sau đó.


c-    Ở cuộc tấn công tiếp theo, vi khuẩn sẽ sao chép vật liệu di truyền trong khoảng trắng thành 1 RNA mới. Đoạn RNA này sẽ cùng với Cas enzymes trôi trong tế bào. Nếu nó bắt gặp vật liệu di truyền từ virus đang tấn công trùng khớp với RNA CRISPR, chúng sẽ thít chặt vào nhau. Khi đó, Cas enzymes sẽ cắt DNA của virus ra thành 2 đoạn nhằm ngăn chặn nó sao chép.

 2- Các ghi chú từ ngữ:
- DNA, Axit Deoxyribo Nucleic. Cặp nối kết là A-T và C-G
- RNA, Axít Ribo Nucleic. Cặp nối kết là U-T và C-C
- Tùy loài vi khuẩn mà CRISPR và Cas khác nhau, nghĩa là có vô số chủng loại CRISPR-Cas. Vd Hệ thống Cas9 của vi khuẩn Streptococcus pyogenes.
- Cần lưu ý: kỹ thuật nầy ở cấp tế bào, nghĩa là nếu ứng dụng cho con người, nghĩa là nhà khoa học phải cắt và dán từng đoạn gen tỉ mỉ trong một tế bào phôi, trước khi gieo vào lòng tử cung người mẹ.

3-    Ứng dụng: Kỹ thuật CRISPR cắt ghép gen:
Như mô tả ở trên, kỹ thuật CRISPR do vi khuẩn làm cả tỉ năm trước, đến nay (2013) con người mới hiểu và bắt chước! [Mà bắt chước, nhóm giáo sư trong hình được thưởng 3 triệu đô la đấy nha]
Từ trái sang phải, CEO Twitter Dick Costolo, giáo sư Emmanuelle Charpentier đến từ Đại học Ulmea, giáo sư hóa học Jennifer A. Doudna đến từ Đại học Berkeley và diễn viên Cameron Diaz tại đêm trao giải thưởng Breakthrough Prize tại trung tâm nghiên cứu của NASA vào hôm 9/11/2014

a-    Cắt đoạn DNA: phụ trách là các Cas enzyme
b-    Cắt tại vị trí chính xác: Cần một đoạn RNA có cùng trình tự với đoạn DNA muốn cắt. (như mô tả ở 1-c). Cas enzyme sẽ so sánh đoạn RNA với DNA, chỉ có đoạn DNA nào khớp với đoạn RNA lập tức sẽ bị cắt ra.
c-     Ghép gen mới: Cần đoạn DNA ghép vào khoảng trắng (như mô tả ở 1-b). Cas enzyme cứ vơ lấy đoạn DNA cần ghép, cắt và dán vào khoảng trắng của gen.


Nếu pháp luật cho phép, tương lai con người có thể kiểm tra từng gen trong tế bào phôi (để sửa các gen gây bệnh) trước khi cho người mẹ mang thai.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Ngừa và giảm cận thị ở tuổi đang lớn

(Tôi viết bài nầy với tư cách là một bác sĩ, và trong bài viết, tôi sẽ phân tích rõ cơ chế xảy ra tật cận thị cùng các biện pháp ngừa hay giảm độ cận.)


1- Đa số cận thị là tật bẩm sinh. Tôi đã có bài viết về các tật khúc xạ trên blog nầy trước đây.
 
H- 1
Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá (tăng hội tụ), hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc. Xem hình H- 1 trên.
Một thấu kính lõm phù hợp có thể giúp điều chỉnh hình ảnh về đúng võng mạc. Xem hình H- 1 dưới.

2- Nhưng người ta cũng ghi nhận nhiều trường hợp cận thị mắc phải, (không phải bẩm sinh), và có nơi như một “đại dịch”, ví dụ 96% thanh niên 20 tuổi ở Hàn quốc đều mắc tật cận thị.
So sánh số liệu năm 1955 (60 năm trước), tỉ lệ trên là 18%. Kết luận tật cận thị ở thanh niên Hàn quốc chịu ảnh hưởng môi trường.  
[Trích báo Thanh niên: Câu trả lời cho 'đại dịch cận thị': ánh nắng


Hóa ra bên cạnh các nguyên nhân khiến tật cận thị tăng như nhìn gần nhiều quá, nhìn thiếu ánh sáng… giờ có thêm mục nhìn thiếu ánh nắng? Có thật thế không?

3- Nguyên nhân thật sự của việc tăng nhiều người mang tật cận thị:
Bạn đã nghe từ ngữ “mắt điều tiết”. Tôi mô tả việc mắt điều tiết như sau:
- Khi ánh sáng mạnh quá, mí mắt khép lại (nheo mắt) để ngăn cản bớt tia sáng vào mắt, đồng thời con ngươi (đồng tử) cũng co hẹp lại.
- Và trong bóng đêm (thiếu ánh sáng), con ngươi lại mở lớn.

Hai mục nhỏ trên là nói về sự điều tiết của mắt dưới cường độ ánh sáng thay đổi, phụ trách bởi đồng tử. Hai mục trên không được chú ý nhiều.

-  Với mắt bình thường, nhìn trên 6m, mắt không điều tiết [Vì lý do nầy nên bảng đo mắt buộc treo ở vị trí cách mắt người được khảo sát 6m].
Khi nhìn gần (dưới 6 mét), tia sáng đến mắt xem như không còn song song nữa, mà tia sáng biến thành phân kỳ. Vì thế thủy tinh thể bắt đầu co lại để tăng độ hội tụ. Mắt điều tiết khi nhìn gần là thủy tinh thể co lại.
Càng nhìn gần, thủy tinh thể co càng nhiều.

Còn khi nhìn gần chuyển qua nhìn xa quá 6m, thủy tinh thể tự động dãn về mức không co. (mức không điều tiết).

            Vậy điều tiết của mắt là (con ngươi thu nhỏ lại và) thủy tinh thể dày lên để tăng độ hội tụ giúp mắt nhìn rõ vật ở gần.

Nếu nhìn gần trong thời gian dài, thủy tinh thể vì “quen” độ co lớn, chưa dãn về bình thường khi nhìn xa nên nhìn mờ. Đây là cận thị tạm thời hay cận thị thoáng qua, nghĩa là chỉ cần để mắt nghỉ ngơi thời gian ngắn (ví dụ ngủ) thì trở lại bình thường.

Tùy từng người (và tùy nơi tùy lúc) mà cận thị tạm thời nầy kéo dài hay ngắn (vài tháng, vài tuần, vài ngày hay vài giờ).

Trong giai đoạn nầy (thời gian ngắn nầy) lại đi đo mắt và đeo kính cận thị, tình trạng “cận thị tạm thời” có khả năng trở thành tật cận thị vĩnh viễn.
\

4- Ngừa và giảm mắc phải tật cận thị:
Trong mục nầy tôi sẽ nêu rõ từng vấn đề hay gặp và biện luận kỹ các cách ngừa.

a-     Khi nào là cận thị bẩm sinh? Xảy ra từ bé (3 - 5 tuổi) đã nhìn xa không rõ, đo mắt thường độ cận rất cao: trên 5 độ (và có thể kèm các tật bệnh về mắt khác).

b-     Cận thị là tật hay bệnh? Là tật, vì đấy là khiếm khuyết của cơ thể, nhưng vẫn không ảnh hưởng sức khỏe chung.

c-      Khi nào là cận thị mắc phải? Trẻ từ 10 tuổi trở lên mới nhìn xa không rõ, thường có thể là cận thị mắc phải. Độ cận đa số nhẹ nhàng: dưới 3 độ.

d-     Cận thị mắc phải là gì? Là tật nhìn xa không rõ bởi thủy tinh thể co tốt (nhìn gần rõ) mà dãn trở lại như cũ không tốt. Khởi đầu của tất cả tật cận thị mắc phải là tình trạng “cận thị tạm thời”, nghĩa là bị tật cận thị trong thời gian ngắn khi hoạt động trong phòng chật và thiếu ánh sáng.

e-     Tại sao làm việc lâu trong phòng chật và thiếu ánh sáng dễ mắc tật cận thị?

- Mắt nhìn trong phòng thiếu ánh sáng, con ngươi sẽ mở to hơn. Mà con ngươi càng mở to, nhìn càng nhòe không rõ! 

[Ví dụ khi ta nhìn vật không rõ, nên đưa mắt nhì qua bàn tay khum thành ống, mà phía cườm tay co thành lổ nhỏ, khi đó ta sẽ nhìn rõ hơn]. Khi đó, mắt buộc phải co thêm thủy tinh thể!

- Mắt làm việc trong phòng chật (tầm nhìn < 6m) đương nhiên phải điều tiết = co thủy tinh thể. Làm việc trên bàn, vd đọc sách, thì càng tệ vì cự ly nhìn giờ còn vài tất, thủy tinh thể lại co rút mạnh thêm.

- Làm việc lâu 5 - 10 giờ trong 2 điều kiện nêu trên, thủy tinh thể như quen độ co cực đại, thành ra khi nhìn vật quá 6 mét, thủy tinh thể nhất thời khó dãn trở lại hết mức, nghĩa là nhìn xa hơi nhòe, tật cận thị tạm thời xuất hiện.

f-      Ngừa tật cận thị giai đoạn sớm như thế nào?

- Trừ lúc ngủ, ngoài ra các phòng trong nhà đều tràn ngập ánh sáng khi làm việc. Điều nầy hiện nay quá dễ!

-  Làm việc trong phòng là chuyện đương nhiên, nên hạn chế đọc chữ nhỏ li ti (fontSize < 10). Tăng thời lượng tiếp xúc thiên nhiên (hay tầm nhìn xa). Ví dụ sau 1 – 2 làm việc với màn hình, nên đứng cạnh cửa sổ nhìn xa…

- Nếu xuất hiện nhìn xa không rõ, mà sau thời gian vài tuần tăng thời lượng nhìn tầm xa, thị lực vẫn kém, khi ấy chấp nhận đeo kính (theo máy đo),
Nghĩa là lúc đó chấp nhận có tật cận thị.

Ví dụ: Bé trai A 15 tuổi, thủy tinh thể (TTT) dãn và co tốt, độ co từ 0 – 10, dãn 0 là nhìn xa tốt, co 10 là nhìn rất gần tốt. Một thời gian sau do ham chơi game, bé A có TTT co 10 (nhìn rất gần tốt ) nhưng dãn 1 (nhìn xa kém). Lúc nầy, nếu cho bé A chăn bò, thời gian sau hy vọng bé A có TTT độ co từ 0 – 10 = nhìn xa lại phục hồi.

Nhưng cha mẹ bé A không đưa bé đi chăn bò, mà cho đeo kính cận thị dãn -1 …

g-     Giảm cận thị sau đó thế nào?
Chỉ khi nhìn xa (không rõ) mới đeo kính. Không đeo kính cận thường xuyên.

Trở lại bé trai A, TTT dãn 1 và co 10, đeo kính dãn -1. Bé trai A đã nhìn xa lại rõ (vì -1 bù với 1) thành mức 0 nhìn xa. Bé vẫn đeo kính thường xuyên và chơi game tiếp. Vì đeo kính -1, lại nhìn gần, TTT co 10 nhìn chưa nét (vì 10 -1 = 9) nên TTT phải ráng co thêm 1 thành 11.

Thời gian nửa năm sau, vì TTT co đến 11 nên dãn giờ lại thành 2, bé bắt đầu nhìn xa kém, hay cận thi bé A đã tăng độ!

Đa số mọi người một khi đeo kính cận thường đeo kính thường xuyên, vì cứ ngỡ nhìn gần (qua kính) vẫn rõ ràng, mà không biết khi nhìn gần, mắt phải hội tụ cao độ, lại đeo thêm kính phân kỳ, càng tăng gánh nặng cho mắt, bắt mắt tăng độ hội tụ. Mà thủy tinh thể càng co lâu thì dãn trở lại càng kém. Cho nên chính việc đeo kính cận thường xuyên là nguyên nhân việc tăng độ cận.

Ngừa tăng độ cận với việc: ánh sáng đầy đủ khi làm việc, (tốt nhất là nhìn màn hình!). Thường xuyên nhìn xa (tạo điều kiện thủy tinh thể dãn hết mức). Và quan trọng nhất, không đeo kính cận thường xuyên (khi nhìn gần).

Tham khảo: Cận thị, viễn thị và lão thị

BS Trương Phú 10/4/2015


Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Xung đột giữa 2 dòng Hồi giáo: Sunni và Shiite



1-     Phân bố địa lý 2 dòng Hồi giáo.


Các quốc gia Hồi giáo: hệ phái Shiite màu đỏ; hệ phái Sunni màu lục.

Thế giới có 1,6 tỉ người Hồi giáo, 85% là người Sunni và số còn lại là người Shiite. Người Shiite chiếm đa số tại Iran, Iraq, Bahrain và Azerbaijan. Các nước có cộng đồng người Shiite tương đối lớn là Afghanistan, Ấn Độ, Kuwait, Lebanon, Pakistan, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Còn người Sunni chiến đại đa số ở hơn 40 quốc gia từ Morocco cho tới Indonesia.
2-     Lịch sử xung đột: Cũng như các tôn giáo khác, vì quyền lợi của tầng lớp tăng lữ lãnh đạo, Hồi giáo dần dần chia thành nhiều hệ phái khác nhau, mà gom lại thuộc về 2 dòng chính là Sunni và Shiite. Các tranh chấp giữa 2 dòng nầy kéo dài từ thời Tiên tri Muhammad mất (năm 632) do tranh giành quyền kế vị.
Trước năm 1979, chính quyền các quốc gia Hồi giáo đều nằm trong tay dòng Sunni, dù là những nước Hồi giáo có người Shiite chiếm đa số. Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đã biến Iran thành nước Hồi giáo duy nhất dòng Shiite lãnh đạo.
Iraq thời Saddam Hussein: thiếu số Sunni cai trị đa số Shiite. Do chính quyền Saddam Hussein mạnh nên các xung đột trong nước sớm bị dẹp tan. Iran (Shiite) sớm gai mắt  Saddam Hussein nên 2 nước Iran, Iraq đã khai chiến (1980 – 1988).
Sau 1979, Mỹ vừa ghét Iran (chống Mỹ), vừa ghét Saddam Hussein. Nhân vụ Iraq chiếm Kuwait, Mỹ đánh Iraq, lần 2 năm 2003 thì chính quyền Saddam Hussein sụp đổ. Phái Shiite (đa số trong nước) lên nắm quyền (cho đến hiện tại), nhưng chính quyền Iraq mới quá yếu. Lính cũ Saddam Hussein (thiểu số Sunni) giờ bị xua đuổi, phân biệt đối xử nên tức giận, thành lập Nhà nước Hồi giáo ( IS, 29/6/2014) để giành lại quyền lãnh đạo.

3-     Tương lai vùng Trung Đông: Xung đột giữa 2 dòng Sunni và Shiite đã mở ra trên quy mô lớn.
Ngoài Iran và Iraq đã nhắc trên, dòng Shiite còn chiếm đa số tại Bahrain và Azerbajan. Bahrain là một ví dụ điển hình của tình hình trên trong những cuộc biểu tình tại Trung Đông thời gian qua.. Dù người Shiite chiếm 2/3 dân số nhưng chính quyền lại nằm trong tay người Sunni. Khi các cuộc biểu tình nổ ra, chính phủ nghi ngờ lòng trung thành của cộng đồng Shiite. Trong khi đó, một bộ phận khác lại cảm thấy bị xúc phạm trước tình hình người Sunni và người Shiite chống đối nhau. Nhiều người Shiite phản ứng về sự bị phân biệt đối xử, không được tuyển vào quân đội hoặc không có khả năng nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính phủ.
·        Dòng Shiite hiện tại được đại diện bởi Iran. Nước nầy mong muốn dòng Shiite sẽ nắm quyền lãnh đạo ở các nước khác, chí ít là nước Hồi giáo có đông dòng Shiite. Vì thế người ta nghi ngờ việc Iran (có hay không) đứng đằng sau các cuộc nổi dậy của phiến quân ồi gia1oH Hồi giáo ở các nước trong vùng Vịnh.
·        Mà dòng Sunni đông dân trên thế giới, tại vùng Trung Đông cứ xem Saudi Arabia là đại diện. Điều nầy cũng có nghĩa là Saudi Arabia căm ghét Iran. Không những thế, các quốc gia Hồi giáo khác trong vùng đều dè chừng Iran: xuất khẩu cách mạng đưa dòng Shiite lại lên ngôi như đã thành công ở Iraq!
Vì những đan xen phức tạp như thế, cho nên hiện tại ta thấy nhiều chuyện oái oăm:
-        Khi IS (Sunni) lan rộng ở Iraq và Syria, Mỹ muốn lập liên minh chống IS, các nước Hồi giáo Sunni “uể oải” tham gia. Còn Iran (Shiite) muốn diệt IS lại không được mời vì Mỹ ghét! Còn hiện tại 4/2015, chính quyền Iraq (Shiite) lại chơi thân Iran (quên cựu thù), mời bộ binh Iran hổ trợ chống lại IS.
-        Và tương tự IS, nhóm Houthi (Shiite) giờ đang chiếm gần toàn bộ đất nước Yemen. Điều nầy khiến khối đa số Sunni nóng mặt, Saudi Arabia lập tức dẫn liên quân thả bom ngay nhóm Houthi, cố ngăn chận một nhà nước Shiite… thứ 3.
Nghĩa là hiện giờ (4/2015) đang có 2 nhóm Hồi giáo (IS và Houthi) hành động mang tính lập quốc, ảnh hưởng đến quốc tế. Có 2 liên minh đang lái máy bay thả bom ngăn chận 2 nhóm Hồi giáo nầy.
Các hành động man rợ (giết người) hay phá hoại (di tích văn hóa)… của các nhóm Hồi giáo cực đoan phải bị cả thế giới lên án, và loại bỏ. Tuy nhiên việc hình thành các tổ chức nầy lại có gốc tích ngay trong lòng xã hội các nước Hồi giáo (Trung Đông)! Vì thế, giải quyết tận gốc Hồi giáo cực đoan, phải xem nhiệt độ của xung đột giữa 2 dòng Sunni và Shiite. Có Thánh mới giải quyết được chuyện nầy!






Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Cân bằng moment động lượng trên máy bay trực thăng.

1- Máy bay trực thăng đơn giản nhất có cánh quạt chính trên nóc máy bay, và một cánh quạt nhỏ ở đuôi.

Cánh quạt chính quay mạnh tạo ra lực nâng máy bay trực thăng, moment động lượng sinh ra sẽ làm máy bay quay khác chiều với cánh quạt. Cánh quạt nhỏ ở đuôi khi quay sẽ tạo ra lực đẩy ngang, cân bằng với moment động lượng làm máy bay ổn định. Đương nhiên cánh quạt nhỏ sẽ có tốc độ thay đổi theo sự điều khiển của phi công nhằm đổi hướng.

Loại trực thăng thiết kế với quạt chính và quạt đuôi là loại trực thăng phổ biến nhất.
Tuy quạt đuôi nhỏ và có vẻ không mấy quan trọng, nhưng khi máy bay trực thăng đang bay, nếu quạt đuôi ngừng quay (hay máy bay trực thăng rụng đuôi), phi công mất điều khiển và máy bay tự quay. Phi công chỉ cố gắng điều khiển máy bay trực thăng hạ khẩn cấp và mọi việc sau đó nhờ trời…

2- Máy bay trực thăng có 2 quạt chính trước và sau.
Đó là chiếc Chinook CH – 47 của quân đội Mỹ.
Hai quạt chính cùng công suất nên moment động lượng sinh ra triệt tiêu lẫn nhau. Vì có 2 quạt chính mạnh, tốc độ của Chinook lên đến 300 km/giờ. (Thông thường máy bay trực thăng có tốc độ quanh 200 km/giờ)

3- Máy bay trực thăng có 2 loại cánh quạt: phía trên để nâng và 2 bên để đẩy tới.
Đó là chiếc X3Eurocopter (của Châu Âu).
Vì có 2 quạt bên nên không cần bố trí thêm quạt đuôi. Quạt bên phải quay nhanh hơn một chút là đủ cân bằng với moment động lượng. Máy bay X3Eurocopter có tốc độ nhanh nhất trong dòng trực thăng: 472 km/giờ.

4- Máy bay trực thăng biến thành máy bay cánh quạt: Đó là chiếc V – 22 Osprey.
Lúc V – 22 Osprey cất cánh, 2 quạt hướng lên trời. Moment động lực triệt tiêu lẫn nhau.
Lúc di chuyển, 2 quạt bẻ gập 90o hướng về trước và hoạt động như một máy bay cánh quạt với 2 cánh thân dang rộng sẵn có.
Đây là loại máy bay vận tải đặc nhiệm quý giá của quân đội Mỹ.

5- Máy bay trực thăng có 2 quạt chính trên cùng trục. Đó là Trực thăng Ka-52 Alligator của Nga.
Hai quạt cùng tốc độ, quay ngược chiều nhau nên moment động lượng triệt tiêu. Máy bay Ka – 52 không cần quạt đuôi. Đây là trực thăng chiến đấu hiện đại của quân đội Nga.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Vài thông tin về Cá Ngựa

Trích từ báo mạng: huffingtonpost.com/science/

1- Ngụy trang giống môi trường:


2- Cá Ngựa đực đẻ con: Ngược đời khi giao phối là Cá Ngựa cái lại xịt trứng vào túi chứa của Cá Ngựa đực. Cá Ngựa đực lập tức tưới tinh dịch để thụ tinh đám trứng, ấp trứng và đẻ con.

3- Cá Ngựa đực và cái trước khi giao phối thường múa cùng nhau cả buổi.

4- Cá Ngựa không có răng và dạ dày:
Chúng dùng mũi hình ống để hút nước chung quanh chứa các động vật nhỏ. Thức ăn cứ đi lần trong ống tiêu hóa cho đến khi thải ra ngoài. Vì thế, hầu như Cá Ngựa hút thức ăn liên tục.


Trực tuyến

Mục lục Toàn bộ (theo thứ tự thời gian)

Trực tuyến